Bà bầu tiêm vắc xin Covid-19 cần lưu ý gì?

Tiêm vắc xin cho phụ nữ trước và trong thời kỳ mang thai là điều rất quan trọng để tăng cường miễn dịch cho mẹ và con. Tuy nhiên, trong khi dịch Covid-19 vẫn còn đang tiếp diễn phức tạp, hậu quả có thể rất nặng nề cho cả mẹ, thai và trẻ nhỏ thì việc tiêm vắc xin COVID-19 cho bà bầu càng trở nên cấp thiết. Tuy vậy, việc tiêm một vắc xin mới cũng gây ra những băn khoăn, lo lắng cho chị em và người thân. Trong video dưới đây, Bác sĩ Cao cấp Nguyễn Thị Tân Sinh, Phó Giám đốc Trung tâm Sức khỏe Phụ nữ, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City sẽ chia sẻ với các mẹ cầu một số thông tin và những lưu ý khi tiêm vắc xin COVID-19.

Video được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Cao cấp Nguyễn Thị Tân Sinh, Phó Giám đốc Trung tâm Sức khỏe Phụ nữ, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

1. Tiêm vắc xin Covid-19 ở phụ nữ mang thai

WHO khuyến cáo sử dụng vắc xin Covid-19 ở phụ nữ mang thai vì lợi ích của việc tiêm chủng lớn hơn nguy cơ tiềm ẩn: Các nghiên cứu khoa học trên thế giới và thực tế cho thấy việc tiêm phòng rõ ràng có tác dụng giảm nguy cơ lây nhiễm cũng như mức độ nặng của bệnh ở những người đã tiêm phòng. Bộ Y tế Việt Nam đã ra hướng dẫn về tiêm phòng vắc xin cho phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ cho biết: tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho phụ nữ mang thai an toàn và hiệu quả trong quá trình mang thai.

Các nghiên cứu so sánh tác dụng phụ của vắc xin Covid ở phụ nữ mang thai các quý 1,2,3 của thai kỳ không thấy tăng tỷ lệ biến chứng bất lợi so với phụ nữ không mang thai. Và cũng chưa có kết quả bất lợi nào đối với thai nghén, bao gồm cả những kết quả bất lợi ảnh hưởng đến thai nhi, và trẻ sơ sinh liên quan đến việc tiêm chủng trong những thử nghiệm này. Tỷ lệ ra máu, sảy thai, đẻ non, thai lưu... ở hai nhóm tiêm và không tiêm không có sự khác biệt.

Vắc xin Covid-19 không gây nhiễm bệnh : Không có vắc xin phòng Covid-19 nào chứa virus sống nên vắc xin Covid-19 không thể làm cho bất kỳ ai bị bệnh với Covid-19, kể cả phụ nữ mang thai hoặc trẻ sơ sinh.

2. Tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho người mang thai có tạo ra kháng thể bảo vệ thai nhi hay không?

Khi người mang thai được tiêm vắc xin mRNA Covid-19 trong thời kỳ mang thai, cơ thể của họ sẽ tạo ra kháng thể chống lại Covid-19, tương tự như những người không mang thai.

Các kháng thể được tạo ra sau khi một người mang thai tiêm vắc xin mRNA Covid-19 được tìm thấy trong máu dây rốn. Điều này có nghĩa là tiêm chủng Covid-19 trong khi mang thai có thể giúp bảo vệ trẻ sơ sinh chống lại Covid-19.

Trong trường hợp nếu bị sốt sau tiêm vắc xin Covid-19, chị em có thể dùng Acetaminophen như paracetamol, Panadol, efferalgan hạ sốt để giảm các ảnh hưởng bất lợi của sốt trong thời gian thai nghén.

Trong quá trình sử dụng thuốc, cần được bác sĩ thăm khám, chỉ định và kê đơn. Khi uống thuốc cần chú ý theo dõi, nếu có triệu chứng hoặc chuyển biến xấu, cần đến ngay bệnh viện để được thăm khám và xử lý kịp thời.

Tiêm vắc xin Covid-19 ở phụ nữ mang thai
Tiêm vắc xin Covid-19 ở phụ nữ mang thai

3. Mẹ bầu có nhất thiết phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 trước khi sinh không?

Hiện nay, mẹ bầu mà ở tuổi thai trên 13 tuần – dưới 28 tuần thai sẽ có rất nhiều cơ hội tiêm chủng đủ 2 mũi vắc xin trước khi sinh. Còn đối với mẹ bầu bắt đầu tiêm từ 36, 37 tuần thai thì sẽ không đủ thời gian hoàn tất phác đồ 2 mũi tiêm trong thai kỳ. Tuy nhiên, điều này không quan trọng vì chúng ta cần phải tuân thủ quy định khoảng cách giữa 2 mũi vắc xin.

Nếu tiêm vắc xin AstraZeneca thì có thể 12 tuần sau mới có thể tiêm mũi vắc xin thứ 2, còn những vắc xin khác có thể cách 4-8 tuần sau mũi 1. Do vậy chúng ta không cần phải quá lo lắng về việc tiêm đủ 2 mũi trong thời điểm mang thai.

Việc mẹ bầu tiêm được 1 mũi vắc xin Covid-19 sẽ tạo ra một lượng kháng thể nhất định, tốt hơn rất nhiều so với những mẹ bầu chưa được tiêm vắc xin. Còn nếu trong thai kỳ mẹ bầu đã tiêm đủ 2 mũi thì có thể hoàn toàn yên tâm đủ kháng thể bảo vệ mẹ và bé khỏi các biến chứng nguy hiểm nếu chẳng may mắc Covid-19 ở giai đoạn cuối thai kỳ.

Vì thế, mẹ bầu ở bất kỳ tuần thai nào, nếu có cơ hội tiêm chủng thì nên thực hiện sớm.

4. Khám sàng lọc trước tiêm chủng cho phụ nữ mang thai có gì khác không?

Do có 1 tỷ lệ nhỏ có phản ứng sau tiêm vắc xin nên trước tiêm cần phải được khám sàng lọc kỹ lưỡng và thận trọng. Theo khuyến cáo của BYT VN phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên sẽ khám sàng lọc và tiêm tại cơ sở có cấp cứu sản khoa

Phụ nữ mang thai ngoài sàng lọc các vấn đề về tiền sử dị ứng (những lần đi cấp cứu sau khi uống thuốc hoặc là ăn món nào đó) các bác sĩ bắt buộc phải siêu âm thai, đo huyết áp và khám toàn diện . Nếu mẹ bầu có tình trạng cao huyết áp, tiền sản giật hoặc 1 số bất thường khác thì không thể tiêm vắc xin Covid-19.

Các trường hợp cụ thể sẽ do bác sỹ sản khoa, nội khoa và chuyên ngành vắc xin hội chẩn để quyết định.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan