Bệnh lý bàn chân ở người bệnh đái tháo đường

Biến chứng tiểu đường có rất nhiều biến chứng, trong đó có tổn thương thần kinh và lưu thông máu kém thường gặp nhất. Những vấn đề này làm cho bàn chân dễ bị loét và tiến triển xấu đi nhanh chóng, thậm chí là cắt cụt chi. Việc quản lý bệnh tiểu đường đúng cách và chăm sóc bàn chân cẩn thận có thể giúp ngăn ngừa biến chứng loét chân. Trên thực tế, chăm sóc bệnh tiểu đường tốt sẽ giảm tỷ lệ cắt cụt chi dưới 50% trong 20 năm qua. Khi loét chân phát triển, điều quan trọng là phải được chăm sóc kịp thời.

1. Định nghĩa bệnh đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin, hoặc cả hai.

Tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.

2. Đái tháo đường có mấy tuýp?

Phân loại đái tháo đường gồm:

  • Đái tháo đường type 1 (do phá hủy tế bào beta tụy, dẫn đến thiếu insulin tuyệt đối).
  • Đái tháo đường type 2 (do giảm chức năng của tế bào beta tụy tiến triển trên nền tảng đề kháng insulin).
  • Đái tháo đường thai kỳ (là đái tháo đường được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ và không có bằng chứng về đái tháo đường type 1, đái tháo đường type 2 trước đó).
  • Đái tháo đường do các nguyên nhân khác, như: đái tháo đường sơ sinh hoặc đái tháo đường do sử dụng thuốc và hóa chất như sử dụng glucocorticoid, điều trị HIV/AIDS hoặc sau cấy ghép mô...
Bàn chân đái tháo đường
Đái tháo đường có 3 loại: Đái tháo đường type 1, Đái tháo đường type 2 và Đái tháo đường thai kỳ

3. Tại sao đái tháo đường gây loét bàn chân?

Bệnh tiểu đường có thể gây ra hai vấn đề ảnh hưởng đến bàn chân như sau:

  • Bệnh thần kinh đái tháo đường. Bệnh tiểu đường nếu không được kiểm soát có thể làm hỏng dây thần kinh của bạn. Nếu bạn bị tổn thương dây thần kinh ở chân và bàn chân làm giảm cảm giác, bạn có thể không cảm thấy nóng, lạnh hoặc đau ở đó. Nếu bạn không cảm thấy vết cắt hoặc đau ở bàn chân vì bệnh lý thần kinh, vết cắt có thể trở nên tồi tệ hơn và bị nhiễm trùng. Các cơ bàn chân có thể không hoạt động đúng do các dây thần kinh đi đến các cơ bị tổn thương khiến bàn chân của bạn không điều chỉnh đúng tư thế và tạo quá nhiều áp lực lên một điểm ở bàn chân.
  • Bệnh mạch máu ngoại biên. Bệnh tiểu đường cũng gây ảnh hưởng đến lưu lượng máu. Nếu lưu lượng máu không tốt, sẽ mất nhiều thời gian hơn để vết đau hoặc vết cắt lành lại. Nếu bạn bị nhiễm trùng không lành hoặc khó lành vì lưu lượng máu đến nuôi dưỡng vết thương bị kém thì vết thương đó có nguy cơ bị loét hoặc hoại tử.

4. Một số vấn đề thường gặp với chân của người bệnh tiểu đường

Bất cứ ai cũng có thể nhận được các vấn đề chân được liệt kê dưới đây. Tuy nhiên, đối với những người mắc bệnh tiểu đường, những vấn đề chân rất phổ biến này có thể dẫn đến nhiễm trùng và các biến chứng nghiêm trọng khác, chẳng hạn như cắt cụt chi.

  • Athlete’s foot (hay bệnh bàn chân lực sĩ) là một bệnh nhiễm nấm ở bàn chân rất phổ biến, có thể xảy ra trên một hoặc cả hai chân. Người tiểu đường có khả năng mắc bệnh athlete’s foot cao gấp 3 lần người không bị tiểu đường. Nấm có thể xâm nhập qua các vết nứt trên da và gây nhiễm trùng. Thuốc diệt nấm có thể điều trị bệnh này ở dạng thuốc uống hoặc kem bôi.
  • Nhiễm nấm móng tay. Móng tay bị nhiễm nấm có thể bị đổi màu (nâu vàng hoặc mờ đục), dày và giòn và có thể tách ra khỏi phần còn lại của móng tay. Trong một số trường hợp, móng tay của bạn có thể bị vỡ vụn. Môi trường tối, ẩm và ấm của giày có thể giúp nấm phát triển hay do thương ở móng tay cũng có thể dẫn đến nhiễm nấm. Nhiễm nấm móng rất khó điều trị.
  • Vết chai được hình thành do sự tích tụ của da cứng, thường ở mặt dưới của bàn chân. Vết chai được gây ra bởi sự phân bố trọng lượng không đồng đều hoặc do kích cỡ giày không phù hợp hoặc do vấn đề về da. Có vết chai trên bàn chân là điều bình thường, vì vậy bác sĩ sẽ quyết định xem liệu mô của vết chai có gây ra vấn đề gì không.

Nếu bạn có mô chai, hãy chăm sóc nó đúng cách bằng cách sau khi tắm hãy sử dụng đá bọt (tên tiếng Anh là pumice stone) để nhẹ nhàng loại bỏ các mô tích tụ. Sử dụng đệm lót và đế trong giày của bạn. Bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để sử dụng một số loại thuốc có thể làm mềm vết chai và tuyệt đối không cố gắng cắt mô chai hoặc loại bỏ nó bằng các vật sắc nhọn.

  • Mụn nước. Mụn nước có thể hình thành khi giày của bạn chà cùng một chỗ trên bàn chân. Mang giày không vừa hoặc đi giày không có vớ có thể gây phồng rộp dẫn đến nhiễm trùng. Khi điều trị mụn nước, điều quan trọng là không làm vỡ chúng. Da bao phủ mụn nước giúp bảo vệ nó khỏi bị nhiễm trùng. Sử dụng kem kháng khuẩn và băng sạch, mềm để bảo vệ da và ngăn ngừa nhiễm trùng.
  • Bunion (biến dạng ngón chân cái). Bunion là một vết sưng ở mặt bên của ngón chân cái. Khi vết sưng nghiêm trọng, nó có thể bao gồm cả xương và chất dịch. Bunions hình thành khi ngón chân cái nghiêng về phía các ngón chân nhỏ. Giày cao gót, giày mũi nhọn, hoặc giày quá chật đều có thể gây ra bunion.

Bunion thường bị di truyền trong gia đình. Để ngăn chặn bunion, hãy mang giày vừa chân. Bác sĩ có thể đề nghị bạn sử dụng miếng lót giày để giúp bunion không trở nặng và kê thuốc để giảm đau và sưng. Bác sĩ cũng có thể sử dụng thiết bị để tách các ngón chân cái và ngón thứ hai. Nếu bunion gây đau hoặc biến dạng nghiêm trọng, bạn có thể cần phẫu thuật để sắp xếp lại các ngón chân.

  • Khô da. Da khô có thể nứt và cho phép vi trùng dễ dàng xâm nhập. Sử dụng dung dịch và kem dưỡng ẩm để giữ cho làn da của bạn ẩm và mềm mại.
  • Loét do tiểu đường. Khi bị loét bàn chân do biến chứng bệnh tiểu đường, nếu biết cách chăm sóc vết loét, chống nhiễm trùng sẽ tránh được hoại tử, đoạn chi gây tàn phế suốt đời. Loét bàn chân tiểu đường là những vết thương hở ở bàn chân gặp ở 10% người bệnh tiểu đường. Vết loét thường nằm ở các vị trí hay bị tì đè như gan bàn chân, đầu ngón chân, đặc biệt là ngón cái và ngón út. Loét chân có thể xảy ra từ những vết xước nhỏ, vết cắt lành chậm hoặc do sự cọ xát của giày có kích cỡ không phù hợp. Điều quan trọng là phải điều trị các tình trạng này ngay khi bạn nhận thấy chúng. Hãy hỏi bác sĩ của bạn để được tư vấn về cách chăm sóc tốt nhất cho vết loét.
  • Ngón chân khoằm (tên tiếng Anh là Hammertoe). Hammertoes hình thành khi một hoặc cả hai khớp ngón chân nhỏ (từ ngón chân trỏ đến ngón út) bị bẻ cong do cơ chân yếu do tổn thương thần kinh trong bệnh tiểu đường có thể gây ra tình trạng yếu cơ này. Bạn có thể có vết lở ở lòng bàn chân và trên đỉnh của ngón chân do bị nhiễm trùng. Hình dạng bàn chân có thể thay đổi, đi lại khó khăn và khó tìm giày phù hợp.

Do đó người bệnh cần tránh đi giày cao gót hay giày có mũi nhọn. Bác sĩ có thể cho bạn một dụng cụ chỉnh hình để đặt trong giày của bạn và kê đơn thuốc để giúp giảm đau và sưng. Nếu ngón chân biến dạng c trở nên khô cứng và gây đau đớn hoặc nếu một vết loét hở miệng đã hình thành thì bạn có thể cần phải phẫu thuật để sửa ngón chân.

  • Móng chân mọc ngược. Móng chân mọc ngược xảy ra khi các cạnh của móng mọc đâm vào da và gây ra áp lực khiến người bệnh đau dọc theo các cạnh móng. Các cạnh của móng có thể cắt vào da gây đỏ, sưng, đau, chảy mủ và nhiễm trùng. Nguyên nhân phổ biến nhất của móng chân mọc ngược là áp lực từ giày.

Các nguyên nhân khác bao gồm móng chân được cắt tỉa không đúng cách, đi giày chật và chấn thương lặp đi lặp lại ở bàn chân do các hoạt động như chạy, đi bộ hoặc tập thể dục nhịp điệu. Để bảo vệ móng chân, bạn cần cắt móng chân đúng cách để ngăn chặn móng chân mọc ngược. Phẫu thuật để loại bỏ một phần móng chân và sụn tăng trưởng có thể điều trị các vấn đề nghiêm trọng do móng chân mọc ngược.

Bàn chân đái tháo đường
Móng chân mọc ngược là một trong những vấn đề thường gặp ở chân của người bệnh đái tháo đường

5. Lời khuyên về chăm sóc bàn chân đái tháo đường

Chăm sóc bàn chân đúng cách có thể ngăn ngừa tiểu đường biến chứng bàn chân điều trị bệnh trước khi chúng gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Dưới đây là một số lời khuyên để chăm sóc chân tốt hơn:

  • Chăm sóc bản thân và bệnh tiểu đường. Làm theo lời khuyên của bác sĩ về dinh dưỡng, tập thể dục và thuốc. Giữ mức đường trong máu của bạn trong phạm vi theo chỉ định của bác sĩ.
  • Rửa chân bằng nước ấm mỗi ngày với xà phòng nhẹ. Kiểm tra nhiệt độ của nước bằng khuỷu tay của bạn vì tổn thương thần kinh cũng có thể ảnh hưởng đến cảm giác ở bàn tay. Không ngâm chân. Lau khô chân, đặc biệt các kẽ ngón chân.
  • Kiểm tra bàn chân của bạn mỗi ngày để xem vết loét, mụn nước, đỏ, vết chai hoặc bất kỳ vấn đề nào khác. Nếu bạn có lưu lượng máu kém cần phải kiểm tra bàn chân hàng ngày.
  • Nếu da trên bàn chân bị khô, hãy giữ ẩm bằng cách thoa kem dưỡng da sau khi bạn rửa và lau khô chân. Không thoa kem dưỡng da giữa các ngón chân. Bác sĩ sẽ cho bạn biết biết loại kem dưỡng da nào là tốt và phù hợp.
  • Nhẹ nhàng làm mềm vết chai bằng một tấm đá nhám hoặc đá bọt sau khi tắm.
  • Kiểm tra móng chân một lần một tuần. Cắt móng chân với một cái bấm móng tay thẳng. Không làm tròn các góc của móng chân hoặc không cắt xuống hai bên móng. Sau khi cắt, làm mịn móng chân bằng giũa móng.
  • Luôn mang giày kín và đi dép trong nhà. Không đi dép quai hậu hoặc chân trần trong và ngoài nhà.
  • Luôn mang tất. Mang vớ hoặc tất vừa vặn với bàn chân và có độ đàn hồi co dãn.
  • Mang giày đúng cỡ. Luôn kiểm tra bên trong giày để đảm bảo rằng không có vật lạ nào có bên trong và gây tổn thương chân.
Bàn chân đái tháo đường
Bảo vệ bàn chân bằng cách đi giày đúng cỡ
  • Bảo vệ bàn chân khỏi nóng và lạnh. Mang giày ở bãi biển hoặc trên vỉa hè nóng. Mang vớ vào ban đêm nếu chân bạn bị lạnh.
  • Đảm bảo máu chảy đến chân. Khi ngồi trên ghế, người bệnh tiểu đường nên thường xuyên di chuyển ngón chân và mắt cá chân nhiều lần trong ngày và không ngồi bắt chéo chân trong một thời gian dài.
  • Bỏ thuốc lá. Hút thuốc lá có thể làm cho vấn đề vể lưu lượng máu trở nên tồi tệ hơn.
  • Nếu bạn có vấn đề về chân trở nên tồi tệ hơn hoặc không lành, hãy liên hệ với bác sĩ của bạn.
  • Hãy chắc chắn rằng bác sĩ trực tiếp điều trị bệnh tiểu đường kiểm tra bàn chân của bạn trong mỗi lần khám.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com, mayoclinic.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

41.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan