Kiến thức cơ bản về COVID-19 mà phụ nữ mang thai nên biết

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Xuân Ninh - Bác sĩ cấp cứu, Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Các chuyên gia vẫn chưa có nghiên cứu chính xác về mối liên quan giữa COVID-19 và thai kỳ. Theo những nghiên cứu cho đến nay thì mang thai không làm tăng nguy cơ bị nhiễm COVID-19 khi so với người không mang thai.

1.Đang mang thai có phải là yếu tố nguy cơ cao bị mắc các triệu chứng nghiêm trọng của COVID-19?

Một nghiên cứu cho thấy những người mang thai nhiễm COVID-19 có thể bị triệu chứng nặng hơn và cần phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) nhưng hầu hết mọi người đều bình phục trước khi sinh con và không cần ở lại bệnh viện. Những người mang thai không có nguy cơ tử vong do COVID-19 cao hơn những người khác ở độ tuổi tương tự.

Khách hàng có thể tham khảo:

>>> Các triệu chứng điển hình cảnh báo nhiễm Coronavirus

2. Tôi nên làm gì nếu có các triệu chứng?

Nếu bạn bị sốt, ho, khó thở hoặc các triệu chứng khác của COVID-19, hãy gọi cho bác sĩ hoặc cơ quan y tế địa phương của bạn. Họ sẽ cho bạn biết bạn phải làm gì và liệu bạn có cần đi khám không. Họ cũng sẽ cho bạn biết bạn có nên xét nghiệm virus gây ra COVID-19 hay không.

3. Nếu tôi đang mang thai và bị bệnh, tôi có thể sẽ truyền virus sang con tôi không?

Các chuyên gia y tế cho rằng em bé có thể bị nhiễm bệnh khi còn trong tử cung nhưng tỷ lệ này rất hiếm. Và khi điều đó xảy ra thì hầu hết trẻ sơ sinh cũng không bị nặng. Bạn có thể lây nhiễm virus cho em bé trong khi sinh hoặc sau khi em bé được sinh ra. Nếu bạn bị COVID-19 khi sinh con, có nhiều cách để giảm nguy cơ này.

4. COVID-19 có thể gây ảnh hưởng gì với thai kỳ không?

Theo những nghiên cứu cho đến nay, đa số những người bị nhiễm COVID-19 khi mang thai sẽ không gặp vấn đề gì nghiêm trọng. Nhưng vấn đề bất lợi có thể xảy ra nếu người mẹ bị COVID 19 nặng.Những người mang thai nhiễm COVID-19 có thể tăng nguy cơ sinh non. Nghĩa là em bé có thể sinh ra trước tuần thứ 37 của thai kỳ. Nguy cơ sinh non xảy ra với tỷ lệ cao hơn ở những người bị bệnh nặng và bị viêm phổi. Sinh non có thể nguy hiểm vì em bé sinh ra quá sớm có thể gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

5. COVID-19 được điều trị như thế nào?

Hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị chuyên biệt cho COVID-19. Hầu hết những người bị bệnh nhẹ sẽ có thể theo dõi ở nhà đến khi khỏi bệnh. Bệnh nhẹ có nghĩa là bạn có thể có các triệu chứng như sốt và ho, nhưng không khó thở. Tuy nhiên, việc bạn theo dõi bệnh tại nhà hay phải theo dõi cách ly tại bệnh viện thì còn tùy thuộc vào chiến lược phòng chống dịch của địa phương bạn. Tại Việt Nam, hiện vẫn buộc cách ly những người bị nhiễm COVID 19 để hạn chế vấn đề lây lan trong cộng đồng.

Những người có các triệu chứng nghiêm trọng hoặc các vấn đề sức khỏe khác có thể cần phải điều trị tại bệnh viện. Nếu bạn điều trị tại bệnh viện, nhân viên y tế cũng sẽ theo dõi sức khỏe của bé.

Hiện các nhà khoa học đang nghiên cứu một số phương pháp điều trị COVID-19. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề xuất các loại thuốc có thể giúp ích cho một số người bị bệnh nặng. Họ cũng có thể khuyên bạn nên tham gia thử nghiệm lâm sàng. Thử nghiệm lâm sàng là một nghiên cứu khoa học thử nghiệm các loại thuốc mới để xem chúng hoạt động tốt như thế nào nhưng một số loại thuốc sẽ không an toàn nếu bạn đang mang thai.

Sốt là một triệu chứng phổ biến của COVID-19. Nếu bạn đang mang thai và bị sốt, hãy hỏi bác sĩ xem bạn phải làm gì? Acetaminophen (hay Paracetamol) có thể được sử dụng để điều trị sốt và thường an toàn khi dùng trong thời kỳ mang thai.

Mang bầu khi uống thuốc điều trị cường có ảnh hưởng thai nhi không?
Mẹ bầu tuyệt đối không nên tự ý sử dụng thuốc trong thai kỳ

6. Có thể phòng ngừa COVID-19 không?

Hiện vẫn chưa có vắc xin phòng COVID-19 nhưng có những điều bạn có thể làm để giảm nguy cơ mắc bệnh. Nói chung, bạn nên thận trọng hơn trong việc rửa tay và tránh tiếp xúc với những người bệnh khi bạn đang mang thai.

Để giúp làm chậm sự lây lan của COVID-19, bạn nên thực hiện những việc sau:

  • Thực hành "giãn cách xã hội". Điều quan trọng nhất là tránh tiếp xúc với những người bị bệnh. Giãn cách xã hội cũng có nghĩa là tránh xa tất cả những người không sống trong gia đình bạn.

Tránh đám đông là một phần quan trọng của việc giãn cách xã hội nhưng ngay cả khi bạn tham gia một cuộc tụ họp nhóm nhỏ thì bạn cũng có thể có rủi ro. Vì vậy, bạn nên ở nhà nhiều nhất có thể. Khi bạn cần ra ngoài, hãy cố gắng ở cách xa người khác ít nhất 2m.

  • Đeo khẩu trang khi ra ngoài. Các chuyên gia y tế khuyên bạn nên làm điều này. Nếu bạn bị bệnh, có hay không có triệu chứng, bạn sẽ ít có khả năng lây nhiễm bệnh cho người khác hơn. Khẩu trang cũng có thể giúp bảo vệ bạn khỏi những người khác có thể bị bệnh, mặc dù các chuyên gia vẫn đang nghiên cứu điều này.

Bạn hoàn toàn có thể dùng vải hoặc khẩu trang tự chế để che miệng và mũi, không nhất thiết phải sử dụng khẩu trang y tế. Trong hoàn cảnh thiếu khẩu trang y tế, các chuyên gia khuyến cáo bạn nên để lại khẩu trang y tế cho nhân viên y tế. Khẩu trang vải hoạt động tốt nếu chúng có nhiều lớp vải. Khi tháo khẩu trang ra, hãy đảm bảo bạn không chạm vào mắt, mũi hoặc miệng và rửa tay sau khi bạn chạm vào mặt nạ. Bạn có thể giặt khẩu trang vải với những đồ giặt khác.

  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước. Điều này đặc biệt quan trọng sau khi ra nơi công cộng hoặc chạm vào các bề mặt mà nhiều người khác cũng chạm vào, như tay nắm cửa hoặc lan can. Nguy cơ bị nhiễm bệnh khi chạm vào những vật dụng này là có nhưng không rõ tỷ lệ chính xác là bao nhiêu, có lẽ cũng không cao lắm. Tuy nhiên, bạn nên rửa tay thường xuyên.

Đảm bảo chà rửa tay với xà phòng trong ít nhất 20 giây, làm sạch cổ tay, móng tay và kẽ ngón tay. Sau đó rửa sạch tay và lau khô bằng khăn giấy mà bạn có thể vứt bỏ. Nếu không có sẵn bồn rửa tay, bạn có thể dùng các dung dịch rửa tay nhanh. Các loại dung dịch rửa tay nhanh phải có ít nhất 60% cồn. Nhưng nếu có thể thì bạn nên rửa tay bằng xà phòng và nước.

  • Tránh chạm vào mặt, đặc biệt là miệng, mũi và mắt.
  • Tránh đi du lịch nếu bạn có thể. Một số chuyên gia khuyến cáo không nên đi du lịch đến hoặc đi từ các khu vực nhất định có nhiều trường hợp nhiễm COVID-19. Nhưng bất kỳ hình thức du lịch nào, đặc biệt nếu bạn dành thời gian ở những nơi đông đúc như sân bay, đều làm tăng rủi ro. Càng có nhiều người đi du lịch thì sẽ càng làm tăng khả năng virus lây lan đến nhiều nơi trên thế giới hơn.

Nếu bạn cần đi đến 1 vùng khác hay 1 đất nước khác, hãy nhớ kiểm tra xem có quy định nào về COVID-19 trong khu vực bạn đến hay không. Một số nơi họ sẽ bắt buộc bạn phải cách ly trong 14 ngày nếu bạn đến từ vùng có dịch tễ nhiễm COVID 19. Các quy tắc này nhằm giúp ngăn ngừa các trường hợp COVID-19 mới.

7. Lịch khám thai định kỳ của bạn có phải thay đổi không?

Bác sĩ của bạn sẽ làm việc với bạn để lập kế hoạch cho những lần tái khám trong thai kỳ. Nếu bạn sống trong một khu vực mà COVID-19 đang lây lan nhanh chóng, có thể sẽ có một số thay đổi. Ví dụ:

  • Chồng của bạn có thể sẽ không thể đi vào khám cùng với bạn
  • Bạn nên đeo khẩu trang y tế trong các lần tái khám
  • Bác sĩ có thể sẽ cho bạn làm cùng lúc một số xét nghiệm để không cần phải đi tái khám thường xuyên
  • Bác sĩ có thể đề nghị bạn khám bằng gọi điện, gọi trực tuyến thay vì bạn phải đến phòng khám

Những thay đổi này có thể khiến bạn cảm thấy căng thẳng. Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng mục tiêu của những thay đổi này là nhằm giúp bảo vệ bạn và những người khác.

8. Cuộc chuyển dạ của tôi sẽ như thế nào khi nơi tôi ở đang có dịch COVID-19?

Bạn sẽ được kiểm tra sốt và các triệu chứng khác của COVID-19 khi bạn đến bệnh viện. Bác sĩ cũng có thể sẽ yêu cầu làm xét nghiệm kiểm tra virus. Bạn nên mang khẩu trang che mũi và miệng trước khi đến bệnh viện, ngay cả khi cảm thấy mình hoàn toàn khỏe mạnh. Thậm chí, bạn cũng có thể đeo khẩu trang khi chuyển dạ.Nếu bạn bị COVID-19 khi bạn chuyển dạ, các bác sĩ và y tá sẽ thực hiện các bước để bảo vệ những người xung quanh bạn. Ví dụ, bạn sẽ cần đeo khẩu trang y tế nếu có thể. Bạn vẫn có thể sinh ngả âm đạo như thông thường. Bạn không nhất thiết phải đẻ mổ chỉ vì mắc COVID-19.Sau sinh, bác sĩ có thể đề nghị bạn phải cách ly với em bé cho đến khi bạn khỏi bệnh. Điều này sẽ phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, con bạn đã được xét nghiệm virus hay chưa và một số yếu tố khác. Nếu bạn bế con, bạn cần phải đeo khẩu trang cũng như thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh cho em bé. Những điều này có thể gây khó khăn cho bạn và em bé nhưng chúng rất quan trọng để bảo vệ con của bạn.

Thế nào là chuyển dạ kéo dài?
Khi chuyển dạ, y bác sĩ sẽ xem xét và lựa chọn phương án an toàn nhất cho cả mẹ và bé

9. Nếu vợ chồng chúng tôi đều khỏe mạnh thì chồng tôi có thể ở bên tôi trong lúc tôi chuyển dạ không?

Ở những khu vực mà COVID-19 đang lây lan nhanh chóng, bệnh viện sẽ có quy định về những người có thể ở trong phòng khi chuyển dạ. Bác sĩ hoặc nữ hộ sinh của bạn sẽ giải thích cho bạn.

Chồng của bạn sẽ không được phép ở đó nếu anh ấy có các triệu chứng của COVID-19, có kết quả xét nghiệm dương tính với virus hoặc có thể đã tiếp xúc với người mắc bệnh này. Nếu chồng của bạn không thể ở bên bạn, thường có cách để họ hỗ trợ bạn qua điện thoại hoặc qua video. Tuy nhiên, điều này còn tùy thuộc vào quy định của từng bệnh viện

Một số người thắc mắc liệu sinh tại nhà thay vì ở bệnh viện sẽ an toàn hơn. Nếu bạn thắc mắc về điều này, hãy nói chuyện với bác sĩ hay nữ hộ sinh của bạn. Tuy nhiên, sinh con tại nhà sẽ có những rủi ro khác.

10. Nếu tôi muốn cho con bú thì sao?

Nuôi con bằng sữa mẹ mang lại nhiều lợi ích cho cả mẹ và con. Hiện các nghiên cứu vẫn chưa trả lời được câu hỏi liệu virus gây ra COVID-19 có thể truyền sang em bé qua sữa mẹ hay không.Nếu bạn bị COVID 19, bạn nên nhờ người khác cho con bạn bú nếu có thể. Nếu điều đó là không thể, điều quan trọng là phải hết sức cẩn thận khi cho con bú hoặc bế con, cho dù bạn có cho con bú hay không. Mặc dù các chuyên gia không biết liệu virus có thể lây lan qua sữa mẹ hay không nhưng bạn có thể truyền nó cho con mình khi tiếp xúc gần gũi. Bạn có thể bảo vệ trẻ bằng cách rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang trong khi cho trẻ bú.Bạn có thể chọn cách hút sữa mẹ cho con mình. Hãy rửa tay cẩn thận trước khi bơm và đeo khẩu trang trong khi bơm. Nếu có thể, hãy nhờ một người khỏe mạnh vệ sinh máy bơm của bạn kỹ lưỡng giữa các lần sử dụng.

11. Tôi nên làm gì khi tôi thấy lo lắng và căng thẳng về COVID 19?

Cảm thấy lo lắng hoặc căng thẳng về COVID-19 là điều bình thường. Nếu bạn đang mang thai, bạn sẽ cảm thấy buồn khi phải hủy bỏ các buổi ăn mừng và xa người thân, bạn bè. Tuy nhiên, bạn có thể giảm mức độ lo lắng và căng thẳng bằng cách:

  • Tạm dừng đọc, nghe tin tức
  • Tập thể dục thường xuyên và ăn uống lành mạnh
  • Cố gắng tìm những công việc bạn thích mà có thể làm ở nhà
  • Giữ liên lạc với bạn bè và thành viên gia đình của bạn qua điện thoại, gọi trực tuyến

Bạn cũng nên nhớ rằng bằng cách thực hiện những việc như ở nhà, đeo khẩu trang và tránh tham gia các nhóm đông người nghĩa là bạn đang giúp bảo vệ những người khác trong cộng đồng của mình.Để có 1 thai kỳ khỏe mạnh và sinh con an toàn trong mùa dịch COVID-19, người mẹ trước khi mang thai cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ cũng như khám sức khỏe định kỳ để đảm bảo cơ thể đã sẵn sàng bước vào hành trình thai kỳ 9 tháng 10 ngày. Trong quá trình mang thai, người mẹ luôn cần theo dõi sức khỏe của mình và thai nhi qua việc khám thai đầy đủ và có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt điều độ. Khi có bất kỳ dấu hiệu biến chứng nào xảy ra, sản phụ cần được đưa đến bệnh viện để được kiểm tra và điều trị sớm để giảm thiểu hậu quả không đáng có.

khẩu trang mang thai
Mẹ bầu không nên quá lo lắng và căng thẳng về COVID 19

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại. Bệnh viện cung cấp dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp, không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo:

Uptodate - Patient education: Coronavirus disease 2019 (COVID-19) and pregnancy (The Basics)

1.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan