Dấu hiệu gãy xương cành tươi

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Mai Anh Kha - Bác sĩ ngoại Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ có hơn 22 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình.

Gãy xương cành tươi là tình trạng xương bị nứt hoặc cong nhưng không gãy hoàn toàn thành nhiều mảnh. Gãy cành tươi rất khó nhận biết ở trẻ, nếu không được phát hiện sớm có thể để lại biến chứng nguy hiểm.

1.Gãy xương cành tươi là gì?

Gãy xương cành tươi là một loại gãy xương mà xương chịu lực uốn cong dẫn tới nứt gãy. Áp lực gây ra sự gãy xương không tách nó thành từng phần. Gãy xương cành tươi thường được gọi là gãy xương một phần hoặc không hoàn toàn, chỉ gãy một phần ở thân xương trong đó vỏ xương một bên bị gián đoạn, bên còn lại vỏ xương vẫn còn nguyên.

Gãy xương cành tươi thường gặp ở cẳng tay, khi xương cong trước khi gãy và màng ngoài xương chưa đứt rời. Gãy cành tươi nằm bên trong màng ngoài xương. Gãy xương cành tươi có thể rất khó chẩn đoán do trẻ nhỏ vẫn có thể sử dụng chi bị ảnh hưởng một cách bình thường. Dạng gãy xương này thường bị nhầm lẫn với bầm tím hoặc bong gân.

2. Nguyên nhân gãy xương cành tươi

Gãy xương cành tươi
Gãy xương cành tươi thường gặp ở trẻ

Gãy xương cành tươi xảy ra phổ biến nhất khi ngã trong tư thế cánh tay bị dang ra. Có thể gặp do các loại chấn thương như va chạm, chấn thương với một vật thể nào đó. Dạng gãy xương này thường gặp nhất ở cẳng tay và cánh tay, do phản xạ khi ngã thường chống tay xuống.

Gãy xương cành tươi thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là ở độ tuổi dưới 10 tuổi. Bởi vì xương trẻ em phần lớn là sụn chưa cốt hóa, sụn này có chức năng kéo dài xương trong quá trình phát triển của trẻ. Nên xương trẻ em thường mềm hơn và linh hoạt hơn xương người lớn. Khi chịu lực tác động nó không dễ gãy thành mảnh rời mà chỉ gãy một phần. Tuy nhiên, gãy xương cành tươi có thể gặp ở tất cả mọi lứa tuổi.

3. Dấu hiệu nhận biết gãy xương cành tươi

Việc nhận biết được dấu hiệu gãy xương là rất quan trọng trong việc sơ cấp cứu ban đầu. Dấu hiệu đầu tiên của gãy xương cành tươi là cơn đau lan rộng sau khi gặp chấn thương ở trẻ. Cơn đau này không giảm mà tăng dần theo thời gian. Ngoài ra, một số dấu hiệu nhận biết khi gãy xương cành tươi bao gồm:

  • Xuất hiện uốn cong, vặn hoặc biến dạng ở chi bị thương
  • Sưng to
  • Không thể đặt bất kỳ trọng lượng hoặc áp lực lên khu vực tổn thương
  • Cảm giác đau, khó chịu kéo dài hơn một hoặc hai ngày

Để chẩn đoán chính xác gãy xương kiểu cành tươi cần tiến hành chụp X-quang nhằm bộc lộ hết các xương gãy.

4. Biến chứng gãy xương cành tươi

Biến chứng gãy xương cành tươi
Chảy máu bất ngờ là biến chứng gãy xương cành tươi nếu không được điều trị sớm

Gãy xương kiểu cành tươi rất khó nhận biết ở trẻ em. Nếu không được điều trị sớm có thể gây ra một số biến chứng bao gồm:

  • Tổn thương bất kỳ dây thần kinh hoặc mạch máu xung quanh vị trí chấn thương
  • Chảy máu bất ngờ
  • Nhiễm trùng xảy ra trong khoặc xung quanh vị trí chấn thương
  • Biến dạng chi trong quá trình lành xương

Ngoài ra, nếu không được điều trị đúng cách gãy xương cành tươi có thể chuyển sang gãy xương hoàn toàn, và để lại biến chứng nguy hiểm hơn như: Chèn ép khoang, liệt thần kinh, vẹo trục, viêm xương, di lệch xương, biến dạng chi,...

5. Điều trị gãy xương cành tươi

Có nhiều phương pháp điều trị gãy xương kiểu cành tươi, tùy thuộc vào mức độ và vị trí gãy xương. Một số biện pháp can thiệp bao gồm:

5.1 Bó bột

Gãy xương cành tươi có nguy cơ dẫn đến gãy xương hoàn toàn cao. Nên các loại gãy xương này đều cần bất động, để cố định xương trong một khoảng thời gian điều trị lành thương. Hầu hết bác sĩ sẽ khuyên nên đặt bó bột hoặc nẹp có thể tháo rời để ngăn chặn gãy hoàn toàn xảy ra.

Việc cố định bằng cách bó bột xương gãy sẽ kéo dài trong khoảng bốn đến sáu tuần. Cách điều trị này phụ thuộc vào vị trí gãy xương, tùy vào gãy đoạn xa hay đoạn gần mà có loại bột phù hợp. Bệnh nhân bị gãy xương ở đoạn gần cần phải theo dõi chỉnh hình thường xuyên hơn do tính chất không ổn định của chúng và tăng khả năng gập góc cao cũng như dễ dịch chuyển hơn

5.2 Nẹp

Nẹp có thể tháo rời cũng hoạt động tốt hơn trong các khu vực cần di chuyển nhiều hơn, như cổ tay. Đặt một dụng cụ chỉnh hình linh hoạt hơn tại chỗ giúp nó không bị cứng và bất động trong quá trình chữa bệnh . Đó là những trường hợp trẻ đau ít, được theo dõi sát với sự chăm sóc của gia đình. Lợi ích của nẹp tháo rời có thể ít tốn kém hơn và trẻ nhỏ có thể tháo nó ra một cách nhanh chóng khi đi tắm.

Nẹp cổ tay
Nẹp có thể tháo rời cũng hoạt động tốt hơn trong các khu vực cần di chuyển nhiều hơn

5.3 Phẫu thuật

Họ cũng có thể đề nghị phẫu thuật nếu họ cảm thấy nguy cơ gãy hoàn toàn sắp xảy ra. Đây là các tùy chọn phẫu thuật cho gãy cành tươi:

  • Đặt một thanh kim loại bên trong xương
  • Gắn một tấm kim loại xung quanh vết nứt bằng ốc vít

Các bác sĩ điều trị cho những bệnh nhân trẻ tuổi sẽ quan tâm nhất đến gãy xương xảy ra xung quanh sụn tăng trưởng. Đây là những vùng mô nằm quanh đầu xương dài ở trẻ em và thanh thiếu niên. Các sụn tăng trưởng này có vai trò xác định hình dạng và chiều dài xương sẽ đạt được khi trẻ trưởng thành hoàn toàn, quyết định đến chiều cao và sự cân đối 2 bên của trẻ.

Thời gian phục hồi cho gãy xương kiểu cành tươi thường thay đổi. Tùy theo mức độ nghiêm trọng của chấn thương và nếu cần can thiệp phẫu thuật. Hầu hết các gãy xương lành trong vòng bốn đến tám tuần. Để giảm bớt sự khó chịu, các bác sĩ sẽ kê toa thuốc như ibuprofen hoặc acetaminophen.

Trong quá trình điều trị bệnh nhân sẽ được yêu cầu quay lại để kiểm tra để các bác sĩ có thể kiểm tra vết thương đang lành như thế nào. X-quang được yêu cầu trong một vài tuần để đảm bảo gãy xương được chữa lành đúng cách. Để kiểm tra sự liên kết của xương và để xác định khi nào không cần phải bó bột nữa.

6. Phòng ngừa gãy cành tươi

Để hạn chế gãy xương xảy ra hoặc giảm thiểu biến chứng cần:

  • Tìm phương pháp giảm các tai nạn do chấn thương hoặc không do chấn thương, tai nạn trong thể thao.
  • Giảm các va chạm ở các trẻ nhỏ, tránh các hoạt động có nguy cơ té ngã cao khi điều trị gãy xương...
  • Có dụng cụ bảo hộ khi tham gia các hoạt động hoặc môn thể thao có nguy cơ cao bị gãy xương.
  • Theo dõi các hoạt động hàng ngày của trẻ em, đặc biệt là ở trường hoặc trên sân chơi.

Nếu xảy ra gãy cành tươi, đòi hỏi đánh giá ngay và bất động ngay lập tức để ngăn ngừa gãy xương tái phát, gãy xương hoàn toàn hoặc di lệch

Tóm lại, gãy cành tươi có tiên lượng là tốt, phần lớn các vết gãy xương cành tươi lành tốt mà không có thay đổi chức năng hoạt động của chi bị thương. Tuy nhiên, nếu không được cố định đúng cách và không theo dõi chỉnh hình đúng cách, có nguy cơ gấp góc, gãy hoàn toàn và di lệch gãy xương. Không điều trị gãy xương cành tươi đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng không hồi phục và khiến bệnh nhân bị biến dạng vĩnh viễn. Do đó, khi thấy dấu hiệu bất thường sau một va chạm hay tai nạn nào đó cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra tình trạng xương để có thể phát hiện sớm gãy xương cành tươi và có biện pháp can thiệp kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan