Covid ảnh hưởng đến thận không?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thanh An - Bác sĩ Can thiệp tim mạch - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Theo kết quả một số nghiên cứu và thực tế, tồn tại nguy cơ COVID-19 ảnh hưởng đến thận. Người bị COVID-19 ảnh hưởng đến thận như thế nào? Hãy tham khảo bài viết dưới đây để có thêm những thông tin hữu ích về cách điều trị cũng như phòng ngừa.

1. Covid ảnh hưởng đến thận như thế nào?

Các nhà nghiên tại tại Đức, Hà Lan và Mỹ cho biết: Ngoài việc phải chịu đựng tình trạng mắc COVID-19, một số bệnh nhân còn có thể bị các vết sẹo, tổn thương thận kéo dài. Tổn thương này có thể là do virus SARS-CoV-2 tấn công trực tiếp vào thận.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã theo dõi và đánh giá sức khỏe của 89.000 người mắc COVID-19. Các nhà nghiên cứu nhận thấy nguy cơ tổn thương thận dai dẳng tăng cao đáng kể ở những bệnh nhân bị bệnh nặng phải nhập viện và cả những người mắc bệnh tương đối nhẹ.

Nhóm nghiên cứu cho biết: Họ tiến hành nghiên cứu không phải để giải đáp câu hỏi COVID-19 có gây tổn thương thận không (vì kết quả đã rõ ràng) mà để biết xem liệu tổn thương thận có phải là hậu quả của tình trạng viêm do phản ứng miễn dịch của cơ thể bệnh nhân với virus SARS-CoV-2 hay là do virus này tác động trực tiếp tới thận.

Để tìm hiểu về vấn đề này, các nhà nghiên cứu đã khai thác công nghệ tế bào gốc để tạo ra mô hình các quả thận nhỏ với mục đích thử nghiệm. Mô thận được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm sau đó được cho tiếp xúc với SARS-CoV-2. Kết quả nghiên cứu cho thấy: SARS-CoV-2 gây tổn thương trực tiếp các tế bào thận, bên cạnh tình trạng viêm do phản ứng của hệ miễn dịch. Tổn thương do COVID-19 này để lại sẹo lâu dài ở thận.

Nghiên cứu này hiện chỉ mới tập trung vào nguy cơ COVID-19 ảnh hưởng tới thận, cụ thể là hình thành sẹo thận do COVID-19 nặng. Hiện vẫn chưa rõ liệu virus tấn công trực tiếp mô thận có gây những tổn thương tương tự bệnh nhân mắc COVID-19 nhẹ hơn hay không. Sự hình thành sẹo có thể gây phá hủy cấu trúc của thận, dẫn đến suy thận.

2. Người bệnh thận có thể gặp nhiều biến chứng khi mắc Covid-19

Người bị suy thận dễ bị nhiễm trùng, có thể có các thay đổi nhiều hơn trong biểu hiện lâm sàng. Hơn nữa, khi mắc COVID-19, người bệnh vẫn phải đến bệnh viện để lọc máu thường xuyên, làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho người khác.

Hiện các nghiên cứu cho thấy chưa có bằng chứng của việc mắc COVID-19 gây ảnh hưởng xấu tới thận ở người mắc bệnh nhẹ và trung bình. Tuy nhiên, ở những người mắc bệnh thể nặng cần nhập viện, bất thường ở thận đã ghi nhận ở 25- 50% đối tượng với biểu hiện là tăng bài tiết protein và hồng cầu trong nước tiểu. Dưới 15% bệnh nhân bị suy giảm chức năng lọc của thận - tổn thương thận cấp.

Nhiễm virus SARS-CoV-2 là mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng đối với những người mắc bệnh thận mạn tính, đặc biệt là người đang lọc máu và ghép thận. Người bệnh chạy thận nhân tạo chu kỳ, lọc màng bụng, hoặc ghép thận có sức đề kháng kém và khả năng miễn dịch yếu. Hơn nữa, người bệnh chạy thận nhân tạo chu kỳ thường lớn tuổi (trên 60 tuổi), có nhiều bệnh nền như tiểu đường, bệnh phổi mạn tính, bệnh tim mạch, bệnh gan,... nên dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, và khi mắc bệnh thì dễ xảy ra biến chứng nặng. Do vậy, người được ghép thận nên thực hiện các biện pháp khuyến cáo để ngăn ngừa nhiễm trùng và tuân thủ nghiêm ngặt mọi chỉ định của bác sĩ.

3. Khuyến nghị của bác sĩ cho người mắc bệnh thận

Trước tình trạng COVID-19 ảnh hưởng đến thận, các chuyên gia cho rằng các loại thuốc kháng virus mới được phát triển có thể làm giảm nguy cơ mắc hội chứng COVID-19 kéo dài. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa được chứng minh một cách rõ ràng. Do đó, lời khuyên tốt nhất là mỗi người cần chủ động phòng tránh nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2. Một số nguyên tắc người bệnh cần nhớ:

  • Bệnh nhân đang lọc máu chu kỳ cần phải nâng cao cảnh giác, tinh thần phòng chống dịch. Đặc biệt lưu ý tới việc ăn uống, vệ sinh, bổ sung vitamin, vận động thể chất phù hợp để có thể nâng cao sức đề kháng;
  • Tuân thủ nghiêm các hướng dẫn của Bộ Y tế và bác sĩ về giữ gìn vệ sinh tay, đường hô hấp, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, khai báo y tế trung thực,... Khi có triệu chứng ho, sốt hoặc các vấn đề sức khỏe khác, người bệnh nên liên hệ với đơn vị lọc máu trước khi đến bệnh viện;
  • Trong phòng lọc máu thường sử dụng máy điều hòa, không gian phòng kín, ít lưu thông không khí nên người bệnh cần chú ý đảm bảo vệ sinh, thực hiện tốt một số biện pháp sau:
    • Di chuyển tới bệnh viện để lọc máu nên dùng xe riêng của gia đình, cửa xe mở thông thoáng. Nên chủ động tự cách ly, hạn chế tiếp xúc với người khác khi ở nhà và khi lọc máu tại bệnh viện;
    • Người bệnh nên đeo khẩu trang nhiều nhất có thể, đặc biệt là khi lọc máu, di chuyển và tiếp xúc với người khác. Nên chủ động khai báo y tế, tiền sử tiếp xúc, khu vực đang sinh sống để được hướng dẫn, giúp đỡ. Bệnh nhân bị sốt, đau họng, khó thở, nhức mỏi cơ thể hoặc giảm khứu giác nên báo ngay cho bác sĩ;
    • Không nói chuyện, ăn uống trong phòng lọc máu. Khi ho, hắt hơi, bệnh nhân nên che miệng, khạc đờm thì dùng khăn giấy lau miệng, cho vào túi nilon và bỏ vào thùng rác y tế, vệ sinh tay cẩn thận;
    • Khi lọc máu xong nên về nhà ngay, tắm nước ấm, thay quần áo mới. Nên tuân thủ chế độ dinh dưỡng cho người bệnh lọc máu, tránh ăn trái cây giàu kali, tránh uống nước quá nhiều,... Đồng thời, bệnh nhân nên vệ sinh phòng ở sạch sẽ và thông thoáng, mở cửa sổ, dùng quạt trong mùa nóng, hạn chế dùng điều hòa, rửa tay thường xuyên;
    • Bệnh nhân nên liên lạc, báo cáo sức khỏe với bác sĩ thường xuyên để được tư vấn sử dụng thuốc và chế độ dinh dưỡng.

4. Khám chức năng thận hậu Covid

Sau khi khỏi COVID-19, để đánh giá COVID-19 ảnh hưởng đến thận như thế nào, mỗi người nên đi kiểm tra sức khỏe thận dù chưa từng mắc các bệnh lý ở thận trước đây. Nguyên nhân là bởi virus SARS-CoV-2 có thể tấn công, phá hủy thận âm thầm mà không gây ra bất kỳ triệu chứng nào.

Khi tấn công cơ thể người, virus SARS-CoV-2 thường tập trung ở hầu họng, từ đó đi vào phổi. Chúng gắn với thụ thể ACE II, đi khắp cơ thể. Thận là nơi thụ thể ACE II nhiều nhất nên sẽ là mục tiêu tấn công của virus SARS-CoV-2. Virus bám vào thành ống thận, màng cầu thận, hoặc trực tiếp tấn công các tế bào thận. Ngoài ra, virus làm tổn thương phổi, gây thiếu oxy các cơ quan gồm cả thận.

Ngoài ra, virus SARS-CoV-2 đi vào cơ thể còn kích hoạt phản ứng viêm, gây ra các cơn bão Cytokine, phá hủy thận và các cơ quan nội tạng khác. Một trong những ảnh hưởng nghiêm trọng của virus SARS-CoV-2 lên sức khỏe thận là gây đông máu ở thận, khiến thận bị viêm, dẫn tới suy thận nhanh, thậm chí phải tiến hành lọc máu.

Biểu hiện tổn thương thận trong COVID-19 thể hiện ở tình trạng tổn thương thận cấp, bệnh cầu thận gồm tiểu máu hay tiểu đạm, bệnh thận mạn,... Điều đáng nói là dù không có biểu hiện rõ ràng nhưng nhiều trường hợp thận đã bị tổn thương nghiêm trọng.

Vì tổn thương thận ít khi được nhận biết, chủ yếu phải thông qua các xét nghiệm máu, nước tiểu,... Do đó, người bệnh nên quan tâm tới việc kiểm tra chức năng thận thường xuyên hơn, tương tự việc khám sức khỏe định kỳ hằng năm. Với những người không có tiền sử bệnh thận, nên kiểm tra chức năng thận 3 - 6 tháng/lần. Nếu có bệnh thận, người bệnh nên đi kiểm tra chức năng thận hàng tháng.

Đặc biệt, những người có bệnh thận và đã chữa khỏi COVID-19 càng cần phải tích cực theo dõi sức khỏe của thận, cẩn trọng trước nguy cơ COVID-19 ảnh hưởng đến thận. Người bệnh nên đi khám kiểm tra chức năng thận sau khi khỏi COVID-19; hoặc nên đi khám ngay khi gặp các triệu chứng bất thường như: Tiểu đỏ, tiểu bọt, sưng phù mặt - tay - chân - toàn thân, hoặc khi có kết quả bất thường về xét nghiệm máu, nước tiểu.

Đồng thời, người bệnh không nên tự ý dùng các bài thuốc lan truyền trên mạng internet, trong dân gian và các toa thuốc của người khác để tránh làm thận bị tổn thương nhiều hơn, gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Bên cạnh đó, bệnh nhân không nên ồ ạt đi khám vì có thể gây quá tải hệ thống y tế, gia tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh. Nếu muốn đi khám, bệnh nhân nên đặt lịch hẹn trước với bệnh viện.

Đại dịch COVID-19 đe dọa tới sức khỏe của toàn cầu. Tác động của COVID-19 ảnh hưởng đến thận đã được xác nhận. Vì vậy, mỗi người cần chú ý tuân thủ nghiêm ngặt các quy định để giảm thiểu nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2. Khi bị mắc virus này, người bệnh nên tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, tái khám đúng hẹn để tầm soát sớm nguy cơ tổn thương thận và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan