Hội chứng COVID-19 kéo dài (long COVID-19): Những điều cần biết

Bài viết của Dược sĩ Dương Thu Hương - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Mặc dù phần lớn người đã từng nhiễm COVID-19 sẽ hồi phục sau vài tuần nhưng vẫn có một bộ phận người nhiễm COVID-19 có thể gặp những biến chứng kéo dài nhiều tháng sau khi đã khỏi bệnh. Những người gặp phải tình trạng này được gọi là mắc “hội chứng COVID-19 kéo dài”. Vậy “hội chứng COVID-19 kéo dài” là gì, kéo dài trong bao lâu và có ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh?

1. Định nghĩa về hội chứng covid-19 kéo dài

“Hội chứng COVID-19 kéo dài” được tổ chức Y tế Thế giới WHO định Nghĩa là “Tình trạng xảy ra ở người có tiền sử mắc nhiễm virus SARS-COV2, xuất hiện 3 tháng sau khi khởi phát COVID-19 với các triệu chứng kéo dài ít nhất 2 tháng và không thể giải thích bằng chẩn đoán”. Lưu ý là định nghĩa này có thể khác nhau theo các tổ chức khác nhau. Ví dụ: CDC định nghĩa “hội chứng COVID-19 kéo dài” là những triệu chứng người bệnh gặp phải sau hơn 4 tuần khỏi bệnh. Tất cả những ai mắc COVID-19 đều có thể mắc hội chứng này, kể cả những người không có triệu chứng trong quá trình nhiễm bệnh. Theo ước tính, khoảng 35% số ca bệnh phát triển triệu chứng của Hội chứng COVID-19 kéo dài. Hội chứng có thể biểu hiện thành nhiều triệu chứng khác nhau với thời gian hồi phục khác nhau.

2. Biểu hiện về hội chứng covid-19 kéo dài

Triệu chứng mới hoặc tiếp diễn: Một số người mắc “Hội chứng COVID-19 kéo dài” có thể có những triệu chứng mới hoặc tiếp diễn kéo dài nhiều tháng. Các triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Vấn đề hô hấp: ho, khó thở
  • Vấn đề về tim mạch: đau tức ngực, nhịp nhanh, nhịp nhanh kèm tụt huyết áp tư thế (PoTS – postural orthostatic tachycardia syndrome)
  • Vấn đề về thể lực: mệt mỏi, giảm sức bền khi vận động
  • Vấn đề về trí lực: khó tập trung (brain fog), lú lẫn
  • Vấn đề về thần kinh: cảm giác châm chích, dị cảm, mất vị giác, khứu giác
  • Thay đổi tâm sinh lý: lo lắng, hồi hộp, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ
  • Đau cơ, khớp
  • Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt
  • Rụng tóc

Những người mắc COVID-19 nặng có xu hướng gặp “Hội chứng kéo dài” nhiều hơn. Hội chứng cũng phổ biến hơn ở nữ, đặc biệt là nhóm trong khoảng từ 35-49 tuổi. Nghiên cứu từ Imperial College London cho thấy người mắc “Hội chứng COVID-19 kéo dài” được chia làm 2 nhóm: nhóm nhỏ những người mắc triệu chứng về hô hấp là những người mắc COVID-19 thể nặng và nhóm lớn hơn với các triệu chứng chung như mệt mỏi là những người mắc COVID-19 thể nhẹ hoặc không triệu chứng.

hội chứng covid-19 kéo dài
Hội chứng covid-19 kéo dài làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống

2.1. Tổn thương nhiều hệ cơ quan

Những người mắc COVID-19 nặng có thể chịu ảnh hưởng lên nhiều hệ cơ quan cũng như hệ thống miễn dịch. Các hệ cơ quan này có thể bao gồm: tim, phổi, thận, da, và não bộ. Bên cạnh đó mặc dù hiếm gặp, một số người, đặc biệt là trẻ em, gặp phải hội chứng viêm hệ thống MIS (multisystem inflammatory syndrome). Hiện tại không rõ ảnh hưởng hệ thống sau COVID-19 có dẫn đến tình trạng bệnh mạn tính hay không.

2.2. Hệ quả nặng từ nằm viện kéo dài do COVID-19

Những người mắc COVID-19 có triệu chứng ở phổi có thể bị mệt mỏi nghiêm trọng trong quá trình hồi phục. Một vài di chứng để lại bao gồm: hẹp phế quản do đặt ống kéo dài, suy nhược cơ thể, teo cơ... nằm trong loạt triệu chứng liên quan đến hội chứng sau điều trị tích cực (PICS – post-intensive care syndrome) và rối loạn stress sau sang chấn (PTSD – post-traumatic stress disorder). Những triệu chứng có thể gặp ở những người bệnh nặng nhập viện điều trị tích cực kéo dài và không cụ thể cho COVID-19. Tuy nhiên đây là những triệu chứng xảy ra sau COVID-19 nên vẫn được liệt vào danh sách biểu hiện của “Hội chứng COVID-19” kéo dài.

Hiện tại nguyên nhân gây ra “Hội chứng COVID-19 kéo dài” vẫn cần được làm rõ. Các giả thuyết đưa ra liên quan đến sự phá hủy trực tiếp của virus lên tế bào cơ thể, phản ứng miễn dịch quá mức của cơ thể trong quá trình chống lại xâm nhập và phát triển virus, kèm các yếu tố tâm lý xã hội tiêu cực từ đại dịch: sợ hãi khi bị nhiễm virus, mất việc, mất người thân, mất kết nối với gia đình... Tùy theo mức độ biểu hiện mà hội chứng này có thể kéo dài nhiều tháng, với con số chính xác vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu.

Tổng hợp chung lại, những triệu chứng của “Hội chứng COVID-19 kéo dài” có thể không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Tưởng tượng chúng ta không thể cảm nhận niềm vui từ việc ăn uống nữa bởi mùi vị thức ăn không còn như xưa. Điều này vô hình chung làm phức tạp hóa tâm sinh lý bệnh cảnh của người bệnh.

3. Một vài biện pháp giúp kiểm soát hội chứng Covid 19 kéo dài

Không có một biện pháp điều trị đặc hiệu nào cho “Hội chứng COVID-19 kéo dài”. Về cơ bản theo thời gian, các triệu chứng sẽ tự thoái lui. Tuy nhiên, nếu bạn hay người thân gặp phải “Hội chứng COVID-19 kéo dài” và chịu ảnh hưởng của những triệu chứng hàng ngày, các biện pháp dưới đây có thể được áp dụng để giúp cải thiện triệu chứng:

3.1. Vấn đề hô hấp: ho, khó thở

  • Trị liệu phục hồi chức năng. Tập thở bằng những bài tập đơn giản như hít sâu, thở chậm, tăng dần khi vận động. Tập thiền, yoga có thể giúp người bệnh nâng cao khả năng thở.
  • Với vấn đề về ho kéo dài: tập thở bằng bụng, uống nước ấm, đủ nước để không khô họng gây kích thích.

3.2. Vấn đề tim mạch

Theo dõi các triệu chứng, rà soát huyết áp, nhịp tim thường quy và trao đổi với bác sĩ nếu có vấn đề bất thường

3.3. Vấn đề về thể lực: mệt mỏi, giảm sức bền khi vận động

  • Kiểm soát hoạt động bản thân: lên kế hoạch cho các hoạt động trong ngày và không làm việc quá sức.
  • Chia nhỏ công việc nặng thành nhiều bước, linh hoạt trong hoạt động để hòa hợp làm việc nặng và việc nhẹ. Ngoài ra, người bệnh có thể sử dụng các loại kẹo, thuốc giảm ho thông thường
  • Chia nhỏ thời gian nghỉ ngơi hơn là nghỉ dài hơi
  • Tập luyện nhẹ nhàng với cường độ tập luyện dần dần
  • Ăn uống đầy đủ, cân bằng dinh dưỡng
hội chứng covid-19 kéo dài
Hội chứng covid-19 kéo dài có thể gây ra vấn đề hô hấp như ho, khó thở

3.4. Vấn đề về trí lực: khó tập trung (brain fog), lú lẫn

  • Viết nhật ký, giấy ghi nhớ giúp bạn nhớ tốt hơn
  • Giảm thiểu những việc gây xao nhãng: giảm thời gian lướt web, xem điện thoại... những hoạt động gây mất tập trung
  • Tăng cường đọc sách báo, chơi trò chơi kích thích não bộ

3.5. Vấn đề về thần kinh: cảm giác châm chích, dị cảm, mất vị giác, khứu giác

Tập ngửi mùi, nếm đồ ăn: Bạn nên ngửi 4-6 mùi mỗi ngày, đặc biệt là những mùi bạn còn nhớ. Mỗi lần đưa lên mũi ngửi 10-20 giây, sau đó nhắm mắt để nhớ lại mùi này trước kia thế nào. Sau mỗi mùi, thở ra đều và chuyển sang mùi tiếp theo. Khuyến cáo thực hiện ít nhất 12 tuần hoặc dài hơn. Bài tập tương tự cũng có thể áp dụng để lấy lại vị giác đã mất do mắc COVID-19.

3.6. Thay đổi tâm sinh lý: lo lắng, hồi hộp, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ

  • Giữ kết nối với bạn bè, người thân và gia đình
  • Hoạt động thể chất, thể thao tăng cường sức khỏe
  • Trao đổi với bác sĩ về các biện pháp trị liệu tâm lý và sử dụng thuốc thích hợp.

3.7. Đau cơ, khớp

  • Tăng cường luyện tập những bài tập tăng tính dẻo dai (giãn cơ, yoga, tai chi) hoặc tăng tính bền (leo cầu thang, chống đẩy)
  • Tham khảo ý kiến Bác sĩ/Dược sĩ để sử dụng các loại thuốc giảm đau phù hợp

3.8. Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, rụng tóc

Những triệu chứng này có thể liên quan đến vấn đề sinh lý và sẽ tự hết

Thực tế, khi một người bị nhiễm COVID-19 có thể để lại hệ quả kéo dài nhiều tháng sau khi khỏi bệnh. Mặc dù không trực tiếp gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng các triệu chứng này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nếu mắc phải “Hội chứng COVID-19 kéo dài”, bạn cũng không nên quá lo lắng làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh. Chia sẻ với bác sĩ và chuyên gia y tế để biết thêm cách xử lý và kiểm soát hiệu quả các triệu chứng. Đặc biệt, điều quan trọng, đó là luôn giữ tinh thần lạc quan và niềm tin rằng bệnh sẽ dần hồi phục theo thời gian.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo:

  • WHO. A clinical case definition of post COVID-19 condition by a Delphi consensus, 6 Oct 2021.
  • CDC. COVID-19: Post-COVID conditions: Information for Healthcare providers
  • Heart matters. Long Covid: the symptoms and tips for recovery. Updated 16 December 2021
  • ENT health. Smell retraining therapy

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • Tế bào T trợ giúp và kích hoạt tế bào bạch huyết
    Tế bào T trợ giúp và kích hoạt tế bào bạch huyết

    Tế bào T hỗ trợ ( hoặc tế bào T CD4+) đã được một nhóm các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Colorado tại Mỹ phát hiện vào năm 1966. Đây là những tế bào có vai trò trọng ...

    Đọc thêm
  • cemiplimab - rwlc
    Công dụng thuốc Cemiplimab - rwlc

    Cemiplimab - rwlc là một loại thuốc thuộc loại kháng thể đơn dòng, có tác dụng kích thích hệ thống miễn dịch tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc Cimiplimab là một loại thuốc kê đơn và được chỉ được ...

    Đọc thêm
  • ibritumomab tiuxetan
    Công dụng thuốc Ibritumomab Tiuxetan

    Thuốc Ibritumomab Tiuxetan là một loại thuốc được sử dụng trong điều trị một số bệnh ung thư. Vậy thuốc Ibritumomab Tiuxetan là thuốc gì và cách sử dụng loại thuốc này như thế nào?

    Đọc thêm
  • Seotamex
    Công dụng thuốc Seotamex

    Theo các nghiên cứu trong ống nghiệm và nghiên cứu trên cơ thể sống, Thymomodulin - dẫn chất chứa nhiều loại peptit với phân tử lượng thay đổi từ 1-10, có tác dụng giúp làm trưởng thành các tế bào ...

    Đọc thêm
  • zenapax
    Công dụng thuốc Zenapax

    Thuốc Zenapax thuộc nhóm thuốc chống ung thư và tác động vào hệ thống miễn dịch được chỉ định trong điều trị dự phòng thải ghép cấp tính ở bệnh nhân ghép thận. Vậy công dụng thuốc Zenapax là gì?

    Đọc thêm