Các nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim

1. Nguyên nhân nhồi máu cơ tim là gì?

Nhồi máu cơ tim là bệnh thuộc hội chứng động mạch vành cấp xảy ra khi một phần hoặc toàn bộ động mạch vành (động mạch đóng vai trò quan trọng trong cung cấp và lưu thông máu, chất dinh dưỡng đến nuôi dưỡng các tế bào cơ tim) bị tắc nghẽn vì bất kỳ nguyên nhân nào.

Khi lượng máu nuôi tim bị giảm đi do sự tắc nghẽn tại động mạch vành, hoạt động của cơ tim sẽ bị suy yếu dần và dẫn đến những biến chứng nặng nề, thậm chí có thể tử vong.

Hội chứng động mạch vành cấp gồm có: nhồi máu cơ tim có ST chênh lên (STEMI), nhồi máu cơ tim không có ST chênh lên (NSTEMI) và cơn đau thắt ngực không ổn định.

Nguyên nhân nhồi máu tim được chia thành các nhóm sau:

1.1 Do xơ vữa động mạch:

Đây là nguyên nhân nhồi máu tim thường gặp nhất. Khi cơ thể bệnh nhân tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch nói chung và nhồi máu nói riêng, các hoạt chất như Cholesterol, Canxi, Protein, các mảnh vỡ tế bào hoặc các tế bào viêm tích tụ trong động mạch vành tạo thành các mảng xơ vữa.

Những mảng xơ vữa này có tính chất cứng ở bên ngoài và mềm ở bên trong. Khi các mảng xơ vữa cứng dần, lớp vỏ bên ngoài sẽ bị nứt, các tiểu cầu sẽ được huy động đến vùng tổn thương của động mạch vành và các cục máu đông hình thành xung quanh mảng xơ vữa. Cục máu đông này sẽ làm tắc nghẽn động mạch vành, kết quả là nguồn máu nuôi dưỡng cơ tim bị mất, cơ tim sẽ thiếu oxy và chất dinh dưỡng từ đó chết đi, các triệu chứng nhồi máu tim sẽ xuất hiện.

Nguyên nhân nhồi máu cơ tim phổ biến hàng đầu là xơ vữa động mạch
Nguyên nhân nhồi máu cơ tim phổ biến hàng đầu là xơ vữa động mạch

1.2 Không do xơ vữa động mạch:

Nguyên nhân nhồi máu cơ tim này hiếm gặp hơn, thường liên quan đến các bệnh lý bất thường bẩm sinh động mạch vành như dị dạng, rò, sai chỗ xuất phát... Mỗi động mạch vành gửi máu đến một phần khác nhau của cơ tim, khi một nhánh nào đó bất thường, vùng cơ tim đó sẽ không được cấp máu đầy đủ, đây cũng là một nguyên nhân gây ra bệnh lý này.

Bệnh viêm nhiễm động mạch vành như bệnh Kawasaki có thể tăng huy động các chất gây viêm, đồng thời tăng tỷ lệ hình thành các mảng xơ vữa và cuối cùng là hình thành các cục máu đông.

Co thắt mạch vành không liên quan đến xơ vữa, lúc này nguồn cung cấp máu cho tim bị cắt đột ngột, gây nên các triệu chứng của nhồi máu cơ tim.

Động mạch vành bị tắc do cục máu đông từ nơi khác như ở phổi, thận, não...di chuyển đến cũng là một trong những nguyên nhân của bệnh nhồi máu cơ tim.

1.3 Một số nguyên nhân khác:

Các nguyên nhân nhồi máu cơ tim khác, có thể kể đến:

  • Thuyên tắc động mạch vành thứ phát.
  • Co thắt mạch vành nguyên phát.
  • Dị tật bẩm sinh mạch vành: một số người có dị tật mạch vành bẩm sinh, khiến cho luồng máu đến tim bị cản trở.
  • Thiếu máu cục bộ do dùng ma túy (như cocaine, ephedrine, amphetamine).
  • Từng bị chấn thương mạch vành.
  • Các yếu tố làm tăng nhu cầu oxy: Các tình trạng như cường giáp, gắng sức quá mức, và sốt có thể làm tăng nhu cầu của tim về oxy, gây ra nhồi máu cơ tim.
  • Các yếu tố làm giảm khả năng cung cấp oxy: Bệnh thiếu máu nặng hoặc các tình trạng khác có thể giảm khả năng cung cấp oxy đến tim, dẫn đến nhồi máu cơ tim.
  • Viêm động mạch: Viêm động mạch là một tình trạng viêm nhiễm của các động mạch, có thể dẫn đến sự co thắt và nhồi máu.
  • Bóc tách động mạch chủ: là một tình trạng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến luồng máu đến tim.
  • Bệnh phổi cấp tính: Một số bệnh phổi cấp tính có thể gây ra thiếu oxy trong máu, góp phần vào sự nhồi máu cơ tim.

2. Triệu chứng nhồi máu cơ tim

Triệu chứng nhồi máu cơ tim phổ biến là đau thắt ngực, thường xuất hiện sớm và gặp nhiều nhất, với mức độ đau từ nhẹ đến dữ dội, cảm giác áp lực, nặng nề, căng tức hoặc bóp nghẹt sau xương ức. Đau có thể lan từ ngực xuống cánh tay (thường là cánh tay trái, nhưng nó có thể ảnh hưởng đến cả hai cánh tay), hàm, cổ, lưng và bụng.

Các triệu chứng kèm theo như: Lâng lâng hoặc chóng mặt, đổ mồ hôi, khó thở, buồn nôn, nôn, lo lắng, ho hoặc thở khò khè.

Triệu chứng nhồi máu cơ tim phổ biến là ho hoặc thở khò khè
Triệu chứng nhồi máu cơ tim phổ biến là ho hoặc thở khò khè

Một số bệnh nhân có thể không có triệu chứng đau ngực mà chỉ có những biểu hiện khác như rối loạn tri giác, ngất hoặc hôn mê, tụt huyết áp, tăng đường huyết, mệt mỏi, hồi hộp, khó thở...

Cận lâm sàng:

  • Bất thường trên điện tâm đồ 12 chuyển đạo.
  • Xét nghiệm các Markers sinh học cơ tim như CK-MB, Troponin I, Troponin T, LDH, Myoglobin...
  • X-quang ngực thẳng, siêu âm tim, chụp mạch kỹ thuật số xóa nền (DSA), chụp cắt lớp vi tính (CT - scan)... giúp hỗ trợ chẩn đoán.
  • Các xét nghiệm khác như điện giải đồ, chức năng gan thận, xét nghiệm lipid máu như như HDL, LDL, VLDL, Cholesterol toàn phần, triglyceride... nên được thực hiện trong 24 giờ đầu.

3. Yếu tố tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim

3.1 Các yếu tố có thể thay đổi được:

Các nguyên nhân nhồi máu cơ tim khác:

  • Các vấn đề về tâm lý như căng thẳng trong công việc và cuộc sống, thường suy nghĩ tiêu cực, lo âu, trầm cảm, ít được hỗ trợ xã hội...
  • Chế độ ăn nhiều dầu mỡ, các thực phẩm chứa chất béo bão hòa, ăn nhiều muối, đồ uống có gas, nước ngọt, các loại thực phẩm chế biến sẵn, thịt đỏ...
  • Hút thuốc lá : Thuốc lá làm tăng đến 50% nguy cơ nhồi máu cơ tim và với tỷ lệ tử vong là hơn 60 - 85 %.
  • Thừa cân, béo phì.
  • Lười vận động hoặc ít hoạt động thể dục thể thao.
  • Sử dụng rượu bia thường xuyên.
  • Các bệnh lý có nguy cơ trên tim mạch như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu.
Hút thuốc lá là nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim ở người bệnh
Hút thuốc lá là nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim ở người bệnh

3.2 Các yếu tố không thể thay đổi được:

  • Tuổi cao: Bệnh nhồi máu cơ tim tăng dần theo tuổi.
  • Giới tính: Nam giới có tỷ lệ nhồi máu cơ tim cao hơn nữ giới.
  • Phụ nữ mãn kinh có tỷ lệ bị nhồi máu cơ tim cao.
  • Tiền sử gia đình có người bị các bệnh lý tim mạch.
  • Chủng tộc: Người dân ở khu vực Đông Á và Nam Á có tỷ lệ nhồi máu cơ tim cao

4. Đối tượng dễ mắc nhồi máu cơ tim

Một số đối tượng có nguy cơ nhồi máu cơ tim cao nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ, xây dựng lối sống khoa học để bảo vệ sức khỏe tim mạch của mình:

  • Người cao tuổi: nam trên 50 tuổi và phụ nữ sau khi mãn kinh.
  • Người có tiền sử mắc bệnh huyết áp, tiểu đường, bệnh thận mạn.
  • Người bị rối loạn lipid máu.
  • Người thường xuyên hút thuốc lá hoặc hút thuốc lá thụ động.
  • Gia đình có tiền sử bệnh tim mạch, người thân trực hệ từng bị nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não từ sớm sớm (nam trước 55 tuổi, nữ trước 65 tuổi).
  • Tiền sử tiền sản giật hoặc tiểu đường thai kỳ
  • Người từng mắc tai biến mạch máu não hoặc nhồi máu cơ tim
  • Người mắc phải các bệnh lý miễn dịch như xơ cứng bì, lupus ban đỏ hệ thống viêm khớp dạng thấp, vẩy nến.
  • Người từng sử dụng các chất kích thích: cocaine và amphetamine, nguy cơ cao gây co thắt động mạch vành.
Người lớn tuổi có nguy cơ mắc nhiều bệnh dẫn đến nguyên nhân nhồi máu cơ tim cao
Nguyên nhân nhồi máu cơ tim phổ biến hàng đầu là xơ vữa động mạch

5. Phương pháp chẩn đoán nhồi máu cơ tim

Hiện tượng nhồi máu cơ tim thường xảy ra đột ngột nên rất cần thiết để có kết quả chẩn đoán nguyên nhân nhồi máu cơ tim rất khẩn cấp. Đầu tiên, các bác sĩ sẽ thu thập thông tin về các triệu chứng và hồ sơ bệnh án của bệnh nhân. Sau đó, họ sẽ kiểm tra huyết áp, nhịp tim và nhiệt độ, cùng với việc thực hiện kiểm tra toàn diện về tình trạng sức khỏe tim của bệnh nhân.

Các xét nghiệm được chỉ định để xác định nhồi máu cơ tim bao gồm:

  • Điện tâm đồ (ECG): Đây là xét nghiệm lâm sàng đầu tiên thường được tiến hành để xác định nhồi máu cơ tim. Nó ghi lại các tín hiệu điện trong tim bằng cách đặt các điện cực trên ngực, cánh tay và chân. Các sóng điện được ghi lại và in ra trên giấy hoặc hiển thị trên màn hình. Điện tâm đồ có thể cho bác sĩ thông tin để nhận liệu người bệnh đang mắc bệnh hoặc có tiền sử bệnh tim trong quá khứ.
  • Xét nghiệm máu: sau khi cơ tim bị tổn thương do bệnh nhồi máu cơ tim, một số protein tim có thể rò rỉ vào máu, và chúng gọi là men tim (troponin). Xét nghiệm máu sẽ kiểm tra sự hiện diện của các protein này (chất chỉ điểm tổn thương hoại tử cơ tim).
  • Chụp X-quang lồng ngực: X-quang này giúp xác định tình trạng và kích thước của tim, phổi, đồng thời có thể xác định các nguyên nhân gây đau ngực khác.
  • Siêu âm tim: Siêu âm tim giúp theo dõi cách lưu lượng máu di chuyển qua tim, kiểm tra chức năng co bóp của cơ tim và có thể xác định xem có bất kỳ vùng tim nào bị tổn thương hay không.
  • Chụp mạch vành: Trong quá trình này, bác sĩ sẽ sử dụng một ống thông rất mỏng và dài đưa vào động mạch thông qua cánh tay rồi luồn ống thông để dẫn đến tim. Sau đó, sử dụng thuốc cản quang để làm cho các động mạch trở nên rõ ràng hơn trong quá trình kiểm tra.

6. Điều trị dự phòng nhồi máu cơ tim

Khi bệnh được phát hiện muộn, tỉ lệ tử vong của bệnh nhân càng tăng. Do đó, việc phát hiện bệnh sớm đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả điều trị. Đối với những trường hợp có nguy cơ cao về các bệnh tim mạch hoặc có triệu chứng sớm của tình trạng nhồi máu cơ tim, việc điều trị càng sớm càng quan trọng.

6.1 Dự phòng không dùng thuốc

  • Kiểm soát các vấn đề tâm lý như thay đổi hành vi, cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm trầm cảm, lo âu, stress và không nghĩ đến nguyên nhân nhồi máu cơ tim...
  • Hoạt động thể lực đều đặn, tập Yoga, thái cực quyền, hoặc các bài tập thể dục từ nhẹ đến nặng.
  • Ngừng và cai thuốc lá.
  • Chế độ ăn uống hợp lý: Hạn chế sử dụng các loại thức ăn nhiều chất béo bão hòa bao gồm các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn. thịt dê...Không sử dụng các loại thức ăn chế biến sẵn, giảm tiêu thụ các thực phẩm chứa nhiều muối Natri, các loại nước ngọt, nước có gas. Ưu tiên lựa chọn các loại thực phẩm nhiều chất xơ như rau xanh, trái cây, các loại đậu, hạt, ngũ cốc, cá...Sử dụng các loại chất béo không bão hòa như dầu hạt lanh, dầu hạt cải, dầu ô liu, dầu đậu nành, cá hồi, cá ngừ, cá thu, tảo ...
  • Kiêng sử dụng rượu bia, cà phê.
  • Kiểm soát cân nặng thích hợp.
Ưu tiên lựa chọn các loại thực phẩm nhiều chất xơ như rau xanh, trái cây, các loại đậu
Ưu tiên lựa chọn các loại thực phẩm nhiều chất xơ như rau xanh, trái cây, các loại đậu

6.2 Dự phòng dùng thuốc

Sử dụng các thuốc kiểm soát và điều trị các bệnh lý có nguy cơ lên tim mạch như :

  • Tăng huyết áp
  • Đái tháo đường
  • Rối loạn lipid máu

7. Phòng ngừa nhồi máu cơ tim

Đối với những yếu tố, nguyên nhân nhồi máu cơ tim không thể thay đổi được thì chúng ta phải chấp nhận các nguy cơ có thể xảy ra. Tuy nhiên, mỗi người đều có thể lựa chọn cho mình lối sống tích cực để góp phần làm giảm nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim

  • Lựa chọn lối sống khoa học: tập thể dục đều đặn theo kế hoạch, chế độ ăn hạn chế đường, muối, chất béo bão hoà, thời gian nghỉ ngơi hợp lý...
  • Ngừng hút thuốc lá.
  • Giảm uống rượu bia.
  • Duy trì BMI ở mức dưới 23 kg/m2.
  • Thăm khám định kỳ để được bác sĩ theo dõi tình trạng sức khoẻ.
Tập thể dục đều đặn theo kế hoạch là cách phòng ngừa nhồi máu cơ tim hiệu quả
Tập thể dục đều đặn theo kế hoạch là cách phòng ngừa nhồi máu cơ tim hiệu quả

Việc tìm hiểu nguyên nhân nhồi máu tim, dự phòng hiệu quả các yếu tố nguy cơ, cùng việc phát hiện triệu chứng sớm và áp dụng điều trị thích hợp có thể giúp bệnh nhân hạn chế các biến chứng nguy hiểm của bệnh nhồi máu cơ tim. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc giảm tỷ lệ tử vong do bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan