Covid-19 ở trẻ em: Những điều cha mẹ cần biết

Bài viết của Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Tâm - Trưởng đơn nguyên Nhi II - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

COVID-19 là chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra đại dịch viêm đường hô hấp cấp tính được phát hiện vào năm 2019. Trẻ em là đối tượng dễ nhiễm bệnh do đến thời điểm hiện tại chưa có vắc xin phòng ngừa cho đối tượng này. Vậy dấu hiệu Covid-19 ở trẻ em như thế nào? Bố mẹ cần làm gì để bảo vệ trẻ?

1. Triệu chứng nhiễm Covid-19 phổ biến

Đầu năm 2020, Ủy ban quốc tế về phân loại Virus đã chính thức đặt tên cho chủng mới của virus corona là Sars-CoV-2. Đây là tên gọi khác với tên Covid-19 mà Tổ chức Y tê thế giới đã chỉ định trước đó. Cho đến nay chủng virus này đã xuất hiện rất nhiều biến thể so với chủng ban đầu, mức độ lây lan rất nhanh và mức độ gây bệnh cũng trầm trọng hơn rất nhiều, đặc biệt là chủng Delta được phát hiện và gây đại dịch nặng nề tại Ấn Độ gần đây và hiện tại đã lây lan ra rất nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Covid- 19 ảnh hưởng đến những người khác nhau theo những cách khác nhau. Hầu hết những người lớn bị nhiễm sẽ phát bệnh từ nhẹ đến trung bình và hồi phục mà không cần nhập viện.

Các triệu chứng nhiễm Covid-19 phổ biến nhất là:

  • Sốt
  • Ho khan
  • Mệt mỏi.

Các triệu chứng ít gặp hơn:

  • Nhức mỏi và đau người
  • Viêm họng
  • Tiêu chảy
  • Viêm kết mạc
  • Đau đầu
  • Mất vị giác hoặc khứu giác
  • Phát ban trên da hoặc đổi màu ngón tay, ngón chân.

Những người có các triệu chứng nhẹ và khỏe mạnh có thể kiểm soát các triệu chứng tại nhà. Trung bình phải mất 5–6 ngày kể từ khi bị nhiễm virus để các triệu chứng biểu hiện. Tuy nhiên, có thể mất đến 14 ngày, riêng biến thể Delta có thể biểu hiện bệnh sớm ngay sau 2-3 ngày bị lây nhiễm.

Khi người thấy có triệu chứng nghi ngờ, cần đến ngay cơ sở y tế để lấy dịch mũi họng làm xét nghiệm PCR để kiểm tra xem cơ thể có bị nhiễm COVID-19 hay không càng sớm càng tốt. Sau đó nên ở nhà tự cách ly và không cho người đến thăm đến khi khi nhận được kết quả xét nghiệm. Bên cạnh đó, cần kiểm tra xem những người sống cùng và cần cùng cách ly để chờ kết quả xét nghiệm.

Khi thấy có các triệu chứng nghiêm trọng như:

  • Khó thở hoặc thở gấp
  • Đau ngực hoặc tức ngực.
  • Mất khả năng nói hoặc cử động.

Cần tìm kiếm và liên hệ ngay lập tức với cơ sở y tế để có sự chăm sóc phù hợp.

Xem ngay: Biến chủng Delta làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ em

covid-19 ở trẻ em
Triệu chứng phổ biến nhất của COVID-19 ở trẻ em là sốt và ho

2. Nhiễm Covid-19 ở trẻ em có dấu hiệu như thế nào?

Mặc dù, trẻ em mắc bệnh COVID-19 ít hơn so với người lớn, nhưng trẻ vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh và lây lan virus cho người khác, kể cả khi trẻ không biểu hiện triệu chứng bệnh.

Trong những đợt dịch gần đây ở trên thế giới và ngay cả trong nước ta, số trẻ em mắc COVID-19 có xu hướng ngày càng tăng lên và xuất hiện một số triệu chứng bệnh cũng nặng hơn.

Các dấu hiệu bệnh Covid 19 ở trẻ em là:

Các triệu chứng của COVID-19 giống nhau ở cả người lớn cũng như trẻ em và thanh thiếu niên. Ví dụ như có thể giống các triệu chứng của các bệnh thông thường khác như cảm lạnh, viêm họng hoặc dị ứng. Các triệu chứng phổ biến nhất của COVID-19 ở trẻ em là sốt và ho. Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng sau đây:

  • Sốt hoặc ớn lạnh.
  • Ho.
  • Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi.
  • Mất vị giác hoặc mùi mới.
  • Đau họng.
  • Thở gấp hoặc khó thở.
  • Bệnh tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn mửa, đau bụng.
  • Mệt mỏi.
  • Đau đầu.
  • Đau nhức cơ hoặc cơ thể.
  • Chán ăn hoặc bú kém, đặc biệt ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi.

Hầu hết trẻ bị COVID-19 có các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Tuy nhiên, một số trẻ có thể bị bệnh nặng do COVID-19 buộc phải nhập viện, chăm sóc đặc biệt hoặc thở máy, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến tử vong trong một số trường hợp.

Trẻ sơ sinh, trẻ dưới 1 tuổi và trẻ mắc một số bệnh đi kèm có thể bị bệnh nặng do COVID-19.

Trẻ dưới 1 tuổi có nhiều khả năng bị bệnh nặng do COVID-19 cao hơn trẻ lớn. Điều này có thể là do hệ thống miễn dịch của trẻ nhỏ chưa trưởng thành và đường hô hấp nhỏ hơn, khiến trẻ có nhiều khả năng mắc các bệnh về hô hấp do nhiễm virus đường hô hấp.

Trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm virus gây ra COVID-19 trong khi sinh hoặc do tiếp xúc với người chăm sóc bị bệnh sau khi sinh. Nếu người bị COVID-19 hoặc đang chờ kết quả xét nghiệm do các triệu chứng nên đeo khẩu trang và rửa tay sạch khi chăm sóc trẻ sơ sinh trong thời gian nhập viện sau khi sinh. Giữ nôi của trẻ sơ sinh cạnh giường người chăm khi ở trong bệnh viện, đồng thời duy trì khoảng cách hợp lý với trẻ khi có thể. Khi thực hiện đầy đủ các bước này, nguy cơ trẻ sơ sinh bị nhiễm virus COVID-19 sẽ thấp hơn. Nếu mẹ bị bệnh nặng với COVID-19 cần phải tạm thời tách khỏi trẻ sơ sinh.

Những trẻ khác, bất kể độ tuổi có các bệnh đi kèm sau đây cũng có thể làm tăng nguy cơ bệnh nặng so với những trẻ em khác.

  • Hen suyễn hoặc bệnh phổi mãn tính.
  • Bệnh tiểu đường.
  • Bệnh di truyền, thần kinh hoặc chuyển hóa.
  • Bệnh hồng cầu hình liềm.
  • Bệnh tim bẩm sinh.
  • Béo phì
  • Suy giảm miễn dịch (hệ thống miễn dịch suy yếu do một số điều kiện y tế hoặc đang sử dụng thuốc làm suy yếu hệ thống miễn dịch).
  • Sự phức tạp về bệnh (trẻ em mắc nhiều bệnh mãn tính ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể hoặc phụ thuộc vào công nghệ và các hỗ trợ đáng kể khác cho cuộc sống hàng ngày).

Trẻ mắc COVID-19 cũng phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe như người lớn. Trẻ cũng có thể phải chịu những hậu quả tồi tệ nhất khi mắc COVID-19, bao gồm biến chứng như đông máu, tổn thương tim, suy giảm chức năng não, thần kinh và hội chứng COVID-19 kéo dài.

Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Anh, cho thấy: “khoảng 1/20 số trẻ em nhập viện do COVID-19 có thể bị suy giảm chức năng hoặc bị biến chứng thần kinh kéo dài”. Trẻ mắc COVID-19 trầm trọng có thể bị viêm não, co giật, hội chứng Guillain-Barrérối loạn tâm thần. Nguyên nhân là do cơn bão cytokine gây ra những triệu chứng ở não. Cơn bão cytokine là hiện tượng tăng đột ngột không kiểm soát một lượng lớn các cytokines được tiết ra từ các tế bào thuộc hệ thống miễn dịch do bị kích thích bởi nhiều tác nhân trong nhiễm trùng và phản ứng của cơ thể chống lại sự tấn công của virus.

Ngoài nhóm trẻ bị các vấn đề về não khi mắc COVID-19, nhóm trẻ từ 2-15 tuổi còn có thể bị các triệu chứng của hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C). Đây là một tình trạng nghiêm trọng, trong đó một số bộ phận của cơ thể như tim, phổi, mạch máu, thận, hệ tiêu hóa, não, da hoặc mắt bị viêm nghiêm trọng do phản ứng quá mức của cơ thể liên quan đến Covid-19.

Các dấu hiệu và triệu chứng có thể có của MIS-C bao gồm:

  • Sốt kéo dài 24 giờ hoặc lâu hơn
  • Nôn mửa, bệnh tiêu chảy
  • Đau bụng Phát ban da
  • Tim đập nhanh
  • Thở nhanh
  • Mắt đỏ
  • Đỏ hoặc sưng môi và lưỡi
  • Cảm thấy mệt mỏi bất thường
  • Đỏ hoặc sưng bàn tay hoặc bàn chân
  • Nhức đầu, chóng mặt hoặc choáng váng
  • Hạch bạch huyết sưng to hơn

Các dấu hiệu cảnh báo khẩn cấp của MIS-C bao gồm:

  • Không có khả năng thức dậy hoặc không tỉnh táo
  • Khó thở
  • Nhầm lẫn
  • Da, môi hoặc móng tay màu nhợt nhạt, xám hoặc xanh lam
  • Đau bụng dữ dội

Nhóm trẻ bị MIS-C có thể biểu hiện một loạt các triệu chứng khác nhau và có nguy cơ cao cần được chăm sóc đặc biệt. Các triệu chứng não thường bao gồm: suy giảm chức năng não, đột quỵ, thay đổi hành vi và ảo giác.

Hiện nay, tuy đã có những biện pháp điều trị cụ thể đối những trẻ bị các triệu chứng trên, bao gồm điều trị trực tiếp tình trạng mắc COVID-19 hoặc điều trị các triệu chứng thần kinh nhưng vẫn rất khó khăn. Trẻ có thể hồi phục sau 4-8 tuần, một số trẻ xuất hiện triệu chứng của MIS-C muộn sau nhiễm Covid-19.

Cho đến nay vắc xin phòng COVID-19 vẫn đang được tiến hành nghiên cứu sử dụng cho trẻ em, hầu hết vẫn chưa được cấp phép sử dụng ở trẻ em dưới 12 tuổi. Các biến thể của coronavirus, bao gồm cả biến thể delta vẫn tiếp tục lây lan, đặc biệt là ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng COVID-19 trong cộng đồng thấp. Vì thế, việc tiêm chủng cho mọi người xung quanh là cách bảo vệ trẻ em - đối tượng chưa được tiêm chủng. Đặc biệt là những trẻ dễ bị nhiễm bệnh, để giúp phòng ngừa những hậu quả nghiêm trọng nhất có thể xảy ra với trẻ.

covid-19 ở trẻ em
Sử dụng chất khử trùng tay có cồn có chứa ít nhất 60% cồn để rửa tay

3. Các biện pháp bố mẹ và gia đình có thể thực hiện giúp trẻ phòng ngừa Covid- 19

Trẻ em là đối tượng cần được bảo vệ trước đại dịch Cocid-19. Do đối tượng trẻ nhỏ chưa được tiêm phòng vắc xin Covid-19 nên cha mẹ và những người thân trong gia đình cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa, tránh để trẻ có nguy cơ nhiễm bệnh:

3.1. Giữ bàn tay của bạn sạch sẽ

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây hoặc sử dụng chất khử trùng tay có cồn có chứa ít nhất 60% cồn. Che miệng và mũi bằng khuỷu tay hoặc khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi. Vứt khăn giấy đã sử dụng và rửa tay. Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng. Rửa tay ngay sau khi trở về nhà, sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn hoặc chế biến thức ăn.

3.2. Thực hành giãn cách xã hội

Đảm bảo rằng trẻ và mọi người trong gia đình tránh tiếp xúc gần (trong khoảng 2 mét) với bất kỳ ai không sống trong gia đình. Vì những người không có triệu chứng có thể lây lan virus.

Nên tránh các sân chơi đông người, không thường xuyên đến chơi trực tiếp với các gia đình hoặc bạn bè đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giãn cách xã hội. Để giảm nguy cơ mắc COVID-19 của trẻ, hãy hạn chế tham gia vào các hoạt động bị dùng chung thiết bị hay đồ chơi chung.

3.3. Khuyến khích trẻ giữ liên lạc qua các cuộc điện thoại

Khuyến khích trẻ giữ liên lạc với bạn bè và những người thân thông qua các cuộc gọi điện thoại hoặc trò chuyện video để trẻ có tinh thần tốt trong mùa dịch nhưng vẫn đảm bảo hạn chế tiếp xúc gần.

3.4. Giữ vệ sinh khử trùng nhà cửa

Làm sạch và khử trùng nhà cửa, đồng thời làm sạch bề mặt mỗi ngày ở những khu vực chung thường xuyên tiếp xúc như bàn ghế, tay nắm cửa, công tắc đèn, điều khiển từ xa, đồ điện tử, bàn làm việc, bồn cầu và bồn rửa. Lau sạch những khu vực dễ bị bẩn như bàn thay đồ của em bé và các bề mặt mà trẻ thường chạm vào như khung giường, bàn học, tủ đựng đồ chơi và đồ chơi. Dùng xà phòng và nước để làm sạch đồ chơi mà trẻ hay cho vào miệng, đảm bảo rửa sạch xà phòng và lau khô đồ chơi. Giặt bộ đồ giường và đồ chơi có thể giặt được, làm khô đồ hoàn toàn. Giữ môi trường ấm áp nhất có thể cho trẻ. Rửa tay sau khi xử lý đồ đạc của trẻ. Nếu đang chăm sóc em bé bị COVID-19, hãy rửa tay sau khi thay tã hoặc xử lý bộ đồ giường, đồ chơi hoặc bình sữa của trẻ.

3.5. Đeo khẩu trang

Đeo khẩu trang bằng vải ở các không gian công cộng trong nhà và ngoài trời, nơi có nguy cơ lây truyền COVID-19 cao. Những sự kiện đông người, kể cả khi người lớn đã được tiêm chủng đầy đủ hay chưa được tiêm chủng. Nếu trẻ từ 2 tuổi trở lên, hãy để trẻ đeo khẩu trang bằng vải khi ở gần những người không sống trong gia đình để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 cho những người khác. Không đeo khẩu trang, mặt nạ cho trẻ dưới 2 tuổi, trẻ có vấn đề về hô hấp hoặc trẻ có tình trạng khiến trẻ không thể tháo mặt nạ khi không có sự trợ giúp.

3.6. Tiêm chủng đầy đủ vắc xin

Theo dõi lịch thăm khám và tiêm chủng vắc xin cho trẻ đầy đủ, đúng lịch. Đặc biệt quan trọng đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Không để nỗi sợ nhiễm virus gây bệnh COVID-19 ngăn cản việc tiêm vắc-xin cho trẻ để ngăn ngừa các bệnh nghiêm trọng khác. Nâng cao thể trạng cho trẻ để có sức đề kháng tốt với bệnh tật. Chờ đợi việc nghiên cứu và cho phép tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em khi đủ điều kiện.

3.7. Làm tấm gương phòng ngừa lây nhiễm cho trẻ

Làm theo các hướng dẫn để ngăn chặn sự lây lan của virus COVID-19 có thể đặc biệt khó khăn đối với trẻ em. Người lớn hãy kiên nhẫn và hãy là một tấm gương tốt để trẻ noi theo, từ đó sẽ có nhiều khả năng trẻ làm theo sự hướng dẫn hơn.

Hiểu biết nhiều hơn về Covid- 19 là những điều cha mẹ và người giám hộ cần biết để chúng ta có thể bảo vệ cho trẻ được an toàn trong cuộc sống và bước vào năm học mới với những sự thích nghi mới an toàn, hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

24.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan