Viêm dạ dày ruột ở trẻ nhỏ

Mục lục

Viêm dạ dày ruột ở trẻ nhỏ là một bệnh lý phổ biến nhưng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được xử lý đúng cách. Việc trang bị đầy đủ kiến thức về bệnh lý này giúp cha mẹ chủ động phòng ngừa và hỗ trợ điều trị hiệu quả. Hãy cùng tìm hiểu những thông tin quan trọng về viêm dạ dày ruột ở trẻ em qua bài viết dưới đây.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Châu - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

1. Bệnh viêm dạ dày ruột ở trẻ nhỏ

Viêm dạ dày ruột là tình trạng viêm niêm mạc đường tiêu hóa. Hầu hết trẻ nhỏ mắc viêm dạ dày ruột ít nhất 2 lần mỗi năm. Tuy nhiên, sau 3 tuổi, khi hệ miễn dịch của trẻ phát triển, tỷ lệ mắc bệnh sẽ giảm dần. 

Viêm dạ dày ruột ở trẻ em ít nhất 2 lần mỗi năm.
Viêm dạ dày ruột ở trẻ em ít nhất 2 lần mỗi năm.

2. Nguyên nhân gây bệnh viêm dạ dày ruột trẻ em

Viêm dạ dày ruột chủ yếu do virus gây ra, trong đó virus rota và virus adeno là hai tác nhân thường gặp. Bên cạnh đó, một số loại vi khuẩn như E.coli, tụ cầu, salmonella, shigella và campylobacter cũng có thể gây bệnh. Nguyên nhân ít gặp hơn là do ký sinh trùng, chẳng hạn như giardia.

3. Biểu hiện của bệnh viêm dạ dày ruột trẻ nhỏ

Các triệu chứng viêm dạ dày ruột cấp ở trẻ em bao gồm:

  • Nôn mửa.
  • Tiêu chảy.
  • Đau bụng.
  • Sốt, ớn lạnh.
  • Đau nhức toàn thân.

Mức độ các triệu chứng viêm dạ dày ruột ở trẻ em có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng tùy theo tình trạng bệnh và thời gian kéo dài có thể từ vài giờ đến vài ngày, tùy thuộc vào nguyên nhân. Nếu trẻ có triệu chứng nôn mửa kéo dài, tiêu chảy và phân có lẫn máu trong hơn 2 ngày, có thể bé đã mắc bệnh viêm dạ dày ruột.

Cần đưa trẻ đi khám ngay nếu có dấu hiệu mất nước, đặc biệt khi xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Tiểu ít, lượng nước tiểu giảm.
  • Ngủ li bì.
  • Quấy khóc không dỗ được.
  • Khát nước nhiều.
  • Môi khô, tái nhợt.
  • Mắt trũng.
  • Thóp lõm.
  • Da nhăn nheo.
  • Khóc không ra nước mắt.
  • Tay chân lạnh, cơ thể nhợt nhạt. 
Ngủ li bì là một trong những triệu chứng viêm dạ dày ruột ở trẻ nhỏ
Ngủ li bì là một trong những triệu chứng viêm dạ dày ruột ở trẻ nhỏ

Mất nước khi bị viêm dạ dày ruột ở trẻ em có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, vì vậy cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay để bác sĩ thực hiện bù nước và truyền dịch qua tĩnh mạch.  

Nếu trẻ bị viêm dạ dày ruột do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng kháng sinh để điều trị.

4. Bệnh viêm dạ dày ruột có lây không?

Viêm dạ dày ruột là bệnh truyền nhiễm và dễ lây lan.  

  • Với viêm dạ dày ruột ở trẻ em do virus, bệnh lây khi trẻ ăn phải thực phẩm chứa mầm bệnh hoặc dùng chung đồ dùng như thìa, cốc với người bị nhiễm.
  • Với viêm dạ dày ruột ở trẻ em do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng, bệnh lây qua thực phẩm hoặc nước bị nhiễm mầm bệnh.

Ngoài ra, trẻ nhỏ có thể bị lây bệnh khi tiếp xúc với phân nhiễm vi khuẩn và vô tình đưa tay lên miệng, vì vi khuẩn gây bệnh có kích thước rất nhỏ và dễ bám dính.

5. Viêm dạ dày ruột có nguy hiểm không?

Bệnh đường ruột ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ, đặc biệt khi viêm đường ruột kéo dài. Hệ tiêu hóa của trẻ kém hấp thu gây suy dinh dưỡng, thiếu chất, đồng thời làm cơ thể mất nước trầm trọng và có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chức năng đường ruột và quá trình hồi phục.

6. Điều trị viêm dạ dày ruột trẻ em

Khi điều trị viêm dạ dày ruột ở trẻ nhỏ, điều quan trọng là không sử dụng thuốc cầm tiêu chảy. Tiêu chảy là cơ chế tự bảo vệ của cơ thể giúp loại bỏ vi khuẩn gây bệnh. Sử dụng thuốc cầm tiêu chảy có thể làm tình trạng bệnh trở nên nặng hơn, kéo dài lâu hơn và thậm chí gây ra các phản ứng nguy hiểm.

Khi trẻ mắc bệnh do nhiễm virus, không có phương pháp điều trị đặc hiệu và cần chờ trẻ tự khỏi sau khi đi ngoài nhiều lần để loại bỏ vi khuẩn. Tuy nhiên, nếu bệnh do vi khuẩn gây ra, có thể sử dụng kháng sinh để điều trị. Dưới đây là một số lưu ý khi điều trị viêm dạ dày ruột ở trẻ:

  • Nếu trẻ bị sốt và quấy khóc liên tục, có thể cho trẻ dùng acetaminophen hoặc ibuprofen. Tuyệt đối không cho trẻ uống aspirin vì thuốc này có thể gây hội chứng Reye nguy hiểm.
  • Khi trẻ bị mất nước, hãy cho trẻ uống nhiều nước và bổ sung oresol để bù nước và muối khoáng.
  • Nếu trẻ chỉ bú sữa và nôn trớ liên tục, có thể cho bé nhấp từ từ dung dịch oresol cho đến khi ngừng nôn.
  • Nếu trẻ đã ăn thức ăn đặc và không bị nôn, có thể tiếp tục cho trẻ ăn mà không cần uống oresol.
  • Không cho trẻ uống đồ uống có nhiều đường, vì đường có thể làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn, gây đầy bụng và khó tiêu.

7. Trẻ bị viêm dạ dày ruột nên ăn gì?

Việc xác định trẻ bị viêm dạ dày ruột nên ăn gì cần phải được tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị trực tiếp cho bé. Trong vài ngày đầu, có thể cho bé ăn thức ăn loãng cho đến khi tình trạng bệnh cải thiện.

Khi các triệu chứng thuyên giảm, nên cho trẻ quay lại chế độ ăn bình thường, đầy đủ tinh bột, đạm, rau củ quả và các dưỡng chất cần thiết để giúp bé tăng cường sức đề kháng, tự đẩy lùi vi khuẩn và chống lại virus gây bệnh.

Dưới đây là một số loại thực phẩm phù hợp giúp giảm triệu chứng, ngăn ngừa mất nước và cung cấp dưỡng chất cần thiết, hỗ trợ điều trị và phục hồi nhanh chóng cho trẻ:

  • Các loại súp loãng và món hầm: Súp xương gà, súp gà, cháo yến mạch khoai lang và súp rau củ.
  • Chế độ ăn kiêng BRAT: Chuối, cơm, sốt táo và bánh mì.
  • Trái cây nhiều nước: Dưa hấu, bưởi, dâu tây, dưa lưới…
  • Thịt ít béo: Thịt gà không da, thăn bò và thịt lợn nạc.
  • Sữa chua nguyên chất có men sống.
  • Các món ăn có kết hợp gừng như cháo, súp hoặc trà gừng.
  • Uống nhiều nước: Nước lọc, trà không chứa caffein, nước dừa và nước ép trái cây. 
Khi trẻ bị viêm dạ dày ruột nên ăn trái cây nhiều nước như dưa lưới để nhanh hồi phục.
Khi trẻ bị viêm dạ dày ruột nên ăn trái cây nhiều nước như dưa lưới để nhanh hồi phục.

8. Cách phòng bệnh viêm dạ dày ruột ở trẻ nhỏ

Các biện pháp phòng ngừa viêm dạ dày ruột ở trẻ nhỏ gồm:

  • Rửa tay kỹ bằng xà phòng sau khi thay tã cho bé.
  • Rửa tay sạch sẽ trước khi cho bé ăn. Nếu bé tự ăn được, hãy giúp bé rửa tay.
  • Giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, thường xuyên rửa tay cho bé trong suốt cả ngày.
  • Đảm bảo vệ sinh thực phẩm khi chuẩn bị và chế biến đồ ăn cho bé.
  • Tiêm vắc xin phòng ngừa tiêu chảy do virus rota cho bé.

Cha mẹ cần nắm vững những thông tin cơ bản về bệnh viêm dạ dày ruột ở trẻ nhỏ, đặc biệt là cách xử lý trong trường hợp khẩn cấp. Nếu tình trạng của bé không cải thiện sau khi chăm sóc tại nhà, hãy đưa bé đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.

Bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Châu có 9 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nhi - Sơ sinh, từng giữ chức Phó khoa Nhi tại Bệnh viện Quốc Tế Phương Châu (Cần Thơ). Bác sĩ Châu thường xuyên tham gia các khóa đào tạo về dinh dưỡng trẻ em, hồi sức cấp cứu nhi và điều trị các bệnh lý nhi khoa. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ