Đau lưng trong mùa Covid-19: Những điều cần biết

Bài viết của Bác sĩ chuyên khoa I Võ Khắc Khôi Nguyên - Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Chúng ta đang trong giai đoạn giãn cách xã hội do dịch COVID-19. Theo ghi nhận, trong thời gian gần đây có nhiều người bị đau thắt lưng cấp. Nghịch lý là trong giai đoạn mọi người ít làm việc và ở nhà nhiều hơn thì lại dễ bị đau lưng hơn. Nhiều bệnh nhân đau đến mức không thể ở nhà được và phải đến bệnh viện hoặc phải tham vấn các bác sĩ từ xa. Chúng tôi xin tạm gọi vấn đề này là đau lưng trong mùa COVID-19.

1. Đau lưng trong mùa Covid-19

Đau thắt lưng là một tình trạng rất phổ biến, với khoảng 90% số người bị nó vào một thời điểm nào đó trong đời. Ở nhiều quốc gia, đau thắt lưng là nguyên nhân đau mạn tính phổ biến nhất ở tuổi trung niên. Đau thắt lưng là một vấn đề sức khỏe quan trọng, không chỉ vì tỷ lệ phổ biến cao mà còn do những hậu quả, quan trọng là gây cản trở sinh hoạt cá nhân, tiêu tốn chi phí cho các dịch vụ y tế, giảm khả năng lao động.

Đa phần các trường hợp đau lưng trong mùa COVID xảy ra ở những người trong độ tuổi lao động, thường hay gặp ở người làm việc văn phòng, sử dụng nhiều máy tính. Cơn đau xuất hiện ở vị trí thắt lưng, có thể 1 bên hoặc lan tỏa cả 2 bên. Đau âm ỉ, thỉnh thoảng có những cơn đau chói khi thay đổi tư thế. Đau giảm khi nằm nghỉ, tăng khi vận động, thậm chí có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Đau thắt lưng trong mùa COVID thường do tư thế. Trong những ngày giãn cách xã hội, chúng ta phải làm việc ở nhà. Môi trường gia đình có thể không phù hợp về nhiều mặt so với môi trường làm việc văn phòng. Người làm văn phòng khi làm việc ở nhà thường phải sử dụng laptop. Đây chính là nguyên nhân gián tiếp gây đau lưng do tư thế ngồi thường làm cho lưng không thẳng như máy tính để bàn. Bên cạnh đó, bàn ghế sử dụng để làm việc ở nhà thường không đúng chuẩn cho công việc văn phòng, thậm chí bạn còn làm việc ở các tư thế không tốt như nằm sấp, ngồi bệt dưới đất.

Giai đoạn giãn cách xã hội làm thay đổi cuộc sống của nhiều người. Đầu tiên là tình trạng ít vận động, ít đi lại, không thể tập thể dục, chúng ta thường hay ngồi hoặc nằm nhiều. Chưa kể đến tình trạng bị tăng cân, ức chế tâm lý khi ở nhà. Tất cả các yếu tố này cộng hợp có thể gây ra cơn đau lưng. Một số trường hợp khác, người bệnh khởi phát cơn đau lưng sau vận động quá sức, chẳng hạn như việc dọn dẹp nhà cửa, khiêng vật nặng.

đau lưng
Đau lưng trong mùa COVID xảy ra ở những người làm việc văn phòng

2. Cần làm gì khi bị đau lưng trong mùa Covid-19?

Việc đầu tiên là không nên quá hoảng loạn, lo lắng. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, bạn càng nên hạn chế đi đến bệnh viện, vì nó sẽ làm tăng thêm công việc cho các bác sĩ vốn đã rất tất bật trong công tác chống dịch. Điều này cũng sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Đau lưng cấp tính hầu như đáp ứng tốt với các biện pháp điều trị đơn giản và có thể chăm sóc ngay tại nhà.

Theo đó, bạn nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi hơn và cần hạn chế ngồi làm việc lâu. Bố trí lại thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Nếu bạn phải ngồi làm việc liên tục thì nên có khoảng thời gian giải lao, đứng lên vận động sau 1-2 tiếng. Bạn nên ưu tiên sử dụng máy tính để bàn hơn là laptop vì có thể giúp tránh những tư thế gây đau lưng. Nếu không có máy tính bàn, bạn nên kê cao màn hình laptop và hãy sử dụng bàn phím rời kết nối với laptop. Bạn có thể sử dụng đai đeo thắt lưng nếu có sẵn ở nhà. Bên cạnh đó, bạn nên nằm nghỉ thay vì xoa bóp, vì xoa bóp không đúng có thể khiến cho cơn đau trầm trọng hơn. Các bài tập thể dục cho vùng lưng chỉ nên thực hiện sau khi cơn đau đã được kiểm soát và thuyên giảm, đồng thời nên thực hiện hàng ngày. Theo các chuyên gia sức khỏe, chế độ ăn uống cân đối, tập luyện thể dục tại nhà sẽ giúp bạn duy trì được cân nặng ổn định. Hãy nhớ rằng tăng cân là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh lý chứ không riêng bệnh đau lưng.

Nếu tình trạng đau lưng không thuyên giảm, bạn có thể dùng các thuốc giảm đau thông thường để kiểm soát cơn đau như paracetamol, ibuprofen. Liều lượng sử dụng các loại thuốc này cần xem trong hướng dẫn sử dụng thuốc. Sau khi dùng, nếu trong vòng 2-3 ngày mà cơn đau đã được kiểm soát thì bạn có thể an tâm là mình đang làm đúng cách. Nếu bạn đã áp dụng các biện pháp trên mà không kiểm soát được cơn đau hoặc tính chất cơn đau thay đổi theo chiều hướng nghiêm trọng hơn thì bạn nên tham vấn với bác sĩ qua điện thoại hoặc đến bệnh viện để thăm khám.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện nay có dịch vụ khám bệnh và tư vấn trực tuyến (telehealth). Người bệnh không cần đến bệnh viện và có thể kết nối với bác sĩ của chúng tôi qua mạng. Bác sĩ sẽ trao đổi về triệu chứng của bạn, hướng dẫn cách chăm sóc, sử dụng thuốc, các vấn đề cần theo dõi tại nhà tuỳ theo tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân. Sau khi trao đổi với bác sĩ, chúng tôi sẽ giao thuốc và các dụng cụ y tế cần thiết đến nhà người bệnh.

Tóm lại, đau lưng trong mùa COVID-19 là vấn đề thường gặp và có thể điều trị tại nhà. Chế độ làm việc, nghỉ ngơi, ăn uống và tập luyện hợp lý là những vấn đề cơ bản giúp bạn duy trì sức khỏe nói chung và giảm nguy cơ bị đau lưng trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

47.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan