Nguy hiểm nếu bị viêm túi mật hoại tử

Viêm túi mật hoại tử là một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm túi mật cấp tính. Tình trạng này cần được cấp cứu khẩn cấp và phẫu thuật ngay để điều trị các nhiễm trùng trước khi đe dọa tới tính mạng bệnh nhân.

1. Tổng quan về bệnh viêm túi mật hoại tử

1.1 Viêm túi mật là gì?

Túi mật là một túi nhỏ, nằm ở mặt dưới của thùy gan phải, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn của cơ thể. Viêm túi mật là tình trạng túi mật bị viêm, nhiễm trùng (chủ yếu là do sỏi túi mật hoặc do giun chui ống mật, khối u, tiểu đường, nhiễm vi khuẩn E.coli, chấn thương bụng vùng túi mật).

Theo tính chất, có 2 loại viêm túi mật là:

  • Viêm túi mật cấp tính: Xảy ra đột ngột, triệu chứng ban đầu là những cơn đau hạ sườn phải, do nguyên nhân túi mật bị nhiễm khuẩn và tắc mật. Bệnh nhân bị đau kéo dài, đau nhiều khi ho hoặc hắt hơi. Các triệu chứng đi kèm là buồn nôn và nôn ói, chán ăn, sốt, vàng da,...;
  • Viêm túi mật mãn tính: Là tình trạng viêm túi mật tái đi tái lại nhiều lần. Khi viêm túi mật cấp tính thoái lưu thì có thể chuyển sang viêm túi mật mạn tính hoặc không. Các triệu chứng tuy không nặng nhưng kéo dài dai dẳng. Biểu hiện gồm: Đầy tức bụng trên, đau bụng âm ỉ, tức ngực, mệt mỏi, chán ăn,...

1.2 Viêm túi mật hoại tử là gì?

Viêm túi mật hoại tử là tình trạng chết một phần mô của túi mật do nguyên nhân nhiễm trùng hoặc viêm (liên quan tới sỏi mật hoặc giun chui ống mật). Viêm túi mật hoại tử là một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm túi mật cấp tính. Cụ thể, khi túi mật bị viêm, áp lực bên trong túi mật tăng cao và đè ép vào mạch máu cung cấp máu cho túi mật. Từ đó, máu sẽ không thể đi tới túi mật và mô, dẫn tới hoại tử các tế bào. Các tế bào sẽ chết đi vì không có đủ máu nuôi dưỡng.

Tình trạng viêm túi mật dẫn tới hoại tử túi mật thường xảy ra ở nam giới và những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch và mắc chứng tăng bạch cầu. Những yếu tố nguy cơ khác gồm: Tiểu đường, có mức CRP cao hoặc mắc các bệnh lý trầm trọng khác.

Bệnh nhân viêm túi mật hoại tử cần phải được phẫu thuật cắt túi mật để tránh những biến chứng đe dọa tới tính mạng.

Hình ảnh viêm túi mật hoại tử ở bệnh nhân
Hình ảnh viêm túi mật hoại tử ở bệnh nhân

2. Triệu chứng viêm túi mật hoại tử

Khi túi mật có dấu hiệu hoại tử, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng sau:

  • Đau dữ dội phía hạ sườn phải, đau nhiều hơn sau khi ăn. Sau đó, cơn đau có thể lan ra quanh vùng bụng hoặc thậm chí cả ở vai hoặc tay;
  • Buồn nôn và nôn ói thường xảy ra khi gan sản xuất một lượng mật lớn nhưng cơ thể bệnh nhân lại không lưu trữ được dịch mật và tiêu hóa được thức ăn. Người bệnh sẽ bị đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn và nôn liên tục;
  • Vàng da xảy ra khi túi mật bị hoại tử nên không lưu trữ được thêm dịch mật. Điều đó khiến sắc tố mật tràn vào máu rồi thấm qua da và niêm mạc mắt, gây vàng da, vàng mắt;
  • Tiêu chảy và nôn mửa cũng là dấu hiệu của viêm túi mật hoại tử. Người bệnh thường bị tiêu chảy sau khi ăn, đặc biệt là khi ăn những thực phẩm có hàm lượng chất béo cao. Tình trạng tiêu chảy có thể kéo dài vài giờ tới vài ngày;
  • Sốt cao hoặc ớn lạnh cũng là triệu chứng phổ biến của bệnh hoại tử túi mật (tình trạng nhiễm trùng toàn cơ thể).

3. Sự nguy hiểm của bệnh viêm túi mật hoại tử

Viêm túi mật hoại tử được đánh giá là có độ nguy hiểm cao. Nếu không được chẩn đoán và can thiệp điều trị kịp thời thì bệnh có thể khiến các mô trong túi mật bị viêm mủ, gây thủng hoặc vỡ túi mật. Từ đó, hình thành ổ áp xe, gây viêm phúc mạc và nhiễm trùng huyết, suy đa tạng, có thể đe dọa tới tính mạng bệnh nhân.

Theo thống kê, tỷ lệ xảy ra biến chứng của viêm túi mật hoại tử là 16 - 25%, tỷ lệ tử vong lên tới 22%. Trong đó, tình trạng thủng túi mật chiếm khoảng 10 - 15% tổng số các ca bệnh. Thời gian diễn tiến bệnh do viêm túi mật cấp tính diễn ra khá nhanh. Bệnh nhân có thể bị thủng túi mật sau khoảng 2 - 3 ngày bị tắc nghẽn mật.

4. Điều trị viêm túi mật hoại tử như thế nào?

Viêm túi mật hoại tử cần được điều trị kịp thời để tránh được những biến chứng khó lường có thể xảy ra. Những lưu ý cho bệnh nhân gồm:

4.1 Khi có dấu hiệu hoại tử túi mật cần làm gì?

Khi thấy xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ viêm túi mật cấp tính như đau hạ sườn phải, ớn lạnh, sốt cao, buồn nôn và nôn ói,... thì bệnh nhân nên đến cơ sở y tế ngay lập tức để được kiểm tra và chẩn đoán kịp thời. Nếu được xác định là viêm túi mật cấp tính thì người bệnh cần được điều trị ngay để tránh nguy cơ xảy ra biến chứng viêm túi mật hoại tử và thủng túi mật. Trường hợp xảy ra biến chứng, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ túi mật càng sớm càng tốt. Phẫu thuật cần được thực hiện sau khoảng 72 giờ đầu sau khi dùng kháng sinh.

viêm túi mật hoại tử
Người bệnh nghi ngờ viêm túi mật hoại tử cần đến gặp bác sĩ ngay

4.2 Phẫu thuật cắt bỏ túi mật

Trong các trường hợp hoại tử túi mật, bác sĩ thường ưu tiên chỉ định phẫu thuật cho bệnh nhân. Bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ túi mật cùng các mô chết/mô bệnh xung quanh. Có 2 phương pháp là:

  • Cắt túi mật nội soi: Là phương pháp phẫu thuật được ứng dụng rộng rãi nhất. Khi thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ rạch 3 hoặc 4 lỗ nhỏ với kích thước khoảng 10mm trên thành bụng của bệnh nhân rồi đưa ống nội soi qua các lỗ nhỏ này và các dụng cụ để tiến hành bóc tách, cắt túi mật. Quá trình này khá nhẹ nhàng và bệnh nhân không cảm thấy đau nhiều sau phẫu thuật, thời gian phục hồi cũng khá nhanh;
  • Cắt túi mật mổ hở: Là phương pháp phẫu thuật truyền thống. Khi thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ rạch 1 đường lớn trên bụng, lộ túi mật rồi cắt bỏ và đưa túi mật ra ngoài. Khi được chỉ định mổ hở, người bệnh phải nằm viện khoảng 7 - 10 ngày và mất khoảng 6 tuần để có thể hồi phục sau phẫu thuật.

Nếu có các dấu hiệu bất thường dưới đây, người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế:

  • Vết mổ sưng tấy, mưng mủ và chảy dịch;
  • Khi chạm vào vết mổ thấy nóng và đau;
  • Sốt cao từ 38°C trở lên;
  • Tiêu chảy liên tục và kéo dài;
  • Bụng đau đột ngột, dữ dội.

5. Chăm sóc bệnh nhân viêm túi mật hoại tử sau phẫu thuật

Sau phẫu thuật cắt túi mật, người bệnh cần xây dựng một chế độ dinh dưỡng khoa học và lành mạnh như sau:

  • Ăn những thực phẩm mềm, dễ tiêu, ít muối trong thời gian đầu sau phẫu thuật để tiêu hóa dễ dàng. Khi cơ thể dần thích nghi thì người bệnh có thể quay trở lại chế độ ăn uống bình thường;
  • Chế độ ăn uống ít béo, khoảng 40 - 50g chất béo/ngày (sữa tách kem, thịt nạc, thịt gia cầm, rau xanh, hoa quả, cá, sữa chua không béo,...) để giảm nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, khó tiêu;
  • Bổ sung các chất béo không bão hòa như dầu cá, dầu oliu,... để giúp gan tiết ra dịch mật đúng nhịp điệu tự nhiên của bữa ăn, tránh được hiện tượng thừa hoặc thiếu dịch mật;
  • Tránh những thực phẩm giàu cholesterol như thịt mỡ, lòng đỏ trứng, phủ tạng động vật, một số loại hải sản, đồ ăn nhanh, thực phẩm chiên,... để giảm nguy cơ tái phát sỏi mật hoặc rối loạn tiêu hóa.

Viêm túi mật hoại tử là một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm túi mật cấp tính. Nếu không phát hiện hoặc điều trị cắt túi mật kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong. Do đó, khi thấy cơ thể xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ tình trạng viêm túi mật, bệnh nhân nên đi khám ngay để được chẩn đoán và can thiệp sớm nhất, tránh được những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • newdaepra
    Công dụng thuốc Newdaepra

    Newdaepra có chứa thành phần chính là hỗn hợp Cefoperazone sodium và Sulbactam sodium. Vậy thuốc Newdaepra có tác dụng gì và cần sử dụng như thế nào cho đúng cách?

    Đọc thêm
  • Klotacef
    Công dụng thuốc Klotacef

    Klotacef là thuốc kháng sinh, được sử dụng phổ biến để điều trị tình trạng nhiễm khuẩn trong cơ thể như viêm mũi, viêm tai giữa, nhiễm khuẩn da hay ổ bụng, nhiễm khuẩn thận và nhiễm khuẩn đường tiết ...

    Đọc thêm
  • thuốc Danafosule
    Công dụng thuốc Danafosule

    Thuốc Danafosule được bào chế dưới dạng bột pha tiêm với thành phần chính là 500mg Cefoperazone Sodium và Sulbactam sodium. Tuân thủ chỉ định, liều dùng thuốc Danafosule sẽ giúp người bệnh nâng cao hiệu quả điều trị và ...

    Đọc thêm
  • Nữ giới ung thư biểu mô tá tràng điều trị như thế nào?
    Nữ giới ung thư biểu mô tá tràng điều trị như thế nào?

    Ngày 4/1/2022, em có đi nội soi dạ dày tá tràng kết quả là ung thư biểu mô tá tràng. Phần đầu tuỵ cũng bị viêm và có nang giả tuỵ. Bác sĩ có phương án mổ mở cắt tá ...

    Đọc thêm
  • Novisulba
    Công dụng thuốc Novisulba

    Thuốc Novisulba được bào chế dưới dạng thuốc bột pha tiêm, với thành phần chính trong mỗi lọ thuốc là 1g Cefoperazone natri và 1g Sulbactam natri. Vậy thuốc Novisulba có tác dụng gì và cách sử dụng thuốc như ...

    Đọc thêm