Giãn não thất ở thai nhi: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lý Thị Thanh Nhã - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Giãn não thất ở thai nhi là một dị tật thai nguy hiểm cần được phát hiện và điều trị sớm để tránh nguy cơ dẫn đến não úng thủy, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của thai nhi và của người mẹ.

1. Giãn não thất ở thai nhi là gì?

Giãn não thất ở thai nhi là hậu quả gây ra do sự mất cân bằng giữa sản xuất và hấp thụ dịch não tủy. Thông thường, hoạt động sống của não bộ được thực hiện nhờ vào sự trao đổi các chất dinh dưỡng và oxy với thành phần dịch não tủy. Mặt khác, để dịch não tủy lưu thông được trong não thì cần đến hệ thống các mạch mạc não, lỗ, kênh và não thất (trong đó quan trọng nhất là não thất bên, não thất ba và não thất bốn).

Tuy nhiên, nếu vì một lý do nào đó khiến cho màng não tăng tiết dịch, giảm hấp thu (có thể do nhiễm trùng, nhiễm nấm, vi khuẩn lao) hoặc bị tắc nghẽn, dẫn đến không lưu thông được (khi hẹp ống não, u não) thì dịch não tủy sẽ bị ứ trệ lại, hậu quả khiến cho thai nhi bị giãn não thất.

Não thất giãn quá mức sẽ gây chèn ép lên não bộ, dẫn tới thoái hóa nhu mô não. Giãn não thất có thể xuất hiện từ trong bào thai, khi sinh (bẩm sinh) hoặc cũng có thể xảy ra sau sinh và có nhiều cách xử trí khác nhau tùy theo nguyên nhân gây bệnh.

Kích thước não thất ở trẻ bình thường, ở trẻ giãn não thất và não úng thủy (xảy ra khi có sự chèn ép hoặc phá hủy nhu mô não) như sau:

2. Triệu chứng giãn não thất

Trẻ em bị giãn não thất thường có triệu chứng: Vòng đầu tăng nhanh, đau đầu, chán ăn, hay ói mửa, thay đổi hành vi và tính cách, thay đổi thói quen, suy giảm trí nhớ, mất tập trung, mệt mỏi, thất điều, rối loạn vận nhãn. Những biểu hiện này ngày càng rõ rệt nếu não thất tiếp tục giãn lớn, gây chèn ép não.

gian-than-o-thai-nhi-1
Giãn não thất là dị tật nguy hiểm ở thai nhi

3. Giãn não thất ở thai nhi nguy hiểm thế nào?

Nếu thai nhi bị giãn não thất ở mức độ nhẹ (tức là đường kính từ 10mm), có thể dẫn đến các trường hợp sau đây:

  • Rối loạn nhiễm sắc thể (tỷ lệ khoảng 3,8%).
  • Thai nhi tử vong trước và sau sinh (chiếm 3,7%).
  • Trẻ bị dị tật sau sinh (khoảng 11,5%).
  • Một số dị tật khác khó phát hiện qua siêu âm (chiếm tỷ lệ khoảng 8,6%).

Tuy nhiên, có một số trường hợp thai nhi bị giãn não thất nhưng sau khi sinh ra vẫn có thể phát triển bình thường.

Đối với trường hợp thai nhi bị giãn não thất nặng (đường kính hơn 15mm) thì nhiều khả năng thai nhi sẽ bị não úng thủy, thậm chí sản phụ phải bỏ thai để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Nếu người mẹ vẫn quyết định giữ thai thì có nguy cơ khi sinh ra tứ chi của em bé có thể bị liệt, bị rối loạn nhiễm sắc thể,...

4. Nguyên nhân thai nhi bị giãn não thất

Một số nguyên nhân sau đây có thể gây ra giãn não thất ở thai nhi:

  • Hệ thống thần kinh trung ương phát triển bất thường, làm cản trở dòng chảy của dịch não tủy.
  • Xuất huyết trong dịch não tủy, thường xảy ra khi sinh non.
  • Người mẹ bị nhiễm trùng tử cung khi mang thai, chẳng hạn như nhiễm rubella hoặc giang mai, hoặc cytomegalo virus, gây viêm trong các mô não của thai nhi.

5. Chẩn đoán giãn não thất ở thai nhi

Để xác định thai nhi bị giãn não thất, các bác sĩ thường dựa vào kết quả xét nghiệm nồng độ AFP (1 trong 3 chất được kiểm tra trong triple test), siêu âm và chọc dò dịch ối để phát hiện các bất thường nói chung liên quan đến nhiễm sắc thể.

Tùy theo mức độ giãn não thất và não úng thủy mà bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp giãn não thất ở thai nhi rất khó để xác định chính xác được mức độ bệnh, nên không thể lựa chọn cách điều trị nếu chỉ dựa trên tình trạng bệnh.

Trong trường hợp não thất đã giãn quá to, kết hợp với nhiều dị tật khác hoặc có kết luận là rối loạn nhiễm sắc thể thông qua xét nghiệm sàng lọc trước sinh thì các bác sĩ sẽ tư vấn để người mẹ đình chỉ thai kỳ, nhằm đảm bảo sức khỏe cho mẹ vào những lần mang thai sau này.

gian-nao-that-o-thai-nhi-2
Chẩn đoán giãn não thất ở thai nhi trên hình ảnh siêu âm não

6. Mẹ phải làm gì khi thai nhi bị giãn não thất?

Trong 3 tháng giữa của thai kỳ, nếu người mẹ siêu âm phát hiện não thất của thai nhi có kích thước không quá 10mm thì không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, mẹ cần thăm khám đúng theo lịch hẹn định kỳ để theo dõi, song không cần can thiệp nhiều đối với vấn đề giãn não thất ở thai nhi.

Khi phát hiện thai nhi bị giãn não thất nhẹ, rất có thể đó là sự thay đổi bình thường, hoặc do ảnh hưởng của những dị tật khác gây ra. Do đó, khi phát hiện dấu hiệu cận lâm sàng bất thường, cần kiểm tra thêm và thực hiện siêu âm kỹ lưỡng với tim và não của thai nhi. Tùy vào mức độ mà bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm nhiễm sắc thể hay xét nghiệm để tìm virus gây ra não úng thủy.

Nếu kết quả xét nghiệm là dương tính với não úng thủy thì sản phụ cần nhập viện để được theo dõi, trường hợp nặng nên cân nhắc đình chỉ mang thai theo gợi ý của bác sĩ để đảm bảo cho những lần mang thai sau này.

Giãn não thất ở thai nhi là dị tật thai nguy hiểm và có thể phát hiện ở 3 tháng đầu của thai kỳ, đây là giai đoạn mang thai vô cùng nhạy cảm; vì vậy, trong giai đoạn này bà bầu cần thật sự chú ý những vấn đề sau:

Ngoài các dịch vụ thông thường, chương trình theo dõi thai sản từ 12 tuần có các dịch vụ đặc biệt mà các gói thai sản khác không có như: Xét nghiệm Double Test hoặc Triple Test tầm soát dị tật thai nhi; xét nghiệm định lượng yếu tố tân tạo mạch máu chẩn đoán tiền sản giật; xét nghiệm sàng lọc tuyến giáp; xét nghiệm Rubella; xét nghiệm ký sinh trùng lây từ mẹ sang con gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển não bộ và thể chất của bé sau sinh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

204.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan