Chẩn đoán bệnh lao thế nào?

Nước ta là một trong những nước có tỷ lệ mắc bệnh lao rất cao, bệnh lao có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nên cần phải được phát hiện và điều trị sớm. Để chẩn đoán bệnh lao có rất nhiều phương pháp thông thường chẩn đoán dựa các dấu hiệu lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng.

1. Đối tượng nào nên làm xét nghiệm bệnh lao

Những đối tượng sau nên xét nghiệm lao. Những người có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn lao cao bao gồm:

  • Những người thường xuyên tiếp xúc với người mắc bệnh lao như người thân, bạn bè của người mắc bệnh lao hay nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân lao.
  • Trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên tiếp xúc với người lớn có nguy cơ nhiễm bệnh lao tiềm ẩn hoặc bệnh lao.

Phần đa số những người bị nhiễm vi khuẩn lao tiềm ẩn không phát triển thành bệnh lao. Tuy nhiên có một số người lại có nguy cơ cao mắc bệnh lao như:

  • Người nhiễm HIV
  • Những người bị nhiễm vi khuẩn lao trong 2 năm
  • Những người tiêm chích ma túy
  • Những người bị bệnh hay dùng thuốc làm suy yếu hệ thống miễn dịch
  • Người cao tuổi
  • Những người mắc bệnh lao không được điều trị đúng bệnh lao trong quá khứ

Video đề xuất:

Vì sao cần tiêm phòng Lao cho trẻ sơ sinh

2. Chẩn đoán bệnh lao như thế nào?

Chẩn đoán bệnh lao
Chẩn đoán bệnh lao như thế nào?

2.1 Dựa vào dấu hiệu lâm sàng

Lâm sàng có vai trò định hướng chẩn đoán rất quan trọng, cần thiết trong việc sàng lọc, định hướng chẩn đoán ban đầu và chỉ định làm các xét nghiệm đúng.

  • Tiền sử: Tiếp xúc với đối tượng nguy cơ cao nhiễm và mắc bệnh lao, mắc bệnh có nguy cơ cao bị bệnh lao.

Dấu hiệu lâm sàng:

  • Khởi phát bệnh: Lao phổi thường khởi phát từ từ, có trường hợp không có triệu chứng lâm sàng.
  • Triệu chứng toàn thân: Sốt nhẹ, kéo dài, thường về chiều, ra mồ hôi đêm, mệt mỏi, ăn kém, mất ngủ, sút cân. Tuy nhiên các triệu chứng này không đặc hiệu vì nó còn gặp trong nhiều bệnh khác .
  • Ho: Thường ho khan, ho kéo dài gặp phổ biến nhất (trên 3 tuần mà điều trị kháng sinh không kết quả). Có thể ho đờm màu xanh, màu vàng hoặc như chất bã đậu.
  • Ho máu: Gặp khoảng 30% bệnh nhân, thường gặp ở bệnh nhân có phá hủy hang trên Xquang. Mức độ hoa máu có thể từ nhẹ đến nặng, máu tươi hoặc máu cục, thường có đuôi ho máu.
  • Đau ngực: Đau âm ỉ, hay gặp ở vùng đỉnh phổi.
  • Khó thở: Hay gặp khi tổn thương phổi rộng, lao phổi tản mạn hoặc có tràn dịch màng phổi kết hợp.

2.2 Dựa vào xét nghiệm bệnh lao

Để xác định tình trạng nhiễm vi khuẩn lao có thể áp dụng những phương pháp xét nghiệm sau:

  • X-quang ngực

X-quang ngực trước-sau rất quan trọng trong chẩn đoán lao phổi, được sử dụng để phát hiện các bất thường ở ngực. Tổn thương do lao gây ra có xu hướng ở vùng cao của phổi như thủy trên, các phân thủy đình. Những tổn thương này có thể gợi ý bệnh lao, nhưng không thể được sử dụng để chẩn đoán chắc chắn bệnh lao.

  • Nhuộm soi trực tiếp (AFB)

Người bệnh được lấy bệnh phẩm(đờm) sau đó được nhuộm soi trực tiếp trên kính hiển vi.

Kỹ thuật cho phép xác định được vi khuẩn lao trong đờm của bệnh nhân, là kỹ thuật dễ thực hiện, cho kết quả nhanh, tuy nhiên độ nhạy thấp và phải thực hiện 3 lần ở 3 buổi sáng khác nhau.

  • Nuôi cấy

Đây là kĩ thuật xác định chắc chắn vi khuẩn lao, có thể phân lập định danh được vi khuẩn lao và làm kháng sinh đồ với các thuốc chống lao, nhưng thời gian có kết quả lâu, đắt tiền, đòi hỏi trang bị phức tạp.

  • Phản ứng Tuberculin (xét nghiệm lao da)

Xét nghiệm lao trên da được thực hiện bằng cách tiêm một lượng nhỏ chất lỏng (gọi là tuberculin) vào da ở phần dưới của cánh tay. Sau khi tiêm da tuberculin phải quay lại trong vòng 48 đến 72 giờ để được bác sĩ đọc kết quả phản ứng trên cánh tay. Kết quả phụ thuộc vào kích thước của vùng cứng hoặc sưng.

Xét nghiệm lao da là xét nghiệm lao phù hợp cho trẻ em dưới năm tuổi.

  • Xét nghiệm QuantiFERON-TB

Hay còn gọi là xét nghiệm giải phóng interferon - gama, người bệnh được lấy máu và xét nghiệm lượng interferon-g.

Xét nghiệm có vai trò hỗ trợ trong việc xác định lao hoạt động; chẩn đoán phân biệt giữa nhiễm lao và tiêm chủng BCG; dự báo sự tái hoạt động của bệnh lao trong số cá thể có lao tiềm tàng; theo dõi đáp ứng điều trị .

  • Các xét nghiệm khác

Ngoài ra có thể xác định nhiễm vi khuẩn lao bằng các xét nghiệm sinh học phân tử như PCR, sinh hóa miễn dịch ELISA để phát hiện được vi khuẩn lao có trong dịch tiết, trong máu của người bệnh...

3. Làm sao để phòng ngừa bệnh lao?

Chẩn đoán bệnh lao
Tiêm phòng vắc xin BCG là biện pháp phòng ngừa bệnh lao hiệu quả nhất

Để phòng lao hiệu quả nhất đó là tiêm phòng vắc xin lao, khả năng tiếp xúc với nguồn lây bệnh cao nên trẻ sau sinh được khuyến cáo tiêm phòng vắc xin lao càng sớm càng tốt, tốt nên tiêm trong vòng 1 tháng sau sinh. Tại Vinmec cung cấp dịch vụ tiêm phòng nhằm đảm bảo nhu cầu phòng bệnh lao cho trẻ.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp dịch vụ tiêm vắc-xin lao. Để đặt lịch khám và tiêm chủng cho bé tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý khách có thể liên hệ TẠI ĐÂY.

XEM THÊM:

Video đề xuất:

Các loại vắc-xin cho trẻ em đang có mặt ở Vinmec

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

392 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan