F1 âm tính lần 1 có khả năng lây nhiễm không?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Lương Võ Quang Đăng, Trưởng khoa Khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Covid 19 là một đại dịch toàn cầu và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Khi dịch bùng phát dữ dội, việc xác định người nhiễm, người tiếp xúc gần và xét nghiệm nhanh chóng là rất quan trọng. Theo đó, vấn đề được nhiều người thắc mắc là F1 âm tính lần 1 có khả năng lây nhiễm không?

1. Tổng quan về các xét nghiệm Covid 19

Nhiều người đặt ra câu hỏi test nhanh âm tính có lây không? Trước hết chúng ta cần tìm hiểu về các loại xét nghiệm virus hiện nay. Mẫu bệnh phẩm từ mũi hoặc miệng sau quá trình xét nghiệm sẽ giúp xác định liệu chúng ta có bị nhiễm virus gây bệnh Covid 19 hay không. Các xét nghiệm virus SARS CoV 2 hiện nay có thể thực hiện tại các phòng thí nghiệm, cơ sở xét nghiệm, tại nhà hoặc bất kỳ nơi nào khác và bao gồm 2 loại xét nghiệm chính là khuếch đại axit nucleic (rt PCR) và xét nghiệm kháng nguyên (test nhanh).

Những đối tượng nên thực hiện xét nghiệm virus SARS CoV 2:

  • Người có các triệu chứng, biểu hiện của Covid 19;
  • Những người tiếp xúc gần với người nhiễm SARS CoV 2 để xác định khả năng nhiễm bệnh trong vòng 5 ngày kể từ lần cuối cùng tiếp xúc gần;
  • Những trường hợp chưa tiêm ngừa vắc xin đầy đủ Covid 19 là nhóm ưu tiên thực hiện xét nghiệm sàng lọc mở rộng tại cộng đồng;
  • Các trường hợp không phân biệt tình trạng tiêm chủng mà được cơ quan, trường học, đơn vị làm việc hay cơ sở y tế yêu cầu hoặc giới thiệu đi xét nghiệm.

Bên cạnh đó, một số đối tượng có thể không cần phải thực hiện xét nghiệm, mặc dù đã tiếp xúc với người F0 và không có các triệu chứng của COVID-19:

  • Những bệnh nhân mắc Covid 19 trong vòng 3 tháng qua và đã được công nhận khỏi bệnh với điều kiện là họ không xuất hiện các triệu chứng mới.
âm tính test nhanh
Âm tính test nhanh có thể cần thực hiện thêm xét nghiệm rt PCR để xác định

2. Xét nghiệm âm tính lần 1 có khả năng lây nhiễm không?

Theo các chuyên gia, các trường hợp người tiếp xúc gần (F1) với bệnh nhân đã được xác định nhiễm virus SARS CoV 2 (F0) mà âm tính test nhanh hay xét nghiệm rt PCR sau 14 ngày thì có thể khẳng định không nhiễm bệnh (không trở thành F0). Đồng thời, các trường hợp tiếp xúc với F1 ở thời điểm có xét nghiệm âm tính thì hoàn toàn không có khả năng lây bệnh. Điều này đã giải đáp cho thắc mắc test nhanh âm tính có lây không?

Cụ thể hơn, các trường hợp F1 có tiếp xúc gần với F0, nếu sau 3 ngày thực hiện xét nghiệm (PCR hay test nhanh) cho kết quả âm tính thì những ai tiếp xúc với F1 trong vòng 3 ngày hầu như không có khả năng nhiễm bệnh, chỉ trừ trường hợp khả năng lấy mẫu không đúng.

Cần giải thích thêm, hiệu lực của các loại giấy xét nghiệm Covid 19 âm tính chỉ mang tính chất chứng nhận tạm thời tại thời điểm thực hiện xét nghiệm rằng, người được xét nghiệm cơ bản không nhiễm SARS CoV 2. Bên cạnh đó, kết quả âm tính test nhanh hay PCR còn khẳng định người được xét nghiệm không phải là nguồn bệnh lây sang người khác trước thời điểm lấy mẫu. Nói là cơ bản không nhiễm SARS CoV 2 vì việc xét nghiệm chưa thể phát hiện người nhiễm trong vòng 1-2 ngày đầu, chưa kể đến các trường hợp cố tình làm giả giấy xét nghiệm.

Sau thời điểm lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm mà người dân không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch hiện có thì vẫn có khả năng nhiễm SARS CoV 2 như bình thường và trở thành nguồn lây lan dịch bệnh cho cộng đồng. Do vậy, dù có kết quả xét nghiệm âm tính test nhanh hay PCR, điều quan trọng nhất vẫn là thực hiện nghiêm mọi biện pháp phòng bệnh, trong đó quan trọng nhất là biện pháp 5K.

Đặc biệt, với các hoạt động đi lại, lưu thông đường dài, dù có giấy xét nghiệm âm tính với SARS CoV 2, người dân cần phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K. Trong đó, quan trọng nhất là thường xuyên đeo khẩu trang, không tụ tập đông người và chủ động khai báo y tế. Khi dịch đã lây lan trong cộng đồng như hiện nay thì bất kỳ ai, bất kỳ đối tượng nào đều có thể nhiễm virus Covid 19 và trở thành F0.

3. Cần làm gì khi có xét nghiệm virus dương tính?

Nếu có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS CoV 2, người nhiễm bệnh cần thực hiện các bước sau để bảo vệ người xung quanh bất kể lịch sử tiêm ngừa vắc xin của bản thân:

  • Nếu F0 có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh nặng thì cần liên hệ với nhân viên y tế về các biện pháp theo dõi, điều trị (có thể tại nhà nếu đủ điều kiện). Các biện pháp can thiệp nên được bắt đầu trong vài ngày đầu tiên sau khi xuất hiện các triệu chứng để mang lại hiệu quả tốt nhất;
  • Cách ly trong thời gian ít nhất 5 ngày với F0 có triệu chứng nhẹ. Sau đó chấm dứt cách ly với điều kiện không sốt trong vòng 24 giờ (không dùng thuốc hạ sốt) và các triệu chứng khác thuyên giảm (Có thể tình trạng mất vị giác và khứu giác vẫn còn tồn tại một thời gian sau khi hồi phục và không ảnh hưởng quyết định kết thúc cách ly). Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể sử dụng kết quả xét nghiệm âm tính test nhanh hay PCR để kết thúc cách ly. Tuy nhiên thực tế có rất nhiều trường hợp F0 âm tính nhưng vẫn còn triệu chứng;
  • Các trường hợp F0 hoàn toàn không xuất hiện triệu chứng cần cách ly trong ít nhất 5 ngày. Đồng thời thực hiện nghiêm 5K, luôn đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần với người trong nhà. Sau đó thực hiện theo dõi sức khỏe thêm 5 ngày;
  • Tất cả trường hợp đã có xét nghiệm dương tính với virus đều phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, trong đó quan trọng nhất là đeo khẩu trang.
test nhanh âm tính có lây không
Test nhanh âm tính có lây không là thắc mắc của nhiều bệnh nhân

4. Cần làm gì khi âm tính test nhanh hay PCR?

Nếu trường hợp âm tính test nhanh nhưng có triệu chứng của Covid 19:

  • Kết quả xét nghiệm có thể âm tính giả và nguy cơ mắc Covid 19 vẫn có thể xảy ra. Do đó, các trường hợp này nên nên tự cách ly bản thân với người xung quanh, đặc biệt là người trong gia đình;
  • Liên hệ với nhân viên y tế để thông báo về các triệu chứng của bản thân, đặc biệt khi chúng trở nên nghiệm trọng hơn và đồng thời tìm hiểu về kế hoạch theo dõi, thời gian cách ly và xét nghiệm lại sau đó nếu cần thiết;

Trường hợp là F1 tiếp xúc gần với F0 những không có triệu chứng của Covid 19:

  • Khả năng mắc bệnh vẫn có thể xảy ra;
  • Tiến hành cách ly nếu chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin Covid 19 theo khuyến cáo;
  • Nếu triệu chứng xuất hiện trong thời gian cách ly tại nhà, bạn hãy liên lạc với nhân viên y tế và xác định thời điểm xét nghiệm lại, bên cạnh các biện pháp điều trị (nếu có) và theo dõi.

Như vậy, các trường hợp người tiếp xúc gần (F1) với bệnh nhân đã được xác định nhiễm virus SARS CoV 2 (F0) mà âm tính test nhanh hay xét nghiệm rt PCR sau 14 ngày thì có thể khẳng định không nhiễm bệnh (không trở thành F0). Đồng thời, các trường hợp tiếp xúc với F1 ở thời điểm có xét nghiệm âm tính thì hoàn toàn không có khả năng lây bệnh. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe thì bạn vẫn nên chủ động tuân thủ các biện pháp phòng dịch, không chủ quan, lơ là coi thường dịch bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan