Lưu ý khi dùng thuốc điều trị suy tim

Suy tim là một bệnh lỵ mạn tính, không có thuốc điều trị khỏi. Nhưng việc dùng thuốc giúp người bệnh có thể kiểm soát tốt bệnh, giảm triệu chứng, gia tăng chất lượng cuộc sống và tuổi thọ. Vậy trong quá trình điều trị suy tim bằng thuốc cần phải lưu ý gì?

1. Thế nào là suy tim?

Suy tim là tình trạng cơ tim bị suy yếu khiến cho tâm thất không có đủ khả năng tiếp nhận máu hoặc tống máu nuôi cơ thể. Suy tim khiến cho các cơ quan trong cơ thể không được cung cấp máu đầy đủ, ảnh hưởng tới hoạt động chức năng của các cơ quan.

Suy tim có thể xuất phát từ các nguyên nhân và yếu tố sau:

  • Tăng huyết áp: Đây là nguyên nhân chính gây suy tim trái.
  • Bệnh lý mạch vành.
  • Bệnh của van tim, tim bẩm sinh.
  • Giãn cơ tim.
  • Mắc bệnh lý chuyển hóa: Đái tháo đường, rối loạn lipid máu...
  • Bệnh cường giáp.
  • Nhiễm độc hoặc dùng các loại thuốc gây tổn thương tim.
  • Rối nhịp tim; Nhiễm khuẩn...

Tùy từng mức độ bệnh mà có những triệu chứng suy tim khác nhau, các triệu chứng phổ biến của bệnh gồm:

  • Khó thở khi hoạt động gắng sức, khi nằm đầu thấp, khó thở về đêm. Về sau khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi.
  • Mệt mỏi.
  • Chân và mắt cá chân bị sưng to.
  • Ho kéo dài, nặng hơn khi về đêm, có thể ra bọt hồng hoặc máu khi ho.

Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như: Thở bị khò khè; Cảm giác ăn không ngon miệng; Thường xuyên bị choáng, chóng mặt, ngất; Tăng hoặc giảm cân; Nhịp tim bị nhanh, đánh trống ngực, loạn nhịp; Mất ngủ, lo lắng...

Suy tim có nhiều mức độ khác nhau, tùy từng mức độ mà có những loại thuốc hay các biện pháp can thiệp phù hợp.

2. Các nhóm thuốc điều trị suy tim

Có nhiều loại thuốc điều trị suy tim khác nhau, tùy vào mức độ bệnh của người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phối hợp các loại thuốc điều trị bệnh phù hợp. Một số thuốc điều trị suy tim thường được sử dụng gồm:

  • Thuốc tăng sức bóp cho tim: Khi bị suy tim chức năng tim bị suy yếu, nên cần dùng nhóm thuốc giúp làm tăng khả năng bóp của cơ tim, thuốc trợ tim Digoxin hay được sử dụng. Digoxin ức chế bơm natri kali (Na+, K+-ATPase). Do đó, giúp tăng nhẹ co bóp cơ tim, giảm mức hoạt động hệ giao cảm, làm chậm nhịp tim trong rung nhĩ, làm giảm co mạch và giúp cải thiện lưu lượng máu tới thận. Mặc dù, Digoxin chưa chứng tỏ được lợi ích trong cải thiện tỷ lệ tử vong cho người bệnh suy tim, nhưng khi sử dụng kết hợp với các thuốc điều trị suy tim khác như lợi tiểu và thuốc ức chế men chuyển, có thể giúp kiểm soát triệu chứng và giảm tỷ lệ nhập viện ở bệnh nhân suy tim giảm phân suất tống máu. Bên cạnh đó, thuốc Digoxin còn giữ cho nhịp tim ổn định hơn với những người bệnh bị rung nhĩ.
  • Thuốc ức chế men chuyển (ACE): Thuốc ức chế men chuyển làm giảm sản xuất angiotensin II và giảm giáng hóa bradykinin là những chất có tác dụng co mạch làm tăng gánh nặng cho tim. Các tác động của thuốc bao gồm giãn mạch, giảm áp lực đổ đầy thất trái khi nghỉ ngơi và khi tập luyện, giảm sức cản mạch.
  • Thuốc ức chế men chuyển được chứng minh giúp kéo dài thời gian sống và giảm tỷ lệ nhập viện do bệnh lý tim mạch. Đối với bệnh nhân xơ vữa động mạch và bệnh lý mạch máu, dùng các thuốc ức chế men chuyển làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ não. Đối với bệnh nhân đái tháo đường, dùng thuốc giúp trì hoãn khởi phát bệnh thận. Do đó, thuốc ức chế men chuyển có thể được sử dụng ở những bệnh nhân suy tim và có kết hợp với bất kỳ bệnh lý nào nêu trên.
  • Thuốc chẹn thụ thể angiotensin II: Thuốc này có tác dụng khiến cho chất Angiotensin không gắn được vào thụ thể của nó ở mạch máu. Từ đó, không gây ra tác động co mạch. Nhóm thuốc này có thể được sử dụng để thay thế cho những trường hợp bệnh nhân không dung nạp với các thuốc ức chế men chuyển (ACE). Những loại thuốc này cùng có tác động tới Angiotensin nhưng không có khả năng vượt trội hơn các thuốc ức chế men chuyển. Bên cạnh đó, thuốc này ít gây ho và phù mạch hơn so với khi dùng thuốc ức chế men chuyển.
  • Thuốc chẹn beta giao cảm: Đây là nhóm thuốc giúp làm chậm nhịp tim, giảm áp lực cho tim, hạ huyết áp, phòng ngừa và điều trị tình trạng rối loạn nhịp nhanh, cải thiện chức năng tim và phòng ngừa nguy cơ đột tử. Ở những người bệnh suy tim giảm phân suất tống máu, thuốc chẹn beta giao cảm có thể coi là lựa chọn bắt buộc và thuốc kết hợp vô cùng quan trọng với ức chế men chuyển, trừ khi người bệnh có chống chỉ định khác (hen phế quản, block nhĩ thất độ 2 hoặc 3, tiền sử không dung nạp thuốc). Các thuốc chẹn beta đặc hiệu như carvedilol và metoprolol giúp cải thiện tỷ lệ sống và các bệnh tim mạch khác ở bệnh nhân suy tim giảm phân suất tống máu, thậm chí ở những bệnh nhân có các triệu chứng nặng.
  • Thuốc lợi tiểu: Thuốc lợi tiểu khiến cho người bệnh đi tiểu thường xuyên hơn, hạn chế việc tích nước trong cơ thể, đặc biệt là ở phổi giúp giảm áp lực do tăng khối lượng tuần hoàn và giảm áp lực tuần hoàn ở phổi. Nhóm thuốc điều trị suy tim này gồm nhiều hoạt chất có cơ chế tác dụng khác nhau. Có thể thấy những tác dụng của thuốc lợi tiểu như giúp cơ thể đào thải bớt dịch và lượng natri dư thừa thông qua nước tiểu; Giảm bớt những gánh nặng cho tim; Giảm tích tụ dịch trong phổi và các bộ phận khác...
  • Thuốc đối kháng Aldosterone: Đây cũng là một trong những thuốc lợi tiểu, nhưng thuốc lợi tiểu này giúp giữ kali, có tác dụng giảm sợi hóa cơ tim, kéo dài tuổi thọ cho người bệnh. Thuốc đối kháng aldosteron có tác dụng ngăn chặn những ảnh hưởng của hormone aldosterone trong cơ thể, làm giảm viêm ở cơ tim và mạch máu. Những thuốc này cũng giúp ngăn chặn quá trình tự chết theo chương trình của tế bào (apotosis) xảy ra, giúp làm giảm kích thích hệ renin-angiotensin-aldosterone và hệ thần kinh giao cảm. Đồng thời, tác nhân này cũng hoạt động như một chất ổn định màng, ngăn ngừa rối loạn nhịp tim.
  • Thuốc chống đông máu: Nhóm thuốc này thường được chỉ định khi bạn bị suy tim mà có kèm rung tâm nhĩ hoặc có vấn đề khác ở tim, có nguy cơ cao gặp phải các biến cố do cục máu đông gây ra.
  • Thuốc hạ cholesterol (nhóm statin): Đối với những bệnh nhân suy tim, đôi khi kê thêm các thuốc nhóm statin nếu người bệnh bị cholesterol cao hoặc từng trải qua cơn nhồi máu cơ tim. Nhóm thuốc này thực ra không phải thuốc dùng để điều trị suy tim nhưng thường được chỉ định để ngăn ngừa biến cố ở tim do rối loạn chuyển hóa lipid gây ra.

Một số nhóm thuốc mới trong điều trị suy tim

Một số nhóm thuốc điều trị suy tim mới được sử dụng bao gồm:

  • Ức chế SGLT2: Nhóm thuốc ức chế kênh đồng vận chuyển natri – glucose 2 là nhóm thuốc mới nhất được sử dụng để điều trị đái tháo đường (ĐTĐ) type 2. Nhưng trong quá trình sử dụng các thuốc ức chế SGLT2 đã được chứng minh làm giảm tỷ lệ tử vong và giảm tỷ lệ nhập viện ở bệnh nhân suy tim giảm phân số tống máu. Theo hướng dẫn điều trị suy tim cấp và mạn của Hiệp hội tim mạch châu Âu năm 2021 thì 2 thuốc thuộc nhóm ức chế SGLT2 là dapagliflozin và empagliflozin được khuyến cáo dùng ở bệnh nhân suy tim giảm phân số máu bất kể tình trạng đái tháo đường.
  • Ferric carboxymaltose (FCM): Thiếu sắt là tình trạng phổ biến ở bệnh nhân suy tim. Thiếu sắt làm giảm vận chuyển và làm giảm dự trữ oxy, dẫn đến giảm khả năng hoạt động thể lực và cơ thể nhanh kiệt sức. Đặc biệt, hàm lượng sắt trong các tế bào cơ tim bị cạn kiệt ở bệnh nhân suy tim. Chính vì vậy, việc bổ sung dự trữ sắt bằng FCM giúp làm cải thiện các triệu chứng, nồng độ tiêu thụ oxy đỉnh và chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân suy tim.
  • Thuốc gắn kali: Tăng kali máu là một tác dụng phụ hay gặp khi dùng thuốc, nhất là trên bệnh nhân suy thận. Điều này, thường làm bệnh nhân suy tim phải giảm liều điều trị hoặc ngừng các thuốc ức chế men chuyển hay ức chế thụ thể Angiotensin II. Các tác nhân gắn kali mới giúp duy trì nồng độ kali huyết bình thường an toàn và dung nạp tốt. Hiện tại, thuốc nhóm này đang được đánh giá về việc giảm nguy cơ tử vong do tim mạch và nhập viện do suy tim.
  • Vericiguat: Vericiguat là một thuốc đường uống có tác dụng kích thích trực tiếp guanylat cyclase hòa tan (sGC) và làm tăng độ nhạy cảm của sGC với nitric oxide nội sinh, từ đó làm tăng sản xuất guanosin monophosphat vòng (cGMP). Tăng nồng độ cGMP có tác dụng giãn cơ và giãn mạch. Thuốc Vericiguat trong các thử nghiệm giúp làm tử vong do nguyên nhân tim mạch hoặc nhập viện do suy tim.

3. Những điều cần lưu ý khi dùng thuốc điều trị suy tim

Để dùng thuốc điều trị suy tim hiệu quả bạn cần lưu ý những điều sau:

  • Tùy vào tình trạng bệnh cụ thể của bạn mà bác sĩ sẽ kê các loại thuốc khác nhau. Nên tuyệt đối không được sử dụng chung đơn thuốc với người mắc bệnh suy tim khác.
  • Dùng thuốc nên dùng vào một giờ cố định trong ngày để không bị quên uống thuốc. Nên cài nhắc nhở để có thể uống thuốc đúng giờ, tránh quên.
  • Cất giữ toa thuốc được bác sĩ kê đơn một cách cẩn thận để khi cần thiết dễ dàng tra cứu lại thông tin về thuốc.
  • Khi chẳng may quên uống thuốc, bạn tuyệt đối không tự ý uống bù liều bằng cách dùng gấp đôi liều vào ngày hôm sau hay thời điểm khác trong ngày.
  • Không được ngừng thuốc đột ngột hoặc tự ý tăng hay giảm liều dùng thuốc khi chưa được bác sĩ đồng ý.
  • Nếu trong quá trình dùng thuốc bạn có biểu hiện bất thường hoặc triệu chứng của bệnh không thuyên giảm dù dùng thuốc đúng cần trao đổi ngay với bác sĩ.
  • Ngoài việc dùng thuốc đúng bạn nên kết hợp với chế độ ăn uống phù hợp như chế độ ăn giảm muối, tăng cường rau củ quả, kiểm soát tốt lượng nước đưa vào cơ thể, bỏ da động vật khi, tránh các chất kích thích, thuốc lá...; Duy trì thực hiện bài tập thể dục phù hợp với thể trạng để giúp tăng cường lưu thông máu máu.
  • Sử dụng một số sản phẩm thảo dược: Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc dùng sản phẩm hỗ trợ để cải thiện triệu chứng của bệnh và các sản phẩm này không tương tác với các thuốc chính đang được dùng.
  • Thăm khám định kỳ: Bệnh nhân suy tim cần phải được theo dõi định kỳ để đánh giá mức độ đáp ứng điều trị và các dấu hiệu tăng nặng bệnh. Do đó, bạn tuân thủ lịch khám định kỳ của bác sĩ, không tự ý mua các thuốc theo đơn cũ khi chưa được chỉ định.

Các thuốc điều trị suy tim cần phải dùng thường xuyên và đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Nếu trong quá trình dùng thuốc có bất kỳ điều thắc mắc nào nên hỏi ý kiến bác sĩ để được giải đáp đúng nhất.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị suy tim

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

454 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan