Hậu COVID bị chán ăn kéo dài

Chán ăn hậu COVID là triệu chứng thường gặp ở khá nhiều bệnh nhân. Khi gặp tình trạng này, người bệnh bị thay đổi khứu giác hoặc mất vị giác, giảm cảm giác ngon miệng khi ăn uống, dẫn tới suy dinh dưỡng. Để khắc phục tình trạng này, bệnh nhân cần chú ý một số điều chỉnh trong bữa ăn hằng ngày.

1. Chán ăn hậu COVID - biểu hiện phổ biến

Sau khi khỏi COVID-19, một số người gặp di chứng mệt mỏi, kém ăn, rối loạn nuốt, suy dinh dưỡng. Nhiều bệnh nhân gặp tình trạng ăn không ngon miệng, chán ăn, cần phải can thiệp dinh dưỡng. Nguyên nhân là do trong thời gian điều trị COVID, người bệnh trải qua tình trạng viêm nặng, ăn uống kém hoặc bệnh nhân nằm ICU (cấp cứu điều trị tích cực). Sau khi điều trị khỏi, người bệnh có nguy cơ suy dinh dưỡng, đặc biệt là người cao tuổi, có bệnh nền hoặc phải thở máy nhiều ngày.

Hiện ở Việt Nam chưa có nghiên cứu, khảo sát về tình trạng di chứng sau khi mắc COVID kéo dài. Tuy nhiên, có khá nhiều người bệnh ăn uống kém, cần can thiệp để tránh suy kiệt. Nhóm F0 nhẹ sau khỏi có thể bị thay đổi vị giác, chán ăn hậu COVID. Nhóm F0 nặng từng điều trị ICU có tỷ lệ bị suy kiệt, rối loạn cao hơn.

Nguyên tắc phục hồi cho F0 hậu COVID có nguy cơ suy dinh dưỡng là tiếp tục điều trị, bồi bổ kết hợp với phục hồi chức năng. Bệnh nhân cần theo dõi, utana thủ chế độ ăn khoa học để có thể bình phục hoàn toàn. Đặc biệt, với những người từng bị COVID nặng, từng điều trị ICU thì khi xuất viện cần có kế hoạch dinh dưỡng lâu dài.

2. Chán ăn hậu COVID phải làm sao?

Hậu COVID chán ăn là tình trạng không xa lạ với nhiều người. Vậy chán ăn phải làm sao? Người bệnh cần duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng và sớm hồi phục sức khỏe. Một số lưu ý gồm:

2.1 Cân đối lại bữa ăn

Để tìm lại cảm giác ngon miệng hậu COVID-19, người bệnh nên:

  • Chia ăn từng bữa nhỏ: Hậu COVID, cơ thể bệnh nhân vẫn còn mệt mỏi và chán ăn. Vì vậy, việc ăn quá nhiều trong một bữa có thể khiến người bệnh bị ngán, khó tiêu hóa, buồn nôn,... Do đó, người bệnh nên chia ra thành từng khẩu phần nhỏ, ăn thành nhiều bữa để ăn ngon miệng hơn và cung cấp đầy đủ lượng chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể;
  • Dùng bát lớn hơn: Đựng thức ăn trong bát, đĩa lớn sẽ tạo cảm giác thức ăn trở nên ít đi, tạo cảm giác thoải mái nên bạn không cần phải quá sức xử lý hết thức ăn;
  • Hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ: Ăn các món chiên rán nhiều dầu mỡ dễ khiến bạn cảm thấy ngấy, lan cảm giác chán ăn sang cả các món khác;
  • Thêm gia vị cho món ăn: Để tạo hương vị kích thích cảm giác thèm ăn khi bị chán ăn hậu COVID, bạn có thể thêm một ít quế vào thức uống hoặc vào thức ăn để kích thích tiêu hóa, giúp bạn ăn nhiều hơn;
  • Ăn cùng gia đình: Sau một khoảng thời gian cách ly với mọi người, bạn có thể ăn cùng gia đình để ăn uống ngon miệng hơn, ăn được nhiều hơn;
  • Ăn thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa: Sau điều trị COVID, người bệnh thường mệt mỏi, chán ăn. Do đó, người bệnh nên chọn thực phẩm giàu protein, cung cấp các acid amin thiết yếu, tránh ăn quá no, ưu tiên món ăn chế biến mềm, thái nhỏ, hầm kỹ để dễ tiêu hóa và hấp thu (cháo, súp, canh hầm,...);
  • Thay đổi thực đơn thường xuyên: Bạn nên thay đổi món ăn thường xuyên, tránh đơn điệu để bữa ăn ngon hơn. Nên tăng cường bổ sung thêm sữa và chế phẩm từ sữa vào bữa ăn (2 cốc/ngày) vì sữa có đủ các thành phần dinh dưỡng với tỷ lệ cân đối, dễ tiêu hóa và hấp thu, phù hợp với những người mới khỏi bệnh. Các loại sữa năng lượng cao sẽ giúp cơ thể bệnh nhân mau chóng phục hồi.

2.2 Tăng cường thực phẩm tốt cho sức khỏe

Chán ăn hậu COVID khiến người bệnh kém hấp thu dinh dưỡng, dễ bị suy dinh dưỡng. Do đó, người bệnh nên ưu tiên ăn các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe như:

  • Thực phẩm giàu vitamin C: Vitamin C là chất chống oxy hóa, giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Vì vậy, ngoài chế độ dinh dưỡng cân bằng, vận động và nghỉ ngơi hợp lý, người bệnh nên bổ sung vitamin C tự nhiên từ thực phẩm để giúp xây dựng hàng rào bảo vệ cho cơ thể. Các nguồn thực phẩm giàu vitamin C là trái cây, rau quả (quả ổi, ớt chuông vàng, quýt, cam, kiwi, dâu tây, đu đủ, bông cải xanh,...);
  • Thực phẩm giàu vitamin D: Vitamin D tương tác với các thụ thể ACE2 trong cơ thể, giúp ngăn chặn virus liên kết với chúng, làm giảm các biến chứng liên quan tới COVID-19. Ngoài ra, vitamin D còn hỗ trợ bảo vệ và chữa lành các mô tổn thương (chủ yếu ở phổi). Do vậy, sau khi mắc COVID, người bệnh nên ăn các loại thực phẩm giàu vitamin D như gan cá tuyết, cá trích, cá mòi, cá hồi, cá ngừ, lòng đỏ trứng, nấm, sữa, chế phẩm từ sữa,... để giảm nguy cơ thiếu hụt vitamin D và cải thiện phản ứng miễn dịch;
  • Thực phẩm giàu protein: Protein là một trong những dưỡng chất quan trọng nhất giúp tăng cường cơ bắp và sức đề kháng cơ thể. Protein có thể chữa lành các tế bào chết do coronavirus gây ra. Sau khi mắc COVID, người bệnh cần được cung cấp đầy đủ protein để ngăn ngừa mất cơ, duy trì các chức năng trao đổi chất. Các loại thực phẩm giàu protein nên bổ sung vào chế độ ăn của người bị chán ăn hậu COVID là: Quả hạch, hạt, đậu lăng, chế phẩm từ sữa, thịt gà, cá, trứng, đậu,...;
  • Thực phẩm tự nhiên kháng virus: Có một số loại thực phẩm có đặc tính kháng virus tốt cho người trong giai đoạn phục hồi sức khỏe hậu COVID. Các thảo mộc, gia vị có khả năng chống viêm, chống oxy hóa và kháng virus như gừng khô, tiêu đen, đinh hương, quế,... nên được bổ sung vào chế độ ăn để tăng cường khả năng miễn dịch cho bệnh nhân;
  • Uống đủ nước: Việc uống đủ nước trong và sau khi khỏi COVID là điều quan trọng hàng đầu. Nước hỗ trợ đào thải độc tố qua mồ hôi và nước tiểu. Bạn có thể uống nước lọc, sinh tố hoa quả (nước cam, nước chanh, nước ép bưởi, nước rau má,...) để cung cấp đủ lượng nước và vitamin A, C cần thiết cho cơ thể.

2.3 Hạn chế thực phẩm không tốt cho sức khỏe

Người bị chán ăn hậu COVID nên hạn chế các loại thực phẩm dưới đây:

  • Thực phẩm có nhiều cholesterol: Nội tạng, óc động vật,... Thay vào đó, nên ăn ít nhất 3 bữa cá/tuần, 3 quả trứng/tuần, uống 1 - 2 cốc sữa/ngày;
  • Đồ ăn mặn và thực phẩm có nhiều muối: Giò, chả, đồ hộp, đồ biển, xúc xích, thực phẩm muối chua,...;
  • Thực phẩm, đồ uống kích thích, nước có ga.

Khi bị chán ăn hậu COVID, người bệnh nên tham khảo các cách điều chỉnh chế độ ăn uống như trên. Nếu tình trạng không được cải thiện, bệnh nhân nên đi tái khám sớm để được đánh giá tổng quát thể trạng, từ đó điều trị kịp thời và khỏe mạnh như trước.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan