Sự phát triển vận động của bé 1 tuổi

Hỏi

Bác sĩ ơi, bé nhà em hiện được 12 tháng 3 ngày, 4 tháng bé lẫy, không trườn, không bò, không tự ngồi được, nhưng nếu để bé ngồi thì bé ngồi vững và tự chơi xoay người các phía và dùng chân để quay người. Bé không vịn vào đồ vật để đứng lên mà chỉ bám vào người lớn để đứng lên nhưng vẫn cần hỗ trợ mới đứng được, khi đứng rồi có thể lần bám để di chuyển 1 quãng ngắn nhưng bé rất nhanh chán. Bé lẫy nhưng không đẩy cao ngực lên được mà chỉ chống bằng khuỷu tay, bé di chuyển trên giường bằng cách lăn, hỗ trợ bé đứng lên rồi bé cũng chưa tự đứng 1 mình được. Bác sĩ cho em hỏi tình trạng của con em có phải quá chậm không ạ? Hay bé có vấn đề gì về dinh dưỡng ạ?

Dương Thùy (1994)

Trả lời

Chào bạn! Con bạn được 12 tháng 3 ngày, nếu ở tuổi này bình thường cân nặng của con trai từ 8 - 12,2kg; con gái từ 7,4 - 11,6 kg. Chiều dài của con trai từ 71,9 - 82,7cm; con gái từ 70,3 - 81,5cm. Bạn dựa vào chỉ số này để xem dinh dưỡng con mình thế nào nhé. Theo bạn mô tả, con bạn cũng chưa tự đứng được một mình. Bé không vịn vào đồ vật để đứng lên mà chỉ bám vào người lớn để đứng lên nhưng vẫn cần hỗ trợ mới đứng được và khi đứng rồi có thể lần bám để di chuyển một quãng ngắn nhưng bé rất nhanh chán. Như vậy tình trạng vận động của con bạn không phải quá chậm đâu.

Để bé biết đi thì cần có bộ xương đủ cứng cáp, các cơ bắp, các khớp và hệ thống thần kinh và nhất là bộ não đã phát triển được bình thường. Trẻ bắt đầu tập đi ở độ tuổi từ 12 tới 14 tháng. Nhưng cũng tùy vào thể trạng từng cháu mà thời gian này có thể xê dịch từ tháng thứ 10 tới tháng thứ 18. Thậm chí đến 15 tháng tuổi bé chưa biết đi bạn cũng vẫn chưa cần lo. Một đứa trẻ chỉ được coi là chậm biết đi khi đến hết thời điểm 18 tháng tuổi (1 tuổi rưỡi) mà vẫn chưa biết đi bạn nhé. Bố mẹ nên giúp cho trẻ tập đi bằng cách cho con đi trên sàn nhà và không mang giày. Như vậy, bé sẽ được tiếp xúc trực tiếp với nền đất. Chỉ khi bé đã đi vững hơn một chút, mẹ mới nên cho con đi lại bằng giày. Chú ý nên chọn loại giày có chất lượng tốt.

Dìu, nâng đỡ bé đi từng bước một, nhưng không thúc đẩy hay kéo bé đi theo mình, dễ gây trật cổ tay hay xương vai bé. Hạn chế bế bé, chỉ nên bế lúc cần thiết. Ngoài ra, bạn hãy để bé được tự do ngồi, nằm chơi. Những bé quen được bế bồng sẽ không thích tập đi nữa. Khi bé biết đứng vịn tay vào đồ vật, bạn có thể huấn luyện bé vịn tay vào ghế, thành giường và bước từng bước, di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác. Khi bạn thay quần áo cho bé, hãy để bé đứng. Bé đứng nhiều sẽ chắc khỏe cơ, xương chân, là tiền đề rất tốt để tập đi bạn nhé.

Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi tới Hệ thống Y tế Vinmec. Trân trọng.

Được giải đáp bởi Bác sĩ Chuyên khoa II Phạm Thị Khương - Bác sĩ truyền nhiễm - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

253 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan