Cảnh giác trật khớp khuỷu tay có thể gây tàn tật

Trật khớp khuỷu tay là chấn thương phổ biến chỉ đứng sau trật khớp vai và xảy ra ở mọi lứa tuổi, từ trẻ em đến người lớn. Trật khớp khuỷu tay nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng thần kinh, mạch máu ảnh hưởng đến khả năng vận động của tay, thậm chí gây tàn tật.

1. Tổng quan về trật khuỷu tay

1.1. Cấu tạo khớp khuỷu tay

Cấu tạo khớp khuỷu tay bao gồm 3 đầu xương hợp thành:

  • Đầu dưới xương cảnh tay
  • Đầu trên xương trụ.
  • Xương quay

Phía bên ngoài là lồi cầu tiếp nối với chỏm quay tạo thành khớp lồi cầu (khớp cánh tay quay). Phía bên trong là ròng rọc tiếp nối hõm xích ma lớn tạo thành khớp bản lề (khớp cánh tay trụ). Ngoài ra xương trụ và xương quay còn tiếp nối với nhau tạo thành khớp quay trụ trên.

Mỗi xương có hình dạng đặc trưng giúp khớp khuỷu thực hiện được các động tác gấp - duỗi phức tạp. Ở các xương của khớp khuỷu còn có hệ thống dây chằng liên kết với nhau giúp cho xương nằm đúng trục. Khi bị trật khớp tay hoặc tổn thương khớp khuỷu có thể ảnh hưởng tới cơ chế hoạt động của khu vực này.

Cấu tạo khớp khuỷu tay
Cấu tạo khớp khuỷu tay

1.2. Trật khớp khuỷu tay là gì?

Trật khớp khuỷu tay là tình trạng di lệch hoàn toàn hoặc không hoàn toàn ở mặt khớp khuỷu tay, thường do nguyên nhân ngã hoặc tai nạn giao thông. Những chấn thương này thường không kéo dài nhưng nếu không được điều trị và nắn chỉnh sớm có thể gây biến dạng chi, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người bệnh.

2. Nguyên nhân trật khớp khuỷu tay

Trật khớp tay có thể xảy ra phổ biến ở cả trẻ em lẫn người lớn. Những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra trật khớp khuỷu tay bao gồm:

  • Ngã: Thường do ngã chống bàn tay xuống đất trong tư thế duỗi khuỷu, khiến cánh tay trật khỏi khớp khuỷu tay.
  • Tai nạn xe cộ: Lực tác động khi bị va chạm, tai nạn có thể gây trật khớp khuỷu tay.
  • Nâng/ kéo tay trẻ không đúng cách: Trẻ em nếu được nâng tay hoặc cầm kéo tay không đúng cách có thể gây ra tình trạng trật khớp tay.

3. Phân loại trật khớp khuỷu tay

Trật khớp khuỷu tay có thể phân chia làm 2 loại:

3.1. Trật ra sau

Tình trạng trật khớp tay ra sau chiếm khoảng 90% tổng số ca trật khớp khuỷu với đặc điểm: Đầu trên 2 xương cẳng tay bị bật ra khỏi khớp, bị kéo lên trên mặt sau đầu dưới xương cánh tay. Nếu 2 xương có xu hướng nghiêng sang bên cũng tạo nên kiểu trật ra sau và lệch vào bên ngoài hoặc bên trong.

Ở trường hợp này tất cả các dây chằng đều bị rách ngoại trừ dây chằng vòng. Nếu dây chằng vòng cũng bị tổn thương thì tình trạng sẽ phức tạp hơn vì chỏm xương quay sẽ bật hẳn ra xa.

3.2. Trật ra trước

Thường trật khớp tay ra trước chỉ xảy ra khi có dấu hiệu gãy mỏm khuỷu, đứt dây chằng (trừ dây chằng vòng), đụng giập cơ nhị đầu, cơ bám mỏm trên lồi cầu, tổn thương dây thần kinh trụ...

4. Triệu chứng trật khớp khuỷu tay

Sau khi bị chấn thương gây trật khớp khuỷu tay, bệnh nhân sẽ nhanh chóng gặp phải các triệu chứng sau:

  • Khớp khuỷu tay bị đau nhức.
  • Khuỷu sưng to (do các dây chằng rách gây tụ máu)
  • Cẳng tay không duỗi hoặc gấp được. Hoặc cẳng tay bệnh nhân gấp chứng 40 độ, cẳng tay trông ngắn đi nhưng cánh tay trông như dài ra.
triệu chứng đau khớp khuỷu tay
Triệu chứng đau khớp khuỷu tay thường gặp ở bệnh nhân sau khi bị trật khớp khuỷu tay

  • Sờ được bờ xương tròn của đầu dưới xương cánh tay, thấy mỏm khuỷu nhô ra sau, đầu trên xương quay lồi ra ngoài và ra sau.
  • Nếu hơi gấp khuỷu tay và buông ra sẽ thấy dấu hiệu lò xo (cẳng tay tự động bật về vị trí ban đầu trước khi gấp khuỷu tay).

Ngoài ra bác sĩ sẽ cần chụp X-quang khớp khuỷu các góc thẳng, nghiêng, chụp CT để xác định thế trật và tìm thêm các tổn thương phối hợp ở xương (nếu có).

Nếu bệnh nhân đến khám sớm ngay sau khi bị chấn thương thì sẽ dễ chẩn đoán (do sờ thấy các mốc xương), còn nếu đến muộn thì vùng khuỷu đã sưng nề gây khó khăn cho việc thăm khám hơn.

5. Biến chứng và cách điều trị trật khớp khuỷu tay

Trật khớp khuỷu tay có thể gây tổn hại đến hệ thần kinh và mạch máu nếu không được xử lý và điều trị kịp thời. Một số biến chứng có thể xảy ra bao gồm:

  • Biến chứng thần kinh: Tổn thương thần kinh giữa, thần kinh liên cốt trước và điển hình nhất là liệt dây thần kinh trụ gây mất cảm giác ở đầu ngón V.
  • Biến chứng mạch máu: Chỉ chiếm tỷ lệ 1-5% trật khớp, thường xảy ra khi động mạch cánh tay bị chèn ép, rách hoặc co thắt.

Tùy thuộc vào mức độ tổn thương của vùng khớp khuỷu tay mà bác sĩ sẽ áp dụng biện pháp điều trị phù hợp với mục tiêu đưa khớp khuỷu về đúng vị trí và phục hồi chức năng khuỷu tay. Các biện pháp điều trị trật khớp tay bao gồm:.

liệt dây thần kinh trụ
Trật khớp khuỷu tay có thể gây ra một số biến chứng như liệt dây thần kinh trụ

5.1. Nắn chỉnh lại khớp

Nếu trật khớp khuỷu mới (dưới 3 tuần) bác sĩ có thể chỉ định kéo nắn lại khớp và nẹp bột trong khoảng 10 ngày rồi mới tập vận động.

Với những bệnh nhân đã nắn khớp nhưng vẫn kém vững do bị rách phần mềm nhiều thì phải giữ bất động vùng tổn thương trong 3-4 tuần rồi mới tập vận động.

Nếu không nắn được do kẹt khớp, chèn phần mềm hoặc gãy xương nội khớp thì cần thực hiện phẫu thuật để đưa khớp khuỷu về vị trí giải phẫu.

5.2. Phẫu thuật

Biện pháp phẫu thuật thường được áp dụng đối với những trường hợp:

  • Trật khớp khuỷu tay phức tạp: Có tổn thương thần kinh, mạch máu.
  • Nắn chỉnh khớp không hiệu quả.
  • Cần phục hồi lại trục chi và khâu sửa lại dây chằng, bao khớp để giữ vững khớp khuỷu.

Nhìn chung, nếu thấy có dấu hiệu của trật khớp khuỷu tay, bệnh nhân nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và xử lý kịp thời, tránh những biến chứng không đáng có ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

32.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan