Hỏi đáp về COVID-19 với phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh– Phần 2

Bài viết được viết bởi ThS.BS Trần Thị Phương Thúy - Bác sĩ Chuyên khoa Gan Mật, Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Theo CDC Hoa Kỳ, phụ nữ mang thai mắc Covid-19 có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn so với nhóm phụ nữ không mang thai. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong không khác biệt giữa hai nhóm phụ nữ mang thai và không mang thai.

1. Phụ nữ mang thai cần làm gì để phòng tránh bệnh COVID-19?

  • Tuân thủ các hướng dẫn vệ sinh phòng dịch và cách ly của chính quyền và cơ quan y tế địa phương: hạn chế tiếp xúc, tránh nơi đông người, vệ sinh tay, đeo khẩu trang.
  • Trường hợp nghi nhiễm Covid-19 cần được làm xét nghiệm càng sớm càng tốt.
  • Tuân thủ lịch khám thai định kỳ và tiêm vắc-xin theo lịch. Thai phụ nhiễm COVID-19 (kể cả đã khỏi) cần được quản lý thai 2 - 4 tuần/lần nhằm phát hiện sớm những trường hợp thai chậm phát triển trong tử cung.
  • Đề phòng trường hợp có thể bất ngờ bị cách ly, nên dự trữ thuốc bạn cần dùng ít nhất 30 ngày.

2. Trẻ sơ sinh có thể bị lây nhiễm COVID-19 từ mẹ không?

Có. Nhiều trường hợp trẻ sơ sinh được phát hiện nhiễm Covid-19 rất sớm sau sinh. Đường lây truyền được cho là do các giọt bắn đường hô hấp từ người mẹ trong giai đoạn trẻ tiếp xúc với mẹ sau sinh.

Phần lớn trẻ sơ sinh nhiễm Covid-19 không có biểu hiện bệnh hoặc biểu hiện nhẹ (tức là không cần hỗ trợ hô hấp), và tự khỏi.

3. Bệnh COVID-19 có lây qua sữa mẹ hay không?

Không. Tuy nhiên việc vắt sữa mẹ đúng cách và vệ sinh khi vắt sữa, khi cho trẻ bú rất quan trọng vì nếu thực hiện sai có thể làm nhiễm virus vào sữa hoặc bình sữa.

4. Trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm COVID-19 có cần được cách ly với mẹ hay không?

  • Đối với sản phụ nghi nhiễm COVID-19: trẻ sơ sinh khỏe mạnh có thể nằm cùng phòng với mẹ và giường trẻ cần cách xa giường nằm sản phụ tối thiểu 2m. Người mẹ cần được tư vấn và quyết định lựa chọn nuôi con bằng sữa mẹ hay không. Nếu người mẹ lựa chọn cho con bú, cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa để hạn chế lây nhiễm virus cho trẻ: Rửa tay trước khi chăm sóc trẻ, trước khi sử dụng máy hút sữa hoặc dụng cụ cho trẻ ăn; Đeo khẩu trang khi cho trẻ bú; Làm sạch máy hút sữa sau mỗi lần sử dụng ...
  • Đối với sản phụ nhiễm COVID-19: cách ly trẻ sơ sinh và người mẹ theo hướng dẫn cách ly chung của Bộ Y tế. Người mẹ cần được tư vấn và quyết định lựa chọn nuôi con bằng sữa mẹ hay không. Trong thời gian cách ly, bà mẹ lựa chọn nuôi con bằng sữa mẹ cần vắt sữa cho trẻ ăn, hướng dẫn cho bà mẹ cách thực hành các biện pháp dự phòng lây nhiễm trong quá trình vắt sữa. Bà mẹ lựa chọn không nuôi con bằng sữa mẹ có thể sử dụng sữa từ ngân hàng sữa mẹ hoặc bằng sữa công thức.
khẩu trang mang thai
Đối với sản phụ nhiễm COVID-19 sẽ được cách ly theo đúng quy định hiện hành

5. Trẻ sơ sinh sinh ra từ mẹ nghi nhiễm hoặc nhiễm COVID-19 có cần được làm xét nghiệm hay không?

Có. Kỹ thuật xét nghiệm thích hợp là RT-PCR, bệnh phẩm là dịch mũi, họng của trẻ. Xét nghiệm lần đầu nên thực hiện khoảng 24h sau sinh. Xét nghiệm sớm hơn có thể dương tính giả do trẻ hít dịch ối từ mẹ vào mũi miệng, hoặc âm tính giả do lượng virus còn ít ngay sau phơi nhiễm với mẹ.

Nếu xét nghiệm này âm tính, hoặc không thực hiện được, nên lặp lại vào 48 giờ sau sinh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn:

  1. HƯỚNG DẪN TẠM THỜI: Dự phòng và xử trí viêm đường hô hấp cấp tính do chủng virus SARS-CoV-2 (COVID-19) ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Ban hành kèm theo Quyết định số: 1271/QĐ-BYT, ngày 21 tháng 3 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế
  2. Cdc.gov
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

753 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan