Biến chứng nguy hiểm của sốt mò

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Võ Hà Băng Sương - Bác sĩ điều trị - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc. Bác sĩ đã có hơn 15 năm kinh nghiệm trong điều trị các bệnh lý nội.

Sốt mò bắt nguồn từ loại vi khuẩn có tên Orientalis tsutsugamushi, thuộc họ Rickettsia. trung gian truyền bệnh là ấu trùng bọ ve mò. Trong vài năm trở lại đây, bệnh sốt mò có xu hướng xuất hiện nhiều sau một thời gian dài tạm lắng. Nếu không điều trị đúng, sốt mò biến chứng khá nguy hiểm, có thể gây nhiễm độc gan hoặc tổn thương đa tạng, thậm chí là tử vong.

1. Tổng quan về sốt mò

Bệnh sốt mò còn có tên gọi khác là sốt triền sông Nhật Bản, sốt bụi rậm, sốt phát ban rừng.... Nguyên nhân gây bệnh bắt nguồn từ loại vi khuẩn có tên Orientalis tsutsugamushi, thuộc họ Rickettsia. Ấu trùng bọ ve mò đã bị nhiễm mầm bệnh chính là vật trung gian truyền sốt mò. Ấu trùng mò mang vi khuẩn đốt cắn con người, truyền bệnh qua nước bọt là phương thức lây nhiễm duy nhất. Bệnh không lây lan từ người sang người.

Vị trí ổ dịch lưu hành ở khu vực Châu Á và Tây Thái Bình Dương, nơi có rừng, nhiều lùm cây, bụi cỏ, ven sông suối, đất ẩm ướt, ... thuận lợi cho ấu trùng mò sinh sống và phát triển. Bệnh sốt mò có thể xuất hiện quanh năm, nhưng khoảng thời gian bùng phát chủ yếu là vào mùa mưa, cao điểm tháng 6 - tháng 7. Đối tượng dễ mắc bệnh bao gồm những người sinh sống gần khu vực ổ dịch, hay đi vào rừng, vào hang, lội sông suối hoặc phát quang cây cối, làm nương rẫy,... Bệnh nhân ở độ tuổi nào cũng có nguy cơ nhiễm sốt ve mò, kể cả trẻ em hay người lớn khi đã bị ấu trùng mò tấn công.

Biểu hiện đặc trưng của sốt mò là người bệnh bị sốt cao liên tục (trên 38-40 độ C), kiểm tra trên cơ thể phát hiện vết loét do mò đốt điển hình ở vị trí da mỏng mềm. Triệu chứng kèm theo có thể là nhức đầu chóng mặt dữ dội, phát ban và nổi hạch sưng đau. Đôi khi, bệnh sốt mò không xuất hiện nốt loét (thể ẩn) nên dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh sốt rét, thương hàn, Bệnh Leptospira... Việc chẩn đoán phân biệt là rất quan trọng nhằm đưa ra phương hướng chữa bệnh chính xác, đòi hỏi phải thăm khám cẩn thận và làm một số xét nghiệm cần thiết. Nếu bệnh nhẹ có thể tự khỏi sau vài tuần. Tuy nhiên đa phần bệnh sốt mò đều cần phải được điều trị sớm và tích cực bằng kháng sinh đặc hiệu mới có thể khỏi và hạn chế được sốt mò biến chứng nguy hiểm.

Sốt
Biểu hiện đặc trưng của sốt mò là người bệnh bị sốt cao liên tục

2. Các giai đoạn của bệnh sốt mò

Diễn tiến của bệnh sốt mò sẽ ngày càng nặng dần theo sự xâm nhập và tấn công của vi khuẩn gây bệnh Rickettsia orientalis tsutsugamushi. Các giai đoạn cụ thể như sau:

  • Đầu tiên là nốt phỏng nước ở da:

Thông qua nước bọt của ấu trùng ve mò bị nhiễm bệnh, vi khuẩn O. tsutsugamushi nhân lên tại vùng bị cắn trên da người. Quá trình này tạo ra nốt sần, tiến triển thành mụn nước bằng hạt đỗ, có dịch mủ xuất hiện trên nền tấy đỏ. Nốt phỏng nước sau đó hoại tử, đóng vảy màu nâu rồi bong tróc tạo thành vết loét (65 - 80% các trường hợp).

  • Kế tiếp là sưng hạch từ tại chỗ đến toàn thân:

Từ vết loét ngoài da, Orientia tiếp tục tấn công vào hệ bạch huyết, gây viêm hạch xung quanh vùng bị đốt. Sau đó sẽ xuất hiện sưng hạch ngoại biên, viêm hạch toàn thân, các hạch sưng và đau. Đôi khi cuối tuần sốt đầu tiên sẽ có phát ban mọc khắp người, nhưng ngoại trừ lòng bàn tay bàn chân.

  • Bệnh nghiêm trọng gây tổn thương và hoại tử đa tạng:

Đồng thời, vi khuẩn cũng theo dòng máu di chuyển tới tế bào nội mạc (lớp lót) của các mạch máu nhỏ để cư trú và phát triển. Những mạch máu này thường nằm ở các cơ quan nội tạng như phổi, gan, lách, thận, não và tim. Đây chính là cơ chế bệnh sốt mò biến chứng làm tổn thương các bộ phận này.

  • Cuối cùng là nguy cơ tử vong:

Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, sốt mò có nguy cơ đe dọa đến tính mạng người bệnh. Tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, tỷ lệ tử vong do bệnh sốt mò dao động trong khoảng từ 1% đến lên tới 60%.

3. Biến chứng nguy hiểm của sốt mò

Viêm cơ tim cấp
Sốt mò có thể dẫn đến biến chứng viêm cơ tim

Khi vi khuẩn sốt mò Rickettsia orientalis ký sinh và tăng trưởng trong cơ thể người, sẽ gây ra tình trạng viêm tắc mạch máu. Lúc này, áp lực thẩm thấu thành mạch sẽ tăng, dẫn đến thoát huyết tương, phù tổ chức, tràn dịch và một số tai biến khác.

Sốt mò có nguy hiểm không? Đối với căn bệnh nhiễm trùng cấp tình này, nếu không được phát hiện sớm và điều trị tích cực sẽ càng nghiêm trọng, kéo theo các biến chứng nguy hiểm như tổn thương đa tạng, bao gồm:

  • Viêm cơ tim, trụy tim mạch;
  • Đông máu nội mạc rải rác;
  • Viêm phổi nặng, viêm phổi có ARDS và suy hô hấp;
  • Viêm não và màng não;
  • Suy gan cấp, gan lách to, chỉ số men gan tăng cao;
  • Viêm thận;
  • Sốc nhiễm khuẩn;
  • Xuất huyết trong phân, nôn và ho ra máu;

Sốt mò là một căn bệnh nhiễm trùng cấp tính, gây ra bởi ấu trùng mò mang mầm bệnh là vi khuẩn O. tsutsugamushi. Do đó, biện pháp phòng bệnh hiệu quả là không để ấu trùng mò cắn đốt bằng cách tiêu diệt ổ dịch, phát quang bụi rậm. Người làm việc và sinh hoạt ở những nơi có nhiều lùm cây cần che chắn cẩn thận, thoa thuốc diệt côn trùng lên da và giặt sạch quần áo sau một lần sử dụng. Nếu thấy có biểu hiện sốt, nghi ngờ sốt ve mò, nên đến ngay cơ sở y tế để tìm vết loét mò đốt đặc trưng, từ đó chẩn đoán xác định và có hướng điều trị chính xác. Cần lưu ý là không được chủ quan chữa bệnh tại nhà, sốt mò biến chứng nặng sẽ gây suy đa tạng với các biến chứng năng có thể dẫn đến tử vong.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Quý khách có thể hoàn toàn yên tâm khi chăm sóc sức khỏe tại đây.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

25K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • Sốt mò
    Hướng dẫn cách chăm sóc bệnh nhân sốt mò

    Bệnh sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính do Rickettsia tsutsugamushi gây nên. Bệnh có đặc điểm lâm sàng là sốt kéo dài 2-3 tuần, kèm theo có loét ở da, nổi hạch toàn thân và nổi ban.

    Đọc thêm
  • Sốt mò là gì
    Bệnh truyền nhiễm sốt mò

    Bệnh sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính biểu hiện bằng sốt li bì, phát ban và nổi hạch. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nặng ở các ...

    Đọc thêm
  • Lách
    Lách to và đau sau sốt rét phải làm sao?

    Xin hỏi các chuyên gia bác sĩ, hiện giờ tôi đang bị lách to và càng đau, vì cách đây khoảng 2 năm tôi đã bị sốt rét từ đó. Tôi đã từng nhập viện khi đang bị sốt rét ...

    Đọc thêm
  • lên cơn sốt rét
    Nhận diện sớm cơn sốt rét

    Sốt rét là một bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm do ký sinh trùng Plasmodium gây ra. Không chỉ làm ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc của người bệnh, sốt rét còn có thể dẫn đến nhiều biến ...

    Đọc thêm
  • Chữa bệnh sốt rét
    Nhận diện dấu hiệu bệnh sốt rét

    Xin chào bác sĩ, thông thường tôi rất ít khi ốm đau nhưng vài năm trở lại đây mỗi lần ốm phải nằm chỗ, tôi có các biểu hiện sau: Rét run người, đầu đau như búa bổ, sốt cao ...

    Đọc thêm