Ăn sữa chua giảm các triệu chứng hội chứng ruột kích thích (IBS)?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tung Hoành - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Người bị hội chứng ruột kích thích nên ăn sữa chua để đưa vi khuẩn khỏe mạnh trở lại trong ruột, giúp giảm bớt các triệu chứng. Tuy nhiên sữa chua cũng nằm trong danh sách thực phẩm cần chú ý khi lên thực đơn cho người bị hội chứng ruột kích thích.

1. Sữa chua và hội chứng ruột kích thích (IBS)

Thực tế, từ nguyên nhân đến các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích (IBS) là khác nhau ở mỗi người. Nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng này vẫn chưa được biết đến. Điều này đồng nghĩa một số người có thể phản ứng kém với sữa chua, trong khi số khác có thể giảm bớt các triệu chứng nhờ vào men vi sinh (hay còn gọi là vi khuẩn tốt) có trong sữa chua. Vì vậy chỉ có bác sĩ mới quyết định được bệnh nhân hội chứng ruột kích thích nên ăn sữa chua hay không.

Trong những năm qua, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện về tác dụng của men vi sinh ở những người mắc IBS, nhưng vẫn chưa thể đi đến kết luận cuối cùng. Cụ thể:

  • Năm 2011, một thử nghiệm lâm sàng được thực trên 122 người mắc IBS. Sau khi những người tham gia sử dụng men vi sinh trong 4 tuần, có 47% trong số họ đã giảm đáng kể các triệu chứng IBS. Một nghiên cứu khác đã sử dụng kết hợp men vi sinh ở 30 người mắc IBS và thấy rằng hỗn hợp này hiệu quả hơn so với thuốc giả dược trong việc cải thiện các triệu chứng IBS, bao gồm đau bụng và ợ hơi.
  • Mặt khác, có nghiên cứu đã kiểm tra chế phẩm sinh học trong nhãn hiệu sữa chua Activia và phát hiện ra rằng chúng không mang lại lợi ích cho 274 người tham gia bị IBS và táo bón. Hai nghiên cứu khác đã xem xét men vi sinh ở 73 người mắc IBS và cũng không có kết quả tích cực.
hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích (IBS)

Điều này không quá ngạc nhiên vì hội chứng ruột kích thích bắt nguồn từ những nguyên nhân khác nhau ở mỗi cá nhân. Vẫn cần thêm nhiều cuộc thử nghiệm lớn hơn trước khi các bác sĩ đủ tự tin để kê toa men vi sinh cho những bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích.

Xem thêm bài viết: Vai trò của vi khuẩn trong sữa chua

2. Loại sữa chua tốt nhất cho bệnh nhân hội chứng ruột kích thích

Nếu bạn muốn dùng thử sữa chua để cải thiện các triệu chứng IBS (với điều kiện bạn đảm bảo rằng sữa không làm trầm trọng thêm tình trạng của mình), hãy tìm loại sữa chua có chứa men vi sinh hoặc chủng khuẩn sống và hoạt động.

Để có được thành phần này, các sản phẩm sữa chua được làm mát phải chứa ít nhất 100 triệu đơn vị hình thành khuẩn lạc (CFU) trên mỗi gram. Đồng thời các sản phẩm đông lạnh có ít nhất 10 triệu CFU/gram tại thời điểm sản xuất. Những yếu tố sống này rất cần thiết để làm cho sữa đặc lại, nhưng một số loại sữa chua có thể chứa ít hơn 1.000 vi khuẩn mỗi gram. Đây là một con số khá nhỏ. Chỉ một số nhãn hiệu sữa chua được phê duyệt mới đáp ứng được tiêu chuẩn này.

Xem thêm bài viết: Men vi sinh khác gì men tiêu hóa?

Bổ sung sữa chua cho trẻ dưới 1 tuổi: Những điều cần biết
Loại sữa chua có chứa men vi sinh

3. FODMAP: Thực đơn cho người bị hội chứng ruột kích thích

FODMAP là từ viết tắt của một tập hợp các phân tử thức ăn, bao gồm Fermentable, Oligosaccharides, Disaccharides, Monosaccharides and (và) Polyol. Tất cả đều là những dạng lên men carbohydrate chuỗi ngắn và hấp thụ kém trong ruột. Chúng thường phổ biến trong chế độ ăn uống ngày nay và gây ra vấn đề cho đường tiêu hóa, trong đó có hội chứng ruột kích thích (IBS).

Các nhà khoa học Australia đã chứng minh rằng một chế độ ăn ít FODMAP có thể làm giảm các triệu chứng phổ biến cho người bị rối loạn tiêu hóa, cụ thể là bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích.

3.1. Thực phẩm cần tránh

  • Tỏi và hành;
  • Sản phẩm từ sữa;
  • Thực phẩm có xi-rô ngô fructose cao;
  • Sản phẩm có chứa lúa mì;
  • Rau củ, chẳng hạn bông cải xanh và atisô;
  • Một số loại trái cây, như táo, mơ và bơ;
  • Đậu Hà Lan và đậu đen.
Tỏi
Tỏi là thực phẩm cần tránh dùng

3.2. Thực phẩm được phê duyệt

  • Sữa không có nguồn gốc từ động vật (dairy-free milk), như sữa hạnh nhân hoặc sữa gai dầu (hemp);
  • Phô mai feta (làm từ sữa cừu) và brie (làm từ sữa bò);
  • Các loại trái cây, như cam, dứa, dưa vàng (cantaloupe) và việt quất;
  • Các loại rau, như bí ngòi, rau diếp, dưa chuột, cà tím và khoai tây;
  • Protein, như thịt bò, đậu phụ, thịt gà và cá;
  • Bánh mì ngũ cốc (wheat-free bread);
  • Bột yến mạch.
Protein có vai trò gì?
Thực phẩm có nguồn Protein

4. Vì sao sữa chua không có trong chế độ ăn kiêng FODMAP?

Sữa chua thường không được khuyến cáo trong chế độ ăn kiêng FODMAP vì hai lý do:

  • Đầu tiên, sữa chua chứa chất béo, có thể làm tăng nguy cơ tiêu chảy;
  • Một lý do khác là có người bị IBS cũng không dung nạp lactose (đường sữa). Khi ấy cơ thể họ không thể tiêu hóa được một thành phần rất phổ biến trong các sản phẩm sữa. Đối với những người này, sữa chua có thể làm cho các triệu chứng tồi tệ hơn, bao gồm đau dạ dày, đầy hơi và ợ nóng.

Nếu sự gia tăng chất béo hoặc phản ứng dị ứng với lactose gây ra các triệu chứng IBS, bạn nên chuyển sang thử sữa chua ít béo hoặc các sản phẩm sữa thực vật và không có nguồn gốc từ động vật. Ví dụ như: đậu nành, dừa, hoặc sữa chua hạnh nhân.

5. Kết luận

Xung quanh vấn đề người bị hội chứng ruột kích thích nên ăn sữa chua hay không, các bác sĩ cho biết câu trả lời sẽ tùy thuộc vào từng trường hợp khác nhau.

Không phải tất cả mọi người bị IBS đều trải qua các triệu chứng giống nhau, vì vậy nên kiểm tra phản ứng của cơ thể với sữa chua trước khi thêm vào thực đơn cho người bị hội chứng ruột kích thích. Nên tránh dùng tất cả các loại sữa chua nếu chúng làm nặng thêm triệu chứng. Nhưng nếu bạn cảm thấy ổn sau khi ăn sữa chua thì vẫn có thể tiếp tục thưởng thức.

SKTQ - khám sức khỏe tổng quát
Người bệnh nên nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa

Sữa chua nguyên chất và ít béo là một lựa chọn tốt vì không chứa quá nhiều đường hoặc chất béo. Ngoài ra có thể bổ sung vi khuẩn đường ruột có lợi từ sữa chua thực vật, thức uống sữa lên men được làm từ hạt kefir, thực phẩm tăng cường và bổ sung.

Nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn không chắc người bị hội chứng ruột kích thích nên ăn sữa chua hay không. Việc không thông qua ý kiến ​​chuyên gia có thể làm cho các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn. Bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng sẽ đề xuất thực đơn cho người bị hội chứng ruột kích thích tốt nhất, phù hợp với lối sống và sở thích của bạn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan