Báo động đỏ - Sự nguy hiểm của virus Corona chủng mới

Bài viết được viết bởi TS. Ngô Anh Tiến - Giám đốc Ngân hàng mô Vinmec

Theo số liệu ghi nhận vào hồi 6h16 sáng 29/1 của Bộ Y tế, tổng số ca nhiễm COVID-19 của Việt Nam là 1651 ca. Như vậy, sau 55 ngày không có ca nhiễm mới, chỉ trong vòng 2 ngày bùng dịch, Việt Nam ghi nhận thêm 100 ca, trải rộng ở 4 tỉnh Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh và Thành phố Hà Nội. Trong đó, ổ dịch ở Chí Linh, Hải Dương rất lớn với gần 90 ca nhiễm, còn tình hình tại Hà Nội cũng đang diễn biến phức tạp.

Đặc biệt bệnh nhân số 1552 ở Hải Dương có giao tiếp gần với bệnh nhân nữ được phát hiện dương tính sau khi nhập cảnh vào Nhật Bản tại sân bay quốc tế Kansai, Osaka. Người này đã được xác định là nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 của Anh (biến thể B.1.1.7).

>>> Cập nhật danh sách tỉnh thành có bệnh nhân Covid chủng mới

Đây là biến thể nguy hiểm hơn và có tốc độ lây lan nhanh hơn rất nhiều. Vậy cho tới nay, trên thế giới đã xuất hiện bao nhiêu biến thể của chủng virus Corona? Chúng nguy hiểm như thế nào?

1. Các biến thể của chủng virus Corona

Hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng Coronavirus-2 (SARS-CoV-2) là bệnh dịch toàn cầu đã dẫn đến hơn 2 triệu người chết trên toàn thế giới với tổng số ca nhiễm tính tới hiện tại là khoảng 103 triệu người. Các nhà khoa học đã bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo vacxin cũng như đưa ra nhiều phác đồ điều trị từ rất sớm. Tuy nhiên, chủng virus này đã biến đổi, có đột biến rất mạnh và nguy hiểm khiến cho công tác chống dịch trở nên khó khăn hơn nhiều. Một số biến thể chính, nguy hiểm của chủng virus này có thể được kể đến như sau:

1.1 Biến thể Lineage P.1

Biến thể Lineage P.1 được phát hiện ở Tokyo vào ngày 6/1/2021 bởi Viện Các bệnh truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản (NIID). Biến thể này được xác định lần đầu tiên ở 4 người đến Tokyo từ bang Amazonas, bắc Brazil. Dựa trên phân tích trình tự hệ gen, các nhà khoa học đã xác định các bệnh nhân này mang biến thể mới Lineage P.1 với khả năng lây lan nhanh chóng và nguy hiểm bởi những đột biến thêm vào so với chủng cha B.1.1.28 đã khiến chúng khó nhận biết bởi kháng thể [1].

1.2 Biến thể cụm 5

Biến thể cụm 5 được phát hiện lần đầu vào tháng 11/2020 tại Đan Mạch, được cho là lây lan từ chồn sang con người. Đến ngày 5/1/2020 đã có khoảng 214 ca nhiễm liên quan đến chồn được phát hiện. Theo báo cáo của tổ chức y tế thế giới WHO, đột biến của biến thể này làm giảm tác dụng của các loại vacxin COVID-19 đang được phát triển. Tuy nhiên, tới ngày 19/11/2020 đã không có thêm ca nhiễm mới nào liên quan tới biến thể cụm 5. Các nhà khoa học tin rằng biến thể này đã biến mất [2].

1.3 Biến thể SARS-CoV-2 B.1.351 (hay 20C/501Y.V2)

Biến thể SARS-CoV-2 B.1.351 được xác định lần đầu tiên ở Vịnh Nelson Mandela, Nam Phi vào đầu tháng 10 năm 2020, và một số ca bệnh bên ngoài Nam Phi. Biến thể này cũng đã được xác định ở Cộng hòa Zambia vào cuối tháng 12 năm 2020, vào thời điểm đó nó dường như là biến thể chủ yếu ở quốc gia này. Biến thể này cũng có tốc độ lây truyền và gây tỷ lệ tử vong cao với nhiều đột biến nằm trong protein S hơn so với biến thể B.1.1.7 tại Anh. Các đột biến này bao gồm L18F, D80A, D215G, L242-244del, R246I, K417N, E484K, N501Y, D614G và A701V, với ba trong số các đột biến này nằm ở RBD (K417N, E484K, N501Y). Vì RBD là mục tiêu chính cho các kháng thể trung hòa, những đột biến này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của các kháng thể nhằm vô hiệu hóa virus.

1.4 Biến thể SARS-CoV-2 B.1.1.7 (Được biết đến với tên gọi 20I/501Y.V1, VOC 202012/01)

Biến thể Coronavirus mới ở Anh
Biến thể coronavirus mới ở Anh có khả năng lây lan mạnh và gây bệnh nặng hơn ở người

Biến thể SARS-CoV-2 B.1.1.7 được phát hiện lần đầu vào tháng 9/2020 ở Nam Anh có tốc độ lây lan nhanh và nguy cơ tử vong cao hơn. Biến thể này có 17 đột biến trong bộ gen của virus, trong số đó, tám đột biến nằm trong protein đột biến (S), bao gồm đột biến đứt đoạn kép 69-70, đột biến đứt đoạn Y144, N501Y, A570D, P681H, P716I, S982A và D1118H. Đặc biệt, đột biến đột biến đứt đoạn kép 69-70 và đột biến N501Y trên protein S là mối quan tâm lớn của các nhà khoa học và các cơ quan quản lý do tốc độ lan truyền nhanh và tỷ lệ tử vong cao. Đột biến đứt đoạn kép 69-70 xảy ra tự nhiên nhiều lần và có thể dẫn đến sự thay đổi hình dạng của protein gai, làm giảm độ nhạy đối với sự trung hòa mẫu huyết thanh dưỡng bệnh ở người nhiễm SARS-CoV-1, làm giảm hiệu quả điều trị của thuốc và vacxin. Đột biến N501Y có một đột biến ở vùng vùng gắn thụ thể (RBD) của protein gai tại vị trí 501, nơi acid amin asparagine (N) đã được thay thế bằng tyrosine (Y) làm tăng khả năng liên kết với thụ thể ACE-2 ở người, từ đó xâm nhập vào cơ thể[3].

Biến thể B.1.1.7 được báo cáo đã xuất hiện ở Mỹ và Canada từ 20/12/2020, Nhật Bản từ 1/2021 và gần nhất là ở Việt Nam với một loạt các ca nhiễm cộng đồng mới bùng phát trong thời gian ngắn.

Tính đến ngày 28/1/2021, biến thể B.1.1.7 đã xuất hiện ở 70 quốc gia. Số liệu thống kê cho thấy khả năng lây truyền của dòng này tăng tới 56% và tỷ lệ nhiễm trùng thứ cấp tăng 40 – 70%. Những phát hiện đáng lo ngại này đã khiến thủ tướng Anh Boris Johnson ban hành các biện pháp thắt chặt giám sát và cấm đi lại tại Anh [4].

1.5 Biến thể B.1.1.207

Biến thể B.1.1.207 xuất hiện ở Nigeria với hai trường hợp riêng lẻ vào tháng 8 và tháng 10 năm 2020. Phân tích trình tự hệ gen từ Trung tâm phân tích gen bệnh truyền nhiễm Châu Phi (ACEGID), Đại học Redeemer, Nigeria, đã xác định được hai trình tự hệ gen của SARS-CoV-2. Các trình tự này có một đột biến không tương đồng xảy ra ở protein gai (P681H) thường gặp ở dòng B.1.1.7 nhưng không có ở 22 đột biến khác của dòng B.1.1.7. P681H gần vị trí phân cắt S1/S2 furin, một vị trí rất biến động ở virus Corona. Tại thời điểm hiện tại, chưa có bằng chứng nào cho thấy biến thể này tác động đến mức độ nghiêm trọng của bệnh hay làm gia tăng sự lây lan SARS-CoV-2 ở Nigeria.

2. Biến thể của virus nguy hiểm như thế nào?

Các virus thường thu nhận các đột biến theo thời gian, làm phát sinh các biến thể mới. Theo thông báo của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh CDC, các biến thể này có thể mang các hậu quả tiềm ẩn như sau:

  • Khả năng lây lan nhanh ở người: Đã có bằng chứng cho thấy một chủng đột biến, D614G, có khả năng lây truyền nhanh hơn so với SARS-CoV-2 kiểu hoang dã (chủng tự nhiên, không mang các đột biến lớn). Trong phòng thí nghiệm, các biến thể 614G lan truyền nhanh hơn trong các tế bào biểu mô đường hô hấp ở người, vượt qua cả virus 614D. Ngoài ra còn có bằng chứng dịch tễ học cho thấy biến thể 614G lây lan nhanh hơn virus không có đột biến.
  • Có khả năng gây bệnh nặng hơn cho con người: Vào tháng 1/2021 các chuyên gia ở Anh đã báo cáo rằng biến thể B.1.1.7 gây nguy cơ tử vong cao hơn so với biến thể khác.
  • Khả năng trốn tránh sự phát hiện bằng các xét nghiệm chẩn đoán virus cụ thể: Hầu hết các xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) hiện nay đều có nhiều gen mục tiêu khác nhau để phát hiện virus, khi có một đột biến tác động đến một trong các gen mục tiêu, thì các gen mục tiêu khác vẫn hoạt động.
  • Giảm tính nhạy cảm với các tác nhân điều trị như kháng thể đơn dòng.
  • Khả năng trốn tránh miễn dịch tự nhiên hoặc miễn dịch vaccin. Cả việc chủng ngừa và sự lây nhiễm tự nhiên với SARS-CoV-2 đều tạo ra phản ứng đa dòng nhắm vào một số phần của protein gai. Virus có thể cần phải tích lũy nhiều đột biến trong protein gai để tránh miễn dịch do vacxin tạo ra hoặc có được từ nhiễm trùng tự nhiên. Đây cũng là khả năng đáng lo ngại nhất của các biến thể chủng SARS-CoV-2. Bởi khi một phần lớn dân số được tiêm chủng, sẽ hình thành áp lực miễn dịch có thể tạo điều kiện và đẩy nhanh sự xuất hiện của các biến thể bằng cách chọn lọc “Đột biến đào thoát” (escape mutants). Hiện tại chưa có bằng chứng nào cho thấy điều này đang xảy ra, song đa số các chuyên gia tin rằng các chủng “đột biến đào thoát” khó có thể xuất hiện do bản chất tự nhiên của virus [5].

3. Việc điều trị và phòng chống virus Corona cùng các biến thể mới diễn ra như thế nào?

Vắc-xin Covid19

Hiện tại, cả thế giới đang nỗ lực rất nhiều trong việc nghiên cứu vaccine, tìm phương án điều trị cũng như các biện pháp phòng ngừa khác để đối phó với đại dịch toàn cầu này. Ví dụ như vaccin Moderna đã được đưa vào sử dụng. Kết quả trong phòng thí nghiệm cho thấy kháng thể do vaccin này tạo ra có thể chống lại các biến thể mới, tuy nhiên, chưa có kết quả lâm sàng của điều trị trên người.

Các quốc gia như Mỹ, Anh, Ấn Độ đều đã triển khai tiêm vacxin ngừa Covid-19 trên diện rộng, tuy phần lớn vẫn là vacxin dành cho các biến chủng đời đầu. Các nhà khoa học tin rằng, vacxin này vẫn có tác dụng trong việc giảm nhẹ hậu quả của biến thể mới.

Bên cạnh đó, các liệu pháp điều trị tích cực, ứng dụng các thành tựu khoa học tiên tiến cũng đã được sử dụng. Có thể kể đến biện pháp sử dụng tế bào gốc trung mô điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 thể nặng thực hiện bởi các nhà nghiên cứu của Đại học Y khoa Miami Miller, Mỹ. Tế bào gốc trung mô có tác dụng mạnh mẽ trong chống viêm và điều hòa miễn dịch, giúp kiểm soát các cơn bão cytokines. Khi được truyền vào cơ thể người bệnh, chúng sẽ di chuyển một cách tự nhiên tới phổi – cơ quan đầu tiên cần được điều trị trong cơ thể người nhiễm COVID-19. Theo số liệu báo cáo, hơn 80% bệnh nhân thuộc nhóm điều trị đã hồi phục, trong khi tỷ lệ này ở nhóm đối chứng chỉ là 37% với các biện pháp điều trị tích cực khác.

>>> Tế bào gốc trung mô từ dây rốn và tác dụng đột phá trong nghiên cứu điều trị COVID-19

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn:

  1. https://virological.org/t/genomic-characterisation-of-an-emergent-sars-cov-2-lineage-in-manaus-preliminary-findings/586
  2. Lassaunière, Ria (11 November 2020). "SARS-CoV-2 spike mutations arising in Danish mink and their spread to humans". Statens Serum Institut. Archived from the original on 10 November 2020. Retrieved 11 November2020
  3. Kai Wu, Anne P. Werner, Juan I. Moliva, Matthew Koch, Angela Choi, Guillaume B. E. Stewart-Jones, Hamilton Bennett, Seyhan Boyoglu-Barnum, Wei Shi, View ORCID ProfileBarney S. Graham, Andrea Carfi, Kizzmekia S. Corbett, Robert A. Seder, Darin K. Edwards, mRNA-1273 vaccine induces neutralizing antibodies against spike mutants from global SARS-CoV-2 variants, Stydy report of Modena on preprint server, https://doi.org/10.1101/2021.01.25.427948, 25 January 2021.
  4. https://cov-lineages.org/global_report_B.1.1.7.html#table2link
  5. https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/more/science-and-research/scientific-brief-emerging-variants.html

209 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan