Sỏi mật và biến chứng cấp cứu: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Minh Hương - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Việc cấp cứu biến chứng sỏi mật đóng vai trò rất quan trọng, giúp hạn chế nguy cơ tử vong cho người bệnh.

1. Triệu chứng bệnh sỏi mật

Sỏi mật là bệnh thường gặp do có sỏi hình thành và tồn tại ở túi mật. Bệnh gây ra các triệu chứng như:

  • Đau hạ sườn phải, vùng gan mật.
  • Sốt cao, kèm theo cảm giác rét run.
  • Da và niêm mạc vàng.
  • Nước tiểu vàng.
  • Túi mật căng to.

2. Biến chứng của sỏi mật

viêm tụy cấp
Viêm tụy cấp là biến chứng của sỏi mật

Bệnh sỏi mật nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:

2.1 Viêm tụy cấp

Viêm tụy cấp là biến chứng của sỏi mật thường gặp với 2 thể là thể hoại tử và thể phù. Trong đó, thể hoại tử có thể dẫn đến sốc nhiễm trùng do nhiễm độc, nặng có thể gây tử vong.

Biến chứng khiến người bệnh nôn nhiều, đau dữ dội và vùng thượng vị co cứng, trường hợp nặng có thể kèm theo dấu hiệu của trụy tim mạch.

2.2 Viêm phúc mạc mật

Sỏi mật gây tắc và nhiễm trùng đường mật làm tăng áp lực, tổn thương đường mật. Dịch mật nhiễm trùng thấm vào ổ phúc mạc có thể dẫn đến nhiễm trùng ổ bụng, nếu nặng có thể dẫn đến hoại tử đường mật và gây viêm phúc mạc mật.

2.3 Viêm mủ đường mật, áp xe gan mật

Phần lớn bệnh nhân sỏi mật có thể bị viêm đường mật với các triệu chứng như đau vùng gan, nhiễm trùng nặng, sốt cao kèm theo rét run, môi khô, cơ thể mệt mỏi, suy kiệt do nhiễm độc và thiếu nước.

2.4 Sốc nhiễm khuẩn đường mật

Đây là một trong những biến chứng nặng và nguy hiểm, là nguyên nhân dẫn đến tử vong hàng đầu ở bệnh nhân sỏi mật không được phát hiện và điều trị kịp thời.

2.5 Chảy máu ở đường mật

Đây là biến chứng nguy hiểm của bệnh sỏi mật với các triệu chứng như nôn, đại tiện ra máu hoặc phân có màu đen. Nếu được cấp cứu soi dạ dày tá tràng có thể thấy xuất hiện máu ở tá tràng do chảy máu đường mật.

2.6 Xơ gan mật

Sỏi mật phá hủy đường mật trong gan, làm tích tụ các chất độc hại ở gan và có thể dẫn đến xơ gan. Tuy nhiên, biến chứng xơ gan mật thường tiến triển chậm, nếu phát hiện và điều trị sớm có thể làm chậm tiến triển của bệnh.

2.7 Ung thư đường mật

Sỏi mật gây viêm đường mật kéo dài, dẫn đến ung thư đường mật với các dấu hiệu như vàng da, sụt cân khi khối u chèn ép đường mật.

3. Cấp cứu biến chứng sỏi mật

phẫu thuật cắt tá tụy
Phẫu thuật để điều trị các biến chứng sỏi mật

Điều trị sỏi mật bằng phương pháp phẫu thuật được áp dụng đối với trường hợp sỏi mật chưa gây biến chứng hoặc bệnh nhân đã được điều trị nội khoa ổn định. Khi đó, phẫu thuật sẽ mang lại kết quả tốt hơn.

Trường hợp sỏi mật đã gây biến chứng, bệnh nhân cần được cấp cứu phẫu thuật nhưng có thể gặp tỷ lệ biến chứng sau phẫu thuật và tử vong cao hơn. Tùy vào biến chứng của sỏi mật, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp hoặc trì hoãn:

  • Phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp đối với biến chứng viêm phúc mạc mật (trong vòng trư­ớc 6 tiếng sau khi bệnh nhân nhập viện cấp cứu).
  • Phẫu thuật cấp cứu trì hoãn đối với các biến chứng còn lại như viêm tụy cấp, áp xe đường mật, chảy máu đường mật, sốc nhiễm khuẩn đường mật, viêm thận cấp (trong vòng 6 - 24 tiếng sau khi bệnh nhân nhập viện cấp cứu hoặc có thể sau 24 tiếng nhưng không theo chương trình).
Viêm phúc mạc mật
Viêm phúc mạc mật cần phẫu thuật cấp cứu

Dưới đây là cách xử trí cấp cứu đối với từng trường hợp biến chứng của sỏi mật.

3.1 Viêm phúc mạc mật

Phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp. Trước tiên, người bệnh được vô cảm, gây mê nội khí quản và giãn cơ để lau rửa ổ bụng. Đường mổ là đường trắng ở giữa và nằm trên rốn, hoặc có thể mổ mở thêm từ 1 - 3 cm dưới rốn.

Sau khi có đường mở, bác sĩ tiến hành lấy sỏi, bơm rửa, dẫn lưu đường mật và ổ bụng. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được chỉ định dùng kháng sinh liều cao kết hợp hồi sức tốt.

3.2 Viêm tụy cấp

Phẫu thuật cấp cứu trì hoãn nhưng nên thực hiện sớm. Đối với biến chứng của sỏi mật là viêm tụy cấp thể phù, bệnh nhân được phẫu thuật trên đường mật để lấy sỏi và dẫn lưu đường mật, hậu cung mạc nối, kết quả sau mổ tốt. Đối với trường hợp viêm tụy cấp thể hoại tử, tỷ lệ tử vong và sau mổ khá cao.

3.3 Sốc nhiễm khuẩn đường mật, viêm thận cấp

Phẫu thuật cấp cứu trì hoãn nhưng trước mổ, bệnh nhân cần được hồi sức tốt bao gồm thở oxy, bù dịch, điện giải, theo dõi huyết áp tĩnh mạch trung ương và lượng nước tiểu, điều trị kháng sinh để chống vi khuẩn gram âm.

3.4 Áp xe đ­ường mật

Phẫu thuật cấp cứu trì hoãn nhưng bệnh nhân cần được điều trị nội khoa trước khi mổ bằng cách truyền dịch, sử dụng kháng sinh liều cao, dùng thuốc giãn cơ thắt và trợ tim trợ lực. Sau đó, phẫu thuật lấy sỏi mật và bơm rửa, dẫn lưu đường mật. Sau mổ, bệnh nhân tiếp tục dùng kháng sinh và bơm rửa đư­ờng mật.

3.5 Chảy máu đường mật

Phẫu thuật cấp cứu trì hoãn nhưng bệnh nhân cần được điều trị nội khoa trước khi mổ và để chuẩn bị cho phẫu thuật, bằng cách truyền máu, sử dụng kháng sinh, thuốc cầm máu. Sau đó, phẫu thuật lấy sỏi và bơm rửa, dẫn lưu đường mật.

Để cầm máu, tiến hành thắt động mạch gan chung hoặc riêng. Nếu chảy máu túi mật thì phẫu thuật cắt bỏ túi mật.

4. Phòng tránh sỏi mật gây biến chứng cấp cứu

Thức ăn nhiều chất béo
Không nên ăn nhiều các loại thức ăn nhiều chất béo

Để phòng ngừa bệnh sỏi mật có thể gây biến chứng nguy hiểm phải cấp cứu, người bệnh nên:

4.1 Giảm chất béo

Thức ăn nhiều chất béo (như thịt mỡ, nội tạng động vật, lòng đỏ trứng, sôcôla, dầu, cà phê, trà, ...) sẽ kích thích túi mật co bóp và góp phần hình thành sỏi mật.

Ngoài ra, khi chất béo quá nhiều sẽ acid ở túi mật không thể hòa tan, từ đó hình thành và tích tụ sỏi mật.

4.2 Tăng chất đạm

Chất đạm đóng vai trò quan trọng giúp tăng khả năng tái tạo các tế bào gan đã tổn thương, từ đó làm hạn chế thoái hóa mỡ trong tế bào gan. Chất đạm có nhiều trong các loại thịt nạc (heo, bò), hải sản, đậu.

4.3 Tăng chất bột

Chất bột giúp tăng năng lượng nhưng không ảnh hưởng đến sự bài tiết của đường mật.

4.4 Tăng chất xơ

Chất xơ giúp hạn chế táo bón và tăng cường hoạt động của hệ tiêu hóa. Chất xơ có nhiều trong rau quả tươi.

4.5 Tăng vận động

Tăng cường tập luyện thể thao như đi bộ, tập dưỡng sinh, chạy chậm sẽ giúp tăng hoạt động cơ, kích thích nhu động mật và làm giảm ứ trệ, nguy cơ hình thành sỏi mật.

Sỏi mật có thể gây biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạnh. Vì vậy, người bệnh cần được phát hiện và điều trị sớm, tránh để bệnh gây biến chứng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan