Tìm hiểu về vi khuẩn HP kháng thuốc

Ngày càng có nhiều người bệnh nhiễm vi khuẩn HP kháng thuốc ngay từ lần đầu sử dụng hoặc kháng thuốc trong quá trình điều trị. Vì loại vi khuẩn này có thể dẫn tới ung thư dạ dày nên người bệnh cần lưu tâm khám bệnh, điều trị kịp thời, hiệu quả.

1. Vi khuẩn HP kháng thuốc là gì?

1.1 Sơ lược về vi khuẩn HP

Vi khuẩn HP (tên đầy đủ: Helicobacter Pylori) là thuật ngữ không còn quá xa lạ đối với cộng đồng. Ước tính ở Việt Nam có khoảng 70% người trưởng thành bị nhiễm HP. Đây là nguyên nhân chính gây viêm loét dạ dày - tá tràng và bệnh ung thư dạ dày. Ước tính khoảng 90% bệnh nhân viêm dạ dày có sự hiện diện của vi khuẩn HP; tỷ lệ này chiếm từ 75 - 85% ở bệnh nhân loét dạ dày - tá tràng; chiếm 80 - 95% trong các biến chứng thủng do loét dạ dày - tá tràng.

Vì vậy, việc điều trị HP kịp thời là rất cần thiết nhằm ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm của bệnh như xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày, ung thư dạ dày,... Tuy nhiên, một vấn đề mới lại phát sinh, khiến bác sĩ và người bệnh đau đầu, tốn kém trăm bề chính là hiện tượng vi khuẩn HP kháng thuốc.

1.2 Vi khuẩn HP kháng thuốc như thế nào?

Vi khuẩn HP sống trong dạ dày thích nghi tốt với môi trường nên kháng sinh rất khó phát huy toàn bộ tác dụng. Khi uống vào, kháng sinh gặp môi trường axit trong dạ dày sẽ bị hủy hoặc giảm tác dụng. Chính vì vậy, thông thường, sau khi được chẩn đoán dương tính với vi khuẩn HP, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện phác đồ điều trị ban đầu gồm 3 loại thuốc (thuốc ức chế bơm proton và 2 loại kháng sinh nhạy cảm). Thuốc ức chế bơm proton giúp giảm axit trong dạ dày để kháng sinh uống vào tăng thêm tác dụng. Trước đây, có tới 95% bệnh nhân đáp ứng tốt với phác đồ ban đầu. Tuy nhiên, đến nay số lượng người bệnh thất bại với phác đồ 3 thuốc này đang có xu hướng tăng cao.

Phác đồ đầu tiên và hiệu quả trong điều trị vi khuẩn HP là bộ 3: PPI, Amoxicillin, Clarithromycin kết hợp với Omeprazol. Trong thời gian đầu, hiệu quả điều trị đạt trên 80% nhưng sau 30 năm thì đến nay phác đồ này có khuynh hướng bị giảm tác dụng. Vào năm 2010, theo nghiên cứu thực hiện tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM thì tỷ lệ điều trị thành công của phác đồ bộ 3 chỉ còn 62%. Điều này cho thấy tỷ lệ kháng thuốc gia tăng, đặc biệt ở những bệnh nhân đã điều trị lần đầu tiên nhưng thất bại thì tỷ lệ kháng thuốc Clarithromycin có thể lên tới 67%. Điều trị bằng Metronidazol cũng có tỷ lệ kháng thuốc lên tới 55%.

Nguyên nhân chính gây ra sự thất bại trong quá trình điều trị chính là do vi khuẩn HP kháng thuốc. Kháng thuốc là thuật ngữ chỉ tình trạng vi khuẩn bắt đầu biến đổi nhằm vô hiệu hóa hoạt tính của các loại kháng sinh nhạy cảm. Điều này khiến vi khuẩn không bị kìm hãm hay ức chế phát triển dù đã tiếp xúc với kháng sinh. So với giai đoạn đầu thì giai đoạn vi khuẩn HP kháng thuốc rất khó điều trị, dễ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được kiểm soát kịp thời.

2. Nguyên nhân vi khuẩn HP kháng thuốc

Có nhiều nguyên nhân khiến thuốc đặc trị vi khuẩn HP không phát huy được hiệu quả, vi khuẩn kháng thuốc. Phổ biến nhất là:

2.1 Bệnh nhân không tuân thủ phác đồ điều trị HP

Không ít bệnh nhân khi điều trị các bệnh ở dạ dày do vi khuẩn HP đã tự ý ngừng dùng thuốc khi hết triệu chứng (nhưng vi khuẩn HP chưa hết) hoặc vì một lý do nào đó mà quên uống thuốc, không tuân thủ đúng lịch trình dùng thuốc,... Điều này đã tạo cơ hội cho vi khuẩn HP tồn tại và kháng thuốc.

Bên cạnh đó, ở trẻ em, phác đồ kháng sinh điều trị vi khuẩn HP thường gây rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, đắng miệng, mất vị giác,... khiến trẻ bị nôn trớ khi uống. Hậu quả là trẻ không theo được phác đồ dùng kháng sinh đúng theo liệu trình mà bác sĩ đưa ra, khiến tình trạng kháng thuốc kháng sinh ngày càng trở nên phổ biến.

Ngoài ra, uống thuốc điều trị HP không đúng giờ, không đúng liều lượng, uống sai cách,... cũng là những nguyên nhân cơ bản khiến vi khuẩn HP kháng thuốc.

2.2 Lạm dụng thuốc kháng sinh để trị các bệnh khác

Trong quá trình điều trị các bệnh thông thường như viêm họng, cảm cúm,... có thể người bệnh đã sử dụng quá nhiều thuốc kháng sinh, tạo cơ hội cho vi khuẩn HP tiếp xúc với các loại kháng sinh mà lẽ ra thuốc này có thể tiêu diệt được chúng. Tuy nhiên, để tiêu diệt được vi khuẩn HP trong dạ dày thì phải sử dụng thuốc đó với liều cao hơn, kéo dài hơn so với các dạng nhiễm khuẩn thông thường. Dần dần theo thời gian, vi khuẩn HP đã tiếp xúc với các loại kháng sinh quen thuộc sẽ phát triển cơ chế để tránh được tác động của kháng sinh, đề kháng hoàn toàn với loại kháng sinh đó.

3. Vi khuẩn HP kháng thuốc có nguy hiểm không?

Trước khi vi khuẩn HP kháng thuốc thì việc điều trị loại vi khuẩn này vốn dĩ đã khó khăn. Đến khi vi khuẩn HP kháng được mọi loại thuốc thì người bệnh sẽ phải sống chung cả đời với nó. Những người may mắn có khả năng miễn nhiễm với loại vi khuẩn này sẽ không có vấn đề gì (nhưng tỷ lệ rất ít).

Vi khuẩn HP khi không được điều trị có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm loét dạ dày hoặc ung thư dạ dày. Bệnh nhân có thể thường xuyên phải chịu đựng các triệu chứng rối loạn tiêu hóa hóa khó chịu. Các ổ viêm loét ở dạ dày khi không được kiểm soát có thể dẫn tới xuất huyết (phải cấp cứu) và cuối cùng là ung thư hóa.

4. Biện pháp nhận biết sớm tình trạng vi khuẩn HP kháng thuốc

Để nhận biết vi khuẩn HP kháng thuốc, người bệnh nên thực hiện kháng sinh đồ với quy trình cụ thể như sau:

  • Nội soi dạ dày, lấy mảnh sinh thiết trong dạ dày có chứa vi khuẩn HP;
  • Nuôi cấy vi khuẩn HP trong mảnh sinh thiết ở những môi trường đặc biệt cho vi khuẩn phát triển;
  • Thực hiện thử tính nhạy cảm của vi khuẩn HP với các loại kháng sinh khác nhau nhằm tìm ra vi khuẩn kháng với kháng sinh loại nào. Nếu vi khuẩn vẫn phát triển được trong môi trường đã cấy kháng sinh thì chứng tỏ là đúng đã kháng với kháng sinh đó, không nên tiếp tục sử dụng loại thuốc này trong quá trình điều trị nữa.

Làm kháng sinh đồ vi khuẩn HP mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh như:

  • Giúp xây dựng phác đồ điều trị vi khuẩn HP chuẩn với hiệu quả cao;
  • Tiết kiệm thời gian, tiền bạc vì sử dụng đúng loại thuốc kháng sinh, không cần dùng lại những loại thuốc kháng sinh đã vô tác dụng;
  • Ngăn chặn kịp thời một số biến chứng nguy hiểm của vi khuẩn HP đối với sức khỏe.

Theo lời khuyên của bác sĩ, với tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh phổ biến như hiện nay thì tốt nhất người bệnh nên làm kháng sinh đồ vi khuẩn HP ngay từ lần điều trị đầu tiên. Việc này nhằm mục đích để kiểm tra xem loại HP mà bệnh nhân đang mắc phải có thể bị tiêu diệt bởi kháng sinh gì, từ đó đưa ra phác đồ phù hợp và rút ngắn thời gian điều trị. Những trường hợp bị mắc vi khuẩn HP đã điều trị bằng nhiều phác đồ nhưng không hiệu quả cũng nên làm kháng sinh đồ để xác định xem vi khuẩn HP có kháng thuốc không. Trường hợp vi khuẩn HP đã kháng thuốc, nên ngừng ngay phác đồ cũ, chuyển sang phác đồ mới theo chỉ định của bác sĩ.

5. Cách phòng ngừa vi khuẩn HP kháng thuốc

Vi khuẩn HP kháng thuốc gây khó khăn cho việc điều trị và ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa nói riêng, sức khỏe tổng quát nói chung. Tuy nhiên, người bệnh có thể phòng ngừa nguy cơ này bằng các biện pháp sau:

  • Ngay khi có các biểu hiện của nhiễm vi khuẩn HP như buồn nôn, nôn mửa, đầy bụng, đau thượng vị,... người bệnh nên đi thăm khám ngay;
  • Khi có kết quả chẩn đoán, bệnh nhân nên tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị được bác sĩ chỉ định. Người bệnh không được tự ý ngưng thuốc hoặc điều chỉnh liều dùng thuốc, thời gian dùng thuốc,...;
  • Bệnh nhân không được tùy tiện sử dụng thuốc kháng sinh khi chưa thăm khám bệnh;
  • Kết hợp phác đồ điều trị bệnh với chế độ chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng phù hợp.

Tình trạng vi khuẩn HP kháng thuốc đang ngày càng trở nên phổ biến. Vì vậy, ngay khi được chẩn đoán dương tính với vi khuẩn HP, người bệnh nên chủ động đi thăm khám, tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan