Nhói bụng dưới, ra máu bất thường, ngực căng liệu có phải “dính bầu”?

Hỏi

Em chào bác sĩ! Vào ngày thứ 7 sau rụng trứng em có ra máu như kinh nguyệt. Không có dấu hiệu đau bụng, chỉ nhói và thốn ở bên phải bụng dưới. Tính đến hôm nay máu ra 4 ngày rồi, rất ít, màu đỏ đậm. Ngực căng và đau kể từ ngày thứ 3 sau rụng trứng. Bác sĩ cho em hỏi như vậy có phải là có thai không ạ? Mong bác sĩ tư vấn giúp em.

Nguyễn Thị Thu Thủy (1991)

Chào bác sĩ, buồn nôn, thèm chua, thèm ăn, vòng 1 thấy tức và cứng hơi buồn nôn thì có phải mang thai không ạ? Mong bác sĩ tư vấn giúp ạ. Xin cảm ơn.

Đinh Thu (1999)

Chào bác sĩ. Em trể kinh 4 ngày kèm tức ngực và nhức đầu cho em hỏi có phải đó là dấu hiệu mang thai không ạ? Mong bác sĩ tư vấn. Xin cảm ơn.

Câu hỏi ẩn danh

Trả lời

Chào Bạn! Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Hệ thống Y Tế Vinmec.

Các dấu hiệu hướng tới có thai bao gồm những triệu chứng sau :

+ Tắt kinh: thường xuất hiện khi có thai, là dấu hiệu tương đối tin cậy để chẩn đoán ở những phụ nữ khỏe mạnh, có tiền sử kinh nguyệt đều đặn, đang không cho con bú hoặc không sử dụng một biện pháp tránh thai hormone. Tuy nhiên cũng có nhiều lý do khác có thể dẫn đến tình trạng này. Phụ nữ có thể bị tắt kinh khi có thay đổi về hormon do thay đổi về cân nặng, sang chấn tâm lý (stress), hội chứng buồng trứng đa nang, bệnh lý tuyến giáp hoặc có thể ít gặp hơn là u tuyến chế tiết hormon. Ngày đầu của kỳ kinh cuối thường được sử dụng để xác định tuổi thai và dự kiến ngày sinh theo phương pháp của Nagele (Ngày +7, Tháng – 3). Ví dụ: nếu ngày kinh cuối là 1/1/2020 thì dự kiến ngày sinh sẽ là 8/10/2020)

+ Các triệu chứng sớm của có thai: thường xuất hiện vào tháng thứ nhất, và biến mất hoặc giảm đi vào cuối tháng thứ ba. Những triệu chứng thường gặp này cũng có thể xuất hiện ở một số tình trạng sức khỏe khác, như trường hợp hiếm gặp là có thai tưởng tượng hoặc khi bụng to lên (do lớp mỡ, bụng chướng hơi, dịch trong ổ bụng).

+ Triệu chứng về tiêu hóa: buồn nôn và nôn, đặc biệt vào các buổi sáng, có thể kèm theo táo bón hoặc tăng tiết nước bọt. Mức độ nặng nhẹ của tình trạng buồn nôn và nôn rất khác nhau, có người không có biểu hiện gì trong khi đó có người nôn hết cả thức ăn và nước uống.

+ Triệu chứng thần kinh - nội tiết: tính dễ bị kích thích, chán ăn hoặc thèm ăn thức ăn gì đó, buồn ngủ hay mệt mỏi.

+ Thay đổi về tiểu tiện: tiểu rắt, thường xảy ra trong những tháng đầu do tình trạng gia tăng các mạch máu và tử cung trong hố chậu to dần lên đè vào bàng quang. Tuy nhiên, cần phân biệt sự thay đổi tiểu tiện vì có thai với nhiễm trùng đường tiểu.

+ Thay đổi ở vú: nhiều phụ nữ nhận biết được sự căng lên và thay đổi kích thước của vú khá sớm khi có thai. Vú lớn lên, các tĩnh mạch dưới da nổi nhiều, quầng vú thẫm màu, các hạt Montgomery nổi rõ. Các thay đổi này thường rõ ở người con so.Tuy nhiên, sự cương tức và tăng kích thước vú cũng có thể thấy ở những người sử dụng biện pháp tránh thai hormon và trong chu kỳ kinh nguyệt bình thường

+ Niêm mạc âm đạo cổ tử cung : niêm mạc âm đạo thay đổi thành màu tím so với màu hồng bình thường (Dấu hiệu Jacquemier) ở một số phụ nữ

+ Chất nhầy cổ tử cung: Progesteron làm chất nhầy cổ tử cung đặc lại.

+ Tăng sắc tố ở da: thường xuất hiện ở đường giữa dọc thành bụng, quầng vú và mặt. Những mảng sắc tố xuất hiện trên da mặt còn có thể thấy ở phụ nữ đang sử dụng estrogen ngoại sinh.

Tuy nhiên, những dấu hiệu có thai trên có thể xuất hiện ở người này mà lại không xuất hiện ở người khác. Như vậy trường hợp của bạn chưa thể chắc chắn có thai hay chưa. Bạn có thể qua các bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để thăm khám, bác sĩ khoa sản sẽ cho bạn các lời khuyên hữu ích nhất.

Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Nhất Nguyên - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

20.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan