Lưu ý trong nong van tim bị hẹp bằng bóng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Văn Hùng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Hẹp van tim đang là một trong những bệnh lý tim mạch nguy hiểm, đe dọa tới sức khỏe của nhiều bệnh nhân. Trong các phương pháp điều trị bệnh, nong van tim bằng bóng qua da là kỹ thuật an toàn, ít nguy hiểm, có tác dụng tốt trong cải thiện triệu chứng ở bệnh nhân hẹp van 2 lá.

1. Tổng quan về bệnh hẹp van tim

Hẹp van hai lá là bệnh hay gặp nhất trong các bệnh tim mắc phải, chiếm khoảng 40% các ca bệnh van tim. Hẹp van 2 lá chủ yếu do hậu quả của thấp tim gây nên. Thủ phạm gây thấp tim là nhiễm liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A. Loại liên cầu khuẩn này thường gây ra các triệu chứng như viêm họng, viêm khớp. Ước tính có tới 15% trẻ em bị nhiễm liên cầu khuẩn beta và biến chứng sang thấp tim là 3 - 5%.

Nếu không được điều trị, hẹp van 2 lá sẽ gây cản trở dòng máu từ tâm nhĩ trái xuống tâm thất trái, dẫn đến những hậu quả về rối loạn cản trở huyết động. Bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như phù phổi cấp, suy tim nặng, rối loạn nhịp tim, tắc mạch, suy tim mạn tính,...

Đặc biệt, ở giai đoạn đầu, triệu chứng của bệnh khá mơ hồ. Chỉ khi người bệnh gặp các biến chứng như liệt (do tai biến tắc mạch máu não), ho ra máu,... mới được chẩn đoán mắc hẹp van tim.

Nếu hẹp van hai lá xảy ra từ khi trẻ còn nhỏ thì trẻ sẽ còi cọc, chậm phát triển. Còn nếu sản phụ bị hẹp van hai lá thì tính mạng của thai phụ và thai nhi sẽ bị đe dọa cả trong giai đoạn mang thai lẫn khi chuyển dạ.

2. Nong van tim bằng bóng - phương pháp trị hẹp van 2 lá hữu hiệu

2.1 Nong van tim bị hẹp bằng bóng là gì?

Trước đây, biện pháp điều trị chủ yếu cho hẹp van hai lá là dùng thuốc và phẫu thuật. Phương pháp dùng thuốc chỉ mang tính tạm thời. Trong những trường hợp van tim bị hẹp khít sẽ cần phải tiến hành phẫu thuật tách van hoặc thay van.

Nong van tim bị hẹp bằng bóng là gì
Kỹ thuật dùng bóng nong inoue điều trị hẹp van tim 2 lá

Phương pháp phẫu thuật tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cho bệnh nhân như ảnh hưởng của quá trình gây mê, viêm nhiễm, biến chứng, thời gian phục hồi kéo dài, có vết sẹo lớn trên ngực, chi phí cao, ảnh hưởng xấu tới tâm lý người bệnh,...

Hiện nay, kỹ thuật dùng bóng nong Inoue điều trị hẹp van tim 2 lá đang được ứng dụng ngày càng phổ biến. Khác với sửa hoặc thay van tim, nong van tim là kỹ thuật điều trị hẹp van tim không cần mổ hở. Thay vào đó, kỹ thuật này sử dụng ống thông có gắn bóng qua da để nới rộng các van 2 lá, động mạch phổi, động mạch chủ bị hẹp.

Ưu điểm của phương pháp này là điều trị hiệu quả cho nhiều trường hợp nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người suy tim nặng,... với độ an toàn và hiệu quả cao, ít biến chứng. Bệnh nhân có thời gian nằm viện ngắn, ít đau đớn và không có sẹo trên ngực. Nhờ thủ thuật này, nhiều bệnh nhân được kéo dài thời gian sống, cải thiện triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hiệu quả nong van tim bằng bóng có thể duy trì 8 - 15 năm. Thời gian duy trì hiệu quả ngắn hoặc dài còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơ địa của bệnh nhân, sự tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, chế độ ăn uống và luyện tập. Bởi vậy, sau can thiệp, bệnh nhân cần duy trì một chế độ sinh hoạt điều độ để trì hoãn nguy cơ hẹp van tim trở lại.

2.2 Chỉ định và chống chỉ định nong van tim

Chỉ định trong các trường hợp:

  • Người bị hẹp van 2 lá hoặc hẹp van động mạch phổi đơn thuần, tổ chức van còn tốt, chưa bị vôi hóa nhiều;
  • Không có huyết khối trong nhĩ trái (loại trừ bằng siêu âm qua thực quản);
  • Hẹp 2 lá khít (diện tích lỗ van <1,5cm2), hình thái van phù hợp cho nong van 2 lá;
  • Người bị hẹp động mạch chủ nhiều, đã lớn tuổi hoặc sức khỏe yếu;
  • Trẻ em hẹp động mạch chủ bẩm sinh được chỉ định nong van tim cho tới khi trẻ đủ tuổi phẫu thuật hoặc thay van tim mới;
  • Cân nhắc nong van tim: Hẹp van 2 lá kèm suy tim nặng (không thể phẫu thuật được) hoặc biến dạng lồng ngực, gù vẹo cột sống, phụ nữ có thai,...

Chống chỉ định trong các trường hợp:

  • Bệnh nhân có hở van 2 lá vừa đến nhiều hoặc hở/hẹp van động mạch chủ vừa đến nhiều;
  • Có huyết khối trong nhĩ trái;
  • Hình thái van (gồm bộ máy van và tổ chức dưới van, dày dính nhiều, vôi hóa (Wilkins >10 điểm);
  • Mới có biến cố tắc mạch trong vòng 3 tháng;
  • Chống chỉ định tương đối: Người đang trong tình trạng nhiễm trùng chưa khống chế được, bệnh nhân rối loạn đông máu,...
Nong van tim
Nong van tim bằng bóng được chỉ định trên bệnh nhân hẹp van tim đơn thuần

2.3 Nong van tim bằng bóng thực hiện như thế nào?

Thủ thuật nong van tim bị hẹp bằng bóng được thực hiện bằng cách trích một vết nhỏ (kích thước khoảng vài milimet) trên tĩnh mạch đùi bệnh nhân. Sau đó, bác sĩ luồn một ống thông nhỏ, rỗng, đầu ống có gắn một quả bóng, đưa qua tĩnh mạch đùi của bệnh nhân tới vị trí van tim bị hẹp. Tiếp theo, quả bóng sẽ được bơm căng để hai mép van tim bị dính do thấp tim sẽ tách ra, lỗ van tách rộng ra, giải quyết được những rối loạn tuần hoàn do tình trạng hẹp van tim gây ra.

Quá trình thực hiện thủ thuật diễn ra trong khoảng 30 phút, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo và không cần phải gây mê.

2.4 Theo dõi sau nong van tim bằng bóng

  • Theo dõi chức năng sống còn: Nhịp tim, nhịp thở, huyết áp, nhiệt độ cơ thể,...
  • Theo dõi các đường cong áp lực nhĩ trái, mức độ hở 2 lá,... sau mỗi lần nong van để quyết định tăng cỡ bóng đạt mức tối ưu;
  • Theo dõi phát hiện sớm các biến chứng có thể gặp trong và sau nong van tim như hở 2 lá, tai biến mạch máu não, tràn dịch màng ngoài tim,...;
  • Theo dõi vị trí đường vào tĩnh mạch: Tình trạng chảy máu, tụ máu, nhiễm trùng, thông động tĩnh mạch,...

2.5 Tai biến và cách xử trí

Nong van tim khá an toàn nhưng vẫn có một tỷ lệ nhỏ gặp biến chứng. Thông thường các biến chứng của thủ thuật này không quá nguy hiểm và tỷ lệ xảy ra khá thấp. Một số biến chứng có thể xuất hiện sau nong van tim bị hẹp bằng bóng là:

  • Các biến chứng nhẹ: Cường phế vị (nhịp chậm, tụt huyết áp, vã mồ hôi), ngoại tâm thu nhĩ, rung nhĩ thoáng qua,... Biến chứng tồn lưu thông liên nhĩ lỗ nhỏ hiếm gặp và không gây nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe bệnh nhân;
  • Tràn dịch màng ngoài tim do thủng thành nhĩ hoặc thành thất: Cần phát hiện sớm, chọc hút dịch kịp thời và truyền máu nếu cần hoặc phẫu thuật cấp cứu;
  • Hở 2 lá do rách lá van hoặc đứt dây chằng: Cần phát hiện sớm, sử dụng các thuốc ngăn chặn suy tim trái - phù phổi cấp hoặc phẫu thuật thay van cấp khi lâm sàng không ổn định;
  • Tắc mạch: Các biến chứng tắc mạch não, tắc mạch chi, tắc mạch tạng cần chú ý theo dõi sát, cho sử dụng thuốc chống đông nếu cần,...

Biến chứng khác: Chảy máu ở vị trí trích ống thông, nhiễm trùng,...

3. Giải pháp kéo dài tuổi thọ van tim sau thủ thuật nong van tim

Sau khi thực hiện thủ thuật nong van tim, người bệnh nếu được chăm sóc tốt sẽ tránh được biến chứng, có thể duy trì hiệu quả của phương pháp điều trị này tới 15 năm mà không bị tắc hẹp trở lại. Một số lời khuyên cho bệnh nhân là:

  • Chăm sóc vết mổ hằng ngày:

Vị trí luồn ống thông để nong van có nguy cơ nhiễm trùng. Để tránh biến chứng này, bệnh nhân cần giữ vết mổ khô ráo, tham khảo ý kiến bác sĩ về việc tắm rửa, vệ sinh cơ thể. Nếu có dấu hiệu chảy máu nhiều, đau bất thường, vết thương bị sưng tấy, đổi màu, sốt, ớn lạnh,... bệnh nhân cần liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn bởi vết thương có thể đã bị nhiễm trùng.

  • Chế độ ăn uống khoa học:

Người bệnh sau nong van tim nên hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, natri, cholesterol. Thay vào đó, bệnh nhân nên ăn nhiều thực phẩm tốt cho tim như rau, củ, quả, chế phẩm từ sữa ít béo, đậu, cá, thịt nạc,... Những bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông kháng vitamin K cần tránh các loại rau màu xanh đậm như súp lơ, rau cải (chứa nhiều vitamin K) để tránh đông máu.

Chế độ ăn uống lành mạnh cho tim: 8 bước để ngăn ngừa bệnh tim
Chế độ ăn uống khoa học giúp kéo dài tuổi thọ van tim sau thủ thuật nong van tim
  • Tập luyện phù hợp:

Sau một thời gian nghỉ ngơi trên giường, bệnh nhân có thể đứng dậy, tập di chuyển chậm. Người bệnh không được hoạt động nặng, chỉ tập các bài tập nhẹ nhàng theo hướng dẫn của bác sĩ;

  • Cảnh giác trước nguy cơ viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn:

Sau nong van tim, bệnh nhân có nguy cơ cao bị viêm nội tâm mạc, có thể gây hỏng van tim và nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Do đó, người bệnh cần ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh bằng cách dùng kháng sinh trước và sau khi thực hiện các thủ thuật nha khoa (lấy cao răng, nhổ răng, thay răng,...), phẫu thuật (sinh con, thăm khám trực tràng,...); vệ sinh răng miệng hằng ngày và thăm khám định kỳ 6 - 12 tháng/lần; đi khám ngay nếu có những dấu hiệu bất thường như sốt, vã mồ hôi, ăn không ngon, mệt mỏi kéo dài,...

Nong van tim bằng bóng là phương pháp điều trị hẹp van tim an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, người bệnh cần chú ý vấn đề phòng ngừa bệnh thấp tim cần được quan tâm đúng mức. Những bệnh nhân dưới 40 tuổi bị hẹp van 2 lá được nong van tim cần dùng thuốc, tái khám theo chỉ định của bác sĩ và tiếp tục tiêm phòng thấp tim bằng tiêm Penicillin chậm vì hẹp van tim do thấp tim vẫn có thể tái diễn sau nong van tim.

Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Văn Hùng đã có 30 năm kinh nghiệm về khám và điều trị các bệnh lý nội khoa, đặc biệt về chuyên khoa Nội tim mạch: động mạch vành, suy tim, van tim, rối loạn nhịp tim...Thạc sĩ, Bác sĩ Hùng từng giữ chức Phó Trưởng khoa Nội Tim mạch và Trưởng Đơn vị Tim mạch Can thiệp tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng và hiện đang làm việc tại Khoa Khám bệnh và Nội khoa, Nội Tim mạch, Tim mạch Can thiệp tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan