Lưu ý khi dùng thuốc điều trị ngoại tâm thu thất

Ngoại tâm thu thất là 1 dạng bệnh lý của rối loạn nhịp tim phổ biến, gặp ở một số trường hợp người bình thường hoặc là nguyên nhân gây tử vong cho những người bệnh khi có dấu hiệu bệnh nặng và biến chứng tiềm tàng. Các dấu hiệu có thể gặp ở người bệnh là hụt hẫng, đánh trống ngực và tim đập bỏ nhịp...Việc sử dụng các thuốc điều trị ngoại tâm thu thất ngay từ giai đoạn sớm của bệnh có ý nghĩa quan trọng, thu lại kết quả điều trị cao, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

1. Bệnh lý rối loạn nhịp ngoại tâm thu thất là gì?

Ngoại tâm thu thất là một dạng của bệnh rối loạn nhịp tim, biểu hiện bởi tình trạng xuất hiện những nhịp tim đập phụ và nhịp nghỉ bù của tim do tâm thất tự động phát nhịp trước khi tâm nhĩ báo hiệu phải co bóp. Tim co bóp sớm hơn và tống máu sớm hơn so với bình thường. Do đó gây phá vỡ nhịp điệu sinh lý bình thường của quả tim và gây nên các triệu chứng của bệnh lý.

2. Các triệu chứng của bệnh

Trong một số trường hợp, người bệnh mắc ngoại tâm thu thất không có triệu chứng hoặc các triệu chứng khó nhận biết. Trường hợp người bệnh xuất hiện các triệu chứng được mô tả qua các dấu hiệu sau:

  • Người bệnh có cảm giác hồi hộp hoặc hụt hẫng, nhận thấy tim đập từng nhịp mạnh trong lồng ngực hoặc có cảm giác tim đang đập rồi ngừng và lại đập mạnh trở lại.
  • Người cảm giác choáng váng, chóng mặt quay cuồng vì tim không bơm máu hiệu quả lên não.
  • Đau tức vùng ngực trái có thể do nguyên nhân thiếu máu động mạch vành cấp máu không đủ tới vùng nuôi dưỡng.
  • Nếu những cơn ngoại tâm thu thất xuất hiện thường xuyên, người bệnh có nguy cơ bị loạn nhịp tim, các cơn co thắt sớm thường xuyên gây nguy hiểm và nguy cơ đột tử cho người bệnh.

3. Các phương pháp trong điều trị ngoại tâm thu thất

Hiện nay, có nhiều cách điều trị bệnh ngoại tâm thu thất, người bệnh cần tuân thủ chỉ định theo đúng hướng dẫn từ bác sĩ. Tuy nhiên việc điều trị hay không điều trị bệnh còn tùy thuộc vào tình trạng của từng người bệnh. Đối với trường hợp người bệnh không có vấn đề tim mạch thì ngoại thu tâm thất thường lành tính và tiên lượng tốt. Khi người bệnh có các triệu chứng cơ năng như đau ngực, khó thở...thì cần được cân nhắc thay đổi lối sống, sinh hoạt, sau đó là vấn đề dùng thuốc nếu các phương pháp khác không hiệu quả.

Sau đây là các phương pháp điều trị của bệnh ngoại tâm thu thất, bao gồm:

Dùng thuốc:

Bao gồm cả các thuốc nhóm Tây y và Đông y. Trong đó:

Thuốc Tây y được sử dụng như các thuốc điều trị bệnh lý nền và thuốc chống rối loạn nhịp tim. Có nhiều loại thuốc khác nhau được chỉ định trên từng bệnh nhân cụ thể, như các nhóm: Chống loạn nhịp nhóm III, thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc nhóm IA của các thuốc chẹn canxi...

Các thuốc nhóm Đông y, thuốc nam là các thảo dược tác dụng làm tăng lưu thông máu, giúp cải thiện khả năng bơm máu, giúp ổn định nhịp tim làm nhịp tim đập đều đặn, góp phần giảm thiểu triệu chứng khó chịu của bệnh.

  • Phương pháp đốt điện tim: Chỉ định khi ngoại tâm thu thất dày kết hợp có rối loạn co bóp của tâm thất hoặc khi số lượng ngoại tâm thu thất trong 24 giờ lớn hơn 10.000 nhịp.
  • Cấy máy khử rung tim: Là phương pháp điều trị cuối cùng khi điều trị bằng đốt điện tim và dùng các thuốc không còn hiệu quả. Người bệnh được cấy máy khử rung tim chạy bằng pin ICD để tạo xung điện khôi phục lại nhịp tim bình thường.
  • Thay đổi lối sống để có sự khoa học và lành mạnh hơn: Thay đổi chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng ăn uống, rèn luyện thể thao phù hợp với bệnh lý tim mạch và thực dưỡng đồ ăn thức uống có lợi cho tim mạch.

4. Các lưu ý khi người bệnh sử dụng thuốc điều trị ngoại tâm thu thất

4.1. Lưu ý khi người bệnh dùng thuốc Tây y điều trị bệnh

  • Người bệnh cần chú ý đến những thuốc đang sử dụng, trao đổi lại với bác sĩ. Một số loại thuốc có nguy cơ gây ngoại tâm thu thất như: Các thuốc lợi tiểu, thuốc cường giao cảm, thuốc Cocain... Nếu người bệnh đang sử dụng các thuốc kể trên, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể về cách sử dụng thuốc điều trị ngoại tâm thu thất hoặc có phác đồ đổi các nhóm thuốc khác.
  • Khi người bệnh có ngoại thu tâm thất cơ năng, không có tiền sử bệnh tim mạch, xuất hiện các dấu hiệu đau ngực, khó thở, hụt hơi...Vấn đề sử dụng thuốc Tây y được đặt ra. Thuốc lựa chọn đầu tay để điều trị lúc này là các thuốc chẹn bêta giao cảm liều thấp. Có thể dùng thuốc Propranolol hay các thuốc beta khác với liều lượng thấp tương đương.
  • Khi ngoại tâm thu thất có nguy cơ chuyển thành dạng rối loạn nhịp nhanh thất hoặc rung thất ở người có bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim cấp, hở động mạch chủ cấp, viêm cơ tim cấp hoặc sau can thiệp ở động mạch vành...thì các thuốc được ưu tiên sử dụng hàng đầu là Lidocain. Thuốc được tiêm tĩnh mạch theo chỉ định liều dùng của bác sĩ. Nếu thuốc Lidocain không có tác dụng trên người bệnh hoặc không được dung nạp, thuốc Procainamid có thể được dùng để thay thế.
  • Thuốc ức chế bêta được chỉ định cho người bệnh bị nhồi máu cơ tim không có triệu chứng hoặc có các triệu chứng nhẹ khi ngoại thu tâm thất là nguy hiểm.
  • Thuốc Amiodarone được chỉ định khi người bệnh có suy tim nặng sau nhồi máu cơ tim.
  • Hiệu quả của các thuốc chống loạn nhịp trong ngoại tâm thu thất ở người bệnh bệnh có bệnh cơ tim phì đại hay dãn nở là chưa chắc chắn. Thuốc thường dùng là các thuốc chẹn kênh canxi và các thuốc chẹn bêta.
  • Thuốc hàng đầu sử dụng trong ngoại tâm thu thất ở người bệnh sa van 2 lá là nhóm ức chế bêta.

4.2. Các lưu ý khi người bệnh dùng thuốc Đông y điều trị ngoại thu tâm thất

Các thuốc điều trị ngoại tâm thu thất thuộc các nhóm dược liệu Đông y cũng có tác dụng giảm hoặc ngăn chặn sự xuất hiện các cơn ngoại tâm thu thất. Có một số hoạt chất tác dụng hỗ trợ ổn định nhịp tim như L-carnitine, magie, dầu cá và các hoạt chất chứa trong vị thuốc Khổ sâm, Đan sâm và vị thuốc Hoàng đằng...

  • Khổ sâm là vị thuốc đông y có tác dụng như một thuốc điều trị ngoại tâm thu. Các nhà khoa học đã chỉ ra có 3 hoạt chất chính trong cây khổ sâm là matrine, chất oxymatrine, và chất kurarinone có tác dụng điều hòa và cân bằng nồng độ các chất điện giải canxi, kali và natri trong ngưỡng an toàn không làm hạ quá mức.Trong khi rối loạn các chất điện giải kali, natri, canxi là một trong các nguyên nhân dẫn đến ngoại tâm thu. Hợp chất matrine có trong khổ sâm chứa công dụng làm tăng thời gian dẫn truyền của tim. Khổ sâm còn có tác dụng ổn định xung động điện tim và hệ thống điện tim giúp tim đập đều đặn và nhịp nhàng. Sử dụng khổ sâm đặc biệt phù hợp với người bệnh bị ngoại tâm thu thất do rối loạn các chất điện giải hay do biến chứng sau bệnh nhồi máu cơ tim.
  • Đan sâm trong Đông y thuộc nhóm thuốc hoạt huyết điều huyết, nhờ tác dụng hoạt huyết đã giúp tăng cường lưu lượng tuần hoàn của máu, tăng sự tưới máu cho cơ tim. Sử dụng đan tâm rất tốt trong phối hợp thuốc điều trị các rối loạn nhịp tim.
  • Hoàng đằng cũng là vị thuốc được nhắc đến trong kết hợp các dược liệu cổ truyền điều trị bệnh tim mạch. Theo nghiên cứu hiện nay, hoàng đằng có tác dụng ngăn ngừa sự hình thành của những mảng xơ vữa động mạch, làm tăng tính đàn hồi cho máu và bảo vệ tim mạch, có ích trong ổn định rối loạn nhịp tim.

Trên đây là những lưu ý khi dùng các thuốc điều trị bệnh rối loạn nhịp tim ngoại tâm thu thất. Người bệnh cần được thăm khám và tuân thủ điều trị theo y lệnh của bác sĩ, không tự ý sử dụng thuốc không theo hướng dẫn để hạn chế tối đa các tác dụng phụ không mong muốn. Trong nhiều trường hợp bệnh, việc sử dụng kết hợp thêm các thảo dược Đông y có tác dụng giúp ổn định nhịp tim lâu dài hơn cũng như ngăn ngừa tái phát tốt hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan