Các biện pháp điều trị rối loạn giấc ngủ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS nội trú Nguyễn Văn Phi - Chuyên gia tư vấn tâm lý, Phòng khám Tâm lý, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Hiện nay có ba phương pháp phổ biến được áp dụng trong điều trị bệnh rối loạn giấc ngủ đó là thư giãn tâm lý, vệ sinh giấc ngủ và dùng thuốc chữa rối loạn giấc ngủ.

1. Thư giãn tâm lý

Đối với người khỏe mạnh, bình thường thì sức khỏe sẽ không bị ảnh hưởng gì nếu thỉnh thoảng không ngủ đủ 8 giờ mỗi đêm. Vì vậy, người bệnh không nên quá lo lắng. Những bệnh nhân mất ngủ lâu năm thường rất sợ buổi tối vì họ nghĩ rằng có thể sẽ không ngủ được và càng lo sợ về tình trạng bệnh, giấc ngủ càng khó đến.

Nếu trong ngày có những vấn đề chưa giải quyết xong, hãy tạm gác lại. Không nên vừa nằm chờ giấc ngủ đến vừa nghĩ cách giải quyết những vấn đề. Khi lên giường ngủ, không nên suy nghĩ hay làm gì. Nếu không ngủ được, sau 10-15 phút, hãy đứng dậy và đi làm một việc khác.

2. Vệ sinh giấc ngủ

Dưới đây là các biện pháp tạo điều kiện cho giấc ngủ đến dễ dàng hơn mà không cần dùng thuốc điều trị rối loạn giấc ngủ.

  • Thức dậy đúng giờ mỗi ngày.
  • Dù có bị mất ngủ cũng chỉ nên nằm trên giường với thời gian bằng thời gian ngủ bình thường trước khi bị mất ngủ.
  • Không sử dụng các chất kích thích (cà phê, trà, thuốc lá, rượu...) vào buổi chiều.
  • Tránh ngủ nhiều ban ngày.
  • Tập thể dục buổi sáng đều đặn (có thể tập những bài nặng).
  • Tránh những kích thích làm khó ngủ như nghe nhạc quá to, đọc sách quá hay, xem những phim đòi hỏi phải chú ý cao theo dõi sát sao...
  • Trước khi đi ngủ khoảng 20 phút, nên tắm nước ấm.
  • Tránh những bữa ăn quá thịnh soạn hay ăn quá nó gây khó tiêu gần giờ đi ngủ.
  • Tập những bài thể dục nhẹ nhàng có tính chất thư giãn trước khi ngủ.
  • Phòng ngủ cần thoáng khí, ít ánh sáng, không quá nóng hay quá lạnh.
Mất ngủ
Phòng ngủ cần thoáng khí

3. Dùng thuốc điều trị

Có nhiều thuốc điều trị rối loạn giấc ngủ như Benzodiazepine, zolpidem, chloral hydrate... nhưng phải theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu có hội chứng lo âu hay trầm cảm đi kèm, nên phối hợp các loại thuốc điều trị rối loạn giấc ngủ.

Trước đây, mất ngủ tiên phát thường được điều trị bằng các thuốc chữa rối loạn giấc ngủ nhóm benzodiazepin. Khi sử dụng benzodiazepin kéo dài sẽ gây ra quên, đặc biệt là các thuốc điều trị rối loạn giấc ngủ này có thời gian bán hủy dài. Triệu chứng quên sẽ trầm trọng thêm khi phối hợp với uống rượu. Ở các bệnh nhân cao tuổi, thuốc chữa rối loạn giấc ngủ có thể gây giãn cơ và gây ngã. Nhìn chung các thuốc nhóm benzodiazepin đều có thể gây phụ thuộc thuốc vì thế ngày nay người ta ít dùng.

Thuốc chống trầm cảm 3 vòng và đa vòng có tác dụng an dịu mạnh. Các thuốc này có hiệu quả điều trị mất ngủ tiên phát tốt, có thể dùng lâu dài, thời gian điều trị tối thiểu 18 tháng, có nhiều trường hợp phải dùng thuốc nhiều năm. Thuốc có nhiều tác dụng phụ như khô miệng, đắng miệng, mệt mỏi... vì thế phải tăng liều thuốc từ từ (đặc biệt là amitriptylin). Thuốc gây an thần nên cần chú ý khi sử dụng cho người lái xe và vận hành máy móc. Thuốc gây ăn ngon và tăng cân nên không dùng cho người thừa cân, béo phì.

Khi dùng thuốc chữa rối loạn giấc ngủ amitriptylin phải tăng liều từ từ, tuần đầu mỗi tối 1 viên; tuần 2 sáng 1 viên, tối 1 viên, tuần 3 sáng 1 viên, tối 2 viên; từ tuần 4 trở đi sáng 2 viên, tối 2 viên. Amitriptylin xuất hiện tính năng ức chế thần kinh trung ương và an thần khá nhanh (vài giờ sau khi dùng) nhưng lại có chu kỳ bán hủy khá dài (9 - 36 giờ) cho nên tùy theo lịch ngủ của mình mà chọn giờ uống thích hợp. Nên uống sớm khoảng 7-8 giờ tối thì khoảng 9-10 giờ đêm là ngủ được và sẽ thức dậy lúc 5-6 giờ sáng cơ thể tỉnh táo đỡ mệt, nếu uống quá muộn (khi đi ngủ mới uống) thì buổi sáng thường khó dậy, khi dậy thì thường mệt, không tỉnh táo. Những người thường đi làm xa vào sáng sớm bằng xe máy thì không nên dùng thuốc quá muộn.

Dùng mirtazapine mỗi tối 1/2 đến 1 viên (không cần tăng liều từ từ ).

Thuốc an thần có tác dụng an dịu olanzapine mỗi tối 1/2 viên. Nếu bệnh nhân béo thì không nên dùng olanzapine.

Thuốc
Điều trị nội khoa bằng thuốc phải tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ

Đối với ngủ nhiều nguyên phát: cần dùng thuốc kích thích vào buổi sáng như amphetamin nhưng hiện nay thuốc này bị cấm vì bị coi là ma túy. Trong trường hợp này, bác sĩ thường khuyên bệnh nhân uống nước chè, cà phê để hạn chế cảm giác buồn ngủ hoặc thay bằng thuốc điều trị rối loạn giấc ngủ loại chống trầm cảm ức chế chọn lọc thụ cảm thể serotonin (SSRI) như fluoxetin, sertralin.... Tuy nhiên hiệu quả của thuốc không cao.

Rối loạn giấc ngủ kéo dài có thể trở thành bệnh mạn tính gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cho người bệnh. Vì vậy khi bị mất ngủ dài ngày bệnh nhân nên đi khám bệnh để được điều trị và chăm sóc nhằm cải thiện tình trạng giấc ngủ nói riêng và phục hồi sức khỏe nói chung.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02439743556 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Hà Nội.

49.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan