F0 tái nhiễm có lây không?

Trên thế giới và Việt Nam đã ghi nhận một số trường hợp tái nhiễm với các chủng virus COVID-19 khác nhau. Tỷ lệ tái nhiễm với chủng Delta là 1%, với chủng Omicron cao hơn. Câu hỏi được nhiều người quan tâm là F0 tái nhiễm có lây không?

1. Vì sao có tình trạng F0 tái nhiễm COVID-19?

Tái nhiễm là trường hợp những người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh nhưng sau đó lại nhiễm lại. Nguyên nhân nằm ở mỗi người có khả năng đáp ứng miễn dịch khác nhau. Một số trường hợp sau khi nhiễm bệnh hoặc sau tiêm vắc-xin có miễn dịch bảo vệ khá lâu. Số khác lại có nồng độ kháng thể bảo vệ sụt giảm nhanh, dẫn tới khả năng tái nhiễm nhanh hơn.

Những trường hợp tái nhiễm COVID-19 thường có diễn biến lâm sàng nhẹ hơn so với người chưa được tiêm và nhiễm bệnh lần đầu. Tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân tái nhiễm COVID-19 nhưng có diễn biến nặng. Đặc biệt, trong trường hợp lần nhiễm sau là do 1 biến chủng virus có đặc tính kháng nguyên khác so với chủng trước thì kháng thể của lần nhiễm trước sẽ có hiệu quả bảo vệ thấp hơn trên chủng sau.

Đã có những trường hợp lần 1 nhiễm biến chủng Delta, lần 2 nhiễm biến chủng Omicron. Cũng có trường hợp bệnh nhân lần trước nhiễm biến chủng Omicron BA.1, sau đó lại tái nhiễm với biến chủng Omicron BA.2.

Những người có nguy cơ tái nhiễm COVID-19 cao là:

  • Người có tình trạng miễn dịch suy giảm, khả năng sinh kháng thể trung hòa thấp;
  • Người có tình trạng phơi nhiễm thường xuyên hơn so với những người áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm tốt.

2. Bệnh nhân F0 tái nhiễm có lây không?

Một trong những câu hỏi được nhiều người quan tâm là F0 lần 2 có lây cho người khác không? Theo các bác sĩ, người bệnh tái nhiễm là 1 lần nhiễm virus mới và phát bệnh bình thường. Do đó, họ vẫn phát tán virus bình thường, vẫn có khả năng lây nhiễm cho người khác nếu không có biện pháp phòng ngừa lây nhiễm hiệu quả.

3. Cách điều trị tái nhiễm COVID-19 như thế nào?

Việc điều trị tái nhiễm COVID-19 hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến cụ thể trên từng bệnh nhân. Với những bệnh nhân có diễn biến nhẹ thì chỉ cần đảm bảo yếu tố vệ sinh cơ thể, điều trị các triệu chứng nếu có. Với những bệnh nhân không may có diễn biến nặng thì sẽ được điều trị tùy theo cơ chế bệnh sinh của mỗi tổn thương, áp dụng các biện pháp hồi sức nếu người bệnh có tình trạng nguy kịch.

Bệnh nhân tái nhiễm COVID-19 có được tiếp tục sử dụng thuốc Molnupiravir không? Theo các bác sĩ, việc tái nhiễm COVID-19 trong vòng 60 ngày là rất hiếm và bệnh nhân có thể sử dụng Molnupiravir trong lần tái nhiễm tiếp theo.

Việc sử dụng thuốc Molnupiravir trong các lần tái nhiễm bệnh cách xa nhau sẽ không gây ảnh hưởng xấu tới cơ thể. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc đủ 5 ngày liên tiếp thì người bệnh nên ngưng dùng thuốc vì lúc này phần lớn virus đều đã được tiêu diệt. Đồng thời, cơ thể lúc này cũng đã tạo ra các kháng thể tiêu diệt lượng virus còn lại.

4. Nên làm gì để không bị tái nhiễm COVID-19?

Ngoài câu hỏi F0 tái nhiễm có lây không, nên làm gì để phòng nguy cơ tái nhiễm COVID-19 cũng là vấn đề được nhiều bệnh nhân quan tâm.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, F0 khỏi bệnh sẽ có kháng thể trong cơ thể để chống lại sự xâm nhập của virus SARS-CoV-2. Lượng kháng thể của mỗi người khác nhau vì nó phụ thuộc vào cơ thể, bệnh nền,...

Tuy nhiên, nếu kháng thể không đủ mạnh, người mới khỏi bệnh lại chủ quan, không tuân thủ các biện pháp phòng lây nhiễm, tiếp xúc với 1 F0 khác mang biến chủng mới,... thì sẽ có nguy cơ tái nhiễm. Do đó, biện pháp quan trọng nhất để phòng ngừa tái nhiễm COVID-19 là mọi người cần tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc 5K, hạn chế đưa tay lên mắt - mũi - miệng, kể cả khi đã khỏi bệnh.

Đồng thời, dù là F0 đã khỏi bệnh thì vẫn nên tiêm vắc-xin phòng ngừa COVID-19 theo liều khuyến cáo của Bộ Y tế. Điều này đảm bảo tăng khả năng bảo vệ sức khỏe và tránh nguy cơ tái nhiễm cho bệnh nhân.

Như vậy, với câu hỏi F0 tái nhiễm có lây không thì đáp án là: Có. Nguyên nhân vì lúc này bệnh nhân được xem là 1 lần phát bệnh mới và vẫn có khả năng phát tán virus bình thường. Do vậy, mỗi người đều cần chú ý tuân thủ các quy định phòng chống lây nhiễm để giảm nguy cơ tái nhiễm COVID-19 xuống mức thấp nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

46 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan