Các rối loạn tâm thần có thể gặp ở người bị chấn thương sọ não

Chấn thương sọ não ở người lớn bao gồm chấn thương kín và vết thương sọ não. Chấn thương sọ não có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, trong đó có rối loạn tâm thần ở nhiều mức độ khác nhau.

1. Chấn thương sọ não là tình trạng gì?

Chấn thương sọ não là sự thay đổi về mặt chức năng của não do bị ngoại lực tác động (như va chạm khi bị tai nạn giao thông, lao động, sinh hoạt hàng ngày).

Khi bộ não bị tác động bởi một tác nhân bên ngoài, có thể ảnh hưởng đến một vùng tương ứng của não bộ, có thể là vùng trực tiếp chịu sự tác động, hoặc vùng gián tiếp bị ảnh hưởng do va chạm với thành sọ, hoặc tổn thương mạch máu nuôi dưỡng ...

Các chấn thương sọ não rất đa dạng, thường gặp là nhồi máu khu trú, đụng dập, giãn não thất, phù não diện rộng, ... Những tổn thương ở cấu trúc thần kinh của mỗi vùng sẽ gây ra những biến đổi chức năng rất phức tạp.

2. Các rối loạn tâm thần có thể gặp ở người bị chấn thương sọ não

  • Suy giảm chức năng nhận thức: Bệnh nhân thường không thể xử lý lượng thông tin nhiều và nhanh chóng như trước khi bị chấn thương. Bên cạnh đó, người đồng thời còn bị suy giảm các khả năng có liên quan đến chức năng điều hành như lập kế hoạch, sắp xếp công việc, tư duy, thích nghi với môi trường, đánh giá nhận diện vấn đề, kiểm soát xung động.
  • Suy giảm khả năng tập trung và ghi nhớ: Bệnh nhân chấn thương sọ não thường khó duy trì sự tập trung trong khoảng thời gian dài để hoàn thành công việc, đồng thời cũng khó tiếp nhận, ghi nhớ các kiến thức mới. Khi duy trì được trí nhớ tức thì người bệnh cũng thường gặp vấn đề đối với trí nhớ trong khoảng thời gian gần và xa.
  • Suy giảm thị lực: Trường hợp chấn thương sọ não nặng có thể khiến người bệnh mất khả năng tiếp nhận và tái hiện hình ảnh.
  • Suy giảm chức năng ngôn ngữ: Bệnh nhân thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm từ ngữ hoặc khó gọi tên được đồ vật (dấu hiệu của chứng thất ngôn, mất khả năng ngôn ngữ). Tuy nhiên, rối loạn ngôn ngữ có tỷ lệ hồi phục cao hơn so với việc suy giảm trí nhớ và những chức năng nhận thức khác.
  • Sa sút trí tuệ: Chỉ gặp ở những bệnh nhân bị chấn thương sọ não nặng, tuy nhiên số lượng tương đối ít. Thời gian phục hồi trí tuệ là khoảng 3 năm.
  • Loạn thần: Tỷ lệ bệnh nhân bị loạn thần thứ phát sau chấn thương sọ não chiếm khoảng 4 - 9% tổng số ca, thời gian xuất hiện triệu chứng từ vài ngày hoặc có thể lên đến 20 năm sau chấn thương. Tuy nhiên, đa phần các triệu chứng loạn thần chỉ biểu hiện trong vòng 5 năm đầu, những bệnh nhân có biểu hiện loạn thần sớm cũng thường có tổn thương não lan tỏa với những triệu chứng và hoang tưởng nổi bật.

Trong khi đó, những bệnh nhân có thời gian tiến triển bệnh dài hơn sẽ có tổn thương khu trú ở thuỳ trán, có kèm theo tiền sử động kinh liên quan đến chấn thương sọ não. Triệu chứng loạn thần thường gặp là hoang tưởng bị thiệt hại, ảo thanh, ảo thị, triệu chứng âm tính, rối loạn tư duy kiểu định hình. Những triệu chứng này có xu hướng phát triển mãn tính và có thể phát triển thành chứng tâm thần phân liệt thực sự.

Trầm cảm
Bệnh nhân được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm khoảng một năm đầu sau chấn thương

  • Trầm cảm: Bệnh nhân được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm khoảng một năm đầu sau chấn thương. Chứng trầm cảm làm giảm chức năng điều hành, tăng khả năng xuất hiện lo âu và nguy cơ tự sát ở người bệnh. Biểu hiện trầm cảm thường gặp ở những bệnh nhân bị chấn thương sọ não với thương tổn ở vùng vỏ não trước trán lưng bên và hạch nền. Nếu bệnh nhân có biểu hiện phóng đại mức độ chấn thương và phối hợp điều trị phục hồi kém, thì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm trầm cảm. Khoảng thời gian đầu sau chấn thương, biểu hiện trầm cảm có thể thấy là cảm giác mất mát, mất động lực, giải thể nhân cách. Về sau, bệnh nhân có thể thường xuyên rơi vào trạng thái trầm uất, kèm mệt mỏi, khó chịu, mất khả năng hứng thú, mất ngủ kéo dài.
  • Hưng cảm: Thường gặp ở bệnh nhân bị chấn thương sọ não với vị trí tổn thương ở hệ viền hoặc vùng não bán cầu phải nối với hệ viền, teo vùng dưới vỏ não trước. Biểu hiện lâm sàng của chứng hưng cảm là dễ cáu gắt.
  • Tự sát: Là một trong những dạng rối loạn cảm xúc liên quan đến mức độ gia tăng ý nghĩ tự sát, toan tự sát, hoặc tử vong do tự sát. Các trường hợp tự sát sau chấn thương sọ não ghi nhận các thay đổi về tính cách, nghiện rượu, khó khăn trong các mối quan hệ hoặc tương tác cá nhân. Chứng tự sát thường liên quan đến những tổn thương ở thuỳ trán hoặc thuỳ thái dương.
  • Rối loạn lo âu: Thường gặp ở vị trí thương tổn bán cầu não phải.
  • Rối loạn stress sau sang chấn: Bệnh nhân mắc chứng này sẽ lưu giữ những hình ảnh kinh hoàng về sự kiện đã gây ra tai nạn, thường gặp ở nữ nhiều hơn nam và cũng cao hơn hẳn nhóm có rối loạn stress cấp.
  • Rối loạn ám ảnh cưỡng bức: Liên quan đến suy giảm chức năng vỏ não ở trán - ổ mắt, là con đường dẫn truyền ở dưới vỏ thuỳ trán và chức năng điều hành.
  • Hội chứng sau chấn động não: Hội chứng xuất hiện ở bệnh nhân chấn thương sọ não với các biểu hiện như đau đầu, chóng mặt, choáng váng, đau ở các vị trí khác trên cơ thể, mệt mỏi, yếu cơ, rối loạn giấc ngủ, giảm khả năng tập trung và ghi nhớ, hoặc có thể mất trí nhớ, giảm thị lực, nhạy cảm với ánh sáng/tiếng ồn, ù tai, hay chán nản, dễ cáu gắt, lú lẫn, thay đổi hành vi cảm xúc, thiếu tự tin, giảm khả năng phản ứng, phán đoán, trầm cảm và lo âu. Ở trẻ nhỏ, những triệu chứng cấp diễn của chấn động não là bồn chồn, hay uể oải, lơ mơ, dễ cáu, quấy. Hội chứng thường khởi phát trong tháng đầu sau chấn thương sọ não và phục hồi sau khoảng 3 - 6 tháng, tuy nhiên, để phục hồi hoàn toàn phải mất đến 1 năm.
  • Tính gây hấn: Là một trong những biến đổi nhân cách ở người bệnh sau chấn thương, làm ảnh hưởng đến khả năng hồi phục và gây khó khăn cho người thân khi chăm sóc; có thể xuất hiện dạng đơn lẻ hoặc trong bệnh cảnh rối loạn tâm thần khác, hoặc là biến đổi tính cách sẵn có. Tính gây hấn sau chấn thương sọ não thường liên quan đến khởi phát giai đoạn mới của chứng trầm cảm điển hình, suy giảm các chức năng xã hội, và tăng tính phụ thuộc trong sinh hoạt hàng ngày.
  • Vô cảm, cảm xúc không ổn định: Với biểu hiện như bộc lộ cảm xúc thái quá, và thường không liên quan đến trầm cảm.
  • Suy giảm chức năng tình dục: Suy tuyến sinh dục thoáng qua gặp ở phần lớn bệnh nhân sau chấn thương sọ não. Cùng với đó, yếu cơ và loãng xương do bất động trong thời gian dài đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng thụ tinh và chức năng tâm lý xã hội của người bệnh.
  • Rối loạn giấc ngủ: Các dạng rối loạn thường gặp gồm mất ngủ hoặc ngủ nhiều, rối loạn nhịp thức - ngủ, giảm chất lượng giấc ngủ hoặc ngủ chập chờn, giảm sản sinh melatonin khi chiều tối. Rối loạn giấc ngủ làm trầm trọng các triệu chứng khác như mệt mỏi, cáu gắt, đau, suy giảm nhận thức, do đó, thường ảnh hưởng đến quá trình phục hồi chức năng và khả năng quay lại công việc của người bệnh.
Rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi
Các dạng rối loạn thường gặp gồm mất ngủ hoặc ngủ nhiều, rối loạn nhịp thức - ngủ, giảm chất lượng giấc ngủ hoặc ngủ chập chờn

3. Điều trị rối loạn tâm thần ở người bị chấn thương sọ não

Điều trị các rối loạn tâm thần ở bệnh nhân chấn thương sọ não chủ yếu là điều trị những triệu chứng và phục hồi các chức năng tâm thần.

  • Điều trị triệu chứng suy nhược thần kinh: có thể sử dụng thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm.
  • Điều trị cơn động kinh chấn thương: sử dụng thuốc kháng động kinh.
  • Phục hồi các chức năng: vật lý trị liệu, luyện tập thể thao, ...

Để phòng ngừa chấn thương sọ não có thể gây ra các rối loạn tâm thần, nên hạn chế các tai nạn bằng cách chấp hành luật lệ an toàn giao thông, an toàn lao động; đội mũ bảo hiểm, bảo hộ khi tham gia giao thông và lao động.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán chấn thương sọ não

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan