Vì sao tim bị tổn thương do hội chứng Marfan?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Sơn - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Hội chứng Marfan là một bệnh lý di truyền về rối loạn tổ chức liên kết gây tổn thương tim, mạch máu, mắt, phổi, khung xương và dây chằng. Trong đó, phình vỡ động mạch chủ và dị tật van tim là những tổn thương tim thường gặp nhất. Điều trị hội chứng Marfan bao gồm thuốc chẹn beta để làm chậm quá trình giãn động mạch chủ lên và phẫu thuật sửa chữa động mạch chủ.

1. Khái niệm về hội chứng Marfan

Hội chứng Marfan là một bệnh lý di truyền về rối loạn tổ chức liên kết gây tổn thương tim, mạch máu, mắt, phổi, khung xương và dây chằng. Di truyền trong hội chứng Marfan là di truyền trội trên nhiễm sắc thể thường.

Nguyên nhân gây ra hội chứng Marfan là do khiếm khuyết gen sản xuất ra protein của mô liên kết – một loại protein giúp tạo sự đàn hồi và chắc chắn cho các mô liên kết trong cơ thể. Đa số những người mắc hội chứng Marfan thừa hưởng gen bất thường từ cha và/ hoặc mẹ. Điều này có nghĩa là nếu một người có cha hoặc mẹ mang mang gen gây bệnh thì người đó có 50% khả năng mắc bệnh (do thừa hưởng gen khiếm khuyết). Mặc dù hội chứng Marfan là rối loạn mang tính gia đình, nhưng bất thường về gen này cũng có thể mới xuất hiện do đột biến gen. Khoảng 25% người mắc hội chứng Marfan là do đột biến gen mới xuất hiện chứ không phải do di truyền từ cha hoặc mẹ. Hội chứng Marfan ảnh hưởng như nhau đến cả nam và nữ, xảy ra trong tất cả các nhóm dân tộc và sắc tộc.

2. Triệu chứng của hội chứng Marfan

Người mắc hội chứng Marfan có thể xuất hiện các triệu chứng ngay sau khi sinh, ở tuổi vị thành niên, tuổi trưởng thành hoặc không bao giờ xuất hiện. Các triệu chứng cũng như dấu hiệu của hội chứng Marfan rất thay đổi, thậm chí khác nhau giữa các thành viên trong cùng một gia đình. Một số người chỉ có triệu chứng nhẹ, nhưng có những người phát triển các biến chứng tim, mạch máu đe dọa tính mạng. Trong phần lớn trường hợp, bệnh có xu hướng tiến triển nặng dần theo tuổi tác.

Các triệu chứng của hội chứng Marfan bao gồm:

  • Dáng người cao và mảnh mai.
  • Xương: gù vẹo cột sống, tay và chân dài, các ngón tay và ngón chân dài không tương xứng, dấu hiệu ngón tay cái, bàn chân phẳng.
  • Vòm miệng cong cao và răng dày.
  • Tim: mệt, khó thở, đau ngực, đánh trống ngực, ngất do phình động mạch chủ, âm thổi ở tim do hở van tim. Bóc tách hoặc vỡ động mạch chủ làm chảy máu ồ ạt, thiếu máu trầm trọng tất cả các cơ quan và tử vong nhanh chóng nếu không được phẫu thuật cấp cứu kịp thời. Ngoài ra, nguy cơ viêm nội tâm mạc nhiễm trùng cũng tăng lên ở người bị hội chứng Marfan.
  • Phổi: cột sống cong và xương ức lõm hoặc nhô ra bên ngoài gây cản trở sự hít thở nên người bệnh sẽ cảm thấy khó thở, hụt hơi, hơi thở bị hạn chế, ngay cả khi hoạt động mức độ nhẹ hoặc trung bình. Ngoài ra, những người mắc hội chứng Marfan cũng có nguy cơ bị khí phế thũng, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, xẹp phổi và ngưng thở khi ngủ.
  • Mắt: lệch trục thuỷ tinh thể, bong hoặc rách võng mạc, cận thị nặng, tăng nhãn áp. Các triệu chứng có thể thay đổi từ nhạy cảm với ánh sáng, chói mắt và đau mắt cho đến mờ mắt và mù lòa.

Xem ngay: Tổn thương tim do hội chứng Marfan

tổn thương tim
Hội chứng Marfan là một bệnh lý di truyền về rối loạn tổ chức liên kết gây tổn thương tim

3. Cơ chế gây tổn thương tim của hội chứng Marfan

Bệnh tim là biến chứng nguy hiểm nhất của hội chứng Marfan, bao gồm phình vỡ động mạch chủ và tổn thương van tim.

3.1. Phình bóc tách động mạch chủ

Những bất thường về cấu trúc động mạch trong hội chứng Marfan là do thiếu hụt một số protein tham gia cấu tạo nên mô liên kết, làm cho cấu trúc lớp áo giữa của các động mạch, nhất là động mạch chủ, không được chặt chẽ, làm suy yếu động mạch chủ, dẫn đến giãn, phình hoặc bóc tách động mạch chủ. Phình giãn thường bắt đầu ở gốc động mạch chủ, gây hở van động mạch chủ, tạo nên âm thổi tâm trương. Áp lực của máu làm cho thành động mạch phình ra, lan dọc theo chiều dài của động mạch chủ ngực và bụng. Khi áp lực máu cao làm lớp áo trong của thành động mạch chủ bị rách, máu sẽ len vào giữa các lớp của thành mạch. Tình trạng này gọi là bóc tách động mạch chủ. Cấu trúc thành mạch suy yếu dẫn đến vỡ động mạch chủ.

Nguy cơ vỡ phình động mạch chủ càng cao nếu kích thước khối phình càng lớn. Có khoảng 80% bệnh nhân phình động mạch chủ bụng tiến triển nặng dần theo thời gian. Khoảng 15 - 20% trường hợp tiến triển nhanh (đường kính tăng trên 0,5cm mỗi năm) và do đó nguy cơ bị vỡ phình cũng tăng dần theo thời gian. Khoảng 25% người bệnh vỡ phình động mạch chủ tử vong trước khi nhập viện và khoảng 51% trường hợp tử vong trong bệnh viện khi chưa kịp phẫu thuật. Tỷ lệ tử vong trong phẫu thuật cấp cứu khoảng 46% (so với 4 - 6% nếu phẫu thuật được chuẩn bị từ trước).Tỷ lệ sống sót 30 ngày sau phẫu thuật khoảng 11%.

3.2. Bệnh lý van tim

Những người mắc hội chứng Marfan cũng tăng nguy cơ mắc các vấn đề với van tim, ví dụ như hở van, có thể là do cấu trúc lá van bị thay đổi hoặc kém đàn hồi. Khi van tim hoạt động không tốt, cơ tim phải co bóp nhiều hơn để bù đắp lại. Điều này cuối cùng dẫn đến bệnh lý suy tim.

4. Chẩn đoán tổn thương tim do hội chứng Marfan

  • Xét nghiệm về di truyền. Nếu các tiêu chuẩn lâm sàng cho hội chứng Marfan không rõ ràng, xét nghiệm di truyền tìm gene FBN1 đột biến có thể hữu ích để xác định chẩn đoán.
  • Siêu âm tim: là phương tiện hình ảnh học đầu tiên, đơn giản, dễ thực hiện để đánh giá cấu trúc và chức năng tim. Siêu âm tim hiển thị kích thước các buồng tim và hoạt động của các van tim. Kích thước và cấu trúc của động mạch chủ cũng đánh giá thông qua siêu âm tim. Nếu đã được chẩn đoán phình động mạch chủ, bệnh nhân cần được siêu âm tim lại trong vòng 6 đến 12 tháng để đánh giá tiến triển của bệnh.
  • Chụp cộng hưởng từ tim (CMR) hoặc chụp cắt lớp vi tính tim để khảo sát hình ảnh, đo kích thước của toàn bộ động mạch chủ.
tổn thương tim
Tất cả các bệnh nhân hội chứng Marfan đều nên dùng thuốc chẹn thụ thể beta

5. Điều trị hội chứng Marfan

Điều trị hội chứng Marfan chủ yếu là phòng ngừa và điều trị biến chứng của bệnh.

  • Đối với những bệnh nhân nữ rất cao, dùng estrogen và progesterone để khởi động việc dậy thì sớm từ 10 tuổi có thể giúp làm giảm chiều cao khi trưởng thành.
  • Tất cả các bệnh nhân hội chứng Marfan đều nên dùng thuốc chẹn thụ thể beta (ví dụ propranolol, atenolol) để phòng ngừa các biến chứng tim. Thuốc sẽ làm giảm áp lực bơm máu thông qua việc giảm co bóp cơ tim; từ đó sẽ ngăn chặn hoặc làm giảm sự tiến triển của giãn động mạch chủ và giảm nguy cơ bóc tách và vỡ động mạch.
  • Nếu không thể dung nạp được các tác dụng phụ của thuốc chẹn thụ thể beta, thuốc ức chế men chuyển (ACEI), thuốc chẹn thụ thể angiotensin (ARB) hoặc thuốc chẹn kênh canxi cũng có thể được sử dụng ở những người mắc hội chứng Marfan.
  • Chỉ định phẫu thuật dự phòng biến chứng vỡ động mạch khi đường kính của phình động mạch chủ lên ≥ 5,5cm và đường kính của động mạch chủ xuống ≥ 6cm. Nếu bệnh nhân có nguy cơ phẫu thuật cao thì đường kính động mạch chủ > 6 – 7cm là có chỉ định.
  • Ở bệnh nhân hội chứng Marfan có tiền sử gia đình có người thân bị phình, bóc tách động mạch chủ hoặc van động mạch chủ hai mảnh thì sẽ tăng nguy cơ bóc tách và vỡ động mạch chủ. Do đó, chỉ định phẫu thuật phình động mạch chủ ngực ở những bệnh nhân này có thể sớm hơn, khi đường kính động mạch chủ > 5cm.
  • Ở các bệnh nhân hội chứng Marfan có đường kính phình > 4,5cm đi kèm với nguy cơ đặc biệt cao như giãn động mạch chủ tiến triển nhanh thì có thể chỉ định phẫu thuật sớm hơn để ngăn ngừa biến chứng vỡ đe dọa tính mạng.
  • Phụ nữ có thai bị hội chứng Marfan có nguy cơ cao xuất hiện biến chứng động mạch chủ, do đó nên thảo luận về vấn đề sửa chữa động mạch chủ chọn lọc trước khi mang thai.
  • Hở van động mạch chủ nặng cũng có thể cần phải phẫu thuật sửa chữa hoặc thay van.
  • Dự phòng viêm nội tâm mạc nhiễm trùng ở những bệnh nhân đã có tiền căn bị viêm nội tâm mạc hoặc đã thay van nhân tạo, trước khi tiến hành các thủ thuật xâm lấn ví dụ như thủ thuật răng miệng hoặc phẫu thuật.
  • Vẹo cột sống cần mang đai cứng càng lâu càng tốt, nhưng khuyến khích can thiệp phẫu thuật ở những bệnh nhân có đường cong cột sống từ 40 đến 50°.
  • Chế độ sinh hoạt hợp lý, chơi thể thao cường độ nhẹ, không mang vác vật nặng, tránh gắng sức quá mức để giảm gánh nặng cho tim.
  • Tất cả những bệnh nhân mắc hội chứng Marfan đều được khuyến cáo khám bệnh định kỳ ít nhất 1 lần mỗi năm để điều trị triệu chứng (nếu có), theo dõi sự tiến triển của bệnh và phát hiện sớm các biến chứng tim, mắt, phổi, xương,...
  • Tư vấn về di truyền.

Tổn thương tim do hội chứng Marfan là một rối loạn di truyền "biểu hiện thay đổi". Nghĩa là các dấu hiệu và triệu chứng có thể khác nhau từ người này sang người khác. Chúng cũng có thể khác nhau về mức độ nghiêm trọng và có thể từ nhẹ đến đe dọa tính mạng. Các triệu chứng có xu hướng trở nên tồi tệ hơn khi bạn già đi. Vì thế, việc thăm khám định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín rất quan trọng với người bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan