Đại dịch COVID-19 sẽ thay đổi tương lai của chuyên ngành Hồi sức cấp cứu như thế nào?

Bài được viết bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Trương Ngọc Hải - Bác sĩ Hồi sức - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Bệnh Coronavirus (COVID-19) đã đặt ra những thách thức mang tính biến đổi chưa từng có đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe. Đại dịch đã nêu bật các yếu tố quan trọng của việc chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống khẩn cấp.

Các khoa Hồi sức Cấp cứu (HSCC) cần phải được chuẩn bị để đáp ứng lượng bệnh nhân tăng đột biến và thay đổi mô hình nhân sự để đáp ứng nhu cầu công tác. Các nguyên tắc sàng lọc bệnh, tiêu chuẩn nhập khoa HSCC, phân loại mức độ bệnh nặng của bệnh nhân và chăm sóc cuối đời cho bệnh nhân tại các khoa HSCC đã có từ trước cần được thiết lập, thực hiện và cập nhật.

Các quy trình xử lý công việc hàng ngày nên được cấu trúc lại để bao gồm kết nối từ xa với các nhân viên y tế đa ngành và liên lạc thường xuyên với người thân. Trong đại dịch, chúng ta đã thấy rõ lợi ích của việc chuyển đổi kỹ thuật số, giá trị của các công nghệ giám sát từ xa, giám sát thông minh không dây và giá trị của các khai báo/đăng ký về dịch tễ học đã có và các nền tảng thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên thích ứng nhanh trong việc cung cấp dữ liệu nhanh chóng, đáng tin cậy.

Hệ thống chăm sóc sức khỏe đã gặp nhiều thách thức nhưng cũng đã cho thấy khả năng thích ứng đáng kể. Một số thay đổi này sẽ mang tính biến đổi và sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta cung cấp dịch vụ chăm sóc hồi sức, ngay cả sau khi đại dịch kết thúc. Đáp ứng với đại dịch COVID-19 là một lời nhắc nhở rằng chúng ta cần phải cải thiện hơn nữa chất lượng chăm sóc tốt cho người bệnh.

Mục tiêu của bài viết này là phản ánh đáp ứng của chuyên ngành hồi sức trong những làn sóng đại dịch COVID-19 vừa qua và định hướng tương lai của chuyên ngành HSCC trong kỷ nguyên sau COVID-19. Bằng cách đúc rút kinh nghiệm từ việc đáp ứng những thách thức này trong hiện tại, chúng ta sẽ có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc tốt hơn cho những bệnh nhân trong tương lai. Chúng ta vẫn còn rất nhiều điều để học hỏi về những gì hiệu quả và những gì chưa đạt được.

Chúng ta không thể đoán trước được thời gian, tính chất và mức độ của đại dịch tiếp theo. Tuy nhiên, chúng ta tin rằng các bài học về đại dịch COVID-19 nên được coi là cơ hội để chuẩn bị tốt hơn cho tương lai. Một vài giải pháp có thể được áp dụng thành công với cơ sở giàu tài nguyên - nguồn lực này nhưng lại không thể áp dụng được trong nguồn lực giới hạn khác và ngược lại. Trong tất cả các bối cảnh, chúng ta cần tập trung vào các giải pháp thực tế có thể đạt được với mức chi phí tương đối thấp để cải thiện đáp ứng của tập thể và cá nhân đối với những thách thức trong tương lai.

1. Tiếp cận có tính hệ thống đối với các biến động lớn (crisis) về chăm sóc hồi sức

Cần có sự điều phối, tốt nhất là thông qua các “trung tâm chỉ huy” địa phương và khu vực, cách tiếp cận “trung tâm chỉ huy” này sẽ tạo điều kiện thuận lợi, điều phối nhanh chóng các đáp ứng, đồng thời cân bằng các áp lực cạnh tranh từ các đơn vị. Chỉ huy tập trung có thể tạo điều kiện cho việc phân phối lại bệnh nhân giữa các cơ sở, giảm tải bớt tình trạng quá tải của một số bệnh viện.

Cuối cùng, cần phải thừa nhận rằng, việc tăng công suất giường bệnh hồi sức cho thấy vẫn có thể điều chuyển nguồn lực đến từ các chuyên ngành, chuyên khoa khác. Quản lý khủng hoảng cần sự tiếp cận có hệ thống một cách hợp lý, có phối hợp với sự đóng góp ý kiến ​​của tất cả các bên liên quan.

Đại dịch đã nêu bật nguyên tắc quan trọng là hệ thống chăm sóc sức khỏe cần được chuẩn bị tốt hơn để đối phó với các thảm họa, sẵn sàng các quy trình, kịch bản đáp ứng theo quy mô, thời gian của thảm họa. Do đó, các bài học kinh nghiệm từ đại dịch COVID-19 không nên chỉ là lập kế hoạch dự phòng cho những thời điểm “căng thẳng” mà phải phản ánh những thói quen mới sẽ giúp chúng ta vững vàng hơn khi ứng phó thảm họa xảy ra trong tương lai, cho dù đó là tác nhân gây bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao hay sự kiện nhiều thương vong do tác nhân không lây nhiễm.

2. Công suất giường HSCC có thể mở rộng

Nhu cầu tăng công suất giường HSCC là điều hiển nhiên ngay từ đầu đại dịch. Các mô phỏng ban đầu dự đoán rằng đỉnh điểm của đợt bùng phát sẽ đòi hỏi công suất giường HSCC tăng gấp nhiều lần.

Thiếu hụt giường bệnh để chăm sóc hồi sức bệnh nhân mắc COVID-19 có liên quan đến tăng tỷ lệ tử vong. Trong những làn sóng đầu tiên của đại dịch, nhiều cách tiếp cận đặc biệt khác nhau đã được sử dụng để mở rộng công suất giường HSCC. Mặc dù những cách tiếp cận này đã giúp vượt qua cuộc khủng hoảng nhưng chúng ta đã phải đối mặt với những thách thức về hậu cần, bao gồm cung cấp khí y tế không đủ, công suất điện không đủ, khả năng theo dõi bệnh nhân kém, điều kiện kiểm soát nhiễm khuẩn chưa tối ưu và khó khăn duy trì sự tách biệt giữa nhóm bệnh nhân COVID-19 và không COVID-19. Nhiều đơn vị HSCC dã chiến thiếu các khu vực chuẩn chỉnh để nhân viên mặc và tháo thiết bị phòng hộ cá nhân (PPE), phòng nghỉ và các thiết bị vệ sinh cho nhân viên,... Đã có một số quan ngại về kết quả chăm sóc những bệnh nhân nặng trong các đơn vị HSCC dã chiến này.

Đại dịch COVID-19 đã đặt ra yêu cầu cần hoạch định trước việc mở rộng công suất giường, năng lực về HSCC. Mặc dù chi tiết về vận hành các khoa HSCC có thể khác nhau nhưng yêu cầu chính yếu là phải rất linh hoạt.

Một giải pháp được đề xuất, cần được đánh giá kiểm định, đó là triển khai các đơn vị “HSCC thầm lặng”, theo đó, các khu vực không phải chuyên khoa HSCC (ví dụ như phòng cấp cứu, phòng chăm sóc hậu phẫu hồi tỉnh, hoặc thậm chí các khoa lâm sàng khác) sẽ được thiết kế để chuyển đổi công năng thành đơn vị HSCC khi cần thiết. Những đơn vị "HSCC thầm lặng" này nên được chọn trước và xếp theo thứ tự ưu tiên; cần trang bị cơ sở hạ tầng thích hợp bao gồm khí y tế, máy hút và các phương tiện kiểm soát nhiễm khuẩn và cơ sở hạ tầng có thể cho phép cài đặt nhanh máy theo dõi sinh hiệu (monitor) và hỗ trợ tim mạch. Khi hết các bệnh nhân cần hồi sức, các đơn vị “HSCC thầm lặng” có thể được chuyển đổi trở lại chức năng ban đầu của chúng.

Ngoài ra, có thể sử dụng các hệ thống theo dõi thông minh, không dây để theo dõi liên tục, chặt chẽ hơn về các dấu hiệu sinh tồn đối với các bệnh nhân “có nguy cơ cao” về hồi sức.

Các phương pháp tiếp cận linh hoạt này cho phép mở rộng đáng kể công suất, đáp ứng về HSCC mà không tiêu tốn một lượng lớn tài nguyên trong thời gian không xảy ra đại dịch.

Hồi sức cấp cứu
Số lượng giường HSCC có thể tăng lên qua việc tận dụng các phòng bệnh thuộc chuyên khoa khác một cách linh hoạt.

3. Thiết kế khoa HSCC an toàn hơn

Đại dịch COVID-19 đã bộc lộ những hạn chế của các mô hình thiết kế HSCC hiện tại. Thiết kế phòng của khoa HSCC truyền thống đặt thiết bị xung quanh đầu giường của bệnh nhân. Điều này buộc nhân viên HSCC phải vào phòng bệnh thường xuyên dù không phải để chăm sóc bệnh nhân. Trong đại dịch, quy trình làm việc này làm tăng mức tiêu thụ PPE và có thể tăng nguy cơ nhân viên tiếp xúc với mầm bệnh.

Trong thời gian xảy ra đại dịch, một số khoa HSCC đã di chuyển thiết bị bệnh nhân ra bên ngoài các phòng bệnh, kết nối với bệnh nhân bằng dây hoặc ống nối dài. Một số khoa HSCC cũng đã thiết lập các thiết bị điều khiển từ xa, sử dụng hệ thống Wifi hoặc Bluetooth và thậm chí sử dụng thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) để quản lý thuốc vận mạch.

Trong tương lai, phòng bệnh lý tưởng của HSCC sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp dịch vụ chăm sóc bệnh nhân định hướng lấy bệnh nhân làm trung tâm, tiếp cận và hiển thị theo dõi bệnh nhân từ bên ngoài, đồng thời cho phép truy cập và điều khiển các thiết bị từ xa và giảm thiểu việc vào phòng bệnh nhân nếu không trực tiếp chăm sóc. Bên cạnh đó, đảm bảo sự riêng tư và một môi trường yên tĩnh cho bệnh nhân là rất quan trọng.

4. Đội ngũ nhân sự HSCC có thể mở rộng

Đợt dịch đầu tiên đã bộc lộ những điểm yếu trong hệ thống nhân sự tồn tại từ trước ở các nước có thu nhập cao và thấp. Tình trạng thiếu hụt trên diện rộng điều dưỡng, bác sĩ và các nhân viên khác của khoa HSCC đòi hỏi phải suy nghĩ lại về cách tăng số lượng đào tạo học viên chuyên ngành hồi sức cấp cứu.

Có thể áp dụng giải pháp linh hoạt là xây dựng, đào tạo nguồn từ nhóm nhân viên không thuộc chuyên ngành HSCC (bao gồm bác sĩ và điều dưỡng), ưu tiên từ các chuyên ngành như gây mê, cấp cứu, nội tổng quát,... do kỹ năng lâm sàng của các chuyên ngành này không khác nhiều với các yêu cầu trong HSCC; những nhân viên y tế này có thể hỗ trợ trong thời gian gia tăng số lượng quá mức bệnh nhân cần hồi sức. Những nhân viên dự phòng này sẽ được đào tạo thông qua một khóa học được phát triển có bài bản, có thể kết hợp với thực hành mô phỏng.

Telemedicine cũng có thể được tích hợp để tận dụng các nguồn lực của HSCC, đáp ứng chăm sóc hồi sức cho một số lượng lớn bệnh nhân.

5. Tập trung nhiều hơn vào sức khỏe của nhân viên HSCC

COVID-19 đã gây ra rủi ro trực tiếp đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của nhân viên HSCC. Kết quả khảo sát với 1001 Bác sĩ hồi sức từ 85 quốc gia cho thấy, tần suất xuất hiện các triệu chứng lo âu, trầm cảm và kiệt sức nghiêm trọng lần lượt là 47%, 30% và 51%.

Lãnh đạo các bệnh viện và lãnh đạo các khoa HSCC phải lưu tâm giải quyết các vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần của nhân viên HSCC. Điều này bao gồm sự đảm bảo về tính sẵn có của PPE, theo dõi phân công công việc và giờ làm việc hợp lý, áp dụng các biện pháp hỗ trợ động viên tinh thần và hỗ trợ từ đồng nghiệp. Xây dựng chiến lược lấy gia đình làm trung tâm, tạo điều kiện cho nhân viên y tế chăm sóc tốt cho gia đình. Tổ chức, phân công lịch làm việc phù hợp, tạo thuận lợi cho phép các nhân viên HSCC được nghỉ ngơi và chăm sóc gia đình.

Hồi sức cấp cứu
Hình ảnh các nhân viên y tế mệt mỏi, kiệt sức đã được bắt gặp rất nhiều trong đại dịch COVID-19.

6. Sàng lọc HSCC hiệu quả hơn

Trong bối cảnh nhu cầu quá lớn, nhiều bác sĩ khoa HSCC đã gặp khó khăn khi quyết định bệnh nhân nào được cho vào khoa HSCC và ai không được nhập khoa. Một số trung tâm áp dụng nguyên tắc “ai đến trước được phục vụ trước” để ưu tiên nhận bệnh nhân nhưng phương pháp tiếp cận như vậy có thật sự phù hợp trong các tình huống đe dọa tính mạng hay không vẫn là một dấu hỏi.

Trải nghiệm ứng phó đại dịch COVID-19 đã đặt ra yêu cầu xây dựng khung quy chế, khuyến nghị về việc sàng lọc và tiêu chí tiếp nhận bệnh nhân vào khoa hồi sức. Tùy thuộc vào điều kiện thực tế, quy chế về sàng lọc, tiếp nhận bệnh nhân vào khoa hồi sức nên được thiết lập có phối hợp với các cơ quan quản lý khác ở địa phương, khu vực hoặc quốc gia, và phù hợp với quy trình chuyển viện giữa các bệnh viện.

7. Kết luận

Tổng kết lại, đại dịch COVID-19 sẽ dẫn đến những biến đổi quan trọng trong cách chúng ta cung cấp dịch vụ hồi sức cấp cứu, tiếp cận có tính hệ thống đối với các biến động lớn (crisis) về chăm sóc hồi sức, bao gồm:

  • Thiết kế khoa HSCC, cải thiện công suất giường và năng lực HSCC.
  • Linh hoạt trong chính sách nhân sự HSCC.
  • Chuỗi cung ứng đáng tin cậy cho các thiết bị phòng hộ cá nhân, thiết bị HSCC, vật tư tiêu hao và dược phẩm.
  • Thiết lập các nguyên tắc sàng lọc của khoa HSCC.
  • Cải thiện phương thức thông tin, giao tiếp với gia đình bệnh nhân.
  • Chuyển đổi kỹ thuật số và nghiên cứu hợp tác, linh hoạt hơn.

92 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan