Điều trị F0 tại nhà cần uống thuốc gì?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Tấn Phúc, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Với tình hình diễn biến phức tạp của nhiễm Covid-19 và tình trạng quá tải ở các cơ sở y tế, người bệnh nhiễm F0 có thể tự điều trị ở nhà với điều kiện không có dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên, để quá trình điều trị hiệu quả thì người bệnh điều trị f0 tại nhà cần uống thuốc gì?

1. Phân loại mức độ mắc bệnh của F0

  • Mức độ mắc Covid -19 nhẹ: Đối tượng khi mắc Covid -19 ở mức độ nhẹ thường sẽ không xuất hiện triệu chứng lâm sàng hoặc có thể xuất hiện các triệu chứng không điển hình như sốt, đau họng, tiêu chảy, nôn, chảy nước mũi, đau cơ, mất khứu giác hoặc không xuất hiện các triệu chứng liên quan đến viêm phổi.

Với những trường hợp mắc Covid-19 ở giai đoạn này thường không có biểu hiện thiếu oxy và thường có chỉ số SpO2 trên 96% với điều kiện thở bằng khí trời. Người bệnh ở giai đoạn này vẫn tỉnh táo, sinh hoạt bình thường và khi chụp Xquang phổi không thấy có dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên, nếu đối tượng mắc các bệnh lý nền như bệnh phổi mãn hoặc suy thận, gan mật hoặc sử dụng corticoid kéo dài... có thể diễn tiến bệnh nặng và cần được theo dõi kỹ lưỡng.

Nhóm đối tượng mắc bệnh nhẹ thường có độ tuổi từ 3 tháng tuổi đến dưới 49 tuổi không có bệnh lý nền và đã tiêm đủ liều vaccine kèm với sức khoẻ không có dấu hiệu bất thường.

  • Mức độ mắc Covid-19 trung bình. Đối tượng mắc bệnh bắt đầu có triệu chứng viêm phổi nhưng không có dấu hiệu viêm phổi nặng hoặc rất nặng và chỉ số SpO2 khi thở với khí trời chiếm khoảng 94% đến 95%. Người bệnh vẫn tỉnh táo, tuy nhiên có dấu hiệu mệt hơn một chút và ăn uống ít hơn so với bình thường. Khi thực hiện chụp X Quang phổi cho thấy có dấu hiệu tổn thương dạng mô kẽ, kính mở ở hai đáy phổi.

Đối tượng mắc bệnh ở mức trung bình thường bao gồm những người có độ tuổi từ 50 đến 64 không có bệnh lý nền và đã tiêm đủ liều vaccine hoặc những người từ 3 tháng tuổi đến 49 tuổi có một số triệu chứng liên quan đến ho, sốt, đau họng... và chưa tiêm đủ liều.

Những trường hợp có triệu chứng kể trên cần được đưa đến bệnh viện và sử dụng các biện pháp hỗ trợ hô hấp... Trong trường hợp cơ sở y tế quá tải có thể theo dõi và điều trị người bệnh tại nhà. Tuy nhiên, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ.

điều trị f0 tại nhà cần uống thuốc gì
Giải đáp điều trị F0 tại nhà cần uống thuốc gì?

  • Mức độ mắc Covid -19 nặng. Đối tượng mắc bệnh ở giai đoạn này thường xuất hiện các triệu chứng liên quan đến viêm phổi nặng nhưng chưa có dấu hiệu nguy hiểm đe dọa đến tính mạng. Những biểu hiện rõ nét nhất của bệnh ở giai đoạn này bao gồm: thở nhanh kèm co rút ngục hoặc có thể thở rên, cánh mũi phập phồng, trẻ quấy khóc, ăn uống khó... Chỉ số SpO2 trong khoảng từ 90% đến 94%. Khi thực hiện chụp Xquang phổi có tổn thương mô kẽ, kính mờ lan toả trên 50%.

Nhóm người có mức độ bệnh nặng bao gồm những người trên 65 tuổi có bệnh lý nền nhưng đã tiêm đủ liều vaccine, hoặc những người từ 50 tuổi đến 64 tuổi chưa phát hiện bệnh lý nền và chưa tiêm đủ liều, hoặc phụ nữ có thai, phụ nữ sinh con dưới 42 ngày hoặc trẻ em dưới 3 tháng tuổi.

  • Mức độ mắc Covid -19 nguy kịch. Ở giai đoạn này người mắc sẽ xuất hiện dấu hiệu suy hô hấp nặng và chỉ số SpO2 dưới 90% và cần thực hiện đặt nội khí quản. Đối tượng có thể xuất hiện tình trạng tím tái, thở bất thường, rối loạn nhịp thở... nguy hiểm đe dọa đến tính mạng. Người bệnh rơi vào trạng thái hôn mê, không ăn uống được. Với những người bệnh ở giai đoạn này có thể mắc hội chứng hô hấp tiến triển, rối loạn, sốc nhiễm trùng hoặc thậm chí xuất hiện cả cơn bão cytokin.

Người mắc bệnh nguy kịch có thể bao gồm những người có tuổi trên 65, mắc bệnh nền và chưa tiêm đủ liều vaccine. Với những đối tượng mắc bệnh nặng và nguy kịch thì cần được chỉ định của bác sĩ hỗ trợ điều trị hô hấp và thuốc.

2. Điều kiện cho đối tượng F0 được điều trị tại nhà

  • Về lâm sàng: Người bệnh xác định không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, đồng thời không mắc bệnh lý nền có nguy cơ cao gây bệnh tiến triển nhanh.
  • Về khả năng tự chăm sóc hoặc người chăm sóc: Người bệnh xác nhận có khả năng tự chăm sóc bản thân với các hoạt động hàng ngày như ăn uống, tắm, giặt, vệ sinh cá nhân... Thêm vào đó, người bệnh còn có khả năng liên lạc với cán bộ y tế để có thể theo dõi và giám sát cũng như cấp cứu kịp thời trong tình trạng nguy kịch. Nếu người bệnh không tự chăm sóc được thì có người thân trong gia đình cam kết có thể hỗ trợ chăm sóc người bệnh.

Xem ngay: Hướng dẫn của Bộ Y tế để điều trị F0 tại nhà

điều trị f0 tại nhà cần uống thuốc gì
Người bệnh xác định không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được điều trị tại nhà

3. Các loại thuốc có thể sử dụng cho người mắc F0 khi điều trị tại nhà

Theo "Hướng dẫn quản lý người mắc Covid-19 tại nhà" mới nhất của Bộ Y tế. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 31/1/2022 và thay thế Quyết định số 4038/QĐ-BYT ngày 21/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn tạm thời về quản lý người mắc COVID-19 tại nhà và Quyết định số 4109/QĐ-BYT ngày 26/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Danh mục thuốc điều trị ngoại trú cho người mắc COVID-19 tại nhà.

Việc khám bệnh, kê đơn điều trị tại nhà cho F0 được thực hiện bởi Trạm y tế lưu động hoặc Đội y tế lưu động: Theo đó, dựa trên số liệu về ca mắc và khu vực có ca mắc trên địa bàn xã, phường để thành lập các Trạm y tế lưu động hoặc Đội y tế lưu động sẵn sàng hỗ trợ, cấp cứu cho người bệnh F0 tại nhà.

Việc kê đơn thuốc điều trị, cấp phát thuốc điều trị ngoại trú cần thực hiện theo đúng Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 do Bộ Y tế ban hành.

3.1. Kê đơn, cấp phát thuốc điều trị triệu chứng cho F0 tại nhà

Trường hợp F0 có dấu hiệu sốt:

  • Người lớn: Sốt > 38,5 độ hoặc xuất hiện các triệu chứng đau đầu, đau mỏi người nhiều: uống mỗi lần 1 viên thuốc hạ sốt như paracetamol 0,5 g. Tiếp tục với liệu lặp lại từ 4 - 6 giờ nếu vẫn còn sốt và, đau người. Tuy nhiên, một ngày không được uống quá 4 viên. Uống thêm dung dịch điện giải oresol nếu ăn kém/giảm hoặc có thể dùng uống thay nước lọc hàng ngày.
  • Trẻ em: Sốt > 38,5 độ thì cho trẻ uống thuốc hạ sốt paracetamol với liều 10-15 mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 4-6h và trong 1 ngày không quá 4 lần.

Nếu trong trường hợp người bệnh F0 uống 2 lần thuốc hạ sốt không cải thiện thì cần thông báo ngay cho các Cơ sở quản lý người mắc Covid-19 tại nhà để được can thiệp và xử trí khi cần thiết.

Ngoài thuốc hạ sốt, bị f0 uống thuốc gì thêm? Theo đó, nếu F0 bị ho khan nhiều có thể dùng thuốc giảm ho.

3.2. Danh mục thuốc điều trị ngoại trú cho F0 tại nhà

Bị f0 phải làm sao? Ngoài việc thực hiện tuân thủ cách lý, người nhiễm Covid-19 cần phải giữ vững tinh thần và chuẩn bị các loại thuốc điều trị ngoại trú cho F0 tại nhà và cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế.

Các loại thuốc cần chuẩn bị như sau:

Thuốc giảm đau hạ sốt

Paracetamol:

  • Liều thuốc cho trẻ em: gói bột hoặc cốm pha hỗn dịch uống với hàm lượng 80 mg, 100 mg, 150 mg hoặc 250 mg. Tùy theo cân nặng của bé hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Liều thuốc cho người lớn: viên nén 250 mg hoặc 500 mg.

Thuốc kháng virus

Hiện nay, Bộ Y tế cấp phép các loại thuốc kháng virus sau đây để điều trị Covid-19 cho người mắc bệnh:

  • Favipiravir 200 mg, 400 mg (viên).
  • Molnupiravir 200 mg, 400 mg (viên).

Thuốc chống viêm corticosteroid đường uống

Thuốc chống viêm corticosteroid đường uống là thuốc không được phát sẵn cho người bệnh F0 mà thuốc chỉ được sử dụng trong trường hợp bác sĩ kê đơn theo Quy định tại Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 do Bộ Y tế ban hành. Theo đó, loại thuốc này chỉ được kê đơn điều trị một ngày trong thời gian chờ chuyển đến cơ sở điều trị người bệnh nhiễm Covid-19.

Hiện nay, Bộ Y tế cấp phép sử dụng 2 loại thuốc chống viêm corticosteroid đường uống:

  • Dexamethason 0,5 mg (viên nén).
  • Methylprednisolon 16 mg (viên nén).

Thuốc chống đông máu đường uống

Cũng như thuốc chống viêm corticosteroid đường uống, thuốc chống đông máu không được phát sẵn cho người bệnh F0 mà thuốc chỉ được sử dụng khi người bệnh được bác sĩ kê đơn theo đúng quy định tại Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 do Bộ Y tế ban hành. Bên cạnh đó, thuốc cũng chỉ kê đơn điều trị trong một ngày trong thời gian chờ chuyển đến cơ sở điều trị người bệnh nhiễm Covid-19.

Hiện nay, Bộ Y tế cấp phép sử dụng 2 loại thuốc chống đông máu sau:

  • Rivaroxaban 10 mg (viên).
  • Apixaban 2,5 mg (viên).
điều trị f0 tại nhà cần uống thuốc gì
Điều trị F0 tại nhà cần uống thuốc hạ sốt

4. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc thuốc chống viêm corticosteroid và thuốc chống đông máu

Cũng tại hướng dẫn này, Bộ Y tế đã đưa ra một số lưu ý về việc sử dụng thuốc kháng virus, thuốc chống viêm corticosteroid và thuốc chống đông máu.

Theo đó, thuốc kháng virus được khuyến cáo dùng ngay khi có chẩn đoán xác định nhiễm Covid-19, tốt nhất là người bệnh nên sử dụng trong 5 ngày bắt đầu kể từ khi các triệu chứng bệnh khởi phát. Thuốc kháng virus được ưu tiên sử dụng với những trường hợp có triệu chứng hoặc những người bệnh có nguy cơ mắc bệnh cao, tiến triển nặng như những người già trên 65 tuổi, người chưa tiêm đủ liều vắc - xin, người có bệnh nền không ổn định.

Người bệnh F0 điều trị tại nhà được chỉ định điều trị kết hợp cùng lúc thuốc chống viêm corticosteroid và thuốc chống đông máu khi có dấu hiệu sớm suy hô hấp và chỉ kê đơn trong vòng 1 ngày trong thời gian chờ chuyển đến nơi điều trị người nhiễm Covid-19.

Những dấu hiệu suy hô hấp cần chú ý:

  • Khó thở, thở hụt hơi, tình trạng khó thở tăng lên khi người bệnh vận động, đi lại trong nhà. Ở trẻ em có các dấu hiệu thở bất thường như: Rút lõm lồng ngực, thở rên, khò khè, phập phồng cánh mũi, thở rít thì hít vào.
  • Nhịp thở (ở trẻ em cần đếm đủ nhịp thở trong 1 phút khi trẻ nằm yên không khóc): ≥ 20 lần/phút ở người lớn; ≥ 30 lần/phút ở trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi; ≥ 40 lần/phút ở trẻ em từ 1 đến dưới 5 tuổi; và/hoặc SpO2 ≤ 96% (khi phát hiện những dấu hiệu bất thường thì cần tiến hành đo lại lần 2 sau 30 giây- 1 phút. Trong quá trình đo cần yêu cầu giữ yên vị trí đo).

Ngoài dùng thuốc hạ sốt, thuốc điều trị theo đúng hướng dẫn của bác sĩ thì người bệnh uống đủ nước, điện giải để cơ thể giảm thiểu mệt mỏi. Bên cạnh đó, người bệnh F0 điều trị tại nhà cũng nên bổ sung dự trữ các loại vitamin C, đồ dùng vệ sinh mũi họng, thực phẩm, đồ dùng tăng cường sức đề kháng, tuyệt đối không tự ý uống kháng sinh...

Bên cạnh sử dụng các loại thuốc kể trên người bệnh có thể áp dụng các biện pháp hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân f0 tại nhà bao gồm sử dụng các phương pháp xông hơi bằng thảo dược hoặc xông hơi bằng tinh dầu, ...

Hi vọng những thông tin trong bài viết trên giúp bạn giải đáp thắc mắc mắc bị f0 uống thuốc gì bị f0 phải làm sao? Hiện tại, số lượng F0 đang tăng cao tại các tỉnh thành sau dịp Tết Nguyên Đán, ngoài việc tự chăm sóc, bảo vệ bản thân tránh khỏi các nguy cơ lây nhiễm thì mỗi người nên thường xuyên cập nhật các thông tin y tế mới nhất về cách chăm sóc, điều trị F0 tại nhà để bảo vệ sức khỏe và hỗ trợ khi cần thiết.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan