COVID-19 ảnh hưởng thế nào đến người mắc bệnh hồng cầu hình liềm?

COVID-19 là một bệnh lý đường hô hấp, tuy nhiên bệnh lý này có thể gây ra những đáp ứng miễn dịch toàn thân gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Những bệnh lý về máu trong đó có bệnh lý hồng cầu hình liềm là một trong những yếu tố làm nặng và gia tăng tỷ lệ tử vong khi mắc COVID-19. Vậy, COVID-19 ảnh hưởng thế nào đến ngước mắc bệnh hồng cầu hình liềm

1. Bệnh hồng cầu hình liềm là gì?

Bệnh hồng cầu hình liềm (SCD) là bệnh thiếu máu di truyền phổ biến nhất ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh với khoảng 80000 – 100000 và 12500 – 15000 cá nhân sống chung với căn bệnh này ở Hoa Kỳ và Anh.

Thiếu máu hồng cầu hình liềm là một bệnh di truyền lặn theo nhiễm sắc thể, trong đó một huyết sắc tố bất thường (bệnh huyết sắc tố) dẫn đến thiếu máu huyết tán mạn tính với một số hậu quả lâm sàng nặng. Bệnh là một ví dụ kinh điển của những bệnh gây ra bởi một biến dị trong ADN. Một thay đổi ADN cơ bản sẽ làm thay thế acid amin glutamic bằng valin trong vị trí thứ 6 trên chuỗi β globulin, chuỗi β bất thường được viết là βs và chuỗi bốn phần của α2β2s được gọi là hemoglobin S.

Khi ở dạng mất oxy, hemoglobin S tạo các polymer gây hỏng màng hồng cầu. Cả sự tạo thành polymer và hiện tượng tổn thương sớm màng hồng cầu đều có thể phục hồi được. Tuy nhiên, hồng cầu mà bị liềm hóa liên tiếp sẽ bị tổn thương vượt quá sự phục hồi và trở thành hồng cầu liềm không còn phục hồi được nữa.

Mức độ hóa liềm chịu ảnh hưởng của một số những yếu tố, quan trọng hơn cả là nồng độ hemoglobin S trong từng hồng cầu. Hồng cầu bị mất nước làm cho nó nhanh chóng dễ bị tổn thương dẫn đến liềm hóa. Sự liềm hóa cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi sự hiện diện của các huyết sắc tố khác nằm trong hồng cầu. Hemoglobin F không thể tham gia vào sự tạo thành polymer và sự có mặt của nó làm chậm rõ rệt hiện tượng liềm hóa. Những yếu tố khác làm tăng quá trình liềm hóa là những yếu tố dẫn đến sự tạo thành deoxyhemoglobin S như tình trạng toan hóa, và thiếu oxy máu hoặc toàn thể hoặc tại chỗ của các mô.

Hồng cầu hình liềm
Hồng cầu hình liềm là bệnh thiếu máu di truyền phổ biến nhất ở Hoa Kỳ và Anh

2. COVID-19 và bệnh hồng cầu hình liềm

Bệnh do coronavirus 19 (COVID‐19) đã và đang đặt ra những thách thức rất lớn đối với cộng đồng chăm sóc sức khỏe, người dân nói chung và đặc biệt, đối với những bệnh nhân mắc các bệnh đi kèm khác nhau. Bệnh nhân bị các bệnh lý rối loạn về máu, cả lành tính và ác tính, cần được chú ý đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng này.

Bệnh nhân mắc SCD dễ bị tăng nguy cơ nhiễm trùng có thể gây ra hội chứng ngực cấp tính (ACS) và các biến chứng phổi liên quan. Hội chứng hô hấp cấp tính tiến triển do coronavirus 2 (SARS ‐ CoV ‐ 2), tác nhân gây ra đại dịch COVID‐19 hiện nay, đã được phát hiện là nguyên nhân gây ra sự gia tăng tỉ lệ tử vong do hội chứng ngực cấp tính và bệnh tắc tĩnh mạch (veno‐occlusive crisis VOC) ở những bệnh nhân bị bệnh hồng cầu hình liềm.

Hội chứng ngực cấp tính là một thuật ngữ dùng để chỉ các tình trạng đặc trưng bởi đau ngực, ho, sốt, thiếu oxy (mức oxy thấp) và thâm nhiễm phổi. Hội chứng lồng ngực cấp tính có thể là kết quả của sự xuất hiện nhiều hồng cầu hình liềm trong các mạch máu nhỏ trong phổi gây ra nhồi máu phổi / tắc mạch hoặc viêm phổi do virus hoặc vi khuẩn. Nó có thể xuất hiện đơn độc hoặc hoặc nằm trong bối cảnh kết hợp với tắc các tĩnh mạch lớn. Diễn biến lâm sàng thường tự giới hạn khi có các vùng nhỏ của mô phổi, nhưng nếu không được chăm sóc thích hợp, hội chứng ngực cấp tính có thể tiến triển nhanh chóng và dẫn đến tử vong.

Một số tình trạng - bao gồm cả nhiễm trùng đường hô hấp như COVID-19 - làm tăng sự hình thành các tế bào hình liềm, vì nhiễm trùng trong phổi dẫn đến mức oxy thấp hơn và tình trạng viêm nặng hơn. COVID-19 có thể gây viêm nặng và tổn thương phổi. Và điều đó có thể có tác động lớn hơn đến những người mắc bệnh hồng cầu hình liềm. Những người mắc bệnh hồng cầu hình liềm có các tế bào hồng cầu bị biến dạng có thể bị kẹt và tắc nghẽn lưu thông máu, ức chế quá trình cung cấp oxy, làm hỏng mạch máu và gây viêm.

Sự gia tăng các tế bào hồng cầu hình liềm này làm cho bệnh nhân mắc bệnh hồng cầu hình liềm và nhiễm COVID-19 đặc biệt dễ bị phát triển hội chứng đau ngực cấp tính, một tổn thương phổi nhanh chóng và gây tử vong.

Đau tức ngực
Bệnh nhân mắc hồng cầu hình liềm và nhiễm COVID-19 dễ bị đau tức ngực cấp tính

Bệnh lý hồng cầu hình liềm (SCD) là bệnh di truyền về máu phổ biến nhất trên thế giới và vẫn còn nhiều những bệnh nhân SCD mắc phải COVID ‐ 19 chưa được báo cáo. Bệnh nhân SCD có nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau như suy giảm chức năng của lách, bệnh mạch máu và thuyên tắc tĩnh mạch tái phát do hệ thống miễn dịch bị suy giảm, khiến đây là những bệnh nhân nằm trong nhóm 'nguy cơ cao' mắc SARS‐CoV‐2, giống như những bệnh nhân mắc các rối loạn máu khác.

3. Điều trị COVID-19 ở bệnh nhân mắc bệnh lý hồng cầu hình liềm

Đây là một lĩnh vực y học đang được nghiên cứu và phát triển nhanh chóng mà chưa có tiêu chuẩn chăm sóc hoàn chỉnh cho bất kỳ nhóm bệnh nhân nào, vì vậy tất cả những điều trị sau nên được cân nhắc trước khi điều trị bệnh nhân SCD bằng COVID-19:

Theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu của ACS và điều trị tích cực.

  • Cảnh giác với các dấu hiệu của ACS tiến triển nhanh chóng, đặc biệt ở người lớn: giảm tiểu cầu, tổn thương thận cấp tính, rối loạn chức năng gan, tình trạng thay đổi tri giác, và suy đa cơ quan. Sử dụng các quy trình điều trị tiêu chuẩn cho ACS.
  • Tiêu chuẩn chăm sóc cho ACS bao gồm kháng sinh theo kinh nghiệm và sử dụng oseltamivir cho đến khi loại trừ bệnh cúm, bổ sung oxy, đo phế dung kế, và kiểm soát cơn đau tốt để giảm tình trạng xẹp phổi.
  • Truyền máu - Truyền máu nên được thực hiện ở những bệnh nhân bị thiếu máu trầm trọng hơn, có bằng chứng về tình trạng thiếu oxy và những thay đổi trên X quang ngực. Bắt đầu truyền máu nếu bệnh nhân có triệu chứng hoặc thiếu máu nghiêm trọng (hemoglobin < 9g / dl hoặc hơn 2g/dl giảm trong hemoglobin). Bắt đầu thay máu khi tiến triển của tình trạng thiếu oxy hoặc suy giảm lâm sàng.
truyền máu
Thực hiện truyền máu khi bệnh nhân có triệu chứng hoặc thiếu máu nghiêm trọng

  • Cảnh giác với các dấu hiệu của Hội chứng tắc mạch mỡ: tình trạng thiếu máu và tri giác trở nên tồi tệ hơn, tan máu, giảm tiểu cầu, hạ albumin máu, suy hô hấp và phát ban xuất huyết. Có thể tiến triển nhanh chóng và tỷ lệ tử vong có thể > 60% trong 48 giờ.
  • Bệnh nhân SCD thường có tăng áp phổi (PH) không được chẩn đoán, có thể ảnh hưởng đến việc điều trị COVID-19. Điều này nên được xem xét ở những người bị bệnh nặng vì bệnh nhân có thể phát triển tăng áp lực phổi và đôi khi, suy tim phải trong ACS (đặc biệt ở những người có tăng áp phổi đã biết).
  • Một số lượng đáng kể bệnh nhân SCD có bệnh hen suyễn đồng mắc, có thể trầm trọng hơn do các bệnh cấp tính do virus gây ra. Cân nhắc về việc sử dụng máy khí dung trong đại dịch COVID-19 vì nhiều tổ chức đã khuyến cáo không nên sử dụng các biện pháp can thiệp dựa trên khí dung. Trong những trường hợp như vậy, hãy cân nhắc sử dụng ống hít định liều thay thế.
  • Nhiều bệnh nhân SCD được kê đơn NSAID, thuốc ức chế men chuyển angiotensin và thuốc chẹn thụ thể angiotensin II. Dữ liệu đang xuất hiện liên quan đến các tác động tiêu cực có thể có của các nhóm thuốc này đối với những người đang được điều trị COVID-19. Các khuyến cáo nên xem xét thường xuyên các dữ liệu mới nổi để hướng dẫn việc đưa ra quyết định về các loại thuốc này theo từng trường hợp cụ thể.

4. Dự phòng mắc COVID-19 ở bệnh nhân có bệnh hồng cầu hình liềm

Các biện pháp phòng ngừa đơn giản sau đây có thể giúp giảm thiểu sự lây lan của COVID-19:

  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, ở cả mặt trước và mặt sau của bàn tay và các ngón tay trong ít nhất 15 đến 20 giây. Nếu không có xà phòng, hãy sử dụng chất khử trùng tay chứa ít nhất 60% cồn.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng giúp ngăn ngừa viêm gan E
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để giảm thiểu sự lây lan của virus

  • Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh. (Duy trì khoảng cách ít nhất là 2 mét).
  • Ở nhà nếu bạn bị ốm.
  • Sử dụng khăn giấy để che miệng và mũi nếu bạn ho hoặc hắt hơi và xử lý nó đúng cách sau đó.
  • Khử trùng các bề mặt và đồ vật bạn tiếp xúc thường xuyên.
  • Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng bằng tay chưa rửa

Những người ở mọi lứa tuổi bị rối loạn máu như bệnh hồng cầu hình liềm có thể tăng nguy cơ phát triển các triệu chứng COVID-19 nghiêm trọng. Những bệnh nhân này nên tuân theo các hướng dẫn chung để giữ cho hệ thống miễn dịch được khoẻ mạnh. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyên những bệnh nhân đang sống với bệnh mãn tính nên dự trữ các loại thuốc và vật tư thiết yếu có thể dùng được trong vài tuần. Bệnh nhân cũng được khuyến nghị giãn cách xã hội và tránh đám đông và những nơi không cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của vi rút.

Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại các Bệnh viện Vinmec thuộc hệ thống Y tế trên toàn quốc, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website để được phục vụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: pubmed.ncbi.nlm.nih.gov, webmd.com, cdc.gov

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

889 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan