Nhận biết dấu hiệu phản vệ khi tiêm vắc xin COVID-19

Cũng như mọi loại vắc xin khác, vắc xin COVID-19 sau khi tiêm có thể gây các phản ứng tại chỗ (đau chỗ tiêm, sưng tấy và ngứa đỏ...) hoặc các biểu hiện dị ứng toàn thân. Phản vệ là dị ứng nhanh có thể gặp sau tiêm vắc xin COVID-19 tuy nhiên khá hiếm gặp.

Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thị Mai - Bác sĩ Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City

1. Làm thế nào để nhận biết các dấu hiệu phản vệ sau khi tiêm vắc xin COVID-19?

Bác sĩ Vũ Thị Mai cho biết, theo thông tư 51 của Bộ Y tế về phòng - xử trí phản vệ và tài liệu Cập nhật về phản vệ của Hội Dị ứng thế giới (WAO), thì phản vệ là phản ứng dị ứng cấp tính, xuất hiện sau vài giây, vài phút hoặc vài giờ sau khi tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng, trong trường hợp này là thành phần của vắc xin COVID-19.

Các triệu chứng phản vệ không nhất thiết xuất hiện tại tất cả cơ quan trong cơ thể, mức độ cũng có thể thay đổi rất nhanh chóng. Dấu hiệu gồm:

  • Da, niêm mạc nổi ban mẩn đỏ ngứa, còn gọi là ban mày đay, có cảm giác tê môi, phù nề môi, lưỡi, mí mắt, cảm giác nghẹn, khó nuốt
  • Đường thở hoặc hệ hô hấp có cảm giác khó thở, nghẹn họng, khàn tiếng, nói khó, tức nặng ngực, thở rít, khò khè
  • Tăng hoặc giảm huyết áp đột ngột so với bình thường
  • Có dấu hiệu ở hệ tiêu hóa như bị đau quặn bụng, nôn hoặc buồn nôn, đi ngoài phân lỏng
  • Có thể bị choáng, ngất hoặc ngừng tim, ngừng thở (ngừng tuần hoàn).

Nếu một trong các biểu hiện này xuất hiện nhanh chóng sau tiêm, cần thông báo ngay cho nhân viên y tế để được cứu chữa kịp thời.

Các triệu chứng phản vệ không nhất thiết xuất hiện tại tất cả cơ quan trong cơ thể, mức độ cũng có thể thay đổi rất nhanh chóng
Các triệu chứng phản vệ không nhất thiết xuất hiện tại tất cả cơ quan trong cơ thể, mức độ cũng có thể thay đổi rất nhanh chóng

2. Dị ứng thành phần vắc xin COVID-19

Tỷ lệ dị ứng chung với vắc xin rất hiếm, chỉ từ một vài người trên 1 triệu mũi tiêm. Những người này chủ yếu mẫn cảm đối với các thành phần tá dược của vắc xin.

Các nhà khoa học nhận thấy dị ứng chủ yếu xảy ra với thành phần Polysorbate 80 có trong vắc xin của AstraZeneca và PEG có trong vắc xin của Pfizer. Một người có thể dị ứng Polysorbate 80 hoặc PEG khi có biểu hiện dị ứng lặp lại với hơn hai loại thuốc hoặc sản phẩm. Hoặc chỉ dị ứng với một vài dạng, đường dùng của cùng một loại hoạt chất.

Theo Hướng dẫn tạm thời Khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin phòng COVID-19, ban hành ngày 10/8/2021 của Bộ Y tế, đối tượng CHỐNG CHỈ ĐỊNH TIÊM COVID-19 là những người:

  • Có tiền sử rõ ràng phản vệ với vắc xin phòng Covid-19 cùng loại (lần trước)
  • Có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất
  • Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác cũng là một trong những đối tượng cần thận trọng khi tiêm chủng COVID-19.

Hiện nay quy trình tiêm chủng vắc xin COVID-19 ở nước ta được triển khai cấp độ an toàn mức cao nhất, tiến bộ và khắt khe. Các cơ sở tiêm chủng vắc xin COVID-19 tại Việt Nam đều được đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực. Thực hiện nghiêm túc công tác khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Người tiêm vắc xin phải ở lại ít nhất 30 phút tại điểm tiêm chủng để theo dõi các phản ứng sau tiêm, vì đây là khoảng thời gian có thể xuất hiện các phản ứng sau tiêm vắc xin. Trong trường hợp đã về nhà, người tiêm chủng sẽ được hướng dẫn theo dõi các phản ứng tại nhà từ 24-48 giờ.

Trong trường hợp nếu có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần thông báo ngay cho nhân viên y tế, bác sĩ để có hướng can thiệp kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan