Bão giáp: Sự nguy hiểm và cách điều trị

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Xuân Chiến - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Sự nguy hiểm của bão giáp thể hiện ở các triệu chứng sớm của cơn bão giáp gồm sốt, tim đập nhanh, rối loạn cảm xúc, tăng hoạt tính hệ thần kinh trung ương, hôn mê tuyến giáp, hay hôn mê phù niêm. Nếu không điều trị có thể đưa đến suy tim, phù phổi, trụy mạch, hôn mê, tử vong trong vòng 72 giờ.

1. Bão giáp là gì?

Bão giáp là tình trạng mất bù của cường giáp có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Chẩn đoán cơn bão giáp dựa trên triệu chứng lâm sàng gợi ý và phải điều trị ngay trước khi có các xét nghiệm cận lâm sàng. Mặc dù việc phát hiện và điều trị sớm, tỉ lệ tử vong vẫn là 10% và trên 30 % khi xuất hiện tăng thân nhiệt, suy tim và rối loạn nhịp.

Tất cả các trường hợp stress (cường catecholamine) trên bệnh nhân cường giáp đều có thể đưa đến cơn bão giáp.

Một số tác nhân gây bão giáp gồm:

  • Sau phẫu thuật tuyến giáp, chấn thương, stress, cảm xúc.
  • Bệnh nhân cường giáp không được điều trị, hoặc điều trị không đầy đủ lại bị thêm stress, nhiễm trùng như: Viêm não, viêm màng não, các nhiễm trùng khác; hoặc bệnh nặng trầm trọng, thai độc, sinh con, sờ nắn tuyến giáp nhiều...
  • Ở một số bệnh nhân nhạy cảm, sự gia tăng hormone trong máu do ngưng thuốc kháng giáp sớm, do sử dụng I131, các thuốc có chứa iod, dùng hormone giáp quá liều.

2. Sự nguy hiểm của bão giáp

Sự nguy hiểm của bão giáp thể hiện ở các triệu chứng sớm của cơn bão giáp gồm: Sốt, tim đập nhanh, rối loạn cảm xúc, tăng hoạt tính hệ thần kinh trung ương, hôn mê tuyến giáp, hay hôn mê phù niêm. Nếu không điều trị có thể đưa đến suy tim, phù phổi, trụy mạch, hôn mê, tử vong trong vòng 72 giờ.

Cắt bán phần tuyến giáp
Bão giáp nếu không được điều trị có thể gây tử vong trong vòng 72 giờ.

Các triệu chứng thường gặp của cơn bão giáp gồm có :

  • Sốt, hầu như luôn hiện diện, thay đổi từ 37 đến 41 độ. Bệnh nhân đổ mồ hôi nhiều đưa đến mất nước.
  • Triệu chứng thần kinh tâm trí xảy ra trong 90% trường hợp. Triệu chứng thay đổi từ lo lắng kích động, lú lẫn, mê sảng, rối loạn tâm thần, rối loạn tri giác, hôn mê.
  • Triệu chứng tim mạch: Tim đập nhanh, vượt quá trị số của nhiệt độ, thường nằm trong khoảng 120-200 lần/ một phút, có thể lên đến 300 lần/ một phút, có loạn nhịp tim như rung nhĩ, ngoại tâm thu thất, suy tim ứ huyết, nhất là trên bệnh nhân lớn tuổi. Huyết áp thường không thay đổi, nếu huyết áp giảm, dự hậu sẽ rất xấu. Bệnh nhân có thể chết trong bệnh cảnh suy tim ứ huyết nhất là trên bệnh nhân lớn tuổi. huyết áp thường không thay đổi, nếu huyết áp giảm dự hậu sẽ rất xấu. Bệnh nhân có thể chết trong bệnh cảnh suy tim ứ huyết, phù phổi cấp, trụy tim mạch.
  • Triệu chứng tiêu hóa: Bệnh nhân có thể bị ói, buồn ói, đau bụng, tiêu chảy. Đôi khi bệnh nhân có vàng da, gan lớn nhẹ do xung huyết hoặc hoại tử tế bào gan. Vàng da là dấu hiệu xấu.
  • Triệu chứng nhược cơ cũng nổi bật, chủ yếu ở cơ gốc thân mình. trường hợp nặng có thể nhược cơ đầu chi, cơ thân mình, cơ mặt. Ngoài ra cũng có các triệu chứng khác của cường giáp như da mịn ấm, đổ mồ hôi, ánh mắt sắc, co kéo cơ mi trên. Tuyến giáp lớn, có âm thổi, hoặc không
  • Đôi khi có thể bệnh vô cảm, bệnh nhân bị yếu liệt, hôn mê, nhiệt độ của cơ thể chỉ hơi tăng, thể này hay gặp ở bệnh nhân lớn tuổi bị bướu tuyến giáp đa nhân hóa độc. Thể vô cảm có thể bị che dấu bởi một triệu chứng nổi bật thường là triệu chứng tim mạch như rung nhĩ suy tim.
  • Chức năng gan cũng thường bị rối loạn.
  • Có thể có tăng calci huyết, tăng đường huyết. Hạ đường huyết là một dấu hiệu xấu.

3. Cách điều trị bão giáp

Dưới đây là phác đồ xử trí cơn bão giáp trong quá trình điều trị bệnh:

3.1. Phục hồi và duy trì sinh hiệu

  • Truyền dịch thường là dung dịch mặn ngọt đẳng trương, sửa các rối loạn nước điện giải. Cũng cần thêm sinh tố nhóm B.
  • Hạ nhiệt bằng Acetaminophen.
  • Điều trị suy tim nếu có bằng digitalin và thuốc lợi tiểu. Điều trị loạn nhịp tim bằng các thuốc chống loạn nhịp thường dùng.
  • Cho ngửi oxy ẩm.
  • Thuốc an thần phải được sử dụng rất thận trọng.
Sốt phát ban ở người lớn
Sốt cao là triệu chứng thường gặp của cơn bão giáp

3.2. Ức chế sự tổng hợp và phóng thích Hormon

3.2.1 Thuốc kháng giáp tổng hợp

  • PTU uống: liều đầu 300-400mg sau đó 200mg/4 giờ hoặc dùng ngay 100mg/2 giờ trong ngày đầu, sau đó 300-600mg/ngày trong 3-6 tuần cho đến khi kiểm soát được hội chứng cường giáp. Nếu bệnh nhân không uống được có thể cho uống thuốc qua ống thông mũi bao tử hoặc qua đường trực tràng.
  • Nếu không có PTU có thể dùng Methimazole uống, liều đầu 30-40mg, sau đó 20-30mg uống/ 8 giờ trong ngày đầu và 30-60mg/ ngày trong những ngày sau.

3.2.2 Dung dịch Iod

  • Chỉ cho 1-2 giờ sau khi dùng kháng giáp tổng hợp. Có thể dùng:
  • NaI 1 gram truyền tĩnh mạch chậm mỗi 8-12 giờ hoặc 0,25 gram tiêm tĩnh mạch mỗi 6 giờ.
  • Ipodate hay Iopanoic acid 0,5 mg uống mỗi 12 giờ.
  • Dung dịch Iod bão hòa (SKI) 6-8 giọt uống mỗi 6 giờ.
  • Nếu bệnh nhân dị ứng với Iod , có thể dùng Lithium 300mg 3-4 lần mỗi ngày, theo dõi nồng độ Lithium huyết thanh vào khoảng 1-1.2 mEq/L

3.2.3 Corticoid

Có thể dùng Dexamethason 2mg mỗi 6 giờ uống hay tiêm mạch hoặc Hydrocortison 50-100mg tiêm mạch mỗi 6-8 giờ.

3.2.4 Thuốc ức chế giao cảm

  • Thuốc được sử dụng nhiều nhất là propranolol 40-80mg uống mỗi 4-6 giờ, khi uống thuốc có tác dụng sau 1 giờ
  • Nếu bệnh nhân không uống được có thể dùng propranolol tiêm mạch chậm tốc độ trung bình 1mg mỗi phút cho đến liều tối đa là 0,15 mg/Kg cân nặng. Tác dụng lên triệu chứng tim mạch và thần kinh có thể có sau 10 phút, có thể lập lại liều thuốc sau 4 giờ nếu cần. Propranolol không nên sử dụng khi có suy tim hoặc nếu có sử dụng thì phải sau khi dùng Digitalin và lợi tiểu hoặc có các phương tiện để theo dõi áp lực đổ đầy thất trái.
  • Thuốc Esmolol tác dụng nhanh có thể dùng thay thế Propranolol.
  • Reserpin có tác dụng làm giảm dự trữ catecholamin. Liều đầu là 1-5 mg tiêm bắp, liều tiếp theo 1-2.5 mg mỗi 4-6 giờ tiêm bắp. Triệu chứng cải thiện sau 4-8 giờ. Tác dụng phụ của thuốc là trầm cảm, đau bụng, tiêu chảy.

3.3. Tìm và điều trị các yếu tố thuận lợi

Điều trị kháng sinh nếu nghi có nhiễm trùng... Tuy nhiên phải bắt đầu điều trị đặc hiệu cơn bão giáp trước. Không nên đợi có đầy đủ kết quả xét nghiệm mới điều trị.

Viêm tuyến giáp
Các bệnh ý về tuyến giáp thường bị bỏ sót không được chẩn đoán từ 20 - 60% trong tổng số người mắc bệnh

3.4. Diễn tiến với điều trị

  • Sau khi phối hợp điều trị bằng PTU (propylthyouracil), dung dịch iod và Dexamethasone nồng độ T3 thường trở về bình thường sau 24-48 giờ.
  • Sau khi lâm sàng ổn định có thể giảm dần liều Dexamethasone, Iod.
  • PTU sẽ được dùng tiếp tục cho đến khi chuyển hóa về gần bình thường, khi đó sẽ ngưng Iod và tính đến chuyện điều trị lâu dài thường là dùng I 131.
  • Cơn bão giáp có thể kéo dài 1-8 ngày, trung bình là 3 ngày.
  • Nếu điều trị kinh điển không đem lại kết quả, có thể phải dùng đến lọc màng bụng, lọc máu để lấy bớt hormone.
  • Tỉ lệ tử vong nếu không điều trị là gần 100%. Bệnh nhân cũng có thể chết vì các bệnh đi kèm.

Đó là lý do để bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cho ra đời Gói tầm soát, sàng lọc các bệnh lý về tuyến giáp. Sàng lọc & phát hiện sớm các bệnh lý về tuyến giáp phổ biến như: Bướu cổ đơn thuần, cường giáp, suy giáp, viêm tuyến giáp, nhân tuyến giáp, ung thư tuyến giáp, ... để từ đó có biện pháp điều trị thích hợp, kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

24.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan