Hỏi đáp về COVID-19 với phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh – Phần 1

Bài viết được viết bởi ThS.BS Trần Thị Phương Thúy - Bác sĩ Chuyên khoa Gan Mật, Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Theo CDC Hoa Kỳ, phụ nữ mang thai mắc Covid-19 có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn so với nhóm phụ nữ không mang thai. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong không khác biệt giữa hai nhóm phụ nữ mang thai và không mang thai.

1. Phụ nữ mang thai có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao hơn các đối tượng khác hay không?

Không có bằng chứng nào cho thấy phụ nữ mang thai dễ mắc Covid-19 hơn những người khác.

2. Nhiễm COVID-19 có ảnh hưởng thế nào với phụ nữ mang thai và thai nhi?

Cũng như các đối tượng khác, đa số phụ nữ mang thai nhiễm COVID-19 có biểu hiện lâm sàng ở mức độ nhẹ hoặc trung bình (thể bệnh Viêm đường hô hấp trên hoặc Viêm phổi nhẹ), một số rất ít mắc bệnh thể nặng.

Đối với thai nhi, các nghiên cứu gần đây về COVID-19 cũng như những nghiên cứu trước đây về bệnh SARS-CoV và MERS-CoV cho thấy không có bằng chứng nào chứng minh có mối liên quan giữa những bệnh này và tình trạng sảy thai. Chưa có cơ sở khoa học chỉ ra mối liên quan giữa COVID-19 ở phụ nữ mang thai và tình trạng thai bị nhiễm virus trong tử cung hay thai bị các dị tật bẩm sinh do virus SARS-COV-2. Tuy nhiên, viêm phổi do virus ở phụ nữ mang thai có thể gây tăng nguy cơ sinh non, thai chậm phát triển và tử vong chu sinh.

3. Tình trạng mang thai có ảnh hưởng gì đến điều trị người nhiễm COVID-19 hay không?

Tình trạng mang thai có thể ảnh hưởng đến các quyết định của bác sĩ khi cần chỉ định làm các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh (như chụp X quang phổi, chụp cắt lớp vi tính), hoặc chỉ định các thuốc điều trị có thể bị hạn chế để tránh ảnh hưởng đến thai nhi.

Trong trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm Covid-19, Bộ Y tế Việt Nam quy định: “Thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp X quang và CT Scan ngực như đối với người không mang thai, chú ý sử dụng các phương tiện bảo vệ thai nhi.”

khẩu trang mang thai
Trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm Covid-19 cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của nhân viên y tế

Khách hàng có thể tham khảo thêm:

>>> COVID-19 có lây từ thai phụ sang thai nhi không?

4. Nhân viên y tế khi mang thai có thể chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 hay không?

Các cơ sở y tế nên cân nhắc việc hạn chế tiếp xúc của nhân viên y tế là phụ nữ mang thai đối với các trường hợp đã xác định nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19. Hạn chế phân công họ làm việc trong khu vực khám sàng lọc, khu vực cách ly và điều trị bệnh nhân Covid 19. Đặc biệt là trong trường hợp các thủ thuật mà có nguy cơ cao (ví dụ như khí dung) nếu cơ sở đó có thể sắp xếp được nhân lực khác của bệnh viện thay thế.

Trường hợp bắt buộc phải tiếp xúc với người bệnh có nguy cơ, cần tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn về kiểm soát nhiễm khuẩn và mang đồ phòng hộ đầy đủ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn:

  1. HƯỚNG DẪN TẠM THỜI Dự phòng và xử trí viêm đường hô hấp cấp tính do chủng virus SARS-CoV-2 (COVID-19) ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh.
  2. Cdc.gov

16.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan