Huyết áp cao gây ảnh hưởng tim kèm trào ngược dạ dày có thể uống thuốc gì?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Bố em ngoài 60 tuổi, ông bị huyết áp cao, có ảnh hưởng tim, ông uống nhiều thuốc ảnh hưởng cả thận. Hiện tại lại bị cả chứng trào ngược dạ dày và phù nề chân đứng lâu khó chịu nên thấy mệt mỏi, nằm nhiều và ngủ nhiều. Bác sĩ cho em hỏi huyết áp cao gây ảnh hưởng tim kèm trào ngược dạ dày có thể uống thuốc gì? Em cảm ơn bác sĩ.

Khách hàng ẩn danh

Trả lời

Chào bạn,

Với câu hỏi “Huyết áp cao gây ảnh hưởng tim kèm trào ngược dạ dày có thể uống thuốc gì?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Nguyên nhân của bệnh huyết áp cao: Có đến 90 – 95% tăng huyết áp vô căn gọi là tăng huyết áp nguyên phát và được định nghĩa là mức tăng huyết áp cao mà các nguyên nhân thứ phát rõ ràng không được xác định. Còn lại là tăng huyết áp thứ phát khi có những nguyên nhân rõ ràng (tim, thận,...).

Tăng huyết áp do bệnh mạch thận, dù chỉ chiếm 2-3% số người bị tăng huyết áp nhưng cũng là một trong những nguyên nhân hay gặp nhất của tăng huyết áp thứ phát. Phần lớn tăng huyết áp do bệnh mạch thận là do liên quan trực tiếp tới giảm tưới máu thận, hậu quả của hẹp động mạch thận, hoặc một trong những nhánh của chúng,....Hay tăng huyết áp do vỏ thượng thận, sự thay đổi trong tiết aldosteron hay hội chứng Cushing, hội chứng Conn,... Ngoài ra còn có sự thay đổi của hệ thần kinh thể dịch do sự hoạt hóa không phù hợp hệ thống các hormon chống bài niệu làm rối loạn chức năng bài natri niệu do tăng huyết áp và dẫn đến tăng huyết áp mạn tính.

Huyết áp cao gây ảnh hưởng tới tim và thận thường gặp là suy tim, suy thận, cần điều trị thuốc ít ảnh hưởng tới chức năng tim, thận, thậm chí bảo vệ thận giảm tiến triển thành bệnh thận mạn tính và phòng tránh suy tim. Phối hợp thuốc ức chế men chuyển và chẹn bêta nên được sử dụng ở tất cả bệnh nhân suy tim nếu dung nạp, lợi tiểu làm giảm huyết áp ở bệnh nhân có quá tải thể tích. Sử dụng ức chế men chuyển hoặc chẹn thụ thể cũng có tác dụng bảo vệ thận nhất là khi có Albumin niệu. Để có được chẩn đoán xác định và chẩn đoán mức độ nặng của bệnh cũng như đơn thuốc phù hợp, bạn cần đưa bố đi khám chuyên khoa Tim mạch.

Hội chứng trào ngược dạ dày cần được điều trị và theo dõi với bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa. Những bệnh kèm theo làm bệnh nhân sẽ thấy mệt mỏi hơn. Bác còn bị phù nề chân khi đứng lâu thường do suy tim, suy thận hoặc do suy tĩnh mạch chi dưới. Bệnh nhân cần đến khám Tim mạch để làm rõ chẩn đoán.

Khi chăm sóc người bệnh cần lưu ý chế độ ăn nhạt, hạn chế muối nước đưa vào bị dư thừa, chế độ tập luyện vừa sức.

Nếu bạn còn thắc mắc về huyết áp cao gây ảnh hưởng tim kèm trào ngược dạ dày, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đào Kim Phượng - Bác sĩ tim mạch và siêu âm tim - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan