Dịch COVID-19 và thai kỳ

Bài viết bởi Bác sĩ Phùng Thị Lý - Trung tâm Phụ sản - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Mặc dù đến nay chưa có nhiều bằng chứng cho thấy phụ nữ mang thai có nguy cơ xuất hiện triệu chứng nặng cao hơn cộng đồng, tuy nhiên, NHS (hệ thống Dịch vụ Y tế Vương quốc Anh) đã đưa phụ nữ mang thai vào nhóm đối tượng nguy cơ cao, cần có biện pháp phòng dịch mạnh hơn so với cộng đồng.

1. Covid-19 là bệnh lý gì?

COVID-19 (coronavirus disease 19) là bệnh lý gây ra bởi một loại coronavirus, các coronavirus gây bệnh ở người có thể được chia làm 2 nhóm:

COVID-19 được phát hiện đầu tiên ở Wuhan, Trung Quốc, từ tháng 12/2019. Cho đến hiện tại, 27/3/2020, COVID-19 đã xuất hiện ở gần 200 đất nước với gần 600.000 trường hợp mắc và hơn 26.000 trường hợp tử vong. Tỷ lệ tử vong theo báo cáo của WHO cho đến tháng 3 vào khoảng 3,4%. Mặc dù tỷ lệ tử vong do COVID-19 thấp hơn SARS (9,6%) và MERS (34%), tuy nhiên, với khả năng lây truyền và kiểm soát hiện nay, COVID-19 vẫn đang là vấn đề nghiêm trọng toàn cầu, WHO cũng đã tuyên bố đại dịch từ ngày 11/3/2020.

Corona 21/02
Corona virus chủng mới gây ra hội chứng nhiễm trùng đường hô hấp cấp

2. Covid -19 và lây truyền mẹ con?

SARS-CoV-2 lây truyền trực tiếp từ người sang người khi tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh (< 2m), qua những giọt bắn (droplets) có chứa các virus sống đi vào mắt, mũi, miệng và đường hô hấp trên của người tiếp xúc. Hoặc do người nhiễm ho, hắt hơi phát tán những giọt bắn chứa virus vào không khí và người tiếp xúc vô tình hít phải.

SARS-CoV-2 cũng có thể lây qua tiếp xúc với đồ vật/bề mặt có chứa virus. Thời gian tồn tại của virus trên bề mặt các đồ vật tuỳ thuộc vào điều kiện môi trường và chất liệu bề mặt. Rửa tay thường xuyên sau khi tiếp xúc với các vật dụng bên ngoài và tránh dùng tay để sờ, chạm vào mặt là những cách tốt nhất để tránh nhiễm bệnh. Mang khẩu trang nơi công cộng, giữ khoảng cách với người khác (cách người khác ít nhất 2 m) và ở nhà càng nhiều càng tốt cũng là những cách hạn chế để tránh nhiễm virus. Hạn chế lây lan virus sang người khác, mọi người khi ho hoặc hắt hơi cần che miệng bằng khuỷu tay (mặt trong), không che miệng bằng tay.

Mặc dù đến nay chưa có nhiều bằng chứng cho thấy phụ nữ mang thai có nguy cơ xuất hiện triệu chứng nặng cao hơn cộng đồng, tuy nhiên, NHS (hệ thống Dịch vụ Y tế Vương quốc Anh) đã đưa phụ nữ mang thai vào nhóm đối tượng nguy cơ cao, cần có biện pháp phòng dịch mạnh hơn so với cộng đồng. Điều này phù hợp với sự thay đổi hệ thống miễn dịch trong thai kỳ. Hiện tại có rất ít dữ liệu về nhiễm COVID-19 và thai kỳ. Tránh lây nhiễm vẫn là cách tốt nhất, tuy nhiên, chưa có nhiều bằng chứng cho thấy virus có thể lây truyền từ mẹ sang con trong thai kỳ cũng như nhiễm SARS-CoV-2 làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh. Mặc dù vậy, các thai phụ mắc COVID-19 nên được thực hiện sàng lọc cẩn thận để loại trừ các bất thường trong thai kỳ. Một vài nghiên cứu trên những virus tương tự cho thấy rằng thai có thể phát triển bất thường khi nhiễm virus tương tự như COVID-19. Các khuyến cáo nên siêu âm ít nhất một lần sau khỏi bệnh 2 đến 4 tuần để theo dõi tình trạng thai. Sau đó, siêu âm thường quy mỗi 2 – 4 tuần để đánh giá sự phát triển của thai nhi.

2019-nCoV lây nhiễm qua đường giọt bắn
Virus SARS-CoV-2 lây truyền trong không khí thông qua giọt bắn hô hấp

Các dữ liệu hiện nay cho thấy thai phụ nhiễm COVID-19 không có triệu chứng nặng hơn những phụ nữ không mang thai cùng độ tuổi. Tuy nhiên, những trường hợp mắc COVID-19 làm tăng nguy cơ sinh non và mổ lấy thai và thai suy nếu mắc gần thời điểm kết thúc thai kỳ. Đối với những thai phụ nghi ngờ hoặc được xác nhận mắc COVID-19 trong quý III thai kỳ và đã hồi phục, không có chỉ định sản khoa chấm dứt thai kỳ, nên được theo dõi cho đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính hoặc hết tình trạng cách ly để giảm thiểu lây truyền sau sinh cho trẻ sơ sinh.

Cách tiếp cận dự phòng, chẩn đoán và điều trị cho phụ nữ mang thai nghi ngờ COVID-19 tương tự như ở những người không mang thai. Những trường hợp có các bệnh lý nền đặc biệt là bệnh lý về phổi, tăng huyết áp, đái tháo đường hay nhiễm HIV có nguy cơ xuất hiện các triệu chứng nặng hơn. Những sản phụ mắc COVID-19 nên được theo dõi chuyển dạ ở phòng cách ly. Chỉ định phương pháp chấm dứt thai kỳ phụ thuộc và các chỉ định sản khoa. Trẻ sơ sinh trong những trường hợp này nên được tiếp cận đánh giá phù hợp.

3. Có nên cho con bú nếu bị nhiễm Covid-19 không?

Hiện nay chưa có khuyến cáo cách ly trẻ sơ sinh sau sinh để dự phòng lây nhiễm. Một báo cáo cho thấy có virus trong sữa mẹ, tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm qua sữa mẹ là rất thấp so với nguy cơ lây nhiễm do tiếp xúc. Vì vậy, các sản phụ mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19 cần có các biện pháp phòng ngừa lây truyền cho trẻ trong khi cho con bú (bao gồm vệ sinh tay và sử dụng khẩu trang). Ngoài ra, để giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp, trẻ sơ sinh có thể được cho bú bằng sữa mẹ qua bình cho đến khi người mẹ bình phục, những trường hợp này cần tuân thủ nguyên tắc phòng tránh lây nhiễm và người chăm sóc là người khoẻ mạnh. Nếu chọn không cho con bú phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa tương tự để ngăn ngừa lây truyền qua tiếp xúc gần khi sử dụng sữa công thức.

bú bình, bú sữa
Trẻ có thể được bú sữa mẹ bằng bình trong thời gian người mẹ điều trị Covid-19

Như vậy, mặc dù các dữ liệu nhiễm SARS-CoV-2 trong thai kỳ hiện nay còn nhiều hạn chế, nhưng nhìn chung, các biện pháp dự phòng, chẩn đoán và xử trí tương tự như ngoài thai kỳ. Trong đó, biện pháp phòng ngừa lây truyền từ mẹ sang con cần được ưu tiên trong thai kỳ, chuyển dạ và trong thời kỳ cho con bú.

527 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan