Hẹp khe khớp gối và những điều cần biết

Khớp gối là khớp nằm tiếp giáp và liên kết với 3 trục xương chính là xương đùi, xương bánh chè và xương ống chân. Khớp gối giúp đầu gối nâng đỡ trọng lượng của toàn bộ cơ thể. Khớp gối hoạt động nhờ sự phối hợp của hệ thống gân, sụn khớp, bao khớp, cơ, dây chằng... Đây là bộ phận rất dễ bị chấn thương và thoái hóa, trong đó có tình trạng hẹp khe khớp gối.

1. Hẹp khe khớp gối là gì?

Hẹp khe khớp gối là một trong những dấu hiệu điển hình của bệnh lý thoái hóa khớp gối, bên cạnh sự xuất hiện của các gai xương. Thoái hóa khớp làm hẹp khe khớp gối đang được chú ý đặc biệt vì tỷ lệ mắc bệnh tăng cao, đặc biệt ở các nước có tuổi thọ trung bình cao, trong đó có Việt Nam.

Thoái hóa khớp gối là một trong những vấn đề thường gặp ở người cao tuổi, tần suất bắt gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới. Hẹp khe khớp gối là kết quả của sự mòn và bong tróc lớp sụn bao bên ngoài đầu xương (sụn khớp) theo thời gian (sự lão hóa) hoặc vì một nguyên nhân cụ thể (chấn thương).

Khi các mảnh của sụn khớp vỡ ra (thường kèm theo phần xương dưới sụn) sẽ mắc lại trong ổ khớp, các mảnh này bị cơ thể xem như là một dị vật trong khớp gối (loose bodies) và kích hoạt quá trình viêm khớp.

Bên cạnh đó, phần xương dưới sụn (có thần kinh cảm giác đau) sẽ bị bộc lộ sau khi lớp sụn khớp (không có thần kinh cảm giác đau) bong ra, cọ sát với đầu xương gần kề khi vận động chính là nguyên nhân làm bệnh nhân hẹp khe khớp gối cảm giác đau nhức dữ dội.

Rách sụn gối
Hẹp khe khớp gối là kết quả của sự mòn và bong tróc lớp sụn khớp

2. Phân loại thoái hóa và hẹp khe khớp gối

Dựa theo nguyên nhân gây thoái hóa và hẹp khe khớp gối mà bệnh được phân thành 2 thể bệnh khác nhau, bao gồm:

  • Thoái hóa và hẹp khe khớp nguyên phát: Nguyên nhân chủ yếu do lão hoá. Bệnh thường xuất hiện ở bệnh nhân trên 50 tuổi.
  • Thoái hóa và hẹp khe khớp thứ phát: Thường hẹp khe khớp liên quan các vấn đề sau:
    • Chấn thương và vi chấn thương: Vấn đề này tác động làm thay đổi bề mặt sụn khớp, bao gồm những chấn thương như gãy xương, trật khớp kèm theo tổn thương sụn;
    • Yếu tố nội tiết và chuyển hóa: Suy giáp, bệnh to đầu chi, phụ nữ sau mãn kinh;
    • Các dị tật bẩm sinh như khớp lỏng lẻo;
    • Viêm khớp nhiễm khuẩn cấp tính, hoặc mãn tính;
    • Viêm khớp không nhiễm khuẩn như viêm khớp dạng thấp;
    • Thiếu máu nuôi gây hoại tử xương, loạn dưỡng xương;
    • Bệnh liên quan đến máu như rối loạn đông máu (Hemophilia), u máu.

3. Triệu chứng của thoái hóa và hẹp khe khớp gối

Các biểu hiện của thoái hóa và hẹp khe khớp gối bao gồm:

  • Đau khớp: Đau có tính chất cơ học với tính chất đau âm ỉ. Đau tăng khi vận động, khi thay đổi tư thế. Đau thường giảm khi khớp được nghỉ ngơi đầy đủ. Đau thường có tính chu kỳ dài ngắn khác nhau.
  • Vận động hạn chế: Hẹp khe khớp do phần sụn khớp bị bong tróc, khiến các đầu xương tăng cọ sát, làm các động tác của khớp gối bị hạn chế như khi lên xuống cầu thang, thay đổi tư thế đột ngột, ngồi xổm...
đau khớp gối
Hẹp khe khớp gối khiến người bệnh bị đau khi vận động hoặc thay đổi tư thế đột ngột

  • Khớp gối biến dạng: Thoái hóa khớp thường không làm khớp gối thay đổi hình dạng nhiều. Bên cạnh hẹp khe khớp thì gai xương cũng là một vấn đề của thoái hóa khớp gối và đây cũng là nguyên nhân làm khớp biến dạng.
  • Vận động khớp gối nghe tiếng “lục khục”.
  • Dấu hiệu "phá rỉ khớp": Buổi sáng khớp gối thường cứng, không vận động được nhưng chỉ kéo dài dưới 30 phút.
  • Có thể sờ thấy các gai xương lớn ở quanh khớp.
  • Teo cơ quanh khớp là biến chứng do hạn chế vận động.

4. Các xét nghiệm giúp chẩn đoán thoái hóa khớp gối

  • X quang khớp gối: Thường gặp 3 dấu hiệu cơ bản:
    • Hẹp khe khớp gối: Khe khớp có bờ không đều .
    • Đặc xương dưới sụn
    • Mọc gai xương: Gai xương hình dạng thô và đậm đặc thường gặp ở phần tiếp giáp giữa xương, sụn khớp và màng hoạt dịch.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI), cắt lớp vi tính (CT scan) ít được sử dụng để chẩn đoán hẹp khe khớp gối do giá thành đắt.
  • Nội soi khớp sử dụng hỗ trợ quá trình điều trị hoặc phát hiện những tổn thương phối hợp trong thoái hóa khớp gối.
  • Siêu âm khớp có thể phát hiện gai xương, dịch trong ổ khớp...
Chụp x quang khớp gối
Chẩn đoán thoái hóa khớp gối bằng các kỹ thuật xét nghiệm hình ảnh

5. Phân độ thoái hóa và hẹp khe khớp gối trên X quang

Đây là cách phân độ thoái hóa khớp gối trên phim X quang theo tiêu chuẩn Kellgren và Lawrence

  • Độ 1: Không có hẹp khe khớp gối, đôi khi phát hiện gai xương nhỏ.
  • Độ 2: Hẹp khe khớp gối nhẹ, mọc các gai xương nhỏ.
  • Độ 3: Hẹp khe khớp gối rõ hơn, xuất hiện nhiều gai xương kích thước vừa, đôi khi đặc xương dưới sụn hoặc biến dạng đầu xương.
  • Độ 4: Hẹp khe khớp gối nhiều, các gai xương kích thước lớn, đặc xương dưới sụn, biến dạng đầu xương rõ ràng.

6. Điều trị hẹp khe khớp gối

6.1. Điều trị hẹp khe khớp gối không dùng thuốc

  • Tư vấn và giải thích cho bệnh nhân tránh các yếu tố làm khớp bị quá tải như vận động quá sức, thừa cân hoặc béo phì.
  • Thay đổi thói quen để tránh các tư thế xấu gây lệch trục khớp.
  • Vật lý trị liệu: Chủ yếu là giảm triệu chứng đau, hỗ trợ dinh dưỡng và tăng lượng máu đến các cơ ở cạnh khớp. Bao gồm các phương pháp như sử dụng tia hồng ngoại, chườm nóng, liệu pháp suối khoáng, tắm bùn ấm...

6.2. Điều trị giảm triệu chứng

  • Sử dụng các loại thuốc giảm đau đơn thuần như Acetaminophen (Paracetamol, Efferalgan), Morphin.
Sau sinh mổ sản phụ được uống thuốc giảm đau
Có thể sử dụng kết hợp các loại thuốc để giảm triệu chứng đau do bệnh

  • Nếu bệnh nhân đau nhiều thì kết hợp thuốc kháng viêm không steroids (NSAIDs) đường uống hoặc tiêm như Diclofenac, Meloxicam, Piroxicam, Celecoxib hoặc thuốc bôi ngoài da (có tác dụng giảm đau đáng kể và không gây ra các tác dụng phụ như dùng đường toàn thân). Chú ý là không kết hợp 2 thuốc NSAIDs vì làm tăng tác dụng phụ mà không giảm đau nhiều.
  • Thuốc giảm đau Corticosteroid: Thường được chỉ định thông qua tiêm nội khớp và không được sử dụng đường toàn thân.

6.3. Điều trị theo cơ chế bệnh sinh

  • Một số thuốc có tác dụng giảm đau nhưng chậm, điều trị theo cơ chế gây bệnh như Glucosamine sulfate, Chondroitin sulfate (có thể phối hợp giữa glucosamine và chondroitin) hoặc thuốc Diacerhein.
  • Bổ sung chất nhầy dịch khớp.
  • Tiêm huyết thanh tươi giàu tiểu cầu tự thân: Đây là một trong phương pháp mới trong điều trị hẹp khe khớp gối, mạng lại hiệu quả tương đối cao. Phương pháp này được chỉ định ở bệnh nhân thoái hóa khớp gối độ I, II, III.

6.4. Điều trị ngoại khoa

Nếu bệnh nhân bị hạn chế vận động nhiều, đau dữ dội và không đáp ứng với điều trị bằng thuốc thì bệnh nhân có thể được chỉ định điều trị bằng ngoại khoa. Các phương pháp điều trị bao gồm:

  • Điều trị dưới nội soi khớp: Khi bệnh nhân thoái hóa và hẹp khe khớp gối tiến triển nhanh, bệnh nhân lớn tuổi hoặc không có điều kiện thay khớp gối thì sử dụng phương pháp nội soi để điều trị cho bệnh nhân.
Phẫu thuật nội soi cắt bao hoạt mạc viêm khớp gối giúp bệnh nhân hồi phục nhanh
Điều trị bằng nội soi đem lại hiệu quả tốt cho bệnh nhân thoái hóa và hẹp khe khớp gối

  • Phương pháp đục xương chỉnh trục
  • Phẫu thuật thay khớp nhân tạo: Thay khớp bán phần hoặc toàn phần ở những bệnh nhân nặng, chức năng vận động giảm nhiều, có điều kiện kinh tế và kháng trị với các phương pháp điều trị khác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.9K

Dịch vụ từ Vinmec