Chỉ số SpO2 thấp cảnh báo điều gì?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Trần Thị Diễm Trang - Bác sĩ Nội hô hấp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Chỉ số SpO2 đóng vai trò rất quan trọng trong việc xác định dấu hiệu sinh tồn của người bệnh trong quá trình điều trị. Bên cạnh đó, thông qua chỉ số này, chúng ta có thể xác định được các bệnh lý có thể xảy ra. Đặc biệt, bệnh nhân COVID-19 cần theo dõi chỉ số này, vì nếu nó giảm đột ngột tức là tình trạng bệnh đang xấu đi và có thể gặp nguy hiểm. Vậy chỉ số SpO2 thấp cảnh báo điều gì?

1. Chỉ số SpO2 là gì?

SpO2 (Saturation of peripheral oxygen) là sự bão hoà oxy trong máu ngoại vi. Hiểu theo một cách khác là quá trình hoạt động của oxy sau khi được hấp thụ vào cơ thể người rồi liên kết với các phân tử Hb có trong hồng cầu. Từ đó tạo ra HbO2 với mục đích vận chuyển khí oxy đi nuôi dưỡng các cơ quan trong cơ thể người để duy trì sự sống. SpO2 được coi là một trong các chỉ số quan trọng để xác định dấu hiệu sinh tồn của cơ thể con người.

Chỉ số SpO2 đóng vai trò quan trọng trong việc xác định tình trạng người bệnh. Trong quá trình điều trị bệnh, cần phải theo dõi chỉ số này chặt chẽ để có thể kịp thời phát hiện được sự bất thường trong máu khi xảy ra tình trạng thiếu hụt oxy. Nhờ đó, bác sĩ sẽ có biện pháp y tế can thiệp giúp xử trí và điều trị cho bệnh nhân một cách kịp thời, tránh biến cố đáng tiếc xảy ra.

2. Tại sao phải đo SpO2?

Theo Quyết định số 4038/QĐ-BYT về "Hướng dẫn tạm thời về quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà" do Bộ Y tế ban hành, khi phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu dưới đây phải báo cáo ngay với Cơ sở quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà; trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, Trung tâm vận chuyển cấp cứu,... để được xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời:

1) Khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào.

2) Nhịp thở

- Người lớn: nhịp thở ≥ 21 lần/phút

- Trẻ từ 1 đến dưới 5 tuổi: Nhịp thở: ≥ 40 lần/phút,

- Trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi: nhịp thở: ≥ 30 lần/phút

(Lưu ý ở trẻ em: đếm đủ nhịp thở trong 1 phút khi trẻ nằm yên không khóc).

3) SpO2 ≤ 95% (nếu có thể đo), (khi phát hiện bất thường đo lại lần 2 sau 30 giây đến 1 phút, khi đo yêu cầu giữ yên vị trí đo).

4) Mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc dưới 50 lần/phút.

5) Huyết áp thấp: huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg (nếu có thể đo).

6) Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.

7) Thay đổi ý thức: Lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật

Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.

9) Không thể uống hoặc bú kém/giảm, ăn kém, nôn (ở trẻ em). Trẻ có biểu hiện hội chứng viêm đa hệ thống: Sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi dâu tây, ngón tay chân sưng phù nổi hồng ban,...

10) Mắc thêm bệnh cấp tính: sốt xuất huyết, tay chân miệng,...

11) Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của người nhiễm COVID-19 mà thấy cần báo cơ sở y tế.

Vì vậy, người bệnh cần chú ý theo dõi chỉ số SpO2 thường xuyên, ngay cả khi không có triệu chứng gì bất thường, để kịp thời phát hiện tình trạng khẩn cấp, từ đó can thiệp y tế để giúp bệnh nhân COVID-19 an toàn.

SpO2 thấp
Đo SpO2 giúp bác sĩ phát hiện được các chỉ sổ SpO2 thấp

3. Theo dõi chỉ số SpO2 ở bệnh nhân COVID-19 như thế nào?

Trong điều trị bệnh nhân COVID-19, việc đo SpO2 giúp sớm phát hiện ra tình trạng thiếu hụt oxy trong máu, nhằm cấp cứu kịp thời trong trường hợp bệnh nhân trở nặng trước khi có dấu hiệu lâm sàng như tím tái. Những bệnh nhân có chỉ SpO2 quá thấp (<94) phải được theo dõi kỹ lưỡng kết hợp với các biểu hiện lâm sàng khác để có thể cấp cứu kịp thời. Có những bệnh nhân, nồng độ oxy máu thấp nhưng người bệnh không có bất cứ triệu chứng nào. Vì vậy, bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà mỗi ngày cần chủ động đo 1-2 lần theo hướng dẫn để phát hiện nguy cơ này.

Chỉ số SpO2 đối với người bình thường sẽ dao động mức 95% đến 100%. Những bệnh nhân có chỉ số SpO2 > 96% với biểu hiện lâm sàng không đặc hiệu như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, mất vị giác, khứu giác, tiêu chảy là những bệnh nhân ở mức độ nhẹ. Những người có chỉ số SpO2 94-96% kèm với các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như mức độ nhẹ, có dấu hiệu viêm phổi với khó thở, thở nhanh 20-25 lần/phút, phổi có ran nổ và không có dấu hiệu suy hô hấp nặng, mạch nhanh hoặc chậm, da khô, nhịp tim nhanh, huyết áp bình thường được chẩn đoán ở mức độ trung bình.

Những bệnh nhân nặng là những người có chỉ số SpO2 < 94% khi thở khí phòng kèm với các dấu hiệu như nhịp thở > 25 lần/phút; khó thở nặng, co kéo cơ hô hấp phụ; nhịp tim nhanh hoặc có thể nhịp tim chậm, huyết áp bình thường hay tăng; bứt rứt hoặc đừ, mệt. Bệnh nhân cần được hỗ trợ hô hấp, thở oxy bằng thiết bị chuyên dụng. Nếu đã được hỗ trợ thở oxy lưu lượng từ 5 - 10 lít/phút nhưng SpO2 không thể đạt > 94% thì bệnh nhân có nguy cơ cao bị suy hô hấp và cần phải được can thiệp sâu hơn. Ở bệnh nhân COVID-19 bị viêm phổi, mức oxy chỉ còn 60-70%, thậm chí 50%, đe dọa suy hô hấp, dẫn đến tử vong.

4. Cách đo chỉ số SpO2 đúng

Để biết được chỉ số SpO2, chúng ta sẽ sử dụng một loại thiết bị đo độ bão hòa oxy theo mạch đập. Cách sử dụng máy này rất đơn giản, chỉ cần kẹp ở đầu ngón tay, ngón chân hoặc dái tai.

Trước khi đo, chúng ta phải rửa tay sạch sẽ và thấm khô. Ngoài ra, cần tẩy sạch lớp sơn móng nếu có. Sau đó, nghỉ ngơi tầm 5 phút và ngồi hoặc nằm ở một tư thế thoải mái nhất để không làm ảnh hưởng đến trạng thái hô hấp. Nếu như thực hiện đo với những bệnh nhân cấp cứu, có thể tiến hành ngay để kịp thời xử lý.

Sau đó, kẹp thiết bị đo vào vị trí mà mình đã chọn rồi bấm nút “On” để khởi động màn hình. Khi máy hiển thị màn hình và phát ra tiếng “bíp” thì chỉ cần chờ trong 10 - 30 giây là sẽ có kết quả. Chỉ số SpO2 sẽ hiển thị theo tỷ lệ từ 0% - 100%, nếu:

  • SpO2 > 97%: Chỉ số oxy trong máu bình thường.
  • SpO2 từ 94% - 96%: Chỉ số oxy trong máu bắt đầu có dấu hiệu rối loạn nhẹ nhưng chưa nguy hiểm. Chúng ta cần phải lưu ý và theo dõi tình trạng sức khoẻ của mình. Tùy theo từng trường hợp bệnh lý, bác sĩ sẽ chỉ định có sử dụng thiết bị hỗ trợ hô hấp hay không.
  • SpO2 90% - 93%: Chỉ số oxy trong máu thấp. Việc cần làm lúc này là hỗ trợ hô hấp cho người bệnh. Đồng thời, xin ý kiến chỉ định ngay từ các bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu hoặc hô hấp.
  • SpO2 < 92% không thở oxy và SpO2 < 95% đã hỗ trợ thở oxy: Người bệnh đang bị suy hô hấp, cần điều chỉnh mức thở Oxy hoặc tìm nguyên nhân gây ra tình trạng trên để xử lý.
  • SpO2 < 90%: Đây là dấu hiệu suy hô hấp nặng, báo hiệu tình trạng cấp cứu lâm sàng. Cần phải báo ngay cho bác sĩ để có phương án xử lý kịp thời.

Trong một vài trường hợp, thiết bị đo SpO2 sẽ cho kết quả sai. Đó là khi người bệnh cử động quá nhiều, sơn móng tay, bị lạnh hoặc huyết áp thấp. Ngoài ra, việc tiến hành đo ở những nơi có ánh sáng chiếu trực tiếp cũng làm ảnh hưởng đến kết quả.

SpO2 thấp
Bạn cần thao tác đo chính xác khi thấy SpO2 thấp hãy thử lại xà xác định

5. SpO2 thấp cảnh báo điều gì?

Chỉ số SpO2 thấp có thể cảnh báo các bệnh lý liên quan đến hô hấp như hen phế quản, suy hô hấp, phù phổi cấp, viêm phổi do vi khuẩn hoặc virus SARS-CoV-2 gây ra,... Những bệnh này sẽ khiến người bệnh bị thiếu hụt lượng oxy trong máu. Nếu thể trạng của người bệnh tốt thì hiện tượng thiếu hụt oxy sẽ không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, khi chuyển biến nặng, cần phải theo dõi chặt chẽ chỉ số SpO2. Nếu dưới 93%, cần chỉ định cho thở oxy ngay để tránh xảy ra những tình huống xấu. Ngoài ra, chỉ số SpO2 thấp còn cho thấy bệnh nhân đang trong tình trạng thiếu máu hoặc suy tim. Chính vì vậy, cần phải theo dõi chỉ số này để có thể đánh giá được tình trạng của người bệnh cũng như theo dõi hiệu quả đáp ứng của phương pháp điều trị. Từ đó can thiệp y tế kịp thời để giúp việc điều trị đạt kết quả tốt hơn cho bệnh nhân, đặc biệt là những người mắc COVID-19.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan