Làm thế nào để dạ dày khỏe mạnh?

Cho dù bạn thuộc team “ăn để sống” hay “sống để ăn”, bạn nhất định cần phải quan tâm đến dạ dày của mình, bởi lẽ nếu dạ dày không khỏe, không chỉ sức khỏe của toàn bộ cơ thể bị ảnh hưởng do không đủ dinh dưỡng và năng lượng, mà trên hết, thú vui trong việc ăn uống sẽ không thể nào trọn vẹn được.

Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Thị Mai Thanh, Bác sĩ Nội Tiêu hóa, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City

1. Hiểu về dạ dày cơ thể

Dạ dày không chỉ là nơi lưu trữ và tập trung những gì bạn ăn uống mà còn là bộ máy sẽ chuyển hóa các thức ăn này trước khi chúng được đưa xuống ruột và trở thành chất dinh dưỡng nuôi toàn bộ cơ thể. Hiểu nôm na, dạ dày giống như 1 chiếc hộp chứa thức ăn, nhưng chiếc hộp thần kỳ này còn có chức năng tiết ra dịch vị và nhào trộn, nghiền nát những thứ lưu trữ trong đó.

Dung tích tối đa dạ dày có thể chứa được là khoảng 1500ml. Để dễ hình dung bạn chỉ cần tưởng tượng như trong bụng mình đang có nguyên 1 chai nước khoáng 1,5 lít. Nhưng đương nhiên đó là dung tích tối đa và trước khi chúng ta ăn đến độ vượt quá sức chịu đựng của dạ dày, các dây thần kinh bên trong dạ dày sẽ gửi tín hiệu lên não để cơ thể điều chỉnh bạn nên dừng việc ăn uống lại.

Mặc dù được cấu tạo đến 5 lớp và được coi là một trong những bộ phận dẻo dai, bền bỉ nhất trong cơ thể bạn, nhưng nếu bạn không tránh xa những thứ gây hại sau đây, nhất định dạ dày sẽ kêu cứu.

Dạ dày cơ thể chúng ta và những điều cần biết
Dạ dày cơ thể chúng ta và những điều cần biết

2. Những nguyên nhân khiến bạn dễ gặp các vấn đề về dạ dày

Có một thực tế kỳ lạ là nhiều người nghĩ rằng các vấn đề về dạ dày chỉ có nguyên nhân là do ăn uống. Nhưng thực tế, những vấn đề về tâm lý mới là yếu tố chính làm gia tăng các bệnh về dạ dày. Tức là chúng ta có thể chia ra 3 nhóm “kẻ địch” có khả năng tấn công dạ dày là những yếu tố nguy cơ gây viêm loét dạ dày.

  • Nguyên nhân 1: do tâm lý

Có vẻ khó tin nhưng đường tiêu hóa là cơ quan có thể biểu lộ cảm xúc nhiều nhất. Tâm trạng căng thẳng và chán nản trong một thời gian dài sẽ gây ra rối loạn điều hòa thần kinh, làm suy yếu chức năng hàng rào bảo vệ của niêm mạc dạ dày, gây suy yếu chức năng dạ dày và dẫn đến bệnh dạ dày mãn tính. Cụ thể, hệ thống tiêu hóa được điều khiển bởi hệ thống thần kinh ruột - giao tiếp với hệ thống thần kinh trung ương. Khi có sự căng thẳng thì hệ tiêu hóa bị ngưng trệ do hệ thống thần kinh trung ương của bạn tắt lưu lượng máu làm ảnh hưởng đến quá trình bài tiết acid của dạ dày, cụ thể là làm tăng tiết acid nên bạn dễ bị bệnh dạ dày do stress, đặc biệt nhiễm vi khuẩn HP.

  • Thứ 2 là do Hút thuốc lá

Nicotin gây kích thích tiết cortisol dẫn đến làm tăng nguy cơ loét dạ dày. Thuốc lá làm giảm lưu lượng máu niêm mạc dạ dày, ức chế bài tiết chất nhầy (tức là chất bảo vệ niêm mạc ), làm giảm tái tạo tế bào nên loét lâu lành

  • Thứ 3 thói quen ăn uống không khoa học

Ăn uống không điều độ, không đúng bữa, ăn quá nhiều trong 1 bữa hoặc để cơ thể bị đói quá lâu rồi mới tiếp tục ăn, ăn các thực phẩm gây hại như đồ cay nóng, đồ chiên xào nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn nhiều muối như thịt xông khói, xúc xích, đồ lên men...uống rượu bia, cà phê... Tất cả đều làm thay đổi quá trình tiết dịch vị và co bóp của dạ dày. Giống như 1 nhà máy cần vận hành đúng quy trình để đảm bảo hiệu quả trơn tru, bạn bỏ qua hoặc làm sai quy trình, lại còn không bảo dưỡng định kỳ, đương nhiên, máy móc sẽ nhanh hỏng hóc.

Và những hệ lụy bạn sẽ phải đối mặt sẽ là: viêm dạ dày, xuất huyết dạ dày, trào ngược dạ dày hoặc thậm chí là ung thư dạ dày...

Hãy duy trì một lối sống lành mạnh bằng cách thiết lập chế độ ăn khoa học, ăn đúng giờ, đúng lượng cơ thể cần thiết và đúng những loại thực phẩm tốt nhất. Đặc biệt nên lưu ý chăm sóc cho tinh thần của mình thật tốt, đừng bao giờ để bị quá căng thẳng, lo âu, mất ngủ hoặc quá tải với bất cứ cảm xúc tiêu cực nào. Điều này không chỉ khiến dạ dày của bạn biết ơn bạn, mà tất cả mọi cơ quan khác trong cơ thể, chắc chắn cũng đều biết ơn bạn rất nhiều.

Đặc biệt, khi có những dấu hiệu của bệnh đường tiêu hóa, bạn nên tới gặp bác sĩ để được kiểm tra nhằm có những tư vấn và điều trị kịp thời.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan