Rách chóp xoay là gì?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Dương Tiến - Bác sĩ Nội tổng hợp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ Tiến có nhiều năm kinh nghiệm về nội cơ xương khớp.

Khi xuất hiện dấu hiệu đau vùng vai, cơn đau lan rộng, đặc biệt vào ban đêm, đau khi nằm nghiêng thì có thể nghĩ đến nguyên nhân rách chóp xoay vai. Vậy rách chóp xoay là gì, điều trị rách chóp xoay như thế nào?

1. Rách chóp xoay là gì?

Chóp xoay là nhóm bao gồm 4 cơ của khớp vai: Cơ dưới vai, cơ trên gai, cơ dưới gai, cơ tròn bé với sự phối hợp của hệ thống dây chằng. Nhiệm vụ chính của nhóm các cơ này là giữ cho khớp vai được vững chắc, giúp xoay cánh tay, ngăn ngừa trật khớp và giúp khớp vai vận động tối ưu.

Tuy nhiên, chóp xoay vai rất dễ bị viêm và rách do hoạt động quá mức hoặc do chấn thương. Rách chóp xoay vai là tình trạng rách tại một hay nhiều gân cơ trong phức hợp của chóp xoay, từ đó dẫn đến giảm hoặc mất hoàn toàn khả năng hoạt động của khớp.

Rách chóp xoay là một trong những nguyên nhân phổ biến gây đau và giảm vận động của khớp vai.

2. Nguyên nhân gây rách chóp xoay vai là gì?

Rách chóp xoay thường xảy ra sau các sang chấn nhỏ tác động lên hệ gân cơ của khớp vai. Tuy nhiên, hầu hết các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đều đã diễn ra liên tục trong một thời gian dài, dẫn đến kết quả là sự viêm gân. Nhìn chung, có thể chia nguyên nhân gây rách chóp xoay vai ra làm 2 loại sau:

  • Nguyên nhân do chấn thương: Chấn thương thể thao đặc biệt là những môn đòi hỏi phải dạng vai, thực hiện động tác đưa tay qua đầu lặp đi lặp lại nhiều lần trong thời gian dài; chấn thương do té ngã, tai nạn lao động, tai nạn giao thông...
  • Nguyên nhân do thoái hóa: Thoái hóa cơ chóp xoay, viêm gân cơ chóp xoay không được điều trị lâu ngày sẽ dẫn đến rách chóp xoay.

Ngoài ra việc tiêm Corticoid không đúng hoặc tình trạng lạm dụng việc tiêm Corticoid kéo dài cũng có thể làm tăng nguy cơ rách chóp xoay.

Rách cơ chóp xoay
Rách chóp xoay là một trong những nguyên nhân phổ biến gây đau và giảm vận động của khớp vai

3. Phân loại rách chóp xoay

Phân loại theo độ dày và vị trí rách chóp xoay:

  • Rách chóp xoay một phần ở mặt khớp;
  • Rách chóp xoay một phần ở mặt hoạt dịch;
  • Rách toàn phần.

Phân loại theo kích thước:

  • Nhỏ: < 1cm.
  • Vừa: 1 – 3 cm.
  • Rộng: 3 – 5 cm.
  • Lớn: > 5 cm.

Phân loại theo hình dạng

  • Hình liềm
  • Chữ U
  • Chữ L
  • Rách hết độ dày gân chóp xoay.

Theo vị trí đầu bị gân đứt

  • Độ 1: đầu gân đứt nằm trên điểm bám vào xương cánh tay.
  • Độ 2: đầu gân đứt nằm ngang chỏm xương cánh tay.
  • Độ 3: đầu gân đứt ở ngang ổ chảo.

4. Triệu chứng của rách chóp xoay là gì?

  • Test cánh tay rơi (drop arm test) dương tính, bệnh nhân không tự nâng cánh tay lên ngang vai được nếu không nhờ vào sự hỗ trợ nâng đỡ của cánh tay kia (thường thấy ở bệnh nhân rách hoàn toàn chóp xoay).
  • Không có khả năng đưa tay ra phía sau đầu một cách trôi chảy trong trường hợp rách chóp xoay một phần, cảm giác yếu cánh tay, khó thực hiện động tác chải đầu, mặc áo.
  • Test moseley dương tính: khi bệnh nhân chủ động dạng cánh tay đến 80o, sau đó ấn nhẹ vào cánh tay, nếu cánh tay rơi xuống chứng tỏ rách chóp xoay hoàn toàn.
  • Nghiệm pháp Jobe: Bệnh nhân dạng tay 90 độ, bác sĩ ép tay bệnh nhân xuống dưới, người bệnh được yêu cầu dùng lực tay để kháng lại lực ép. Nếu bị đau thì nghiệm pháp Jobe dương tính, người bệnh có khả năng rách chóp xoay.
  • Động tác xoay ngoài bị yếu đi nếu tổn thương cơ dưới gai
  • Động tác dạng tay ngang vai bị giảm nếu tổn thương cơ trên gai.
  • Chỏm xương cánh tay trật ra trước, hoàn toàn mất khả năng với tay qua vai khi đứt hoàn toàn các cơ chóp xoay
  • Đau khi ấn vào vị trí phía dưới mỏm quạ. Cơn đau trong trường hợp rách chóp xoay vai có tính chất liên tục, dữ dội, đau tăng lên khi dạng và xoay ngoài cánh tay, đau có thể lan lên cổ, lan xuống cánh tay. Trường hợp rách chóp xoay là do viêm gân cơ thì thường đau vào ban đêm, đau khi nằm nghiêng hướng về bên tổn thương.
  • Khó ngủ thường xuyên.
Viêm gân nhị đầu gây đau nhức vai liên tục
Thoái hóa cơ chóp xoay, viêm gân cơ chóp xoay không được điều trị lâu ngày sẽ dẫn đến rách chóp xoay.

5. Cận lâm sàng chẩn đoán rách chóp xoay vai

  • Chụp X-quang 3 tư thế: Thẳng, nghiêng, outlet; chụp X quang không giúp bác sĩ phát hiện tổn thương rách chóp xoay tuy nhiên sẽ giúp phát hiện các hình thái mỏm bất thường hoặc tình trạng thoái hóa khớp gây hẹp khoang dưới mỏm, đây cũng là nguyên nhân gây rách chóp xoay.
  • Siêu âm khớp vai: Phát hiện rách chóp xoay tuy nhiên khó phát hiện các tổn thương khớp vai kèm theo.
  • Cộng hưởng từ (MRI) khớp vai có tiêm thuốc cản từ vào khớp.Thuốc cản từ sẽ đi vào các ngóc ngách của khớp, giúp đánh giá tổn thương nếu có. Đây là cận lâm sàng có độ chính xác cao nhất, cho biết hình thái rách chóp xoay, mức độ rách, số lượng gân rách, các tổn thương phối hợp khác nếu có.

6. Rách chóp xoay vai có nguy hiểm không?

Rách chóp xoay nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn đến đứt toàn bộ gân cơ chóp xoay, gây hạn chế vận động, thoái hóa khớp sớm. Đặc biệt lâu ngày có thể gây teo cơ và cứng khớp vai. Một số trường hợp nặng có thể bị liệt.

7. Điều trị rách chóp xoay vai như thế nào?

7.1. Điều trị bảo tồn

  • Áp dụng trong trường hợp bệnh nhân bị rách bán phần chóp xoay, viêm gân chóp xoay hoặc mắc các bệnh nội khoa nặng, không thể tiến hành phẫu thuật.
  • Cho bệnh nhân nghỉ ngơi, hạn chế động tác gây đau khớp vai
  • Mang đai bảo vệ khớp vai hoặc sử dụng túi treo tay khoảng 2-3 tuần
  • Sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau
  • Nếu đau dữ dội có thể chườm lạnh từ 10 – 15 phút/lần, thực hiện từ 4 – 5 lần/ngày, mỗi lần cách nhau khoảng 2 tiếng, nằm gác cao chân.
  • Tập vật lý trị liệu.

7.2. Phẫu thuật: nội soi hoặc mổ mở

Áp dụng cho bệnh nhân bị rách hoàn toàn chóp xoay, rách bán phần chóp xoay nhưng điều trị nội khoa thất bại (điều trị > 03 tháng).

Nội soi:

  • Nội soi để mài mỏm cùng vai kết hợp với khâu gân chóp xoay bị rách là tiêu chuẩn vàng trong điều trị. Đây là một phẫu thuật khó, đòi hỏi phẫu thuật viên có chuyên môn sâu về nội soi khớp vai, cần các trang bị, dụng cụ, trang thiết bị máy móc đầy đủ.
  • Ưu điểm của nội soi: ít xâm lấn, độ thẩm mỹ cao, ít tàn phá mô mềm, giảm nguy cơ nhiễm trùng, hồi phục nhanh, rút ngắn thời gian nằm viện, có thể xử trí được hầu hết tổn thương ở vị trí sâu mà mổ hở không vào được.
  • Kỹ thuật khâu gân chóp xoay bị rách có thể thực hiện khâu một hàng hoặc khâu hai hàng tuỳ vào kinh nghiệm, kỹ năng của phẫu thuật viên, dụng cụ, trang thiết bị....

Phẫu thuật mổ hở:

  • Áp dụng khi rách nhiều gân hoặc vết rách lớn, không khâu được bằng nội soi.
  • Mổ mở giúp khâu gân rách, chuyển cơ thông thường là chuyển cơ lưng rộng.
  • Trường hợp rách lớn, để cải thiện chức năng khớp vai có thể thực hiện mổ hở để thay khớp vai.
Máy siêu âm
Siêu âm khớp vai phát hiện rách chóp xoay tuy nhiên khó phát hiện các tổn thương khớp vai kèm theo.

8. Phòng ngừa rách chóp xoay vai

Phòng ngừa rách chóp xoay khớp vai bằng cách thực hiện những điều sau:

  • Chơi thể thao cần phải tập các động tác khởi động khớp vai kỹ lưỡng trước khi chơi
  • Cân bằng giữa tập luyện và nghỉ ngơi, không lặp lại quá nhiều động tác đòi hỏi sử dụng cánh tay vươn lên quá đầu như: bóng chày, đánh golf, cầu lông, quần vợt...
  • Khám bác sĩ chuyên khoa khi xảy ra chấn thương khớp vai.
  • Không tự ý đắp lá thuốc hoặc tiêm thuốc vào khớp vai ở những cơ sở y tế không đủ uy tín, tin cậy.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan