Chăm sóc bệnh nhi suy hô hấp cấp

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hoàng Thế Nhân - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Bệnh nhân suy hô hấp cấp sẽ rất mệt mỏi vì thiếu khí oxy, đặc biệt là trẻ em. Do đó, chăm sóc trẻ bị suy hô hấp đúng cách chính là việc quý phụ huynh phải chú ý thực hiện để giúp bé nhanh chóng vượt qua cơn bệnh một cách an toàn.

1. Khi bệnh nhân suy hô hấp cấp bị sốt

Theo dõi thân nhiệt bằng cách cặp nhiệt độ xem liệu trẻ có sốt hay không là bước đầu tiên trong quá trình chăm sóc trẻ bị suy hô hấp cấp. Phương hướng cụ thể để phụ huynh xử lý tại nhà trong từng trường hợp như sau:

  • Nếu trẻ sốt nhẹ (37,5°C đến dưới 38,5°C): Cho trẻ nghỉ ngơi, nới rộng và bỏ bớt quần áo giúp trẻ thoáng, tránh đắp kín chăn; lấy khăn ấm chườm lên vùng trán, nách và bẹn, ngừng chườm nếu việc đó khiến bé khó chịu, quấy khóc . Đối với bé nhỏ thì cần bú tăng cường hoặc uống nhiều nước và ăn những phẩm dễ tiêu hoá đối với các bé lớn hơn.
  • Nếu trẻ sốt cao (từ 38,5°C trở lên) hoặc tăng thân nhiệt kèm theo trẻ bứt rứt khó chịu : Trẻ cần được uống thuốc hạ sốt nhưng việc dùng thuốc hạ sốt ở trẻ phải tuân theo chỉ định của bác sĩ. Phụ huynh nên tích cực lau mát cho trẻ bằng nước ấm nếu điều đó không làm cho trẻ quấy khóc, khó chịu (kiểm tra nhiệt độ nước thích hợp bằng cách dùng khuỷu tay)
Khi nào cho trẻ uống thuốc hạ sốt
Cho trẻ uống thuốc hạ sốt nếu sốt cao từ 38,5 độ C trở lên

2. Chăm sóc đường thở cho trẻ bị suy hô hấp cấp

Thông thoáng đường hô hấp cũng là một bước quan trọng mà bố mẹ cần làm khi chăm sóc bệnh nhân suy hô hấp cấp. Những việc cần làm bao gồm:

  • Vệ sinh mũi miệng:

Khi trẻ bị chảy nước mũi nhiều hoặc nghẹt mũi, tắc mũi sẽ gây khó khăn trong việc ăn hay bú, cũng như không thể nghỉ ngơi và có giấc ngủ ngon. Bố mẹ có thể sử dụng nước muối sinh lý 0,9% nhỏ vào từng bên mũi để làm dịch mũi loãng đi, sau đó dùng dụng cụ hút mũi - miệng để loại bỏ dịch nhầy. Cuối cùng là lau khô bằng giấy ăn loại tốt không bị đứt gãy khi tiếp xúc nước hoặc khăn mềm một cách nhẹ nhàng, hạn chế kích thích mạnh bạo khiến mũi bị đỏ và đau.

  • Giúp trẻ tống xuất đàm:

Phụ huynh lưu ý không cần can thiệp và lo lắng nếu thấy trẻ có biểu hiện ho ít. Nguyên nhân là bởi vì phản xạ ho giúp tống chất tiết ra ngoài, xuất đàm nhớt và dịch nhầy một cách tự nhiên và hiệu quả. Chỉ nên vỗ lưng cho trẻ trước bữa ăn hoặc sau khi ăn khoảng 1 giờ để tránh gây nôn. Vỗ nhẹ nhàng hai bên trái và phải, mỗi khu vực khoảng 3-5 phút.

  • Điều trị ho nhiều:

Trong trường hợp trẻ ho quá nhiều gây nôn trớ và mất ngủ, bố mẹ nên cho trẻ uống nước ấm để làm loãng đờm, dịu bớt cơn ho. Ngoài ra, có thể giảm ho và đau họng bằng các công thức dân gian an toàn như: tắc chưng đường, mật ong, húng chanh, hoa hồng bạch, nước trà ấm pha loãng. Các loại thuốc siro ho chiết xuất thảo dược thiên nhiên cho trẻ em cũng là một gợi ý phụ huynh nên cân nhắc chọn lựa. ( Lưu ý cần đưa bé đi khám ngay nếu cơn ho khiến bé khò khè tím tái hoặc khiến bố mẹ lo lắng nhiều )

  • Can thiệp do tắc nghẽn cơ học:

Đặc biệt, nếu trẻ bị mắc kẹt dị vật trong đường hô hấp, gây tắc nghẽn đường thở thì phải lấy dị vật ra càng sớm càng tốt. Bố mẹ nên học cách sơ cứu cho trẻ trong tình huống khẩn cấp này nếu như thời gian để đến được tới bệnh viện là quá lâu.

Ba mẹ có nên thực hiện vỗ rung long đờm tại nhà cho trẻ?
Thường xuyên về sinh mũi miệng cho trẻ bằng dụng cụ hút mũi - miệng hoặc sử dụng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%

3. Dinh dưỡng cho bệnh nhân suy hô hấp cấp

Chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng có tác dụng giúp trẻ gia tăng sức đề kháng, từ đó mau chóng lành bệnh hơn. Những lưu ý khi xây dựng chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân suy hô hấp cấp bao gồm:

  • Dinh dưỡng theo đúng nhu cầu: Các bà mẹ không cần thiết phải kiêng cữ hoặc ngược lại là ép trẻ bú hoặc ăn quá nhiều. Cả trẻ bú mẹ lẫn đang trong giai đoạn ăn dặm vẫn có thể tiếp tục bổ sung dinh dưỡng theo đúng nhu cầu hàng ngày.
  • Nên chia nhỏ bữa ăn: Ăn nhiều lần trong ngày với số lượng thực phẩm ít hơn một khẩu phần bình thường nhưng vẫn phải đảm bảo đủ chất, thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa, dễ nuốt, có thể bổ sung rau xanh, trái cây và nước ép hoa quả là những lưu ý mà phụ huynh cần ghi nhớ khi chăm sóc trẻ bị suy hô hấp.
  • Uống nhiều nước đối với trẻ trên 6 tháng, tăng cường bú sữa với trẻ dưới 6 tháng : Thở nhanh và sốt sẽ làm cho bệnh nhân suy hô hấp cấp bị mất nước. Chính vì vậy, trẻ cần uống đủ nước vừa để bù lại lượng nước hao hụt, vừa có tác dụng làm loãng đờm và dịu cơn đau họng.
  • Đặt sonde dạ dày: Nếu trẻ bệnh nặng không thể ăn bằng đường miệng được thì áp dụng cách này để bơm sữa theo giờ hoặc giỏ giọt vào dạ dày. Lúc này, nguồn năng lượng cần thiết cung cấp cho trẻ phải tăng thêm 30 - 50% nhu cầu bình thường thì mới đảm bảo cho trẻ đủ sức khỏe để chống chọi lại với cơn bệnh. (Lưu ý thủ thuật này chỉ dùng tại bệnh viện )

4. Chăm sóc vệ sinh

Chống bội nhiễm và nhiễm khuẩn bệnh viện cũng là một vấn đề không chỉ các ông bố bà mẹ phải đặc biệt quan tâm, mà còn được đội ngũ nhân viên y tế đặt lên hàng đầu khi chăm sóc trẻ bị suy hô hấp nói riêng và các bệnh nhân suy hô hấp cấp nói chung. Để hạn chế nguồn bệnh lây lan, cần thường xuyên dọn dẹp, lau chùi phòng ở, quy trình khám chữa bệnh phải đảm bảo vô khuẩn, làm sạch các dụng cụ bằng cách hấp tiệt trùng, đặc biệt khi hút đờm qua nội khí quản. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần lưu ý giữ vệ sinh cơ thể cho trẻ và chỉ sử dụng kháng sinh theo phác đồ bác sĩ đề nghị.

Khi trẻ bị sốt cha mẹ nên làm gì
Trao đổi với bác sĩ cách chăm sóc trẻ suy hô hấp cấp

5. Một số lưu ý khác

Để phòng tránh bệnh suy hô hấp cũng như ngăn ngừa căn bệnh này tái phát hoặc lây lan rộng, phụ huynh cần ghi nhớ những lưu ý sau:

  • Cho trẻ sơ sinh bú mẹ càng sớm càng tốt để tăng cường hệ miễn dịch
  • Tuân thủ lịch tiêm chủng phòng ngừa đầy đủ các bệnh
  • Chế độ dinh dưỡng của trẻ phải đảm bảo khoa học và cân đối, giúp củng cố sức đề kháng
  • Cho trẻ ở trong phòng thông thoáng, có ánh sáng mặt trời và nhiệt độ thích hợp với thời tiết
  • Vệ sinh cho trẻ và môi trường xung quanh, không để trẻ tiếp xúc với khói bụi ô nhiễm, khói thuốc lá, hay không khí lạnh
  • (Cách ly)Hạn chế tiếp xúc giữa trẻ với người có bệnh hô hấp, bố mẹ nên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn khi chăm sóc trẻ

Trong hầu hết trường hợp, các vấn đề bệnh lý liên quan đến đường hô hấp ở trẻ có thể thuyên giảm nếu như được tích cực theo dõi và chăm sóc bệnh nhân suy hô hấp cấp đúng cách. Tuy nhiên, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị khi có biểu hiện sốt cao dài ngày, kèm theo các triệu chứng suy hô hấp cấp.

Phụ huynh nên lựa chọn cho trẻ khám tại các cơ sở y tế uy tín để phát hiện chính xác tình trạng bệnh và có phác đồ điều trị hợp lý giúp trẻ mau khỏi bệnh. Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, được đầu tư trang thiết bị hiện đại và hệ thống phòng đạt chuẩn vô trùng, đặc biệt an toàn cho trẻ khi khám và điều trị suy hô hấp cấp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan