Di chứng hậu Covid và cách để tăng cường sức đề kháng

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Nhật - Bác sĩ Truyền nhiễm - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Covid-19 để lại nhiều di chứng cho những người mắc phải căn bệnh này, vậy làm cách nào để những bệnh nhân hồi phục sức khỏe hậu Covid và nâng cao sức đề kháng cho cơ thể? Mời bạn đọc cùng theo dõi bài viết sau đây.

1. Những di chứng hậu covid có thể gặp là gì?

Theo các báo cáo, hiện nay có trên 200 biến chứng hậu Covid-19 đã được phát hiện. Sau đây là những di chứng hậu Covid thường gặp nhất:

1.1. Di chứng mệt mỏi

Mệt mỏi là một trong những triệu chứng thường gặp nhất ở bệnh nhân mắc hội chứng hậu Covid-19, kể cả ở nhóm những người bệnh phải nhập viện hay nhóm tự điều trị tại nhà.

Phương pháp điều trị cho triệu chứng mệt mỏi kéo dài hậu Covid-19 chủ yếu là tăng cường vận động thể dục thể thao, bổ sung dinh dưỡng, tăng thời gian thư giãn, làm việc nhẹ nhàng để giúp cơ thể phục hồi, nâng cao sức đề kháng mùa dịch.

1.2. Di chứng tâm thần kinh đa dạng

Covid-19 có khả năng gây thương tổn hệ thống thần kinh, tai trong và tiền đình gây chóng mặt, đau đầu. Nếu trường hợp nặng, người từng nhiễm covid-19 có khả năng bị mất tập trung, giảm trí nhớ, rối loạn về tiếp nhận ngôn ngữ (đây gọi là hội chứng “sương mù não”, biểu hiện như lú lẫn, hay quên, tư duy trở nên mơ hồ, kém nhạy bén, chậm chạp,...).

1.3. Hệ hô hấp bất thường

Sau khi khỏi Covid-19, nhiều người vẫn có những triệu chứng kéo dài như ho, khó thở, đặc biệt khi gắng sức hay vận động, leo cầu thang. Nguyên nhân chủ yếu gây ra những triệu chứng hô hấp bất thường này là do tổn thương phổi. Phổ biến nhất là tình trạng xơ phổi, viêm phổi ảnh hưởng trầm trọng đến chức năng hô hấp.

1.4. Rối loạn tâm lý

Người đang nhiễm Covid-19 hay đã khỏi bệnh đều có khả năng gặp phải tình trạng rối loạn tâm lý. Nhiều người sau khi khỏi bệnh Covid-19 gặp phải tình trạng rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu hay trầm cảm.

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn tâm lý ở người bệnh hậu Covid-19 là:

  • Khi cơ thể bị virus tấn công, hệ miễn dịch hoạt động chống lại virus nhưng không kiểm soát đúng cách nên đã gây hại cho tế bào thần kinh dẫn đến rối loạn giấc ngủ, đau đầu...
  • Do tâm lý căng thẳng, sợ hãi khi nhiễm bệnh, khi bị cách ly một mình người bệnh cảm thấy bất ổn, các tâm lý sợ lây bệnh cho người khác, sợ mất việc làm,...
  • Khi mới bị nhiễm Covid-19, cơ thể tiết ra nhiều hormone chống lại tình trạng stress. Nhưng nếu tình trạng stress kéo dài sẽ khiến nồng độ cortisol tăng lên, sinh ra các gốc tự do, gây rối loạn chuyển hóa... làm cho người bệnh bất ổn, dễ cáu gắt.

Điều trị rối loạn tâm lý chủ yếu là liệu pháp vực dậy tinh thần, tăng cường nghỉ ngơi, dinh dưỡng hợp lý cho bệnh nhân. Trường hợp người bị trầm cảm sau khi hết Covid-19, có thể được điều trị bằng các loại thuốc chống trầm cảm tùy vào tình trạng cụ thể.

1.5. Di chứng tim mạch

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng có những người đã khỏi Covid-19 vẫn có di chứng tim mạch kéo dài với những biểu hiện thường gặp như đau ngực, tăng men tim kéo dài. Nguyên nhân di chứng này có thể do viêm cơ tim tiếp diễn từ đợt cấp.

Ngoài ra, một số người bệnh có biểu hiện mạch nhanh khi nghỉ ngơi, hội chứng này được cho là do rối loạn hệ thần kinh tự trị. Tình trạng tim đập nhanh thường xuất hiện trong khoảng 1-3 tháng đầu sau khi họ âm tính virus.

Ngoài những di chứng thường gặp trên, hậu Covid còn để lại một số di chứng ít gặp hơn như: Thay đổi nội tiết, sốc nhiễm trùng, viêm phổi, đông máu, tổn thương thận,... Những di chứng này tuy ít xảy ra nhưng lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh, thậm chí tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.

2. Cách tăng sức đề kháng hậu Covid như thế nào?

Những người sau khi mắc Covid-19 có di chứng không nghiêm trọng thì việc áp dụng các cách tăng sức đề kháng hậu Covid chính là phương pháp điều trị tốt nhất để phục hồi sức khỏe.

Một số cách giúp chúng ta nâng cao sức đề kháng mùa dịch như:

2.1. Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể

Đối với người mắc di chứng hậu Covid-19, nên chia nhỏ bữa ăn thành 3-5 bữa mỗi ngày tùy theo sức ăn của người bệnh, trong khẩu phần ăn cần kết hợp đa dạng thực phẩm, nên ăn nhiều rau và trái cây, uống đủ nước, uống thêm nước ép trái cây, sữa, ăn chuối chín để bổ sung Kali. Nên ăn các loại thực phẩm có nhiều vi chất như cá, tôm, cua, hàu, nghêu sò, thịt nạc, trứng, sữa....

Bổ sung các loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho hệ miễn dịch của cơ thể: Vitamin C, Vitamin D, Kẽm bằng các thực phẩm giàu các chất này kết hợp với thuốc tăng sức đề kháng hậu Covid, thực phẩm chức năng nếu cần thiết và theo sự tư vấn của dược sĩ, bác sĩ.

Mọi người có thể tham khảo một số nhóm thực phẩm giúp nâng cao sức đề kháng cho cơ thể sau:

T_ di chứng hậu covid và cách tăng cường đề kháng

  • Nhóm hoa quả tươi gồm: Quả lê, táo, bưởi, cam, chanh, nho... là những loại trái cây chứa nhiều vitamin, giàu chất chống oxy hóa, có tác dụng tốt cho hệ thống hô hấp, tăng cường miễn dịch cơ thể.
  • Các loại rau xanh như: rau bina, cải ngọt, cải xoăn, bắp cải, cà chua,... chứa rất nhiều vitamin cần thiết cũng như khoáng chất giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Những loại củ gia vị như tỏi và gừng rất tốt cho quá trình thải độc tố của cơ thể cũng như có tác dụng diệt virus nên được bổ sung vào chế độ ăn.
  • Nên uống trà xanh, bởi thức uống này có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ, tăng cường sức khỏe tim mạch,...
  • Các món ăn giúp hỗ trợ hệ thống miễn dịch: Khoai tây, súp gà, nước dừa, sữa chua, yến mạch, ...

Sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe có nguồn gốc thiên nhiên như đông trùng hạ thảo, sâm đinh lăng, đẳng sâm, chùm ngây,... sẽ giúp tăng cường sức đề kháng, đẩy lùi những tác nhân gây bệnh, từ đó cải thiện khỏe toàn diện. Các sản phẩm từ thảo dược thiên nhiên được đánh giá là lành tính và an toàn.

Suy nhược cơ thể nên ăn gì để mau hồi phục

2.2. Chăm sóc sức khỏe tinh thần

Để nâng cao sức khỏe cũng như nâng cao sức đề kháng cho cơ thể, những người đã từng nhiễm Covid-19 nên có một chế độ nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc, nghe nhạc, thư giãn. Điều này sẽ giúp tăng cường hệ thống miễn dịch chống lại các bệnh tật.

2.3. Tăng cường vệ sinh, sát khuẩn

SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 lây qua tiếp xúc giọt bắn, vì thế chúng ta cần tuân thủ vệ sinh, đeo khẩu trang, sát khuẩn, giữ khoảng cách nhằm hạn chế lây bệnh.

2.4. Tiêm phòng vắc-xin Covid

Đối với những người không có chống chỉ định tiêm phòng Covid-19, hãy tiêm vắc xin Covid-19 ngay khi có thể là cách tốt nhất để phòng tránh bệnh, góp phần giúp những người xung quanh giảm tỷ lệ mắc bệnh.

2.5. Vận động cơ thể hợp lý

Vận động cơ thể giúp nâng cao sức đề kháng mùa dịch bằng cách:

  • Tập thở đúng cách: Hít vào - thở ra chậm, hít sâu dần dần và thở ra nhẹ nhàng không vội vã, nhịp độ tăng lên từng ngày.
  • Tập thể dục: Hàng ngày vận động nhẹ nhàng như đi bộ chậm, tập thể dục nhẹ, đạp xe đạp rất chậm, tập dưỡng sinh, bơi lội.
  • Đi bộ: Đi bộ nhẹ nhàng, đều đặn chính là một hoạt động thể dục rất tốt cho người có di chứng hậu Covid-19.

Trên đây là những cách tăng sức đề kháng hậu covid hiệu quả và dễ thực hiện. Nếu người bệnh muốn sử dụng các loại thuốc tăng sức đề kháng hậu covid cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, đồng thời tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, tránh được các tác dụng phụ không mong muốn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan