Rung nhĩ trong thai kỳ: Những điều cần biết

Bệnh rung nhĩ trong thai kỳ có thể gây ra nhiều rủi ro và biến chứng khó lường và cần được điều trị bệnh từ sớm để đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và bé.

1. Vấn đề về rung nhĩ trong thai kỳ

Bệnh rung nhĩ có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của phụ nữ đang trong thai kỳ hoặc sắp sinh
Bệnh rung nhĩ có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của phụ nữ đang trong thai kỳ hoặc sắp sinh

Bạn nên hợp tác chặt chẽ với bác sĩ của bạn để đảm bảo thuốc tim của bạn phù hợp cho thai kỳ và biết những dấu hiệu cần chú ý để đề phòng tác dụng phụ của thuốc cũng như diễn biến bất thường của bệnh.

2. Biến đổi từ thai kỳ ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch

Trong thời kỳ mang thai, cơ thể phụ nữ trải qua nhiều biến đổi để đáp ứng nhu cầu của thai nhi. Sự thay đổi này bao gồm việc tăng sản xuất máu, tăng cường lưu lượng máu đến nuôi dưỡng tử cung và tăng cường sản xuất hormone tác động đến hoạt động của các cơ quan, bao gồm cả tim và mạch máu.

Do ảnh hưởng của thai kỳ, tim phụ nữ sẽ tăng cường hoạt động và nhịp tim sẽ tăng nhanh. Một số phụ nữ khỏe mạnh thường cảm nhận sự thay đổi này qua việc cảm thấy tim đập nhanh, mạnh trong lồng ngực hoặc có cảm giác tim bị bỏ nhịp khi mang thai.

Nếu bạn đã từng bị rung nhĩ, tất cả những thay đổi trong cơ thể khi mang thai có thể khiến bạn dễ bị rung nhĩ tái phát hoặc chúng trở nên tồi tệ hơn. Và đối với một số phụ nữ chưa từng bị rung nhĩ trước đây, việc mang thai có thể khởi kích cơn rung nhĩ. Các bác sĩ thường chẩn đoán các trường hợp rung nhĩ mới trong ba tháng cuối của thai kỳ.

Nếu bạn nghi ngờ về tình trạng rung nhĩ trong thai kỳ, hãy thông báo với bác sĩ ngay và lên kế hoạch điều trị nhanh chóng
Nếu bạn nghi ngờ về tình trạng rung nhĩ trong thai kỳ, hãy thông báo với bác sĩ ngay và lên kế hoạch điều trị nhanh chóng

Khi mang thai, rung nhĩ không được kiểm soát tốt có thể khiến các vấn đề về tim dễ xảy ra hơn. Bạn cũng có nhiều nguy cơ sinh con nhẹ cân, sinh quá sớm và gặp các biến chứng khi mang thai bao gồm tiền sản giật. Vì những rủi ro này, bạn có thể sẽ phải hẹn khám thêm (ngoài lịch khám thai định kỳ) với bác sĩ để đảm bảo quá trình mang thai của bạn diễn ra tốt đẹp và để kiểm tra xem tim bạn đang hoạt động như thế nào.

Đối với những người mắc chứng rung nhĩ, cần thực hiện các cuộc kiểm tra định kỳ không chỉ với bác sĩ sản khoa mà còn với chuyên gia tim mạch. Các chuyên gia có thể khuyên bạn tìm kiếm sự tư vấn của bác sĩ sản khoa, người được đào tạo để xử lý những vấn đề tiềm ẩn rung nhĩ trong thai kỳ.

3. Lập kế hoạch mang thai của bạn

Việc mang thai khi bạn mắc rung nhĩ không phải là vấn đề quá nguy hiểm, nhưng bạn phải đi khám bác sĩ để giúp ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra. Tốt nhất, bạn nên thảo luận với bác sĩ về những ảnh hưởng có thể có của rung nhĩ đối với thai kỳ trước khi bạn mang thai.

Các loại thuốc phổ biến nhất trong điều trị rung nhĩ mà người bị rung nhĩ thường dùng khiến thai nhi gặp nguy hiểm là thuốc làm loãng máu, thuốc làm chậm nhịp tim hoặc thuốc duy trì nhịp tim bình thường.

Một số loại thuốc này, đặc biệt là trong ba tháng đầu tiên của thai kỳ (khi các cơ quan của em bé đang phát triển), có thể ảnh hưởng thậm chí có thể gây hại đến sự phát triển của em bé. Ngừng sử dụng chúng trước thai kỳ có thể giảm nguy cơ này, nhưng bạn cần thảo luận và làm việc chặt chẽ với bác sĩ để đảm bảo sự an toàn cho cả mẹ và em bé.

4. Lựa chọn thuốc khi mắc rung nhĩ trong thai kỳ

Việc lựa chọn loại thuốc điều trị rung nhĩ phù hợp với bạn trong thời kỳ mang thai tùy thuộc vào trường hợp cụ thể của bạn và mức độ nghiêm trọng của rung nhĩ.

Nhiều loại thuốc có rủi ro khi mang thai, bao gồm tỷ lệ dị tật bẩm sinh, sảy thai hoặc chuyển dạ sớm cao hơn. Nhưng những cơn rung nhĩ cũng có thể nguy hiểm, có khả năng làm chậm lưu lượng máu đến nuôi bào thai. Bạn và bác sĩ sẽ cân nhắc những rủi ro và lợi ích của các phương pháp điều trị khác nhau đối với từng trường hợp cụ thể của bạn. Bạn có thể đổi thuốc hoặc ngừng sử dụng hoàn toàn các loại thuốc điều trị rung nhĩ trong thời kỳ mang thai.

Nói chung, các loại thuốc điều trị rung nhĩ nên tránh khi mang thai bao gồm:

  • Thuốc làm loãng máu như warfarin (Coumadin, Jantoven), dabigatran (Pradaxa), rivaroxaban (Xarelto), và apixaban (Eliquis).
  • Thuốc chống loạn nhịp như amiodarone, có liên quan đến suy giáp ở trẻ sơ sinh.
  • Verapamil và diltiazem, có thể tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh và vấn đề tim.

Một số loại thuốc điều trị rung nhĩ có thể sử dụng an toàn khi mang thai. Do đó, bác sĩ có thể khuyên bạn chuyển sang một loại thuốc khác. Ví dụ, bạn có thể sử dụng aspirin (trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba) hoặc heparin để làm loãng máu và giảm nguy cơ đông máu.

Trong giai đoạn mang thai, các mẹ cần lưu ý về những loại thuốc điều trị rung nhĩ để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của bé
Trong giai đoạn mang thai, các mẹ cần lưu ý về những loại thuốc điều trị rung nhĩ để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của bé

Các bác sĩ thường đề xuất sử dụng thuốc chẹn beta như atenolol, labetalol và metoprolol hơn so với các loại thuốc chẹn beta khác. Đây là những loại thuốc làm giảm huyết áp và làm chậm nhịp tim, giúp kiểm soát rung nhĩ trong thai kỳ.

Digoxin, một loại thuốc điều trị bệnh tim mạch thông thường, được coi là an toàn khi mang thai và là một trong những loại thuốc được sử dụng nhiều cho phụ nữ mang thai mắc rung nhĩ.

Quinidine, khi sử dụng qua đường tiêm tĩnh mạch, dường như cũng an toàn khi dùng trong thời kỳ mang thai.

5. Khi nào cần gọi bác sĩ của bạn để kiểm tra?

Nếu bạn đang mang thai và gặp vấn đề với rung nhĩ, quan trọng nhất là bạn cần theo dõi các dấu hiệu của cục máu đông, bao gồm:

  • Sưng, đỏ, và đau ở cánh tay hoặc chân.
  • Nhịp tim nhanh.
  • Chóng mặt.
  • Khó thở hoặc đau khi thở.
  • Đau ngực hoặc tức ngực.
  • Đau lan ra vai, cánh tay, lưng, hoặc hàm.
  • Yếu đột ngột hoặc tê ở mặt, cánh tay hoặc chân.
  • Khó nói hoặc hiểu lời nói đột ngột.
  • Thay đổi đột ngột về tầm nhìn.

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu rung nhĩ trong thai kỳ hoặc trầm trọng hơn, bạn cũng nên liên hệ với bác sĩ. Những dấu hiệu này có thể bao gồm:

  • Tim đập nhanh, nhịp tim nhanh, hoặc đập mạnh trong lồng ngực.
  • Mệt mỏi.
  • Chóng mặt hoặc cảm giác choáng váng.
  • Cơn ngất xỉu hoặc cảm giác sắp ngất xỉu.
  • Hụt hơi.
  • Đau ngực.

6. Rung nhĩ trong và sau khi sinh

Khi bạn tiến gần cuối thai kỳ, bác sĩ có thể xem xét lại loại thuốc của bạn để tránh việc sử dụng bất kỳ thuốc làm loãng máu nào ngay trước hoặc trong quá trình chuyển dạ và sinh nở. Trong giai đoạn này, bác sĩ sẽ theo dõi hoạt động tim của bạn để đảm bảo rằng stress khi sinh con không ảnh hưởng đến nhịp tim hoặc gây ra rung nhĩ trong thai kỳ.

Sau khi sinh, bạn có thể tiếp tục sử dụng thuốc làm loãng máu. Bác sĩ có thể điều chỉnh kế hoạch điều trị của bạn nếu bạn đang dự định cho con bú sữa mẹ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan