Cảnh giác viêm bàng quang cấp ở phụ nữ mang thai và mãn kinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hùng - Bác sĩ điều trị bệnh nội tiết- Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ có 36 năm kinh nghiệm làm việc.

Bệnh viêm bàng quang cấp gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên người trưởng thành thường gặp nhiều hơn và đặc biệt là hay gặp nhất ở phụ nữ mang thai và mãn kinh do ảnh hưởng của những biến đổi nội tiết tố. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm bàng quang mạn tính và có thể gây biến chứng nguy hiểm.

1. Biểu hiện viêm bàng quang cấp ở nữ giới

  • Lúc nào cũng muốn đi tiểu là triệu chứng dễ thấy nhất, kèm triệu chứng đái buốt, đau dọc theo từ niệu đạo lên bàng quang trong suốt thời gian đi tiểu và còn kéo dài sau đi tiểu nhiều phút.
  • Với phụ nữ mang thai, thường có biểu hiện buồn tiểu, tiểu són, đi tiểu nhiều lần nhưng chỉ vài giọt. Nước tiểu có mùi khai nồng, màu đục, lắng cặn, có khi kèm theo dịch mủ hoặc máu. Có triệu chứng đau buốt vùng thắt lưng trong và sau khi tiểu tiện, đau rát khi tiểu, đau xương mu, đau và căng tức vùng bụng dưới, buồn nôn, nhức đầu, mệt mỏi, đôi lúc sốt cao.
  • Với phụ nữ mãn kinh, người bệnh đái buốt như cảm giác bị bỏng mỗi khi đi tiểu, kèm theo đau sau xương mu. Đái rắt, đái nhiều lần, có thể đái ra máu cuối bãi. Nước tiểu thường đục, mùi khó ngửi, đôi khi có máu. Các dấu hiệu toàn thân ít xảy ra, chỉ khi có dấu hiệu nặng. Có cảm giác ớn lạnh, sốt và đau nhiều vùng sau xương mu khi ấn vào.

2. Biến chứng nguy hiểm của viêm bàng quang cấp ở nữ giới

Viêm bàng quang cấp trước tiên sẽ khiến người bệnh lo lắng, buồn phiền, hoang mang, nhất là khi có triệu chứng đái đục, đái máu. Việc này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nói chung và cuộc sống thường ngày, nhất là cặp vợ chồng mới cưới hoặc người cao tuổi.

Nếu như không phát hiện hoặc ngại không đi khám bệnh viện kịp thời, bệnh viêm bàng quang cấp sẽ chuyển sang viêm bàng quang mạn tính, các triệu chứng sẽ xuất hiện liên tục, dai dẳng, gây rất nhiều phiền toái cho người bệnh. Đặc biệt, viêm bàng quang cấp không chữa trị dứt điểm có thể gây viêm ngược dòng lên thận gây viêm thận (viêm bể thận) và hậu quả xấu nhất là gây suy thận. Viêm bàng quang cấp có thể gây nhiễm khuẩn huyết - một căn bệnh rất nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nếu không phát hiện hoặc phát hiện muộn.

Cảnh giác viêm bàng quang cấp ở phụ nữ mang thai và mãn kinh
Viêm bàng quang cấp ở nữ giới

Viêm bàng quang cấp càng nguy hiểm hơn nữa đối với những đối tượng đặc biệt như người đang mang thai và phụ nữ đến giai đoạn mãn kinh:

  • Các biến chứng nguy hiểm của viêm thận - bể thận cấp ở bà bầu có thể kể đến như thai phụ dễ bị choáng, sốc nhiễm khuẩn gây suy tuần hoàn, suy hô hấp cấp, suy thận cấp,...; thai nhi dễ bị suy thai, sinh non. Những bệnh cảnh này thường gặp trên thai phụ có tiền sử viêm thận - bể thận do sỏi, viêm bàng quang do sỏi, dị dạng đường tiết niệu trước khi mang thai mà không phát hiện ra.
  • Đối với phụ nữ mãn kinh không điều trị kịp thời, mỗi đợt viêm bàng quang điển hình thường kéo dài từ 3-5 ngày, thể hiện bằng tiểu buốt với cảm giác bỏng rát dọc niệu đạo trong hoặc sau khi đi tiểu, phải liên tục đi tiểu nhiều lần. Dẫn đến hậu quả vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe. Bệnh tái phát nhiều lần sẽ dẫn đến mãn tính gây ảnh hưởng xấu đến chữa trị sau này.

Có thể thấy bệnh viêm bàng quang cấp thường xảy ra ở phụ nữ và có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Vì vậy để phòng bệnh viêm bàng quang cấp cần vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục ngoài hàng ngày, nhất là trước và sau khi quan hệ tình dục. Khi phát hiện ra các triệu chứng bất thường cần đến bác sĩ thăm khám kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan