Uống trà có hại dạ dày không?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Lê Nguyễn Hồng Trâm - Bác sĩ Nội tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Trà là loại thức uống quen thuộc và được nhiều người ưa thích. Với nhiều lợi ích cho sức khoẻ như giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tăng cường trí nhớ và ngăn ngừa ung thư, các loại trà xanh được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên uống trà có hại dạ dày không và người đau dạ dày có uống trà được không luôn là thắc mắc của nhiều người.

1. Công dụng của trà xanh

Trà xanh là loại thức uống quen thuộc và được nhiều người ưa thích. Uống trà xanh đúng cách vào mỗi buổi sáng sẽ mang lại lợi ích đặc biệt đối với sức khỏe.

1.1.Giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch

Trà xanh có thể làm giảm cholesterol, cải thiện tuần hoàn máu trong cơ thể thông qua việc dãn động mạch và làm giảm nguy cơ hình thành huyết khối. Ngoài ra, trong trà xanh còn chứa các chất chống oxy hóa có thể ngăn chặn sự khởi phát và giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch.

1.2. Tăng cường trí nhớ

Trà xanh có chứa chất epicatechin, đây là một chất chống oxy hóa giúp cải thiện và tăng cường trí nhớ, tăng khả năng tập trung. Ngoài ra, trà xanh còn có công dụng hỗ trợ trí não, ngăn ngừa bệnh Alzheimer và mất trí nhớ ở người cao tuổi.

1.3. Phòng ngừa sâu răng

Trà xanh chứa một hợp chất tên là Catechin có thể phòng ngừa nhiễm khuẩn răng miệng và các bệnh về lợi, làm giảm nguy cơ sâu răng đồng thời tăng cường men răng.

1.4. Giảm cân

Trà xanh có chứa hoạt chất EGCG kích hoạt các gen tăng cường đốt cháy chất béo giúp giảm cân; cải thiện việc cơ thể sử dụng insulin để ngăn ngừa đường huyết lên xuống đột ngột. Bên cạnh đó, uống một tách trà ấm giúp tăng đốt cháy calo khi tập luyện, hỗ trợ hiệu quả trong công cuộc giảm cân.

1.5. Bảo vệ cơ thể và chống lại tế bào ung thư

Hoạt chất EGCG trong trà xanh được chứng minh là mạnh gấp 200 lần so với vitamin E trong việc phá huỷ các gốc tự do gây hại làm tổn thương da, đái tháo đường, viêm khớp và ung thư. Uống trà xanh mỗi ngày có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư tiền liệt tuyếnung thư vú. Ngoài ra, trà xanh còn ngăn ngừa sự phát triển của các tế bào ung thư phổi và ức chế tế bào ung thư đại tràng.

uống trà có hại dạ dày không
Giải đáp uống trà có hại dạ dày không?

2. Uống trà xanh có bị đau dạ dày không?

Với nhiều lợi ích cho sức khoẻ như giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tăng cường trí nhớ và ngăn ngừa ung thư, các loại trà xanh được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên uống trà có hại dạ dày không và người đau dạ dày có uống trà được không luôn là thắc mắc của nhiều người. Đáp án cho câu hỏi uống trà xanh có bị đau dạ dày không chính là có, nếu uống không đúng cách, vì những lý do sau:

  • Nếu uống trà xanh khi đun hoặc hãm trà ở nhiệt độ cao sẽ gây hại cho sức khỏe. Ngược lại, uống nước trà đã nguội lạnh rất dễ gây lạnh bụng, khó tiêu, đầy bụng, chướng hơi. Nếu nặng có thể gây ra ngộ độc.
  • Uống trà xanh đặc, đồng nghĩa với hàm lượng tanin trong trà rất cao, sẽ dẫn đến thiếu vitamin B, gây kết tủa protein, làm co thắt dạ dày, ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa. Do đó tuyệt đối không được uống trà đặc vì sẽ khiến cho dạ dày co thắt nhanh hơn và làm cơn đau nhiều hơn. Ngoài ra, trà xanh đặc còn làm suy giảm khả năng hấp thụ sắt trong thức ăn, lâu dần gây ra bệnh thiếu máu thiếu sắt. Trà xanh đặc giàu caffeine còn gây mất ngủ và đau đầu.
  • Uống trà xanh lúc đói sẽ làm loãng dịch dạ dày, giảm khả năng tiêu hóa thức ăn và dễ gây viêm dạ dày. Vì thế tuyệt đối không được uống trà lúc đang đói vì sẽ gây xót ruột và làm cơn đau dạ dày nhiều hơn.
  • Không uống trà trước trước và ngay sau bữa ăn sẽ gây ra đau dạ dày vì kích thích niêm mạc dạ dày sản xuất nhiều axit, gây bào mòn niêm mạc, thậm chí gây viêm loét niêm mạc dạ dày tá tràng. Ngoài ra, protein và chất sắt có trong thức ăn khi gặp acid tana trong trà xanh sẽ kết tủa, gây ra triệu chứng khó tiêu, giảm khả năng hấp thu sắt và protein. Do đó, không nên uống trà trước và sau bữa ăn 20 – 30 phút.
  • Nếu đang mắc bệnh loét dạ dày thì không nên uống nước trà. Vì chất tanin trong trà kích thích tế bào thành dạ dày bài tiết nhiều axit khiến tình trạng loét càng nặng hơn.

3. Các loại trà tốt cho dạ dày

Để không gây hại cho dạ dày, cần chọn lựa đúng loại trà phù hợp.

3.1. Trà xanh

Uống trà xanh với các lá tươi, đặc biệt tốt nhất là búp trà với ba lá non đầu tiên, có chất kháng viêm và chống oxy hóa cao không chỉ có công dụng làm đẹp mà còn dùng để điều trị đau dạ dày. Buổi sáng là thời điểm uống trà tốt nhất vì vừa giúp tinh thần tỉnh táo vừa tránh khó chịu do cơn đau dạ dày gây ra.

3.2. Trà gừng

Trà xanh kết hợp với gừng vừa giàu chất chống oxy hóa vừa có tính kháng viêm, có khả năng giữ ấm cơ thể, giải cảm. Do đó uống trà gừng rất tốt cho sức khoẻ tổng thể nói chung và dạ dày nói riêng. Đặc biệt, trà gừng giúp giảm nhanh cơn đau dạ dày, chống viêm loét hiệu quả nên tốt cho hệ tiêu hóa, nhất là với những người bị viêm dạ dày. Pha nước trà xanh với gừng cắt lát mỏng, có thể kèm thêm một chút mật ong. Công dụng xuất hiện rõ rệt khi kiên trì uống trà gừng mỗi ngày vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ trong khoảng 1 tháng.

3.3. Trà bạc hà

Bạc hà có tính hàn, vị the, mùi thơm thông mũi mát họng khi kết hợp cùng với trà xanh tạo nên hương vị rất dễ chịu. Trà bạc hà có công dụng tạo cảm giác thoải mái, thư giãn, giảm stress và giảm đau dạ dày rất tốt. Trà bạc hà có thể dùng lá trà xanh với lá bạc hà tươi hoặc khô để pha. Mỗi buổi sáng sau khi thức dậy uống một ly trà bạc hà sẽ giúp tinh thần sảng khoái, kích thích hoạt động của dạ dày, tránh tình trạng khó chịu, đầy hơi.

3.4. Trà cam thảo

Cam thảo là một phương thuốc Đông y vừa có hương vị dễ uống, vừa có tác dụng hạn chế tình trạng đau dạ dày, tránh co thắt dạ dày. Làm trà cam thảo bằng cách lấy cam thảo cho hoà tan vào nước trà xanh. Trà cam thảo nên được dùng hai lần mỗi ngày vào buổi sáng và tối, kiên trì liên tục khoảng 1 tháng sẽ thấy tác dụng giảm đau dạ dày.

3.5. Trà hoa cúc

Trà hoa cúc không chỉ có vị ngọt nhẹ dễ uống, thơm ngon, giúp an thần và có tác dụng làm giảm các cơn đau dạ dày, hạn chế tình trạng khó chịu, đầy hơi, ợ chua. Pha trà hoa cúc bằng cách cho vài hoa cúc đã phơi khô hãm cùng với lá trà xanh. Uống trà hoa cúc hai lần mỗi ngày vào buổi sáng trước bữa ăn và buổi tối trước khi đi ngủ liên tục trong khoảng 1 tháng.

3.6. Trà húng quế

Húng quế có vị cay nồng kèm theo mùi hương dễ chịu, là bài thuốc quý trong Đông y có tác dụng kháng viêm, giảm đau dạ dày hiệu quả. Do đó, hãm trà xanh cùng với lá và hoa quế tạo ra trà húng quế là phương pháp đơn giản để chữa đau dạ dày.

uống trà có hại dạ dày không
Trà hoa cúc không chỉ có vị ngọt nhẹ dễ uống, thơm ngon mà còn giúp an thần

3.7. Trà sen

Trà sen là thức uống khá quen thuộc đối với người Việt. Sen có mùi vị thanh mát, dịu ngọt giúp tinh thần thoải mái hơn, thư giãn đầu óc. Người bị đau dạ dày có thể uống trà sen vào mỗi buổi sáng và trước hay sau các bữa ăn sẽ giúp các cơn đau giảm và thưa dần, hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn, giảm tình trạng nôn ói và khó chịu. Làm trà sen bằng cách ướp trà xanh trong hoa sen tươi 1 ngày 1 đêm, sau đó pha trà bằng nước suối. Ngoài ra còn có thể dùng hoa sen phơi khô pha với trà xanh.

3.8. Trà gạo

Trà gạo vị thanh mát, cung cấp hàm lượng tinh bột vừa phải giúp giảm đau dạ dày. Có thể pha trà xanh với gạo trắng hoặc gạo lứt. Nếu dùng gạo trắng thì cần rang cho đến khi có màu vàng thơm mới pha vào cùng với trà xanh, nhưng tốt nhất vẫn nên dùng gạo lứt. Trước khi cho gạo lứt vào ấm trà và hãm lấy nước trà gạo thì cần ngâm sơ với nước lọc để cho hạt gạo hơi mềm. Nên uống trà gạo vào mỗi buổi sáng sẽ tốt hơn và duy trì trong khoảng 1 tháng.

Uống trà chỉ làm hại dạ dày khi bạn sử dụng không đúng cách. Vì thế, những người mắc bệnh lý dạ dày vẫn có thể sử dụng một số loại trà tốt cho sức khỏe nhưng cần sử dụng vào đúng thời điểm, tránh ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa trong cơ thể.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

51.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan