Điều trị Covid-19 bằng huyết tương của người đã hồi phục

Bài viết được viết bởi ThS. Nguyễn Tiến Lung - Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec.

Bệnh virus corona 2019 hay COVID-19 (Coronavirus disease 2019) là một bệnh đường hô hấp cấp tính truyền nhiễm gây ra bởi chủng virus corona SARS-CoV-2. Bệnh lây truyền chủ yếu từ người sang người, thường được truyền thông qua các giọt dịch hô hấp mà con người hắt hơi, ho hoặc thở ra.

1. Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19)

Virus corona chủ yếu ảnh hưởng đến đường hô hấp dưới dẫn đến một loạt các triệu chứng được mô tả giống như cúm, bao gồm: Sốt, ho, khó thở, đau cơ và mệt mỏi, với sự phát triển cao hơn nữa sẽ dẫn đến viêm phổi, hội chứng suy hô hấp cấp tính, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng và có thể gây tử vong (tỷ lệ tử vong khoảng 1-3% số ca nhiễm bệnh).

Một người nhiễm bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng sau thời gian ủ bệnh kéo dài từ 2 đến 14 ngày, trung bình là 5 ngày, trong thời gian đó nó vẫn có thể truyền nhiễm. Cho tới nay chưa có thuốc hay phương pháp nào điều trị hiệu quả, chủ yếu chỉ là giảm nhẹ những triệu chứng.

coivd
Triệu chứng thường gặp và tình trạng nghiêm trọng của Covid-19

Bệnh khởi phát cuối tháng 12/2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc bắt nguồn từ một nhóm người mắc viêm phổi không rõ nguyên nhân. Ngay sau đó, các ca nhiễm virus đã được báo cáo ở nhiều nước châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương, chủ yếu là các du khách có nguồn gốc từ Trung Quốc đại lục và lây lan ra cộng đồng tại bản địa.

Hiện tại, hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đều đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố dịch viêm phổi do virus corona mới là một tình huống khẩn cấp y tế toàn cầu từ ngày 30/01/2020 và là một đại dịch từ ngày 11/03/2020, dựa trên các tác động của virus đối với các nước nghèo, những nơi có cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe yếu kém hơn.

số liệu covid
Số liệu mắc Covid-19 trên thế giới và tại Việt Nam tính đến 23:00 ngày 13/09/2020

Chính phủ các quốc gia trên thế giới đã tiến hành phản ứng đáp trả nhằm bảo vệ sức khỏe người dân cũng như các nhóm cộng đồng trên toàn cầu, bao gồm: Hạn chế đi lại, phong tỏa kiểm dịch, ban bố tình trạng khẩn cấp, sử dụng lệnh giới nghiêm, tiến hành cách ly xã hội, hủy bỏ các sự kiện đông người, đóng cửa trường học và những cơ sở dịch vụ, kinh doanh ít quan trọng, khuyến khích người dân tự nâng cao ý thức phòng bệnh, đeo khẩu trang, hạn chế ra ngoài khi không cần thiết. Đồng thời, chuyển đổi mô hình hoạt động kinh doanh, học tập, làm việc từ truyền thống sang trực tuyến.

Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Quyết định 173/QĐ-TTg công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra vào ngày 01/02/2020 và sau đó, vào ngày 01/04/2020, cũng chính Thủ tướng đã ban hành tiếp Quyết định 447/QĐ-TTg công bố dịch COVID-19.

2. Điều trị Covid-19 bằng liệu pháp huyết tương

Nhiều phương pháp đang được thử nghiệm để điều trị Covid-19, bao gồm: Các loại thuốc mới để điều trị đặc hiệu SARS-CoV-2, cũng như các loại thuốc “thay thế”. Tức là loại thuốc đã có để điều trị bệnh khác nhưng có khả năng điều trị Covid-19.

Cho đến nay, phương pháp điều trị lâu đời nhất đang được thử nghiệm là liệu pháp huyết tương, sử dụng huyết tương của những người đã khỏi bệnh để truyền cho người đang mắc bệnh.

huyết tương giàu tiểu cầu
Huyết tương là chất dịch trong, màu vàng nhạt, chiếm 55 - 65% thể tích của máu trong cơ thể

Huyết tương là phần chất lỏng của máu còn lại khi loại bỏ các tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu,...), màu vàng nhạt, chiếm 55-65% tổng thể tích của máu trong cơ thể. Năm 1901, Emil Behring đã được trao giải Nobel Sinh lý học và Y học đầu tiên cho công trình chứng minh rằng huyết tương có thể được sử dụng để điều trị bệnh bạch hầu (làm chung với Emile Roux) và bệnh uốn ván.

Thành phần quan trọng của huyết tương để điều trị bệnh là các kháng thể. Đó là loại protein đặc hiệu cho bất kỳ bệnh nhiễm trùng nào mà một người đã gặp phải, được tạo ra bởi các tế bào B của hệ miễn dịch để liên kết với virus xâm nhập và tiêu diệt chúng. Liệu pháp huyết tương là việc chuyển các kháng thể từ người hiến đã có đáp ứng miễn dịch, do đó cung cấp sự bảo vệ ngay lập tức (nhưng tạm thời) cho người nhận.

Liệu pháp huyết tương đã được thử nghiệm trong các đợt bùng phát dịch do virus trước đây, như dịch SARS năm 2003, dịch MERS năm 2012-2015, dịch Ebola năm 2013-2016,... Tất cả các báo cáo đều cho thấy sự cải thiện ở các mức độ khác nhau trên bệnh nhân sau khi nhận huyết tương của người đã hồi phục, và không hoặc ít có biến chứng bất lợi nghiêm trọng. Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố hướng dẫn về việc sử dụng huyết tương thích hợp từ những bệnh nhân đã khỏi bệnh.

Đối với Covid-19, ngày 23/08/2020, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp huyết tương của người đã hồi phục để điều trị bệnh. Đến nay, đã có khoảng 90.000 người tại Hoa Kỳ được hưởng lợi bằng phương pháp này. Các thử nghiệm lâm sàng trên số lượng lớn bệnh nhân đã chứng minh đây là phương pháp an toàn để điều trị Covid-19, đồng thời cải thiện các dấu hiệu triệu chứng và giảm tỷ lệ tử vong. Các tác dụng phụ gặp phải không đáng kể, thường gặp là sốt, phản ứng dị ứng như phát ban hay ngứa; rất hiếm gặp các biến chứng bất lợi nghiêm trọng.

3. Nghiên cứu tại Việt Nam trong vấn đề điều trị Covid-19

Tại Việt Nam, Bộ y tế đã cấp phép cho thử nghiệm “Đánh giá độ an toàn và hiệu quả bước đầu điều trị bệnh nhân bị Covid-19 thể trung bình, nặng và nghiêm trọng bằng huyết tương của bệnh nhân đã hồi phục”, do Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương phối hợp thực hiện.

bệnh nhân covid
Người bệnh đã chiến thắng Covid-19 hiến tặng huyết tương tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Trong thử nghiệm này, những người đã hồi phục sau mắc Covid-19 có thể đăng ký hiến huyết tương. Những người này được sàng lọc các tiêu chuẩn nghiêm ngặt, trong đó có xét nghiệm các loại virus để tránh truyền tác nhân gây bệnh cho người nhận, đánh giá lượng kháng thể còn lại trong máu,...

huyết tương
Sản phẩm huyết tương từ người hiến đã hồi phục sau mắc Covid-19 được thu thập tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Những người đủ tiêu chuẩn sẽ hiến tượng huyết tương của mình, các túi huyết tương được bảo quản đông lạnh và vận chuyển đến các đơn vị sử dụng để điều trị cho bệnh nhân đang mắc Covid-19.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

100 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan