Lưu ý trong tháo thụt làm sạch đại tràng trước khi nội soi

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Võ Thị Thùy Trang - Bác sĩ Nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Tháo thụt đại tràng là thủ thuật đưa nước vào đại tràng qua đường hậu môn nhằm làm mềm, lỏng các cục phân cứng và làm thành ruột nở rộng, kích thích co lại để đẩy phân ra ngoài. Thủ thuật làm sạch đại tràng được thực hiện để quá trình nội soi đại tràng diễn ra thuận lợi, giúp bác sĩ quan sát một cách kỹ càng, thu được kết quả chẩn đoán chính xác.

1. Thụt tháo đại tràng là gì?

Đại tràng dài 1,5m, có đường kính rộng khoảng 4 – 6cm, nằm đóng khung trong ổ bụng. Đại tràng có chức năng hấp thu nước, làm cô đặc phân, hấp thụ một số loại thuốc, glucose và muối khoáng. Đại tràng chia làm 2 phần:

  • Đại tràng phải: Dài khoảng 55cm, gồm manh tràng, đại tràng lên, nửa phải của kết tràng ngang;
  • Đại tràng trái: Dài khoảng 1,2m, gồm nửa trái của đại tràng ngang, đại tràng chậu hông và trực tràng.

Thụt tháo là kỹ thuật đưa nước qua trực tràng vào kết tràng để làm mềm lỏng những cục phân cứng, đồng thời giúp thành ruột nở rộng. Thành ruột được kích thích sẽ co lại, đẩy phân và hơi ra ngoài.

2. Chỉ định và chống chỉ định tháo thụt đại tràng

2.1 Chỉ định

Tiêu chảy khi mang thai có nguy hiểm?
Tháo thụt đại tràng được chỉ định cho bệnh nhân táo bón lâu ngày
  • Bệnh nhân táo bón lâu ngày;
  • Trước khi phẫu thuật ổ bụng, đặc biệt là phẫu thuật đại tràng;
  • Trước khi nội soi ổ bụng, đại tràng, trực tràng;
  • Trước khi chụp X-quang đại tràng có bơm thuốc cản quang, chụp ổ bụng có chuẩn bị;
  • Trước khi sinh đẻ;
  • Trị táo bón;

2.2 Chống chỉ định

  • Người bệnh quá mẫn cảm với các họa chất hoặc thành phần của thuốc;
  • Bệnh nhân viêm ruột thừa;
  • Bệnh nhân viêm ruột, có nguy cơ bị thủng ruột như thương hàn hoặc viêm hoại tử ruột;
  • Người bệnh tắc xoắn ruột;
  • Người bệnh tổn thương hậu môn, trực tràng.

3. Chuẩn bị trước khi tháo thụt làm sạch đại tràng

3.1 Lưu ý cho người bệnh và điều dưỡng viên

  • Thông báo cho người bệnh và người thân về thủ thuật sắp thực hiện, động viên bệnh nhân an tâm và cộng tác trong quá trình làm thủ thuật;
  • Hướng dẫn người bệnh những việc cần thiết;
  • Không tháo thụt làm sạch đại tràng vào giờ người bệnh ăn hoặc giờ thăm bệnh;
  • Nhắc người bệnh đi tiểu trước khi tháo thụt đại tràng.

3.2 Chuẩn bị dụng cụ

  • Điều dưỡng viên rửa tay, đội mũ, đeo khẩu trang trước khi chuẩn bị dụng cụ;
  • 01 bốc thụt có gắn ống cao su, trụ treo bốc thụt;
  • 01 kẹp;
  • 01 khay quả đậu;
  • 01 canuyn thụt hoặc ống thông hậu môn phù hợp với bệnh nhân;
  • 01 bình đựng nước ấm thụt, lượng nước tùy theo chỉ định, thông thường là 500 – 1500ml. Nước thụt là nước muối đẳng trương hoặc thuốc tím 10/00 hay nước đun sôi để nguội 37oC;
  • 01 tấm nylon, 1 vải đắp hoặc chăn;
  • 01 bô dẹt;
  • Vài miếng gạc, dầu nhờn và giấy vệ sinh.

4. Quy trình tháo thụt làm sạch đại tràng trước khi nội soi

Đối chiếu tên tuổi người bệnh với phiếu chỉ định tháo thụt đại tràng và hồ sơ bệnh án.

Thực hiện kỹ thuật:

  • Đưa dụng cụ đến nơi làm thủ thuật;
  • Lót tấm nylon dưới mông bệnh nhân;
  • Cho bệnh nhân nằm nghiêng trái, duỗi chân trái, co chân phải. Với người bệnh không tự chủ hoặc trẻ em thì có thể nằm ngửa;
  • Lấy canuyn thụt hoặc ống thông vào ống cao su của bốc thụt, kẹp ống lại;
  • Đổ nước vào bốc thụt;
  • Treo bốc thụt lên trụ, để cách mặt giường khoảng 60 – 80cm. Không treo quá cao vì sẽ làm nước chảy vào đại tràng với áp lực mạnh, gây kích thích nhu động ruột mạnh đẩy nước ra, không vào sâu trong ruột, ảnh hưởng xấu tới kết quả thụt và khiến bệnh nhân khó chịu;
  • Bôi trơn canuyn hoặc đầu ống thông;
  • Mở kẹp cho nước chảy vào khay quả đậu để loại bỏ không khí và nước lạnh trong ống ra ngoài, cùng lúc kiểm tra sự thông thoát của ống cao su, canuyn hoặc ống thông. Sau đó, điều dưỡng viên lại kẹp ống lại. Người thực hiện có thể kiểm tra lại nhiệt độ của nước thụt bằng cho vài giọt chảy lên mu bàn tay. Nếu thấy nóng quá hoặc lạnh quá thì cần điều chỉnh lại;
  • Bỏ vải đắp để lộ mông bệnh nhân, một tay vạch mông người bệnh lộ hậu môn, một tay nhẹ nhàng đưa canuyn hoặc ống thông vào hậu môn cho tới khi được 2/3 canuyn hoặc ống vào sâu 12 - 15cm;
Vì sao người bệnh phải ký cam kết trước khi làm phẫu thuật- thủ thuật?
Điều dưỡng viên đưa dụng cụ đến nơi làm thủ thuật
  • Trong khi đưa canuyn hoặc ống thông vào hậu môn, hướng dẫn người bệnh há miệng thở đều;
  • Nếu dùng canuyn thì lúc đầu cần hướng canuyn theo chiều hậu môn rốn tới khoảng 2 – 3cm rồi đưa canuyn hướng về phía cột sống;
  • Mở kẹp để nước chảy vào từ từ. Một tay phải của điều dưỡng viên luôn giữ canuyn hoặc ống thông để phòng ngừa canuyn hoặc ống thông bị bật ra ngoài;
  • Khi nước trong bốc chảy gần hết thì kẹp ống lại, nhẹ nhàng rút ống thông hoặc canuyn ra, dùng giấy vệ sinh bọc canuyn rồi để vào khay quả đậu hoặc lau sơ qua rồi bỏ vào thùng đựng dung dịch sát khuẩn;
  • Treo ống cao su lên trụ;
  • Cho bệnh nhân nằm ngửa, dặn người bệnh cố gắng kiềm chế, giữ nước trong ruột 10 – 15 phút;
  • Đưa bô hoặc giúp người bệnh đi ra nhà vệ sinh đại tiện, lau chùi sạch sẽ;
  • Quan sát chất thải sau đại tiện: Tính chất phân, chất nhầy, máu;
  • Đưa dụng cụ bẩn về phòng vệ sinh để xử trí theo quy định;
  • Trả các dụng cụ khác về vị trí cũ.

Ghi hồ sơ về ngày giờ thụt, lượng dung dịch thụt, kết quả thụt, tính chất phân và tên người thực hiện thủ thuật.

5. Theo dõi trong và sau tháo thụt làm sạch đại tràng

  • Trong lúc nước vào đại tràng, nếu bệnh nhân kêu đau bụng hoặc muốn đi đại tiện thì cần phải ngừng thủ thuật, không cho nước chảy vào và báo bác sĩ;
  • Theo dõi mạch, huyết áp, nhiệt độ, nhịp thở của bệnh nhân để phát hiện những thay đổi bất thường sau tháo thụt đại tràng;
  • Nếu có hiện tượng chảy máu hậu môn sau khi dùng thuốc tháo thụt cần xin ý kiến bác sĩ chỉ định.

Thực hiện tháo thụt làm sạch đại tràng là một quy trình cần thiết để giúp bác sĩ quan sát rõ ràng đại tràng, hỗ trợ quá trình nội soi thuận lợi hơn, cho kết quả chính xác hơn. Vì vậy, bệnh nhân nên thực hiện theo đúng hướng dẫn của nhân viên y tế trong quá trình tháo thụt đại tràng.

Với gần 20 năm làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng trong chuyên ngành nội tiêu hóa - Gan mật tụy, mỗi năm bác sĩ Võ Thị Thùy Trang tham gia nội soi hơn 1500 ca bao gồm: nội soi chẩn đoán các bệnh lý dạ dày, đại tràng như: phát hiện viêm, loét, polyp, ung thư, tìm vi khuẩn HP, phát hiện ung thư sớm đường tiêu hóa...; Nội soi điều trị như: Cầm máu trong xuất huyết tiêu hóa, thắt búi giãn tĩnh mạch thực quản trong xơ gan, cắt polype ống tiêu hóa qua nội soi...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

52.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan